Hôm nay,  

Cảm Tạ Cuộc Đời

22/11/202400:00:00(Xem: 1382)
 
Ảnh-1-Mongkolchon-Akesini,-từ-iStockphoto
Mùa Lễ Tạ Ơn cũng là dịp để chúng ta nghĩ đến và đền đáp phần nào những ơn nghĩa mà mình đã nhận được trong cuộc đời này. (Photo: Ảnh Mongkolchon Akesini, từ iStockphoto)
 
Ngày Lễ Tạ Ơn ở Mỹ (Thanksgiving Day, ngày Thứ Năm trong tuần lễ thứ tư của tháng 11 hàng năm) được cho là khởi đầu vào năm 1621 khi những người di cư đầu tiên từ Anh Quốc đến Bắc Mỹ tạ ơn và ăn mừng với người Mỹ Da Đỏ bản xứ về một vụ mùa màng được thu hoạch khấm khá. Đây cũng là dịp để chúng ta nghĩ đến và đền đáp phần nào những ơn nghĩa mà mình đã nhận được trong cuộc đời này.

Trong bài thơ “Ta Về” của nhà thơ Tô Thùy Yên viết khi ra tù cộng sản sau cuộc đổi đời vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, có câu thơ mà tôi rất thích: “Cảm ơn hoa đã vì ta nở.”

Hoa nở rồi hoa tàn là chuyện rất bình thường theo luật tắc sinh trụ hoại diệt của vạn vật, như nhà Phật đã nói. Hoa có biết nó nở vì ai không? Làm sao chúng ta biết được hoa nở là vì chúng ta? Nhưng nếu không có hoa nở thì làm sao nhà thơ họ Tô kia có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp mỹ miều của thiên nhiên! Vì vậy mà khi nhìn đóa hoa nở nhà thơ Tô Thùy Yên đã nói lời cảm ơn vì cảm nhận rằng hoa đã vì ông nở.

ảnh 2 Cam ta cuoc doi 02

“Cảm ơn hoa đã vì ta nở.” (Thơ của nhà thơ Tô Thùy Yên, hình của tác giả)

Đó không chỉ là sự tinh tế trong tâm hồn của một nhà thơ đa tài, mà còn là sự sâu sắc trong nhận thức của một con người nhân hậu biết cảm nhận và tri ân sự hiện hữu của những thứ khác chung quanh cuộc sống của mình. Rằng trên cuộc trần thế này không phải chỉ mỗi mình ta tồn tại mà sự tồn tại của mình gắn liền một cách không thể tách rời với những tồn tại khác. Điều này đã được nói đến trong kinh điển nhà Phật rằng, “Cái này có nên cái kia có. Cái này không nên cái kia không. Cái này sinh nên cái kia sinh. Cái này diệt nên cái kia diệt.” Rằng sự tồn tại của mỗi người, mỗi vật trên trần gian này đều nhờ vào sự có mặt của những người khác, những vật khác dù là trực tiếp hay gián tiếp. Đó là mối tương quan, tương duyên vô tận giữa tất cả sự sự vật vật trong vũ trụ, theo quan điểm của Phật Giáo.

Nhìn theo ý nghĩa đó thì cuộc đời của một con người đã nhận được biết bao nhiêu ơn nghĩa, từ cha mẹ, vợ chồng, con cái, thầy bạn, láng giềng, dân tộc, xã hội đến núi rừng, sông biển, và môi trường sống, v.v…
 
Đời người có rất nhiều ơn nghĩa
 
Chính vì vậy, đời người có rất nhiều ơn nghĩa dù chúng ta biết hay không. Từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta thọ nhận biết bao ơn nghĩa!

Trước hết là sự có mặt của chúng ta trên đời này. Chúng ta không thể tự mình bước vào thế gian này nếu không có những trợ duyên gần và xa. Duyên gần và trực tiếp thì có cha mẹ là những người sinh ra chúng ta. Duyên xa và gián tiếp thì có bệnh viện, trạm y tế, bác sĩ, y tá, bà mụ, thuốc men, v.v… hỗ trợ cho việc chào đời của chúng ta. Đó chỉ là kể đơn giản một số yếu tố dễ nhận ra nhất, nhưng chừng ấy yếu tố không phải là tất cả. Nếu kể thêm thì chúng ta không thể bỏ qua ông bà nội ngoại là người sinh ra cha mẹ của chúng ta. Bác sĩ, y tá, bà mụ cũng vậy. Họ đều có cha mẹ, ông bà. Bệnh viện, trạm y tế, thuốc men đâu phải tự nhiên mà có. Chúng cũng được tạo dựng từ nhân công, vật liệu mà những thứ này cũng phải nhờ các yếu tố khác hỗ trợ để có sẵn cho chúng ta sử dụng. Còn nhiều yếu tố, nhiều duyên lắm không kể hết.

Nhưng đâu phải chúng ta chào đời rồi thì tự nhiên trưởng thành nên người mà cũng phải cần đến rất nhiều điều kiện hỗ trợ khác, từ việc nuôi dưỡng của cha mẹ mà trong đó có tình thương yêu và các loại thực phẩm bổ dưỡng cơ thể đến môi trường giáo dục ở gia đình, học đường và xã hội mà trong đó có thầy cô giáo, bạn bè, sách vở, v.v… Còn rất rất nhiều yếu tố giúp chúng ta từ tuổi măng non đến khôn lớn nên người. Chẳng hạn, các thầy cô giáo cũng cần có cha mẹ sinh họ ra và nuôi lớn họ, cũng cần có môi trường giáo dục để có kiến thức và học vị rồi mới dạy lại được học sinh của họ. Bạn bè chúng ta cũng vậy. Họ cũng được sinh ra và nuôi dưỡng bởi cha mẹ. Họ cũng được các thầy cô giáo dạy trong các trường học, v.v…

Đến tuổi trưởng thành rồi chúng ta làm gì? Có người yêu, làm đám cưới, sinh con đẻ cái và tạo lập gia đình hạnh phúc mà trong đó có biết bao nhiêu là ơn nghĩa được thọ nhận. Người bạn đời của chúng ta đâu phải tự có mặt trên trần gian mà phải nhờ cha mẹ dẫn họ đến thế giới này và từ lúc ấu thời đến khi trưởng thành để lập gia thất thì cũng nhờ vào vô số các điều kiện trợ giúp. Chỉ nói việc tổ chức một đám cưới không thôi thì cũng có biết bao nhiêu yếu tố hỗ trợ để làm nên, từ nhà hàng, thức ăn, khách mời, gia đình hai họ nhà trai nhà gái cộng với bà con thân nhân và bằng hữu nữa, cho đến ban nhạc, chương trình văn nghệ, ca sĩ, nhân viên nhà hàng phục vụ từ trong bếp ra đến bàn ăn, v.v… Làm sao có thể kể hết nhân duyên và ơn nghĩa trong ngày mừng hôn lễ của cặp trai tài gái sắc! Ở đây chúng ta không thể không nói đến một trong những ơn nghĩa lớn lao trong đời mình, đó là người yêu của mình, là người đã trao cả trái tim và tình yêu nồng cháy cho nhau.

Khi lớn lên mỗi người trong chúng ta đều phải làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình. Môi trường làm việc có khác nhau tùy theo mỗi người. Có người làm giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, tổng giám đốc công ty. Có người làm nhân viên hành chánh trong văn phòng. Có người lao động chân tay trong nhiều lãnh vực. Mỗi công việc đều cần có nhiều yếu tố, nhiều điều kiện hỗ trợ để tồn tại và phát triển. Người làm giáo sư thì phải có trường lớp, chương trình giảng dạy, học sinh, lương bổng đầy đủ. Người làm bác sĩ thì phải có phòng khám bệnh, bệnh viện, bệnh nhân, thuốc men, vật dụng y tế, v.v… Người làm tổng giám đốc công ty thì phải có tổng hành dinh hay văn phòng để điều hành công việc và không thể thiếu các nhân viên giúp việc. Người lao động chân tay thì phải có cơ sở, có công việc để làm, có nhiều đồng nghiệp khác, có lương bổng phù hợp với chức phận của mình. Đó là nói đơn giản còn nói chi tiết hơn một chút thì có thể nêu ra điển hình một công ty với 50 nhân viên làm việc. Cứ mỗi nhân viên trong công ty đó đều có ông bà, cha mẹ, anh chị em, các điều kiện để nuôi dưỡng họ từ lúc còn nhỏ đến khi trường thành để đi làm việc. Nếu chúng ta là một nhân viên trong công ty đó thì chúng ta hoặc là trực tiếp hoặc là gián tiếp nằm trong một mạng lưới tương quan tương duyên ơn nghĩa rộng lớn mà chúng ta không thể nào kể ra hết.

Nhưng chúng ta không thể sống khỏe mạnh cả đời. Có lúc, nhất là khi tuổi già sức yếu, ai trong chúng ta cũng đều có bệnh, không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ. Đến khi bệnh thì chúng ta phải nhờ bác sĩ, dược sĩ, y tá, nhân viên y tế, phòng khám bệnh, bệnh viện, thuốc men, Medicare, Medicaid hoặc MediCal, các hãng bảo hiểm sức khỏe, v.v… Còn nữa, may thì bệnh có thể chữa khỏi trong năm ba ngày hoặc vài tuần. Nếu không may thì bệnh kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Bệnh càng nặng càng lâu chúng ta càng phải nhờ nhiều điều kiện trợ giúp, trong đó có bà con thân nhân của chúng ta.

Đừng nghĩ rằng khi chúng ta chết là hết ơn nghĩa. Không đâu. Cho dù sau khi chết chúng ta không còn biết nữa nhưng khi còn sống thì chúng ta đều biết rằng làm đám tang cho mình thì cũng phải nhờ nhiều nhân duyên. Chẳng hạn nhà quàn, các nghi lễ tôn giáo với các vị tu sĩ thuộc tôn giáo mà chúng ta là tín đồ, bà con thân nhân, bằng hữu đến viếng tang và đưa tiễn chúng ta, tài chánh để chi trả cho tất cả những dịch vụ ở nhà quàn, v.v… Lúc đó, chúng ta không còn có cơ hội để cảm ơn nhưng con cháu của chúng ta sẽ làm điều đó thay cho chúng ta.


Hãy nghĩ xem rằng thực phẩm mà chúng ta ăn mỗi bữa, mỗi ngày do đâu mà có? Có hạt gạo để nấu cơm là do bác nông phu cày sâu cuốc bẫm, chăm sóc phân bón nước non đầy đủ từ lúc gieo mạ cho đến khi gặt hái đóng bao. Đó là nói chuyện ở các nước nông nghiệp còn lạc hậu. Nhưng ở các nước văn minh tiến bộ thì việc làm nông cũng không phải đơn giản nhẹ nhàng, nghĩa là phải cần đến nhiều công sức và vốn liếng.

Đường sá mà chúng ta đi dù đi bộ hay đi xe trong các thành phố và khu dân cư trên khắp địa cầu cũng do nhiều điều kiện tạo thành, từ các chương trình xây dựng đường sá của chính phủ tới ngân sách tài trợ và công lao đóng góp của biết bao công nhân làm đường sá và cầu cống. Trong đó còn có yếu tố vật liệu cũng được tạo ra từ vô số các điều kiện hỗ trợ khác. Nói đến đường sá thì không thể không nói đến sự có mặt của những hạt bụi. Đừng tưởng hạt bụi không có giá trị. Nên nhớ rằng cục đất, hòn núi được tạo thành bởi vô lượng vô số hạt bụi. Nếu không có một hạt bụi thì cũng chẳng còn mặt đất để chúng ta sống trên đó.

Nhà cửa mà chúng ta đang ở cũng không phải tự dưng mà có mà phải nhờ đến nhiều yếu tố góp thành như tiền bạc, vật liệu, công nhân mà tự thân những thứ này thì cũng có từ biết bao nhân duyên khác.

Gần hơn nữa là quần áo mà chúng ta mặc thì không phải chính mình làm ra nhưng nhờ rất nhiều nhân duyên khác kết thành để rồi mới có bán cho chúng ta mua. Đừng nghĩ rằng chúng ta đã bỏ tiền ra mua thì xem như là không còn duyên nợ gì với chúng. Không phải thế! Với trái tim nhân hậu của một người bình thường trên thế gian này làm sao khi mặc một chiếc áo, một cái quần mới chúng ta không nghĩ đến công lao khó nhọc của người khác dù đó là của được mua bằng tiền. Chỉ nhìn hoa nở bên đường mà nhà thơ Tô Thùy Yên cũng đã không tiếc lời cảm ơn “hoa đã vì ta nở,” thì làm sao mặc một chiếc áo mới mua chúng ta lại không nghĩ đến người đã làm ra nó và cảm ơn nó đã vì ta mà có!

Còn một thứ quan trọng khác nữa trên đời này mà chúng ta không thể không cảm ơn. Đó là không khí để thở. Nếu không có không khí trong lành để hít thở thì chúng ta không thể nào sống nổi trong vòng bốn phút. Không khí hay nói cho đúng hơn là oxygen để chúng ta thở mà sống phần lớn đến từ biển và phần còn lại đến từ cây cối trên mặt đất. Vì quá thân thiết trong từng hơi thở mà chúng ta thường không nghĩ đến việc cảm ơn không khí và đôi khi quên mất sự hiện hữu vô cùng quý giá của nó.

Đó chỉ là một số ơn nghĩa mà một người có mặt trên đời này đã, đang và sẽ thọ nhận dù trực tiếp hay gián tiếp, dù biết hay không biết. Còn vô lượng vô số ơn nghĩa mà không thể nào kể hết được.
 
Biết ơn thì phải đền ơn
 
Biết cảm ơn không những là nhận ra được sự có mặt của tha nhân và những sự vật khác chung quanh cuộc sống của chúng ta, mà còn thấy được giá trị hiện hữu bình đẳng giữa ta và người, giữa ta và các sự vật khác. Không có họ sẽ không có mình và vì vậy chúng ta mang ơn sự hiện hữu của họ. Điều này cũng có nghĩa là không phải đợi đến khi họ làm một việc gì đó có lợi cho mình rồi mình mới nói lời cảm ơn. Sự hiện hữu của họ đã là một yếu tố, một điều kiện, một nhân duyên, và món quà quý giá cho sự có mặt và tồn tại của chúng ta.

Ngày đầu tiên tôi đến Mỹ cách nay hơn ba thập niên điều làm cho tôi rất chú ý là lời cảm ơn được nghe ở mọi nơi, mọi lúc và từ mọi người. Đó là một trong những tập quán rất đẹp mà mọi người dành cho nhau. Lời cảm ơn được nói ra một cách tự nhiên từ một hành động rất nhỏ như nhường đường cho người khác đi hay nhặt và trao lại một vật rơi cho chủ nhân của nó. Trên những toa xe điện ngầm trong Thành Phố New York, tôi thường xuyên nhìn thấy cảnh một người đứng lên để nhường chỗ ngồi cho người khác, có thể là người lớn tuổi hay người phụ nữ mang thai. Cứ mỗi lần như thế tôi đều nghe lời cảm ơn được nói ra. Chính hình ảnh nhân hậu và tử tế đó đã khiến cho tôi cảm thấy rất tự nhiên để nói lời cảm ơn đối với người khác.

Nhưng không phải chỉ có lời cảm ơn là đủ. Có những ơn nghĩa trên đời này chúng ta cần phải làm một cái gì đó cụ thể để trả ơn thì mới thật sự xứng đáng. Chẳng hạn, đối với công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ thì những người con phải đền đáp bằng tấm lòng thành và việc làm cụ thể như quan tâm và chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của cha mẹ khi họ ở tuổi già nua bệnh tật. Truyền thống Việt Nam về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ nằm trong ý nghĩa này.

ảnh 3 Cam ta cuoc doi 03

Cảm ơn những giọt nước. (Photo: www.pixabay.com

Đối với xã hội nơi mà chúng ta thừa hưởng rất nhiều di sản quý báu từ giáo dục, y tế, đạo đức, luật pháp, tôn giáo, văn hóa, tập tục, v.v…, thì sự cảm ơn đúng nghĩa nhất chính là đem hết khả năng và tâm huyết của mình để cống hiến trở lại cho xã hội. Hãy làm một nhà lãnh đạo biết xả kỷ để vì dân vì nước thực sự. Hãy làm một bác sĩ có lương tâm biết nghĩ cho những bệnh nhân để tận lực cứu chữa cho họ. Hãy làm một nhà giáo mô phạm đem hết sở học của mình để truyền lại cho thế hệ con em. Hãy làm một ông chủ không vị lợi mà biết quan tâm đến quyền lợi và cuộc sống của những người làm việc cho mình…

Khi thế giới còn dẫy đầy bất công, bạo lực và chiến tranh thì mỗi người sống trong đó đều có trách nhiệm đấu tranh cho bình đẳng và hòa bình. Tất nhiên, không phải ai cũng là Mahatma Gandhi của Ấn Độ, Martin Luther King Jr. của Mỹ hay Nelson Mandela của Nam Phi có tài năng và đức độ để thực hiện thành công những cuộc cách mạng vĩ đại làm thay đổi lịch sử của đất nước và cả thế giới. Nhưng mỗi người trong chúng ta với tư cách là những thành viên của cộng đồng nhân loại vẫn có khả năng xây dựng những viên gạch đầu tiên cho bình đẳng và hòa bình của thế giới này bằng chính cuộc sống thể hiện sự bình đẳng và hòa bình trong đời thường của chúng ta. Tạo sao? Bởi vì không có bình đẳng và hòa bình trên thế giới này nếu không bình đẳng và hòa bình trong tâm thức và cuộc sống của mỗi con người. 

Trái đất mà chúng ta đang sống và thọ nhận vô số ơn nghĩa ở trên đó đã và đang ngày càng bị tổn hại với bão lụt khắp nơi bởi thảm nạn biến đổi khí hậu bắt nguồn từ tình trạng khí thải nhà kính do sử dụng quá nhiều nhiên liệu hóa thạch, đốt phá rừng bừa bãi, đô thị hóa ngày càng mở rộng, quăng bỏ các đồ đạc làm bằng nhựa để chúng trôi ra biển giết hại sinh vật ở biển và phá hoại môi trường sinh thái ở đại dương. Không có lời cảm ơn hành tinh nào bằng hành động bảo vệ môi sinh cho trái đất của chúng ta. Còn có rất nhiều điều chúng ta có thể làm để đền đáp ơn nghĩa cho cuộc đời này.

Thay lời kết cho bài này xin mượn câu nói của nữ văn sĩ người Mỹ Ellen Hopkins đã từng viết rằng, “Đôi khi những điều nhỏ nhặt trong cuộc đời lại có ý nghĩa nhất.”

Quả thật vậy, đôi khi chúng ta nghĩ rằng lời cảm ơn có thể là việc nhỏ, nhưng sự thật nó lại có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của chúng ta. Nó là chìa khóa mở tung cánh cửa tâm thức của chúng ta để nhìn vào thế giới tương quan, tương duyên vô tận. Nó là lời chứng cho nhận thức của chúng ta về sự có mặt giá trị của tất cả mọi thứ trong cuộc đời mình. Nó mang đến cho chúng ta cảm giác hài lòng và an ổn về cõi đời này, bởi vì đó là cảm nhận rằng mọi thứ chung quanh mình đều không phải hoàn toàn bất thiện và không có giá trị.
Chúc mọi người mùa Lễ Tạ Ơn nhiều sức khỏe và an lành.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một tác phẩm Nghệ thuật Khái niệm gồm một quả chuối đơn giản, được dán bằng băng keo lên tường, đã được bán với giá 6,2 triệu đô-la tại một cuộc đấu giá ở New York vào thứ Tư, 20 tháng 11 năm 2024. Sự kiện này đã gây xôn xao không ít chẳng những trong thế giới nghệ thuật mà cả dư luận công chúng bên ngoài. Tác phẩm với nhan đề Comedian/ Diễn viên hài, của nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan, đã trở thành một hiện tượng khi ra mắt vào năm 2019 tại Art Basel Miami Beach. Những người tham dự lễ hội nghệ thuật này cố gắng tìm hiểu xem liệu một quả chuối màu vàng đã chín có những đốm đen được dán trên bức tường trắng bằng băng keo bạc loại dán thùng gửi hàng là một trò đùa hay là lời bình luận đầy thách thức láo xược về các tiêu chuẩn đáng ngờ trong giới sưu tập nghệ thuật. Có lúc, một nghệ sĩ khác đã lấy quả chuối ra khỏi bức tường và điềm nhiên bóc vỏ ra ăn. Tác phẩm này thu hút quá nhiều sự chú ý đến mức ban tổ chức phải lấy nó xuống cất đi.
Trong thế hệ ca nhạc sĩ trẻ của nền âm nhạc Sài Gòn trước 1975, cặp uyên ương Lê Uyên - Phương có một chỗ đứng đặc biệt, độc nhất. Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phương kéo dài từ đầu thập niên 1970s ở Miền Nam sang đến tận Hoa Kỳ sau 1975, cho đến khi ông mất vào năm 1999. Nhiều ca khúc Lê Uyên Phương cho đến nay vẫn chưa được chính thức phổ biến, phát hành. Để tưởng nhớ 25 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa, ca sĩ Lê Uyên sẽ tổ chức đêm nhạc chủ đề “Lê Uyên Phương 25 Năm Cuộc Đời– Tình Yêu – Âm Nhạc” tại Saigon Grand Center thành phố Fountain Valley vào ngày 7 tháng 12 2024.
Nhà thơ Kiên Giang nổi tiếng trên thi đàn miền Nam từ những năm 1955, 1956 với bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” (được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc rất nổi tiếng)
Bài thơ này đăng trên Việt Báo vào ngày 10 tháng 8 2024. Người dịch nói rằng “…Bài này hợp với tinh thần Phật Giáo…” Tác giả Henry Wadsworth Longfellow là một nhà thơ nổi tiếng vào bậc nhất ở Mỹ trong thế kỷ 19. Trong tiểu sử không thấy nhắc ông có nghiên cứu về Phật Giáo. Có thể giải thích rằng những gì thuộc về chân lý, sự thật thì sẽ mãi mãi tồn tại, bất kể Đức Phật có thuyết giảng hay không.
VFF đang cùng cộng đồng hướng đến một sự kiện trọng đại: kỷ niệm 50 năm tị nạn kể từ biến cố 30-04-1975. Không phải tình cờ khi nhiều phim đoạt giải năm nay có chủ đề liên quan đến sự hòa giải giữa các thế hệ sau nửa thế kỷ ly hương.
Năm 1816, khi nhà phát minh người Pháp, Joseph Nicephore Niepce thành công chế tạo ra chiếc máy ảnh bằng gỗ có gắn thấu kính, cũng là lúc nghề vẽ tranh truyền thần của những họa sĩ thời đó bắt đầu gặp nguy hiểm. Đến khi công nghệ chụp ảnh hoàn hảo hơn ra đời vào khoảng 1839, thì những người vẽ tranh chân dung dần dần… thất nghiệp.
Tuy than thở như vậy nhưng Nguyễn Vỹ theo cái nghiệp trong suốt bốn thập niên. Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở quê, lên trung học Pháp-Việt ở Quy Nhơn (1924-1927), tham gia bãi khóa để tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh nên bị đuổi học, phải ra Hà Nội học tiếp. Sau khi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Vỹ dạy học tại trường trung học Thăng Long, Hà Nội. Vừa dạy học, vừa làm thơ, viết văn, viết báo... Nguyễn Vỹ là tên thật, các bút hiệu khác: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. Cuộc đời ông trải qua nhiều sóng gió và nghiệt ngã nhất với nghề báo.
Vào chiều ngày 3 tháng 9, 2024, tại rạp Frida Cinema, thành phố Santa Ana, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) chính thức khởi động Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2024 (Viet Film Fest-VFF), sự kiện phim ảnh quốc tế thường niên lớn và lâu dài nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Đội Los Angeles Lakers vừa công bố kết quả cuộc thi tuyển nghệ thuật “Lakers In The Paint - 2023-2024”, nhằm vinh danh mười nghệ sĩ da màu từ khắp khu vực Los Angeles như một phần của chương trình nghệ thuật thường niên của đội nhằm ghi nhận, hỗ trợ và nâng cao tinh thần cho các nghệ sĩ đến từ các cộng đồng thiểu số. Trong mười họa sĩ trúng tuyển, có hai họa sĩ gốc Việt, gồm họa sĩ Ann Phong và Michael Trần Thế Khôi, và 8 họa sĩ từ các cộng đồng đa dạng Abby Aceves, Estefania Ajcip, Jessica Taylor Bellamy, Daryll Cumbie, Derick Edwards, Megan Gabrielle Harris, Marlon Ivory, Larry Li
Khán thính giả yêu nhạc Từ Công Phụng sẽ có dịp nghe nhạc, mua sách, gặp mặt, được ký tặng sách tại hai buổi chiều cuối tuần Thứ Bảy 21/09 và Chủ Nhật 22/09/2024, từ 2:00 PM đến 6:00 PM, tại Phòng Sinh Hoạt Báo Người Việt (14771 Moran St. Westminster) qua chương trình nhạc để giới thiệu Tuyển Tập Tình Khúc Từ Công Phụng. Đây là một tuyển tập bao gồm toàn bộ những tình khúc của Từ Công Phụng trước và sau 1975, cùng những bài viết về người nhạc sĩ tài hoa này từ người thân và bằng hữu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.