Một người bạn nói với tôi rằng có những bài thơ hoặc những đoạn văn nằm hoài trong đầu của mình từ hồi còn nhỏ, nên khi được nhắc tới thì tự động tuôn ra. Tôi thấy có lý.
Mỗi khi có dịp nói chuyện với ai về lòng biết ơn, tôi cứ như theo quán tính, chia sẻ một bài thơ ngày xưa tôi học ở bậc Tiểu Học. Không hiểu vì sao! Vì mình có tính hoài cổ? Hay vì đầu óc tuổi nhỏ dễ khắc ghi? Hay vì đây là bài học bắt buộc trong sách giáo khoa? Hay chỉ đơn giản là vì bài thơ có lời lẽ giản dị mà sâu sắc? Bài thơ như sau:
Giấc Mộng (1)
Nằm mộng thấy nông phu lại bảo:
“Ra công làm kiếm gạo từ đây
Tao thôi chẳng có nuôi mầy
Phải lo trồng trọt cấy cày cho siêng”
Người dệt cửi dặn mình làm áo
Chú thợ hồ lại bảo cầm bay
Bơ vơ chẳng kẻ đoái hoài
Tôi mang thơ thẩn đọa này cùng nơi.
Tôi túng thế vái Trời cứu thử
Lại thấy kia sư tử trên đàng
Tỉnh ra, thấy sáng, mơ màng
Tiểu công hút gió, rộn ràng trên thang.
Nghe máy dệt rần rần tiếng chạy
Ruộng đâu đâu cũng cấy đã xong
Phận mình nghĩ lại thong dong
Mới hay dưới thế ai không nhờ người.
Từ ngày rõ cuộc đời đắp đổi
Cám thương người xã hội như nhau
Dập dìu kẻ trước người sau
Sức riêng một ít giúp vào lợi chung.
(Nguyễn Ngọc Ẩn)
Bài thơ không hề có chữ “biết ơn” hay “cám ơn”, nhưng mặc nhiên đã dạy chúng ta ghi nhớ những gì mà mỗi người chúng ta được hưởng hàng ngày, không phải đương nhiên, mà là do công sức của biết bao người, của biết bao nghề.
Trong kho ký ức của tôi, âm thanh lưu lại khá sâu đậm có lẽ là tiếng “leng keng” ngày xưa. Tiếng leng keng phát ra từ chiếc xe vận tải lấy rác. Đi học sáng sớm, nghe tiếng leng keng trước khi nhìn thấy chiếc xe to tướng. Còn trong các con hẻm, những người phu đổ rác làm công việc của mình, vất vả nắng mưa. Ở xứ mình hiện nay cũng vẫn còn cảnh người lấy rác mỗi ngày gom những bịch rác trước từng nhà cho vào chiếc xe nhỏ của mình rồi đem ra đường lớn. Thường đó là những chiếc xe ba bánh cũ kỹ, ọp ẹp. Sẽ vẫn luôn có cảnh ấy, vì vẫn còn những xóm nghèo, những khu ổ chuột, nhà mọc chen chúc, với lối đi bề ngang chỉ vừa cho một hay hai chiếc xe đạp. Ở những xứ tiến bộ, mọi việc đều được cơ giới hóa, người công nhân vệ sinh ít khi phải ra khỏi xe. Họ có phương tiện bảo vệ cá nhân tốt hơn. Công việc nâng các thùng rác, đổ rác vào thùng xe lớn, trả thùng rỗng lại chỗ cũ… tất cả đều do máy làm. Nhưng mỗi khi nghe tiếng máy xe chạy vào sáng sớm một ngày cố định trong tuần, có lẽ không ít người cảm thấy nao lòng như tôi, vì khi mình còn nằm trong chăn ấm thì họ, những người công nhân, đã phải ra đường làm việc rồi!
Sao tôi lại nói về chuyện đổ rác nhiều như vậy? Có lẽ vì đó là bài học sống khá sâu sắc cho tôi khi nghĩ về ơn đời, mà những khía cạnh của cuộc sống đã được bài thơ “Giấc Mộng” hầu như đã nói lên đầy đủ.
Trong mọi sinh hoạt của chúng ta, ơn hiện diện hàng ngày. Ơn chỉ được gọi là “ơn” khi chúng ta biết nó. Và từ sự “biết ơn” đi đến “cám ơn” còn có một khoảng cách. Người phương Tây nói “cám ơn” rất dễ dàng, để tỏ lòng biết ơn thật sự cũng có, vì lịch sự cũng có. Có người trách người Việt không biết cám ơn, điều này thật oan. “Văn hóa biết ơn” luôn có, được minh chứng qua cách giáo dục ở nhà và ở trường. Tuy nhiên, để biểu lộ thành lời “cám ơn”, quả thật có chút khác với “văn hóa cám ơn” của người phương Tây.
Biết ơn không chỉ một ngày, một mùa. Bởi ơn đời đến với chúng ta trong từng phút giây. Nhưng nói ra được, bày tỏ được, càng hay hơn nữa. Người bán cám ơn người mua, người mua cám ơn người bán, dễ thương vô cùng!
Một bác người Việt, sống ở Mỹ, luôn giữ ý kiến cho rằng người Mỹ cám ơn hay xin lỗi chỉ là “đầu môi chót lưỡi” chứ không thật lòng. Cũng hơi oan cho người Mỹ. Nếu không có cái gọi là “đầu môi chót lưỡi” đó, cuộc sống sẽ đáng chán lắm. Tưởng tượng nếu mình vào ăn trong một tiệm, khi đi ra, thực khách nói “cám ơn” nhưng chỉ nhận lại những đôi mắt nhìn mình trơ trơ mà không có tiếng “cám ơn” thì chắc là buồn lòng lắm, và chắc cũng sẽ không muốn trở lại tiệm ăn này.
Chữ “tạ ơn” trong tiếng Việt rất hay. Định nghĩa chữ “tạ” trong Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (đầu thế kỷ 20) cho thấy “tạ” là “có lời nói với ai để cám ơn hay xin lỗi.” Như vậy đã rõ, từ biết ơn đến tạ ơn, có một khoảng cách. Khoảng cách đó ngắn hay dài, còn tùy vào mỗi người.
Trong gia đình, thường người ta có tâm lý cho rằng những gì người thân làm cho mình là chuyện đương nhiên, nên lời cám ơn ít khi được nói ra. Thật hơi tiếc! Ơn không chỉ là những gì to tát, thậm chí trừu tượng. Ơn là những gì chúng ta làm cho nhau rất bình thường. Một tách trà, một cốc cà phê để sẵn mỗi buổi sáng, một bữa ăn ấm áp gói ghém mang đi… cũng xứng đáng nhận lại một lời cám ơn.
“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” là đạo lý “biết ơn” của người Việt. Nếu không được đến trường, đó là nỗi bất hạnh lớn. Được đến trường, và lại được hưởng một nền giáo dục “nhân bản, dân tộc và khai phóng” là một đại phước.
Một bác người Việt khuyên con cháu rằng:
“Biết ơn, không chỉ “nói” mà còn chứng tỏ bằng hành động. Biết ơn cha mẹ, người ta thường sống cho thật tốt để không uổng công cha mẹ sinh dưỡng mình. Biết ơn thầy, thì hãy làm những việc có ích cho xã hội để khỏi phụ công thầy dạy dỗ. Vợ chồng, anh em biết ơn nhau thì trân quý nhau vì chỉ sống với nhau một kiếp. Biết ơn người chiến sĩ thì xin đừng làm tủi nhục màu cờ đất nước và bộ quân phục cao quý của họ!”
Người Việt tha hương còn có quê hương thứ hai hoặc thứ ba trên đường đi tìm tự do. Những người cưu mang, giúp đỡ mình, họ không cần sự đền đáp, trả ơn. Cũng như người Việt mình nói “thi ân bất cầu báo” vậy. Đổi lại, khái niệm “pay it forward” khiến chúng ta làm những việc tốt đẹp cho những người khác, như một cách trả ơn cho ân nhân của mình. Biết ơn quê hương thứ hai hay thứ ba này, không chỉ đóng thuế là đủ, mà còn phải gìn giữ những giá trị cao đẹp, như tự do, dân chủ, công chính, công bằng…của đất nước mình đã chọn đến.
Từ một câu trong bài thơ khá dài “On Love” của nhà thơ, họa sĩ Kahlil Gibran (người Mỹ gốc Lebanon, 1883-1931), được dịch sang tiếng Việt (xin lỗi, người viết chưa biết chính xác tên của dịch giả):
“…Wake at dawn with a winged heart and give thanks for another day of loving…”
“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Tôi có thêm ngày nữa để yêu thương”
Nhiều người “pay it forward” qua việc hiến tặng tiền bạc, vật phẩm, thức ăn cứu giúp người nghèo; qua việc tặng tóc, hiến máu, hiến nội tạng, hiến thân xác cho khoa học. Đó là những cách Cám Ơn Đời.
Chúng ta vẫn không quên thời đại dịch COVID-19, trận dịch đã giết chết hàng triệu người trên thế giới. Lòng biết ơn của chúng ta càng đặc biệt sâu nặng dành cho những nhân viên y tế ở tuyến đầu, những người cứu chữa bệnh nhân. Có khi họ hy sinh bằng cả mạng sống của chính mình. Xin tri ân các nhà khoa học nghiên cứu tìm thuốc chữa bệnh và vaccine, các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm để có được vaccine an toàn và hiệu quả. Những ngày “shelter-in-place” càng làm chúng ta vô cùng biết ơn những người đã hy sinh cung cấp các dịch vụ thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, nước sạch, bưu điện; những người giao hàng, những người làm công việc vệ sinh v.v… Chưa hết, trong thiên tai như cháy rừng, bão lụt, chúng ta còn nhận ơn từ những người lính cứu hỏa, nhân viên cứu nạn, tình nguyện viên khắp nơi… Kể sao cho hết Ơn Đời!
Tôi nhớ lại hình ảnh một em bé còn nhỏ xíu, với ánh mắt của bé nhìn mẹ khi được mẹ cho bú. Đó là ánh mắt tỏa ra sự sung sướng, thỏa mãn, và biết ơn. Nhưng tôi nghĩ, lòng biết ơn không đơn giản là bẩm sinh, mà còn đến từ sự giáo dục, đi vào trí óc, từ đó, chiếu rọi vào mạch tim.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(1) Còn có tựa là “Giấc Mộng Kinh Hoàng”
Gửi ý kiến của bạn