Là dân Canada nhưng tôi lại theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với tất cả hỷ nộ ái ố. Vì khi gia đình người láng giềng to con bất an, chén bát mẻ bay vào sân nhà họ lẫn sân nhà mình. Có đang xem phim tình lãng mạn cũng chẳng còn lòng dạ.
Nơi tôi sống cũng đang xảy ra một cuộc bầu cử khá quan trọng, cấp province (đại khái tương đương với cấp state ở Mỹ) nhưng tôi bỏ phiếu xong là thấy yên lòng. Nếu ứng cử viên tôi chọn thắng thì đó là một tin vui. Nếu ông thua, thì tôi sẽ buồn nhưng không đến nỗi chua chát hay tức giận.
Nhưng cuộc bầu cử của Mỹ thực sự làm tôi nóng mặt vì nó bất công. Trước tiên, các công dân không có một lá phiếu "giống nhau". Tổng thống được chọn qua hệ thống electoral college, cử tri đại biểu. Hệ thống này thiên vị các tiểu bang ít người. Ví dụ: Tiểu bang Wyoming, dân số chỉ hơn nửa triệu, có 3 đại biểu. Trong khi New Mexico, với hai triệu dân, nghĩa là đông dân gấp 4 lần Wyoming, chỉ có 5 đại biểu. Wyoming, như hầu hết các tiểu bang miền quê, thiên Cộng hoà. Hệ thống bầu cử này đã nhiều lần đưa đến việc ứng cử viên Dân chủ, được nhiều phiếu nhất, lại không được vào chức vụ tổng thống
Có người sống ở đô thị phàn nàn “Tại sao cũng là người dân, mà lá phiếu của tôi lại ít sức mạnh hơn lá phiếu của người sống ở một tiểu bang hẻo lánh? Có phải vì tôi ít kiến thức hơn, không có phương tiện theo dõi tin tức từ nhiều nguồn tin khác nhau, nên lá phiếu của tôi ‘dỏm' hơn?” Đừng than thở, người ơi! Nước Mỹ bước xa hơn ai hết về phương diện kỹ thuật, kinh tế, khoa học, quân sự… nhưng cũng gắn bó với luật lệ cổ xưa hơn ai hết. Tử năm 1800 đến này đã có 700 đề nghị đổi mới hay huỷ bỏ chế độ tranh cử này nhưng các cố gắng thay đổi đều thất bại.
Ngoài việc thể thức bầu cử qua đại biểu bất công, bầu cử kiểu Mỹ còn có gút mắt khác: Một số nhỏ tiểu bang nắm kết quả cuộc bầu cử trong tay. Bao nhiêu nỗ lực tranh cử đều đổ dồn vào các tiểu bang trước sau bất nhất như Philadelphia, Michigan, Wisconsin, Georgia, North Carolina, Arizona và Nevada. Nếu người dân ở quý tiểu bang này có hệ thống niềm tin sắt đá thì đã tiết kiệm hơi sức cho các ứng cử viên rất nhiều! Tại các tiểu bang khác, đa số người dân biết mình muốn ai. Dân chủ với lợi ích thiết thực cho giai cấp trung lưu và chính sách nhân đạo đối với di dân. Diễn dịch là ban phát tiền bạc rời rộng ngay cả cho những người sợ chân lấm tay bùn. Và mở cửa biên giới cho tới khi bị dân la hò phản đối. Cộng hoà với chủ trương chính quyền thu gọn, thuế ít, mọi người có trách nhiệm cho cuộc sống mình. Nói nôm na là mạnh ai nấy sống.
Và cũng chỉ vì các tiểu bang trước sau bất nhất này mà các vận động tranh cử cần một ngân quý không bao giờ cạn. Cử tri làm sao biết về các chính sách nếu không có… TV? Thế là bên cạnh hơi sức của các ứng cử viên, tiền bạc được đổ vào các truyền thông quảng cáo, vào các tiểu bang khó tính, như gió vào nhà trống. Nhưng thực sự, cử tri ở các tiểu bang này có khó tính không? Các chính sách quảng cáo trên TV không khác McDonald's hamburger bao nhiêu. Nhìn đẹp mắt, nghe êm tai, trúng ý mình là mua hết, không cần tìm hiểu chúng lợi hại lâu dài thế nào. Nghe nói đánh thuế tariff trên hàng nhập cảng từ China, ủng hộ liền. Không hề biết ai sẽ phải trả tiền tariff đó. Chính người chủ trương đánh thuế tariff còn không biết thì dân quèn cần gì biết! Rồi khi ngân quỹ cạn thì đây là lúc các triệu phú và tỷ phú bước vào. Hãy để họ dùng tiền rừng bạc bể của mình, gây ảnh hưởng trên cuộc bầu cử, và đưa quốc gia tới một tương lai mà họ ưa thích. Sau lưng hậu trường. Hay trước ánh đèn sáng trưng như Elon Musk!
Tuy nhiên, trách móc cử tri bất nhất là chuyện tầm phào. Vì hình như trong nhiều năm gần đây, chính trị gia đã được mặc khải từ đấng sáng tạo một chân lý rất sâu: Làm theo ý dân, không cần có nền tảng chủ trương gì tất! Cử tri muốn gì, chính trị gia hứa sẽ làm theo. Còn gì tốt hơn cho cử tri nữa chứ!
Một điều khác, không liên quan gì đến chính sách cho lắm, cũng làm tôi khó chịu: Các nhân vật nổi tiếng gây ảnh hưởng trên các cuộc bầu cử dù sự thành công của họ không liên quan đến mặt chính trị. Vì họ là ca sĩ, tài tử, doanh nhân thành công nên quyết định chính trị của họ đáng được noi theo? Đương nhiên những nhân vật này có những tính cách đáng học hỏi, những tích cách đã giúp họ thành công. Nhưng quan điểm chính trị của họ có thể dựa trên những yếu tố, hoàn cảnh không có chút gì tương tự với cá nhân cử tri cả. Đặt nặng sự ủng hộ của những người này có thể làm lạc hướng cử tri: Tôn sùng cá nhân thay vì chú trọng vào chính sách, đường lối lãnh đạo. Không phải sự tôn sùng cá nhân này đã đưa tỷ phú Trump tới thành công chính trị hay sao?
Thực tình mà nói, nghe Bruce Springsteen, Beyonce trình bày trước hàng ngàn người vì sao họ sẽ bầu cho bà Harris thì tôi chắc những người ủng hộ Harris sẽ ấm lòng. Nhưng nhìn Hulk Hogan xé áo và khoe bắp thịt khi xuất hiện trước hàng ngàn cử tri ủng hộ cựu tổng thống Trump thì không lẽ không ai tự hỏi có phải ông trùm đô vật này, như Elon Musk, đã được Trump hứa hẹn một chức vụ nào đó trong chính phủ tương lai. Bộ trưởng bộ phát triển văn hoá dân gian, có lẽ?
Ai sẽ là vị tổng thống thứ 47 của nước Mỹ? Chính sách của tổng thống mới này sẽ ảnh hưởng Canada và thế giới như thế nào? Nếu cựu tổng thống Trump thất cử, một cuộc nổi loạn lớn có xảy ra không? Nếu Trump thắng, những người chống đối ông có bị trừng phạt? Sự chia rẽ nội bộ trong nước Mỹ sẽ được xoa dịu hay trầm trọng hơn? Trong thế giới tranh tối tranh sáng này, nền dân chủ của nước Mỹ sẽ đi về đâu? Tương lai quốc gia này thuộc về những người giàu có nhất và trơ tráo nhất?
Tôi có người thân là công dân Mỹ. Kết quả cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng tới đời sống tôi nhiều hay ít, trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng ngoài những lý do cụ thể này, còn có một lý do khá thơ ngây: Tôi muốn nhìn thấy thiện thắng ác dù thời buổi này không còn định nghĩa rõ ràng cho thiện lẫn ác.
Đế quốc nào cũng có ngày sa sụp. Nhưng xin đừng để ‘China’, nơi người dân đổi quyền tự do cá nhân cho một viễn ảnh thống trị thế giới, trở thành một đế quốc quá nhanh.
KC Nguyễn
Gửi ý kiến của bạn