Hôm nay,  

Tạp chí Ngôn Ngữ ra mắt sách: Nguyễn Thị Khánh Minh, Bằng hữu & Văn chương

24/03/202515:51:00(Xem: 3946)

Hình sinh hoạt chính
Sinh hoạt ra mắt sách tại Coffee Factory, Westminster, chiều 22 tháng 3, 2025. Từ trái, từ trên, hàng 1: Nxb Lê Hân, nhà thơ Khánh Minh, nhà báo Đinh Quang Anh Thái. Hàng 2: nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, Bánh Chúc Mừng RMS, nhà báo Phan Tấn Hải. Hàng 3:  nhà thơ Tô Đăng Khoa, giáo sư Trần Huy Bích và Khánh Minh, nhà thơ Thành Tôn. Photos: Michael My, và Phan Tấn Hải.

 

WESTMINSTER (VB) -- Hôm Thứ Bảy 22/3/2025 là một buổi ra mắt sách đầy những kỷ niệm. Sẽ có rất nhiều người không quên được. Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã có một buổi ra mắt sách đầy những kỷ niệm đáng nhớ. Không hề giống như buổi ra mắt tập thơ “Tháng năm là mộng đang đi” năm 2023 tại Creamery Pop ở Westminster. Cũng không hề giống như buổi ra mắt tập thơ “Đêm” năm 2021 tại  quán Café N Te ở Fountain Valley.

Buổi ra mắt tuyển tập "Nguyễn Thị Khánh Minh, Bằng hữu & Văn chương – Tạp chí Ngôn Ngữ ấn bản đặc biệt" cho thấy sự đóng góp, quý trọng của nhiều nhà văn, nhà thơ đối với nhà thơ nữ này. Độ dày sách này là 544 trang, dày gấp nhiều lần các thi tập trước kia của nhà thơ nữ này. Nơi đây cũng lưu giữ những ký họa, tranh bìa, thủ bút, thơ tặng, bình luận từ hơn 40 văn nghệ sĩ cho Nguyễn Thị Khánh Minh, trong đó có các tên tuổi lớn như Thầy Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Đinh Cường, Đinh Trường Chinh, Trịnh Cung, Trương Đình Uyên, Lê Thánh Thư, Đỗ Hồng Ngọc, và nhiều người khác.  

Điều bất ngờ là vắng mặt Trưởng Ban Tổ Chức: nhà văn Nguyễn Thị Thanh Lương, khi vừa rời nhà, dự kiến đón nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh thì gặp tai nạn xe, phải làm việc với cảnh sát và bảo hiểm. Tin cuối cùng cho biết, chị bình yên, chỉ là mất thì giờ, điền đủ thứ thủ tục tai nạn. Một bất ngờ khác: nhà thơ Vũ Hoàng Thư, một người dự kiến sẽ phát biểu trong buổi ra mắt sách, lâm bệnh, không thể rời nhà.

CaptureNgười MC là Đinh Quang Anh Thái giới thiệu người nói chuyện đầu tiên là anh Lê Hân, đại diện Tạp chí Ngôn Ngữ. Tạp chí Ngôn Ngữ hiện đã lưu hành ấn bản "Tạp Chí Ngôn Ngữ Số Đặc Biệt - Nguyễn Thị Khánh Minh, Bằng Hữu & Văn Chương" trên Amazon, với link sau:
https://www.amzn.com/B0DRF13WVQ

Nơi link trên của sách ghi lời nhà thơ Luân Hoán, giới thiệu, trích: "Chân dung văn học của nữ sĩ không xa lạ, không bất ngờ với bạn văn, bạn đọc. Với đời thường, chị được sinh ra năm 1951 trên vùng đất "nghìn năm văn vật" Hà Nội, sau đó được trưởng thành tại một thủ đô có nền văn minh tiến bộ nhất Việt Nam: Sài Gòn. Chưa hết, chị tiếp tục hấp thụ những tinh hoa tại một vùng đất cực kỳ tự do, giàu màu sắc văn minh, từng được gọi "thủ đô người tị nạn" hồn vía của VNCH nối dài. Trong những vùng địa linh kể trên, Nguyễn Thị Khánh Minh khởi hành văn nghiệp khá sớm (so với tuổi đời) từ năm 1966, và chỉ trong một thời gian ngắn, nữ sĩ đã gầy dựng cho mình môt gia tài văn học có giá trị vững mạnh. Cụ thể 15 đầu sách gồm các thể loại thơ, văn, nhận định, giới thiệu, biên khảo cả đến soạn tự điển..."

Anh Lê Hân nói rằng dự kiến tuyển tập thứ nhì trong lĩnh vực thi ca nữ sẽ là nhà thơ Đặng Thơ Thơ, một trong những người sáng lập Tạp chí Da Màu. Lê Hân cũng cảm ơn sự giúp đỡ trình bày từ Lê Giang Trần và Trần Triết.
 
Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh lên tiếng tiếp theo, nói lời cảm ơn  tất cả các bạn văn đã giúp hình thành tuyển tập, và đã tới tham dự buổi ra mắt sách. Chị nói về lý do nhà văn Nguyễn Thị Thanh Lương bị xe đụng, không tới được, và nhà thơ Vũ Hoàng Thư lâm bệnh.

Người nói chuyện tiếp theo là nhà báo Phan Tấn Hải. Anh kể rằng lần đầu gặp Nguyễn Thị Khánh Minh là qua nhà thơ quá cố Nguyễn Lương Vỵ. Anh nói rằng anh bất ngờ, vì làm báo nhiều năm mà chưa có cơ duyên đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Nhà báo PTH phát biểu:

"Tôi xin phép cảm ơn một người vắng mặt nơi đây: nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, người đã từ trần năm 2021, là người giới thiệu, cho tôi gặp một nhà thơ mới tới Quận Cam. Khi một nhà báo như tôi gặp, hay nói về một nhà thơ, thường là phải có tính cách thời sự. Nhưng với các nhà thơ như Nguyễn Lương Vỵ hay Nguyễn Thị Khánh Minh, chữ của họ đã vượt ra ngoài chuyện thời sự...

Trong tuyển tập quý bạn đang có trước mặt, "Nguyễn Thị Khánh Minh: Bằng Hữu & Văn Chương" có những dòng thơ bền vững hơn một đời người, sẽ còn được nhớ tới nhiều thế hệ sau, nếu người ta còn học về chữ Việt. Chuyện thời sự, 24 giờ sau là chúng ta quên đi. Nhưng thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh là cái gì hôm nay bạn đọc, và bất chợt tuần sau sẽ nhớ lại, và có thể cả năm sau vân còn chưa quên. Tôi xin phép đọc trích đoạn nhận định tôi đã từng viết về thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Trích:

'...Đọc thơ cô, tôi thường đọc đi, đọc lại, đọc lặng lẽ. Tất cả mọi cử động cần thiết đều cẩn trọng hơn, nhẹ nhàng hơn. Ngay cả khi nhấc ly cả phê để uống một chút, hay khi lật ngược vài trang để đọc lại vì chợt nhớ ra gì đó. Tôi sợ là, những cử động thiếu dịu dàng sẽ làm rơi mất chữ trong thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh. Hãy để cho cuộc đời này toàn vẹn, tôi nghĩ thế, mỗi khi nhìn các dòng thơ của cô...

Có một không gian quê nhà rất mực thơ trong thơ Nguyễn Thị Khánh Minh: thành phố biển Nha Trang của những ngày mới lớn. Trong bài Mầu Đỏ Trong Nhớ, nhà thơ ghi lại ký ức về thời niên thiếu ở Nha Trang, một thời rất là xa xưa, nơi tất cả những gì trong trí nhớ cô đều đã trở thành thi ca, trích:

… Tôi nhớ mầu đỏ của giàn hoa giấy rực mùi biển Nha Trang nơi căn nhà của bố mẹ che mát một khoảng thềm có cô bé ngồi chơi thẻ một mình, có nắng đổ lốm đốm như một tấm vải hoa nhấp nhô sóng nắng và cô mặc áo nắng hoa ấy đi dự hội quên về… một ngày biển thơm như mộng, nụ hôn thơm mầu hoa giấy đỏ bay bay hoài trong nhớ…

(Tôi xin tạm ngưng một khoẳnh khắc để nói rằng quê mẹ tôi là Nha Trang, và tôi có vài kỷ niệm với nơi này, nhưng không phải đọc theo các kỷ niệm đó về thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Xin trở lại về thơ của cô.)

Làm thế nào thơ Nguyễn Thị Khánh Minh lại hay như thế nhỉ? Nơi bài thơ này, các hình ảnh đã trôi rất xa từ trí nhớ đã trở về kịp để nhà thơ ghi thành chữ. Nơi đây, có gió Nha Trang ươm hương muối, có đường đỏ trên sóng, có nắng lốm đốm trên sân, nơi cô bé ngồi chơi thẻ, nơi biển thơm như mộng và nơi thành phố biển bay hoài trong nhớ.

Xin nói lời chân thật rằng, tự thơ Nguyễn Thị Khánh Minh không còn là những gì trừu tượng để phải suy nghĩ, lý luận. Thơ cô đã bước ra ngoài trang giấy, để trở thành một phần của cõi này. Thơ cô không còn là chữ, vì nhiều dòng chữ đã hóa thành hương nắng vương tóc và những chiếc cầu xưa quá bước. Thơ cô không phải là nhạc, nhưng nhiều dòng chữ đã hóa thành gió biển rì rào trên từng trang giấy. Với lòng trân trọng, tôi đã từng ngồi rất mực tịch lặng để đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Rất tịch lặng, tôi đã đọc.

Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh là những dòng chữ, có khi tôi đọc tới, rồi bất chợt đứng bật dậy, trân trọng đọc đi, đọc lại từng chữ, từng dòng. Đó là những dòng thơ, từng chữ một, khi được đọc tới đã hiện ra như một thiếu nữ bước rời khỏi trang sách để len vào đời thường, và rồi các chữ còn lại trên giấy đã tự trở thành những ẩn ngữ thơ mộng. Nơi đó, thực với mộng không hề cách biệt. Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe..."

KhanhMinhRMSach (48 of 121) (1)
Nguyễn Đức Cường và quan khách buổi ra mắt sách. Photo: Michael My.
Người nói chuyện tiếp theo là nhà thơ Nguyễn Đức Cường. Anh kể rằng anh biết 2 bài thơ thất lạc của Nguyễn Thị Khánh Minh. Một bài thơ ngắn chị làm từ thời rất nhỏ, có hình ảnh con chuồn chuồn và 1.000 giấc mơ, và vì tuổi nhà thơ còn rất nhỏ, nên ba mẹ chỉ cùng đồng ý rằng phấi giấu bài thơ 4 câu đó để cô bé sau này tập trung đi học, không để bận tâm chuyện thi ca đó. Chỉ tới khi nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh lớn hơn một chút, mới được ba mẹ tiết lộ chuyện bài thơ cô bé để quên trên bàn của thân phụ.

Nguyễn Đức Cường kể về bài thơ thất lạc thứ nhì là khi anh làm báo Xuân cho đặc san trung học, thì cô nữ sinh Nguyễn Thị Khánh Minh gửi một bài thơ tới. Anh cho biết sẽ ghi lại cả hai bài thơ trong cuốn sách kế tiếp của nữ thi sĩ này. Anh Nguyễn Đình Cường sau đó hát một ca khúc mà anh phổ nhạc từ thơ NTKM, với phần hòa âm của nhạc sĩ Quốc Dũng.

Người nói chuyện kế tiếp là nghệ sĩ Nguyễn Giao. Ông nói rằng khi đọc tập thơ "Đêm" của Nguyễn Thị Khánh Minh, ông chợt nhớ lời một nhà phê bình rằng nhà thơ là người giải mã các giấc mơ, và từ bản đồ Google trong thời 3 năm đại dịch, ông làm một kiến trúc bản đồ Việt Nam dài 88 feet (27 mét) nơi sân nhà và ông dùng những dòng trong một bài thơ của cô để đặt trên cho các vị trí trên kiến trúc bản đồ VN đó. Ông Nguyễn Giao mang theo hai tấm ảnh chụp, đóng khung cho thấy mô hình đó. Và MC Đinh Quang Anh Thái nói rằng thế thì tặng nhà thơ NTKM là hợp lý.

Tiếp theo, nhà thơ Trịnh Y Thư phát biểu, nói rằng anh lần đầu quen Nguyễn Thị Khánh Minh là qua nhà thơ quá cố Nguyễn Lương Vỵ. Lúc đó, Nguyễn Lương Vỵ nói rằng cô Nguyễn Thị Khánh Minh còn có nghề trình bày sách. Thế rồi Trịnh Y Thư đưa một bản thảo, nhờ cô dàn trang. Vậy mà chờ một tháng, rồi hai tháng, ba tháng vẫn không nghe thấy gì. Khi liên lạc được, Nguyễn Thị Khánh Minh mới nói rằng cô thực sự vừa trình bày sách vừa học. Khi bế tắc, là cô đi tìm 2 sư phụ để học tiếp cách dàn trang. Từ đó, hai nhà thơ này trở thành đôi bạn thân thiết. Trịnh Y Thư nói rằng NTKM là một người dễ mến, tính tình nhu mì, thậm chí hơi nhút nhát, mẫn cảm, dễ mủi lòng. Sau phần phát biểu chính thức, trong lúc mọi người cắt bánh và hàn huyên, anh Trịnh Y Thư lấy đàn ra đàn những bản cổ điển cho mọi người vừa ăn bánh vừa nghe nhạc. Nguyễn Thị Khánh Minh bèn đứng ra nói với mọi người rằng anh TYT bị một lời nguyền nên 15 năm nay anh không đụng tới đàn, nhưng hôm nay có KM ra tay dẹp lời nguyền nên anh mới đàn được.

KhanhMinhRMSach (105 of 121)
Nhà thơ Khánh Minh nói về tiếng đàn Trịnh Y Thư. Photo: Michael My.
 
Tiếp theo MC Đinh Quang Anh Thái đọc một bài thơ của NTKM. Một người đóng góp tiếp theo là nhà thơ Nguyên Khuê, em ruột của Nguyễn Thị Khánh Minh, trình bày ca khúc do anh phổ nhạc bài thơ Mẹ Đến Chơi Nhà của người chị. Hóa ra, gia đình nhà thơ nhiều người tài năng quá.

Có hai chiếc bánh đặc biệt trong dịp mừng nhà thơ ra mắt sách. Bánh thứ nhất do nhà văn Ngô Thế Vinh và nhà thơ Trần Thị Nguyệt Mai đề tặng Nguyễn Thị Khánh Minh. Chiếc bánh thứ nhì là do vợ chồng Tô Đăng Khoa tặng.

Lại quốc dũng
Nhạc sĩ Lại Tôn Dũng trong
chương trình văn nghệ.
Photo: Michael My.

Người ta thấy trong buổi ra mắt sách, ngoài những người đã ghi tên ở trên, còn có mặt các văn nghệ sĩ như Phạm Tín An Ninh, Trần Huy Bích, Phan Chánh Khánh, Nguyễn Đình Thuần, Tràm Cà Mau, Ngự Thuyết, Trúc Chi, Lại Tôn Dũng, Lê Lạc Giao, Lê Giang Trần, Tô Đăng Khoa, Hòa Bình, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Hoàng Nam, Đặng Thơ Thơ, Pauline Đàm, Đặng Phú Phong, và nhiều thân hữu văn nghệ.

Những người ở lại đến giờ phút chót còn được thưởng thức tiếng hát bắt hồn của Lại Tôn Dũng với những tác phẩm do chính anh sáng tác trong không khí thân mật ấm cúng, cùng với lời chia xẻ thân tình bất chợt của nhà thơ Tô Đăng Khoa về nhà thơ-hồn thơ Khánh Minh,  để khách ra về trong lòng còn vương vấn ánh mắt, nụ cười và tình thân quý dành dành cho nàng thơ của một buổi chiều thứ Bảy nhiều kỷ niệm.
(vb)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thương nhớ. Cảm động. Ngậm Ngùi. Và ước mơ một ngày quê nhà sẽ có dân chủ, khi đó Sài Gòn sẽ được hồi phục tên cũ. Đêm nhạc Trần Chí Phúc với chủ đề Sài Gòn Một Thoáng 50 Năm vào chiều Thứ Bảy 19/4/2025 đã chạm rất ngọt ngào và cay đắng vào trái tim của những người con Sài Gòn.
“Năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, là cột mốc 50 năm kể từ ngày những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ. Nửa thế kỷ kiên cường, dựng xây và tái định nghĩa thế nào là người Mỹ gốc Việt. Trong suốt hành trình đó, nghệ thuật kể chuyện đã đóng một vai trò thiết yếu—lưu giữ lịch sử, mở rộng tương lai, và thắt chặt cộng đồng. Chính vì thế, chúng tôi vô cùng tự hào được mang đến cho quý vị VietBook Fest năm nay—không chỉ một lễ hội sách, mà một không gian để kết nối, đối thoại và tôn vinh Bản Sắc Người Việt 50 Năm.”
Ngày Thứ Bảy 29 tháng 3 năm 2025 tại Citadel Art Gallery, một buổi Ra Mắt Thơ kèm thêm Triển Lãm đã được tổ chức rầm rộ và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khách thưởng ngoạn. Buổi hội ngộ văn học, nghệ thuật hy hữu này có sự góp mặt của nhiều tác giả với nhiều hình thái nghệ thuật như hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, văn, thơ, sách, và âm nhạc. Gần 200 quan khách hiện diện đã làm bầu không khí nghệ thuật bừng sáng.
Sự ra đi lặng lẽ của họa sĩ Nguyễn Đồng là một một dư vang trầm mặc trong ký ức nghệ thuật Miền Nam – một miền nghệ thuật từng sống động, tự do, nơi mà hội họa được đặt ngang hàng với văn học, triết học, và cả chính trị. Ông không những là một trong những họa sĩ tiêu biểu của thời Đệ Nhị Cộng Hòa, mà còn là nhân chứng của một nền văn hóa từng rực rỡ trước khi bị chôn vùi dưới lớp bụi chiến tranh và chính trị hóa nghệ thuật.
Họa sĩ Hồ Thành Đức sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn, sáng lập viên của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1968-1975), Giáo sư hội họa Viện Đại Học Vạn Hạnh (1969-1975), Khoa trưởng ngành Họa Thực Tiễn tại Đại Học Phương Nam (1974-1975). Ông đã có rất nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Tranh của ông cũng có mặt tại nhiều viện bảo tàng danh tiếng trên thế giới trong đó phải kể đến Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Smithsonian tại thủ đô Washington. Tranh của ông được đánh giá cao bởi nhiều cây bút phê bình hội họa trong và ngoài nước..
“Để có thể nối kết đồng cảm ý nghĩa và tình tự của một ca khúc với người nghe, người hát cần hiểu ca từ sâu sắc và rung động với tâm tình trong lời và nhạc.”
Một lần tôi bất chợt nghe Khánh Ly hát: Ta không thấy em từ bấy lâu nay, mùa mưa làm rừng đước dâng đầy/trên cao gió hát mây như tóc/tràm đứng như em một dáng gầy. Mỗi con lạch là mỗi xót xa, mỗi giòng sông là mỗi tuổi già, thành phố đâu đây khuất hình khuất dạng, cuộc chiến già nua theo mỗi tiếng ca…. (Thơ U Minh- Nguyễn Tiến Cung, Phạm Duy phổ nhạc.) Tiếnh hát của chị rời rạc, kể lể. Bài hát không có tiếng súng tiếng bom nào cả, nhưng qua cái giọng nhừa nhựa chẫm rãi của chị ta thấy như những trang sách viết về chiến tranh đang lật từng tờ và người lính đó đang bì bõm trong rừng đước U Minh. Anh không bao giờ còn gặp lại người yêu nữa. Anh tử trận hay người yêu đã bỏ đi xa? Kết thúc nào cũng buồn cả. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần đoạn hát giản dị này và lúc nào nghe cũng ứa nước mắt.
Lần đầu tiên tôi có cơ hội được một mình ngồi trò chuyện với cô Khánh Ly là một ngày của Tháng 3 cách đây tròn 15 năm – khi được sếp phân công phỏng vấn viết bài về sự có mặt của cô trong một đêm nhạc mang tên “Du Mục” của nhóm The Friends. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu gặp gỡ đó – giữa Khánh Ly – người được xem như một trong những huyền thoại của làng âm nhạc Việt Nam, và tôi – một phóng viên mới bước vào nghiệp cầm bút chưa đầy 2 năm. Nơi cô hẹn tôi là quán phở Nguyễn Huệ của chú Cảnh ‘Vịt’ (chú Cảnh đã bỏ trần gian đi rong chơi ở chốn xa lắc xa lơ nào cũng đã vài năm). Hôm đó, chồng cô, nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan, chở cô tới. Trong hơn một tiếng đồng hồ, tôi đã hỏi cô nhiều câu – phần lớn chả ăn nhập gì đến chương trình cô sắp tham gia – mà chỉ là những câu hỏi tôi tò mò muốn biết về Khánh Ly – một người được bao người ngưỡng mộ, bao người mơ ước được gặp mặt – lại đang ngồi đối diện tôi, cùng tôi uống cà phê trong quán phở, và làm tôi bị say thuốc lá
Người đàn bà ấy, đứng trên sân khấu với mái tóc buông dài, đôi chân trần và một ánh mắt không có gì ngoài sự thản nhiên. Người ta gọi bà là "nữ hoàng chân đất," nhưng bà không phải là hoàng hậu của bất cứ điều gì ngoài nỗi buồn nhân thế. Đó là sự thản nhiên của một người đã thấy hết những gì cuộc đời có thể mang lại: những đỉnh cao, những vực sâu, những ngày tháng của ánh hào quang và những đêm dài của sự cô đơn tuyệt đối. Nếu có một người nào hát về sự mất mát mà không làm cho nó trở nên ủy mị, nếu có một người nào hát về những điều tan vỡ mà không cần phải gào thét lên, thì đó là Khánh Ly.
Và đêm qua, chân dung ấy đã mang bao tâm hồn, bao thế hệ cùng trở lại bên nhau. Anh biết không, trong khuôn viên rộng lớn của Bowers Museum, em đã nhận ra, và tìm về với bao nhiêu gương mặt thân quen mà đã từ lâu em không gặp. Họ là những tên tuổi lớn của mọi lĩnh vực từ văn chương, âm nhạc cho đến điện ảnh... Họ là những vị đã bước qua tuổi tám mươi, đến những em nhỏ chưa tròn đôi mươi. Họ là những nhân chứng của cuộc chiến tranh. Như một định mệnh, những tâm hồn ấy lại ngồi bên nhau để cùng nghe tiếng hát vang lên: “Tình ngỡ chết trong nhau, nhưng tình vẫn rộn ràng, Người ngỡ đã quên lâu, nhưng người vẫn bâng khuâng” (Trịnh Công Sơn)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.