Hôm nay,  

Ăn Tết ở Little Saigon Quận Cam

04/02/202511:43:00(Xem: 2664)

BuiVanPhu_2025_0203_AnTetQuanCam_H01_PhuocLocTho
H01: Mồng Một Tết Giáp Tỵ tại khu thương xá Phước Lộc Thọ, Little Saigon Quận Cam (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Sống ở Mỹ 50 năm, năm nay là lần đầu tiên tôi ăn Tết ở Little Saigon, Quận Cam, nơi được mệnh danh là thủ phủ của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ.

 

Sáng Mồng Một Tết Ất Tỵ, lấy chuyến bay từ Oakland xuống phi trường John Wayne, từ đó lái xe đến khu thương xá Phước Lộc Thọ. Khi qua những con đường Magnolia và Bolsa – còn có tên là Đại Lộ Trần Hưng Đạo, của thành phố Westminster là thấy Cờ Vàng, Cờ Mỹ phất phới trong nắng xuân và nghe tiếng pháo nổ từng hồi trước những cơ sở thương mại.

 

Bên ngoài thương xá tràn ngập khách du xuân, áo dài nhiều mầu nhiều kiểu tung bay, tiếng pháo rền vang dù hôm nay là thứ Tư trong tuần, đúng Mồng Một Tết. Lễ hội đang diễn ra, pháo liên hoàn nổ kéo dài có đến 15 phút, mùi pháo và xác pháo đỏ, hồng và những ca khúc đón mùa xuân mới gợi nhớ cho tôi không khí Tết ở quê nhà ngày xưa. Khách du xuân nhiều người được chủ nhân thương xá là ông Triệu Phát và ban tổ chức lì xì phong bì đỏ trong đó có tấm vé số 888 lấy hên đầu năm.

 

Ông Trịnh Hảo Tâm, sau khi xem hình ảnh Tết ở Bolsa tôi đưa lên trang Facebook đã bình luận: “Năm nay đông vui hơn bao giờ hết, theo nhận xét của tôi, người đã ở đây 46 năm.”

 

BuiVanPhu_2025_0203_AnTetQuanCam_H02_PhoBolsaNgayMongMot
H02: Phố Bolsa trưa Mồng Một Tết (Ảnh: Bùi Văn Phú)

2025 ghi dấu 50 năm người Việt tị nạn đến Hoa Kỳ định cư từ sau biến cố 30 tháng 4, 1975. Khi đó ở phía nam Quận Cam có căn cứ Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ Camp Pendleton đã là nơi tạm trú của 50 nghìn người Việt trước khi có người bảo trợ để rời trại ra định cư. Từ đó, cộng đồng người Việt tại Quận Cam thành hình khởi đầu với vài nghìn người, nay lên đến trên 200 nghìn, đông nhất tập trung trong các thành phố Westminster, Garden Grove, Santa Ana, Midway City, Fountain Valley với cư dân gốc Việt từ 30% đến 40% số cư dân. Little Saigon nay có chục nghìn cơ sở thương mại và từ những thành phố này đã đưa vào chính trường Hoa Kỳ nhiều chính trị gia, từ nghị viên gốc Việt đầu tiên trên đất Mỹ là ông Tony Lâm đắc cử vào hội đồng thành phố Westminster năm 1992 và gần đây nhất là Dân biểu Liên bang Derek Trần, của Đảng Dân chủ đại diện cho Địa hạt 45 trong quốc hội liên bang.

 

Nối tiếp bước chân của ông Tony Lâm, đã có nhiều nghị viên gốc Việt trong hội đồng thành phố Westminster, những năm qua có thị trưởng Trí Tạ và hiện nay là thị trưởng Charlie Nguyễn Mạnh Chí.

 

Trên Đại lộ Bolsa có diễn hành vào dịp Tết mỗi năm. Theo thị trưởng Nguyễn Mạnh Chí trả lời phóng viên trên báo Orange County Register hôm 30-1, diễn hành năm nay “đánh dấu 50 năm của cộng đồng người Việt ở Westminster – 50 năm sống ở đây đã giúp thành phố phát triển, thịnh vượng” và sẽ là một “biến cố vĩ đại.” Cũng theo báo này, ước chừng có 90 đơn vị của nhiều đoàn thể tham gia cuộc diễn hành vào sáng thứ Bảy 1-2, tức Mồng Bốn Tết Giáp Tỵ.

Cũng mở đầu cho các hoạt động kỷ niệm 50 Năm Cộng đồng Người Việt tại Hoa Kỳ, Đại học U.C. Los Angeles và U.C. Irvine đã phối hợp tổ chức hội thảo và trưng bày hình ảnh, tài liệu liên quan đến hành trình và sự hội nhập vào đời sống Hoa Kỳ của người Việt, do sự phối hợp tổ chức của giáo sư Evyn Lê Espiritu Gandhi từ UCLA, giáo sư Tiara Na’puti từ UCI và Julia Huỳnh phụ trách văn khố Đông Nam Á của UCI.   

 

Chiều 30-1, Mồng Hai Tết, tại Đại học UCI có diễn thuyết chủ đề “Remembering Saigon: Journeys through and from Guam” mà tôi là một trong ba diễn giả nói về những ngày sống qua trại tị nạn ở Guam, cùng với bác sĩ H. Bryant Nguyễn từ Đại học Loma Linda và cựu chiến binh Thomas Perez, gốc Chamorro là dân bản địa Guam, làm việc trong chiến dịch “Đời Sống Mới” – Operation New Life, giúp người Việt di tản đến Guam sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ ngày 30-4-1975.

 

Sau buổi nói chuyện là khai mạc triển lãm tại Orange County and Southeast Asian Community Archive, trong thư viện Đại học U.C. Irvine. Tại đây người xem sẽ có cơ hội biết đến câu chuyện của nhiều người được di tản khỏi Việt Nam năm 1975 và nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ, của dân đảo Guam đã giúp người Việt trong thời gian tạm trú ở đó. Cuộc triển lãm kéo dài từ nay cho đến ngày 30-5-2025.

 

Trong ba tháng tới sẽ có nhiều sinh hoạt trong cộng đồng và tại các đại học trong vùng để ghi dấu thành quả qua nửa thế kỷ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Ngày 27-4 tại San Diego có chương trình về thăm Midway, nay là Bảo tàng USS Midway, hàng không mẫu hạm đã đón 3100 người Việt di tản trong những ngày cuối tháng 4-1975. Ngày 2-5 có sinh hoạt đưa người tị nạn trở về Camp Pendleton, nơi tạm dung của năm vạn người Việt trong năm 1975. Ban tổ chức cho biết những ai muốn tham dự các sinh hoạt này cần ghi tên trước vì địa điểm là những cơ sở quân sự.

 

Quận Cam đúng là thủ phủ của người Việt tại Mỹ. Nơi đây tập trung các sinh hoạt văn hoá, chính trị, xã hội của người Việt. Báo chí, truyền thông có Người Việt, Việt Báo, truyền hình SBTN, Little Saigon TV, VietFace TV, có các trung tâm băng nhạc Thuý Nga, Asia. Ở đây có Thư Viện Việt Nam, Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum), Bảo Tàng Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (Museum of Republic of Vietnam), Viện Việt Học. Có tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ, tượng đài thuyền nhân vượt biển, tượng Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ, đài tưởng niệm chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hoà hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

 

Ở đây dọc theo những con đường có hình ảnh học sinh tốt nghiệp trung học xuất sắc trong đó có nhiều em mang dòng họ Việt như Lê, Trần, Nguyễn, Phạm… Quận Cam với những học khu có trường công dạy học sinh hoàn toàn bằng tiếng Việt – language immersion, để tương lai các em là người sành sõi tiếng Việt và tiếng Anh và có thể thêm một ngôn ngữ nữa.

 

BuiVanPhu_2025_0203_AnTetQuanCam_H03_PhuDNYenTTThucDVHoat
H03: Gặp gỡ tại toà soạn báo Người Việt. Từ phải: Giáo sư Đoàn Viết Hoạt và phu nhân, bà Đỗ Ngọc Yến và tác giả Bùi Văn Phú
(Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Sáng Mồng Một, sau khi rời khu vực thương xá Phước Lộc Thọ tôi đến trụ sở báo Người Việt, mua vài quyển giai phẩm Xuân Ất Tỵ để tặng người quen – toà soạn đã gửi biếu hai quyển mà tôi đã nhận được từ hai tuần trước, vì trong đó có bài viết của tôi về ước mơ thăm gia đình sau 10 năm xa cách, nhưng không thành và năm 1987, ngay sau “đổi mới” đã nhờ bạn Mỹ đến thăm nhà ở Sài Gòn. Tình cờ, tôi là người mở hàng khai trương cho báo Người Việt. Lần đầu tiên được gặp bà Đỗ Ngọc Yến, niềm nở đón chào tôi ghé thăm. Khi còn sống tôi đã có dịp gặp người khai sinh ra tờ Người Việt, ông Đỗ Ngọc Yến, nhiều lần mà tôi còn nhớ đầu tiên tại đại hội năm 1981 của NAVAE, National Association of Vietnamese American Education, tổ chức tại Quận Cam, trong buổi hội thảo về báo chí Việt Ngữ tại hải ngoại, khi đó còn phôi thai và nay Người Việt là tờ báo có số in nhiều nhất và báo mạng có đông độc giả.

 

Tiệc đón Tết của báo Người Việt vừa tan nên tôi cũng có cơ hội gặp mặt, nói lời chúc mừng năm mới đến một số nhân vật cộng đồng: ca sĩ Lê Uyên, ca sĩ Thanh Thảo, vợ chồng hoạ sĩ Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng, giáo sư Đoàn Viết Hoạt và cô Trần Thị Thức.

 

BuiVanPhu_2025_0203_AnTetQuanCam_H04_DienThuyetVeGuam
H04: Buổi nói chuyện về những ngày tị nạn ở Guam, Đại học U.C. Irvine 30/1/2025 (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Trong ba ngày Tết ở Quận Cam, gặp lại bạn học cũ từ trường Thánh Tâm, Ngã Ba Ông Tạ; Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn và Gia Định, U.C. Berkeley cùng bạn U.C. Irvine trong những sinh hoạt báo chí, văn nghệ cứu giúp thuyền nhân hơn 40 năm trước. Cô bạn Ngọc Di sau 52 năm mới gặp lại nhau từ khi chúng tôi rời ngôi trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định vào tháng 5-1973, được gặp anh Vịnh Phạm, chủ trang Facebook cựu học sinh trường nhà, cùng chị Nghĩa chủ nhà, chị Vân và một số bạn khác của trường xưa.

 

Tết về, dù sống ở Mỹ lâu nhưng nhà nào cũng rộn ràng không khí đón xuân với hoa mai, hoa đào, bánh mứt. Có bạn cũ làm tôi ngạc nhiên, từ ngày học cùng trường U.C. Berkeley chỉ sinh hoạt văn nghệ, báo chí mà 45 năm sau, bạn tự tay gói bánh chưng, làm dưa muối, nấu bún thang rất ngon đãi khách.

 

Những bạn khác giờ đây có con cháu tiếp tục truyền thống hoạt động sinh viên, đang tham gia Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California tổ chức hội chợ Tết lần thứ 43 vào cuối tuần này ở Garden Grove Park.

 

BuiVanPhu_2025_0203_AnTetQuanCam_H06_NguyenBaTong
H05: Gặp gỡ các bạn cựu học sinh Nguyễn Bá Tòng ở Fountain Valley 31/1/2025 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Khi còn học ở U.C. Berkeley, một lần trong thư viện Moffitt tôi đọc được câu tiếng Anh, tạm dịch: “Văn hoá là hạt mầm nẩy sinh hương hoa cách mạng” mà cho đến nay tôi vẫn yêu thích câu nói đó, vì hiểu rằng văn hoá của một cộng đồng, một quốc gia chính là những sinh hoạt văn học nghệ thuật, xã hội, là kinh tế, chính trị của một thực thể.

Với người Việt chúng ta, văn hoá dân tộc còn thì nước Việt còn.

 

Bùi Văn Phú 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Rồi chuyện gì đã xảy ra sau ngày 30-4 năm đó, ở Việt Nam và ở hải ngoại? Đó là chủ đề của hội thảo 1975: The End of the Vietnam War (1975: Chấm dứt Chiến tranh Việt Nam), tổ chức tại Đại học Texas Tech từ ngày 10 đến 13-4 vừa qua.
Ngày càng có nhiều nhà giáo dục đang xem xét việc tái cấu trúc ngày học, với mục đích làm cho trường học trở nên hấp dẫn hơn, bổ ích hơn. Nhu cầu xem xét lại cấu trúc cơ bản của ngày học đang nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng.
Vào thứ Bảy ngày 19 tháng 4 năm 2025, các dân cử, lãnh đạo cộng đồng và cư dân tại Little Saigon, Quận Cam sẽ cùng nhau tham gia buổi lễ tưởng niệm 50 Năm Tháng Tư Đen. Buổi lễ sẽ do Hội Dân Chủ Việt Mỹ (Vietnamese American Democratic Club – VADC) tổ chức.
Hình ảnh cảm động nhất trong cuộc hội thảo có lẽ là lúc ban tổ chức trao huy hiệu để cảm ơn những người tham gia hội thảo cũng là cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, có cả người Mỹ và người Việt.
50 năm trôi qua, nhiều thế hệ đã qua đời, những thế hệ sau có vấn đề của họ, nhiều thứ người ta muốn quên, nhiều thứ tưởng chừng quên nhưng vẫn nằm trong tâm thức cộng đồng, sẽ dai dẳng vài thế kỷ, ngăn trở sự phát triển lành mạnh của dân tộc. Như tiến sĩ Veith nói với các em, rằng chúng ta phải viết, phải là chứng nhân. Lịch sử phải được ghi lại trung thực nhất cho mai sau, để sự thật không được bóp méo bởi vô số ấn phẩm, phương tiện truyền thông của nhà cầm quyền “Bên Thắng Cuộc”. Đó là công việc các thiện nguyện viên Bảo Tàng Quân Lực VNCH đang nỗ lực thực hiện, và nhiều người khác, nơi khác cũng đang làm.
Ba mươi sáu tay golf hàng đầu thế giới của LPGA sẽ hội tụ tại Pechanga Resort Casino vào thứ Ba, ngày 8 tháng 4. Các nữ vận động viên sẽ tham gia sự kiện Pechanga Pro-Am lần thứ 12 với không khí vui vẻ và không áp lực tại sân golf Journey at Pechanga, một phần của Pechanga Resort Casino. Những tay golf như Angel Yin, Gabriela Ruffels, Grace Kim, Savannah Grewal và Dewi Weber sẽ có cơ hội thi đấu trên một trong những sân golf được đánh giá cao nhất tại California cùng với các khách mời và nhà tài trợ, trong khi tận hưởng sự gắn kết thân thiện và tinh thần thi đấu hữu nghị, bởi lịch thi đấu chính thức của giải Tour sẽ chưa bắt đầu lại cho đến ngày 17 tháng 4 tại khu vực Los Angeles.
Tổng thống Trump khi ra tranh cử đã hứa sẽ trục xuất hàng loạt di dân; thề sẽ làm cho nước Mỹ an toàn hơn bằng cách trục xuất những người nhập cư phạm tội. Nhưng khi thực hiện, chính phủ Trump đã không chỉ dừng ở tội phạm; cả những cư dân hợp pháp, người có visa hợp lệ, khách du lịch, và thậm chí cả những đang xin visa cũng bị giam giữ.
Sinh hoạt: Lớp Dưỡng Sinh vào mỗi Thứ Bảy & Chủ Nhật hàng tuần, ngày 12, 13, 19 & 20 tháng 4, 7 AM – 8:30 AM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ. Nhóm Hỗ Trợ Hàng Tháng Dành Cho Bệnh Nhân Ung Thư vào Thứ Bảy, 12 tháng 4, 10 AM – 12 PM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ. Để ghi danh tham dự, quý vị vui lòng liên lạc (714) 751-5805. Sinh hoạt: Lớp Khí Công vào mỗi Thứ Ba, ngày 15 & 22 tháng 4, 9 AM – 10:30 AM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ. Lớp Thủ Công Mỹ Thuật: Tự Làm Đồ Trang Trí Cho Mùa Xuân vào Thứ Bảy, ngày 19 tháng 4, 10:00 PM – 12:00 PM tại văn phòng Hội Ung Thư Việt Mỹ.
Jon Lê Culpepper là người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu, con của một gia đình tị nạn. Anh lớn lên trong một gia đình Công Giáo. Tuổi thơ của anh là những năm tháng gắn liền với nhà thờ, giáo lý, thánh ca, ca đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Jon nói gần như nửa cuộc đời của anh quẩn quanh trong hai chữ “nhà thờ.” Từ thưở nhỏ đến lúc học xong trung học, Jon xác định “mình là đứa trẻ có suy nghĩ khác người.”
Hội Cao Niên Á Mỹ do Hoa Hậu Lam Châu (CEO) Hội Trưởng đã long trọng tổ chức Đại Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương (Năm Thứ 4904) DL.2025 đã diễn ra vào lúc 1 giờ chiều Thứ Bảy, ngày 05 tháng 4 năm 2025 (Nhằm ngày 08 tháng 3 Âm Lịch Năm Ất Tỵ) tại Saigon Grand Center,16149 Brookhurst ST, Fountain Valley với sự tham dự của một số quý vị dân cử, đại diện dân cử Thành Phố, Quận Hạt, Tiểu Bang, Liên Bang, quý vị đại diện cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể, quý vị mạnh thường quân, các cơ sở thương mại bảo trợ, cùng số đông các cơ quan truyền thông một số các ban văn nghệ và rất đông đồng hương tham dự đã ngồi kín hội trường.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.