Hôm nay,  

Nem Chua

27/01/202512:17:00(Xem: 1857)

Nem 3

Nem gói lá vông.

                

Tết đến nói chuyện nem chua hình như hơi vô duyên. Trên bàn nhậu của chúng tôi ở Sài Gòn tứ mùa bát tiết hầu như đều có những chiếc nem vuông vức gói lá chuối nằm ở giữa. Đó là món nhắm rất đúng bài bản. Thứ thơm thơm, ngọt ngọt, cay cay, chua chua đi với bia hay đế cứ như là anh em khoác tay nhau toác miệng cười. Nem chua là chuyện thường ngày.

Ngày tết có những món của tết nhất sang trọng và chảnh chọe hầu như chỉ xuất hiện trong các dịp lễ tết, cỗ bàn trịnh trọng. Vậy mà cái thứ tầm thường như nem chua cũng e ấp chen chân lọt vào. Tại Thanh Hóa, nem chua chỉ có mặt trong các dịp lễ tết, cưới hỏi hoặc các ngày hội trong năm. Tại Thủ Đức, từ ngày 20 tháng chạp trở đi cho tới cận tết, các lò nem rộn rã hoạt động hết công xuất để cho ra những mẻ nem đón xuân. Làm một ngày cận tết bằng một tuần trong năm. Ít có món ăn chơi nào mà từ Nam chí Bắc đều có những địa phương nổi danh như món nem chua. Cho tới nay, người ta không biết nem chua được vùng nào trên giải đất chữ S làm ra đầu tiên nhưng tất cả đều có công thức chung là thịt và da heo và các loại lá có công dụng làm chín thịt.

Nếu phải điểm danh các vùng sản xuất nem chua nổi tiếng, chúng ta có thể nhắc tới nem chua Chợ Huyện ở Bình Định. “Ai về Tuy Phước ăn nem / Ghé qua Hưng Thạnh mà xem Tháp Chàm”. Nem Chợ Huyện chỉ được vắt nhỏ cỡ quả cau, gói bằng lá ổi bánh tẻ hoặc lá vông, kèm theo ớt tỏi, bọc ngoài bằng lá chuối hột xanh. Nem chua làng Vẽ thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm Hà Nội được gói theo hình dài, nhỏ bản. Nem chua Yên Mạc là đặc sản của tỉnh Ninh Bình. Gọi là đặc sản chắc cũng không ngoa vì ca dao đã: “Yên Mạc có món nem chua / Thơm ngon nổi tiếng đến vua cũng thèm”. Nem Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa là loại nem rất nổi tiếng dùng lá khế hoặc lá chùm ruột. Du khách tới Nha Trang không quên mua nem Ninh Hòa về làm quà quý cho thân nhân. “Đi đâu cũng nhớ Khánh Hòa / Nha Trang gió mát, Ninh Hòa nhiều nem”. Tiến sâu vào Nam, xứ Đồng Tháp có nem Lai Vung cũng khá nổi tiếng. Nhưng nổi tiếng hơn là nem Thanh Hóa gói bằng là đinh lăng, bạc hà hoặc lá ổi cùng với tỏi, ớt thái lát dài. Nem Thanh Hóa đã đi vào thơ: Đây ngòn ngọt của giòn khúc khích / Này chút chua chua nũng nịu lời / Dẫu Hoàng tử đã nương tay bóc / Đỏng đảnh cay lên đủ nhớ đời! /Muốn về Thanh Hoá với em tôi!”.

Suốt chiều dài đất nước, có nhiều vùng miền có nem chua nổi tiếng. Nhưng mỗi vùng có một loại lá kèm theo không giống nhau. Hương vị nem sàn sàn như nhau nhưng nem miền Bắc có vị mặn và chua đặc trưng, miền Trung có vị cay truyền thống, miền Nam có vị ngọt trội hơn, trừ nem Thủ Đức.

Nem Thủ Đức là thứ nem có vị chua dịu ngọt, ăn hoài không chán. Cả một thời thanh niên, bàn nhậu của chúng tôi có bao giờ vắng bóng nem Thủ Đức, giờ đây ngồi nhớ lại, vị nem như vẫn còn vương vấn trong miệng. Đây là một loại nem chua rất hách: “Đi đâu mà chẳng biết ta / Ta ở Thủ Đức vốn nhà làm nem”. Hoặc: “Biên Hòa có bưởi thanh trà / Thủ Đức nem nướng, Điện Bà Tây Ninh”.

Nem Thủ Đức có gốc gác đàng hoàng. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, tại gần ga xe lửa Thủ Đức, có một phụ nữ góa chồng dựng một quán cóc ở ven đường, kiếm chút lời nuôi 6 đứa con thơ dại. Bà tên Nguyễn Thị Kỳ, có mái tóc quăn nên thường được mọi người gọi là Tư Quăn. Trong số khách hàng quen thuộc có ông “gác nhíp” xe lửa. Một bữa bà Tư Quăn cầm miếng thịt heo tươi rói định mang vô bếp làm món ăn, ông gác ngồi chờ đồ nhậu trông thấy vội nói: “Thịt ngon quá, bà xắt cho tôi một đĩa, cứ để sống, cho tôi thêm ít chuối chát, cắt thêm trái khế để tôi nhậu chơi”. Bà Tư Quăn tròn mắt nói lại: “Thịt sống như vậy mà ăn cái chi! Ông này ăn uống thiệt là…”. Bà chưa dứt câu, ông gác nhíp cắt lời: “Bà không biết chớ thịt sống nhậu bắt lắm. Chỉ cần thêm củ tỏi, vài trái ớt và chút giấm”. Không muốn làm ông khách quen mất hứng, bà đề nghị: “Thôi, để tôi quết thịt cho nhuyễn, thêm vào chút ớt, tiêu tỏi cho át mùi chắc sẽ dễ nhậu hơn”. Không đợi ý kiến ông khách, bà vào bếp quết thịt, dọn thêm ít rau sống, bưng ra cho khách. Ông gác nhíp gói thịt trong rau, chấm nước mắm, tấm tắc khen ngon. Bà Tư Quăn cũng hể hả trong bụng. Vốn dân buôn bán nên trong đầu bà đã nảy ra một món nhậu mới. Ông gác nhíp thấy ngon nhưng bà nghĩ mình có thể làm ngon hơn nhiều. Bà trộn thêm muối, nước mắm, tỏi, cho thêm chút bì heo xắt nhuyễn. Chẳng lẽ để thịt quết trên đĩa làm khách khó ăn, bà ra sau vườn, hái mấy lá vông, rửa sạch sẽ, vắt từng nắm thịt gói kín, bỏ vào tô, đậy kín. Quán tấp nập khách làm bà bận túi bụi, quên khuấy cái tô đựng thịt quết. Ba ngày sau, vào bếp, bà ngửi thấy một mùi thơm nức mũi từ trong chạn. Bà mở cửa chạn, lôi tô thịt ra. Mùi thơm khiến bà không cầm lòng được, vội nếm thử. Ngon chi mà ngon ác ôn! Bà kêu mấy người đang có mặt trong quán ăn thử, ai cũng tấm tắc khen quá ngon. Từ đó quán bà Tư Quăn có thêm món nhậu mới bán đắt như tôm tươi. Bà đặt tên cho món này là nem. Món nem bỗng chốc danh vang cả vùng. Để thực khách có nhiều chọn lựa, ngoài món nem ăn mình ên, bà chiên lên nóng sốt thành món nem chiên, bỏ thêm hột gà vào thành món ốp-lết nem. Cửa hàng của bà ngày càng phát đạt. Từ chiếc quán lá xiêu vẹo bên đường, bà xây được nhà ngói, rồi cất thêm lầu. Tới đời con gái của bà, quán Tư Quăn biến thành nhà hàng với nhiều món ăn ngon. Nhưng món nem vẫn là món chính được khách hàng nhiệt tình thưởng thức. Nhờ những chiếc nem tình cờ thành hình, nhà hàng ngày càng khang trang hơn, mang cái tên chảnh chọe: Thiên Lợi Thành. Thấy con gái bà Tư Quăn ăn nên làm ra, dân cư trong vùng học cách làm nem tạo thành  phố nem Thủ Đức thu hút khách từ Sài Gòn tới thưởng thức mỗi cuối tuần. Như nói ở trên, người ta không biết phát xuất từ đâu mà nem lan ra cả nước. Nem Thủ Đức được tình cờ hình thành vào đầu thế kỷ 20, nếu nem các vùng khác không xuất hiện trước thời gian này thì “lịch sử” nem chua phải ghi công bà Tư Quăn.

Nem 1
Nem Thủ Đức.

Năm 1928, thi sĩ Tản Đà được ông chủ báo Đông Pháp Thời Báo mời vào Sài Gòn cộng tác. Ông được dẫn tới Thủ Đức chiêu đãi món nem nức tiếng địa phương tại nhà hàng Thiên Lợi Thành. Nem lá vông được nhà thơ tổ sư ăn uống nhậu kèm với rượu Gò Đen Bến Lức khiến chúng quện vào nhau ngon hết xẩy. Nhà thơ nổi tiếng về đức ăn nhậu đã kết món nem chua Thủ Đức. Ông đã lưu lại trong Nam 10 năm. Khi về Bắc Tản Đà đã làm bài thơ “Nhớ Trong Nam”.

Ngày dài ta nhớ đất Nam trung

Mây nước xa trông cách vạn trùng

Cánh nhạn bên giời không chiếc bóng

Vừng giăng mặt biển đã mười đông

Sài Gòn, Chợ Lớn ai qua lại

Thủ Đức, Xuân Trường khách vắng đông?

Ngồi nhớ người xa thêm nhớ cảnh

Xa xuôi ai có nhớ nhau cùng?

Đầu thập niên 1960, tôi đã có vài năm dậy học tại trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Mỗi chiều thứ tư, bắt chuyến xe chuyên chở loại nhỏ Peugeot đưa tôi xuống biển, sáng Chủ Nhật tôi quay lại Sài Gòn. Đường đi Cấp ngày đó băng qua Thủ Đức. Hầu như mỗi tuần, khi đi ngang phố nem, tôi không quên vớt chục nem về nhậu với bạn bè làm báo tại Sài Gòn. Khi đó, hai bên đường nườm nượp những sập bán nem, khách ngang qua như tôi chẳng biết chọn lựa sập nào. Được cái cứ nem Thủ Đức là ngon nên khách hàng đỡ mất công.

Nem ngon phải được làm bằng thịt tươi khi miếng thịt còn giật giật, giã bằng tay liên tục cho tới khi thịt quết lại dính với nhau. Cũng như giã giò. Ngày còn ở Hà Nội, gia đình tôi có cho một bà cụ người Ước Lễ thuê căn nhà lợp tôn  làm thêm trước mặt nhà để mở tiệm giò chả. Lũ con nít chúng tôi hay ngồi coi các ông giã giò làm việc. Họ phải giã luôn tay cho tới khi xong một mẻ. Nếu ngưng là mẻ thịt bị hư. Hai ông chuyên giã giò này có hai cánh tay nổi bắp và cái lưng gù. Họ ngồi trên chiếc ghế đẩu, hai tay hai cái chầy, giữ đều nhịp suốt buổi sáng, hết mẻ thịt này đến mẻ thịt khác. Trên người hai ông lúc nào cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại thấy thương. Hai ông luôn nhắc tụi tôi cố gắng học, đừng bao giờ làm nghề giã giò cực nhọc như họ. Không biết có phải vì thương cảm hay không mà cho tới nay, gần tám chục năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ tên hai ông Lũy và Khương. Giã thịt làm nem cũng như giã giò, không được ngưng nghỉ. Vạn bất đắc dĩ ông thợ phải rời cối giã, phải có người giã thế liền.

Thịt làm nem Thủ Đức đúng vị phải được chọn lọc kỹ càng. Đó là phần nõn thịt từ hai đùi sau, thịt không cần rửa mà trực tiếp đem đi giã. Giã xong ướp gia vị gồm tỏi, đường, muối, rượu, mật ong để nem có vị chua, cay, dai quyện với nhau. Mỗi loại gia vị phải chọn loại xịn nhất. Đường phải là đường tinh luyện, rượu loại hạng nhất. Như vậy mới giữ được nem lâu và không đắng. Muối phải là muối trắng Phan Thiết không có mùi tanh và không lẫn cát. Sau khi ướp, bì được trộn vào. Bì được lấy từ da lưng hay da đùi heo, nhúng vào nước sôi rồi vớt ra liền để giữ được độ giòn của bì. Sau đó sẽ làm sạch sẽ, xắt thành sợi. Cuối cùng nem được gói bằng lá vông. Lá vông được chọn không quá già và cũng không quá non để nem có độ ngon tuyệt vời nhất. Lá vông già sẽ làm nem bị khô. Lá vông non sẽ làm nem bị bở. Là vông không độc, không mùi lại có thể giữ được thịt lâu hư nhất.

Nem 8

Phố nem Thủ Đức ngày xưa.


Ngay từ thập niên 1930, những người Sài Gòn có phương tiện, cuối tuần thường đi Thủ Đức ăn nem. Nhiều nhà làm nem tay ngang mọc lên. Họ cạnh tranh nhau một cách bất chính. Họ dùng gái bán hoa để kéo khách. Chuyện cạnh tranh này phổ biến tới nỗi khi nói “đi ăn nem Thủ Đức” có nghĩa là đi tìm hoa biết nói! Tác giả Phạm Công Luận, một người chuyên sưu tầm và viết về Sài Gòn xưa, đã tìm được một bài báo viết về chuyện “đi ăn nem Thủ Đức”. Nem Thủ Đức ngon nên bị lạm dụng tên tuổi. Thủ Đức ở thập niên 1930 có nhiều quán bán nem mở ra. Một vài quán muốn hút khách phải dùng gái bán hoa để cạnh tranh. Đến nỗi ai đi “ăn nem Thủ Đức” dễ bị nghĩ là đi tìm hoa biết nói, báo xưa nói vậy. Những hàng bán nem lâu đời và làm ăn đàng hoàng bị ảnh hưởng. Do vậy, một ký giả nhật báo Sài Gòn thời ấy phải đính chánh trên báo số 324 ra ngày 11.4.1933: “Trước kia chúng tôi cũng có các quan niệm như thế. Nhưng mới đây, nhơn đi “Cap” (Vũng Tàu) về khuya, đói bụng, chúng tôi ghé lại hàng nem Nam Hưng Ký tục kêu là quán nem Dì Tám dùng thử một lần cho biết. Khi đã dùng nem và xem cử chỉ của bà chủ cùng mấy người bồi, chúng tôi lấy làm ngạc nhiên hết sức. Nem thật ngon mà giá tính phải chăng, bồi khuôn phép lại thật thà vui vẻ. Hỏi lại mới biết hàng nem lâu nhứt, danh tiếng nhứt và bao giờ cũng lấy sự thật thà, lương thiện làm gốc.Vậy tôi xin đính chánh lại rằng nem Thủ Đức cũng có chỗ thiệt ngon và làm ăn ngay thẳng, còn sở dĩ nem Thủ Đức mà mang tiếng không tốt là tại một vài nơi làm quấy để tiếng oan cho nem Thủ Đức mà thôi. Vậy bà con nên lựa chỗ mà dùng”.



Nem 5

Một quán nem Thủ Đức.

Nem Thủ Đức là tuổi thanh xuân của tôi nên những gì xảy ra cho nghề làm nem Thủ Đức khiến tôi không khỏi bâng khuâng. Sau 1975, đất nước xuống cấp, nem Thủ Đức không thoát khỏi cơn bão tố này. Nem Thủ Đức được quy vào sản xuất trong một hợp tác xã. Thủ Đức không còn lò mổ heo nên phải lấy thịt heo mổ lậu từ chợ Xóm Mới, Gò Vấp. Vì làm lậu nên họ giết heo bằng cách chích điện. Thịt phải vận chuyển đường xa nên hết tươi. Quản lý thị trường kiểm soát gắt gao việc di chuyển thực phẩm càng làm chậm trễ việc chuyển thịt. Các nhà làm nem phải thay đổi quy trình sản xuất. Họ làm nem ngay tại Xóm Mới rồi đem về Thủ Đức bán. Truyền thống làm nem cũng mai một. Thịt được giã bằng máy chứ không còn bằng tay như trước. Thịt không còn tươi nên chất kết dính gelatin sẵn có trong thịt cũng không còn, người ta phải thêm vào chất gelatin nhân tạo.

Trên báo TreToday, một ký giả vọng về những ngày xưa. Giờ đây, làng nem Thủ Đức vào buổi xế chiều, làm buồn lòng biết bao người. Trên đường Dương Văn Cam, Lê Văn Tách phường Linh Tây, các lò nem đã giải thể gần hết, chỉ còn vài ba hộ sản xuất nhỏ lẻ cầm chừng. Những “danh nhân” làng nem nổi tiếng một thời, nay người đã quy tiên, người đi định cư nước ngoài, lớp con cháu rất ít người nối nghiệp. Một trong số ít lò nem còn “sống được” là hiệu nem “Bà Chín” trên đường Trần Hưng Đạo, phường Hiệp Phú. Chủ hiệu là bà Nguyễn Thị Kim Cẩn, 70 tuổi, có biệt danh là “Chín nem”, gần 40 năm gắn bó với nghề làm nem. Bà lấy làm buồn vì hiện tượng “treo đầu dê bán thịt chó”, nem kém chất lượng giá rẻ ở các nơi đổ về bày bán đều “gắn mác” nem Thủ Đức, kiếm được chiếc nem Thủ Đức chính hiệu còn... chua hơn nem chua!”.

Ngay tại Thủ Đức, người ta còn vọng tưởng nem Thủ Đức xưa. Huống chi tôi, ngàn dặm xa cách Thủ Đức, ngồi nhớ tới những ngày xa xưa, muốn kiếm chiếc nem Thủ Đức ngày ấy, chắc còn vạn lần…chua hơn nem chua!

 

Song Thao
Website:
www.songthao.com

Nem 9

Một góc cơ sở làm nem Bà Chín.

Nem 6

Ông Lê Nguyên Hùng (đứng giữa), chủ kế nghiệp của Nem Bà Chín, bên dàn máy móc làm nem của gia đình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuần này tôi đi tiễn một anh bạn đồng tuế vừa nằm xuống. Gọi là đồng tuế nhưng anh nhỉnh hơn tôi một tuổi. Thấy anh nằm thảnh thơi, bạn bè mừng cho anh. Mừng vì anh chỉ bị cảm có một tuần rồi nhẹ nhàng ra đi. Đi như vậy là phúc. Mấy ông bạn già ai cũng khen vậy. Cái chết hình như thân cận với những người đã quá luống tuổi. Họ đã nhờn với anh thần chết. Nhớ: Nguyễn Xuân Hoàng những ngày cuối của căn bệnh ung thư cột sống đã nhắn tin cho tôi: “Tao không sợ chết, chỉ sợ đau”.
Kỹ thuật về điện thoại di động đã tạo điều kiện cho mọi người có thể lưu lại hình ảnh hoặc một sự kiện nào đó đang xảy ra của hiện tại. Những sự ghi lại này đã góp phần tốt trong việc tìm ra những sự việc sai trái của cá nhân hay của tổ chức nào đó hầu đưa ra ánh sáng của tòa án. Tuy nhiên có những trường hợp không nên dùng phương tiện điện thoại di động để thu lại hình ảnh và đưa lên mạng xã hội. Điều này ít ai để ý đến và có thể làm nguy hiểm đến một cá nhân nào đó. Hãy nhìn ở một góc nhìn rộng lớn để cùng nhau bàn thảo cho chủ đề này.
Bạn tôi, nhà thơ Triều Hoa Đại ấn hành tác phẩm Lên Rừng Đếm Lá. Nhân dịp nầy, người bạn vong niên từ thời ở Đà Nẵng - Lê Bảo Hoàng (nhà thơ Luân Hoán) - hai nhà thơ thực hiện cuộc trò chuyện với nhau. Theo Triều Hoa Đại thì khi rời bỏ đất nước ra đi, hình như một số anh, chị em trong đó có tôi đã bỏ “của” mà chạy lấy người nên đã không đem theo được một tác phẩm nào…
Chiếc British Airways khởi hành lúc 10 giờ đêm từ phi trường Trudeau, Montreal Canada, bay hai tiếng rưỡi đến Heathrow, London (LHR), nằm ở phía Tây London, cách trung tâm thành phố 23km, là một sân bay bận rộn nhất Châu Âu với hàng triệu lượt khách mỗi năm; chúng tôi chờ ở đây hai tiếng rưỡi, rồi bay tiếp thêm 7 tiếng rưỡi nữa để đến Madrid, thủ đô của Tây Ban Nha (Spain). Madrid đi trước Montreal 6 tiếng vào mùa đông và 5 tiếng vào mùa hè bắt đầu vào cuối tháng 3 đến cuối tháng 10.
Ngày thứ bảy 15/3/2025 vừa qua, các nhân viên làm việc cho các đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA và đài Á châu Tự Do RFA khi tới sở đã nhận được lệnh nghỉ hành chánh, phải ra về và nộp lại thẻ báo chí. Báo chí cho biết đây là khởi đầu cho tiến trình phẹc mê bu tích các đài phát thanh này. Giám đốc đài VOA Michael Abramowitz lập tức ra tuyên bố: “Tôi vô cùng đau lòng khi lần đầu tiên sau 83 năm, đài VOA lừng lẫy không được phép lên tiếng. Sáng nay tôi mới hay tin gần như toàn bộ nhân viên VOA, hơn 1.300 nhà báo, nhà sản xuất và nhân viên bị cho nghỉ hành chánh. Tôi cũng không phải ngoại lệ”. Ngoài đài VOA, đài Á Châu Tự Do RFA cũng cùng chung một số phận. Đài Á châu Tự Do là một đài phát thanh tư nhân phi lợi nhuận, được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ nhằm cung cấp thông tin, tin tức và bình luận trực tuyến cho thính giả tại Á châu. Đài hoạt động bằng 9 thứ tiếng trong đó có tiếng Việt. Đài bắt đầu hoạt động từ ngày 12/3/1996 với mục đích thúc đẩy và nâng đỡ tự do và dân chủ tới những ng
Phải thanh minh thanh nga ngay cho các cụ, đây không phải chuyện trâu già gặm cỏ non mà là chuyện ngày xưa các cụ tán gái khi còn thanh xuân. Chuyện trâu già gặm cỏ non cũng có, khi cụ Nguyễn Trãi làm thơ tán cô bán chiếu Nguyễn Thị Lộ, nhưng tuy đây là một cuộc tán gái nổi tiếng nhưng không thuộc vào category này nên không nhắc tới tại đây.
Sáng sớm hôm nay, khi mở hộp thư, nhận được tin, tôi liền điện thoại cho anh Phạm Văn Nhàn, người bạn thân với anh chị Thương – Quy. Hỏi, “Anh Nhàn ơi, anh hay tin gì chưa? Anh Lê Ký Thương đã ra đi lúc 9 giờ 50 phút sáng hôm nay 14/2/2025. Cả hai anh em đều buồn. Im lặng một lúc, anh kể mới gọi thăm anh LKT cách nay mấy tuần. Chị Quy nói chuyện rồi đưa phone qua cho anh Thương, nhưng khi đó miệng anh Thương đã cứng, không nói được gì...
Hồi trẻ tôi đi lính xa nhà có lần về phép được Mạ tôi nấu cho một bữa cơm ngon ngất ngư. Ăn lạ miệng tôi hỏi cơm chi Mạ nói cơm Âm Phủ. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được ăn món cơm mang cái tên thật kỳ dị của xứ Huế, quê Mạ tôi. Khi tôi trở ra đơn vị ở Cheo Reo, Mạ không quên bới cơm Âm Phủ cho tôi mang theo. Biết đâu nhờ miếng "cơm ma" này mà tôi sống sót cho tới ngày tàn cuộc chiến.Ngày nay Mạ tôi đã gần trăm tuổi, tôi cũng chẳng còn trẻ trung chi. Hai mẹ con cùng tóc bạc da mồi, cùng lụm cụm ngồi ôn lại chuyện xa xưa ở quê nhà. Khi tôi nhắc tới cơm Âm Phủ thì Mạ tôi cười thật hiền, nụ cười "hăng rết hết răng" thiệt là dễ thương.
Mỗi năm, tôi đều nhận được điện thư hoặc thiệp chúc Tết từ một số bạn, trong đó có nó. Nó không gởi thư Merry Christmas, Happy New Year, chỉ duy nhất dịp Tết Âm lịch. Nó là dân miền Tây cần cù, hiếu hoc, là bạn thân của tôi...
Con người đến với nhau nhờ duyên và yêu nhau vì nợ. Ông cha ta đã nói là có duyên thì nghìn trùng xa cách cũng gặp mà khi không có duyên, nôm na gọi là vô duyên, thì có ngồi đối mặt cũng "bất tương phùng“ coi như người đối diện không có mặt, không hiện hữu: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên đối diện bất tương phùng. Nên hữu duyên hay vô duyên có thể nói là do ông trời xếp đặt, vợ chồng không phải ngẫu nhiên mà đến với nhau được, đều do nhân duyên mà ra, mọi vật đều do nhiều yếu tố kết hợp mà thành. Mà đã do nhân duyên rồi, thì tránh trời cũng không khỏi nắng, coi như định mệnh đã an bài.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.