Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

Đọc “Cùng Nhau Đất Trời” của Khánh Trường.

20/09/202413:33:00(Xem: 815)
Cùng Nhau Đất Trời 1
Sách hiện có bán ở Amazon.
Gõ chữ Cùng Nhau Đất Trời, Khánh Trường.

 

“Cùng Nhau Đất trời” là tác phẩm mới nhất của Khánh Trường, một tác giả “bất khuất”, bệnh rề rề mà vẫn không chịu buông bàn phím lẫn cây cọ. Anh đang thực hiện một loạt tranh gồm 40 bức để cuối năm triển lãm. Vẽ 40 bức tranh không là chuyện dễ đối với một họa sĩ thành danh từ lâu. Nhưng vẽ 40 bức tranh với bàn tay tật nguyền, phải cột cọ vào tay là cả một khổ cực. Vậy mà trong những message ngắn gọn với tôi, anh quả quyết sẽ hoàn thành công trình nhọc nhằn này.

Tay gõ phím cũng không chịu thua. Người ta tanh tách gõ bằng mười ngón, anh nhẩn nha mổ cò từng chữ một, mắt nhìn không rõ, chữ nọ xọ chữ kia, vậy mà cho ra đời từng cuốn dày vài trăm trang như không. Nhà thơ Phạm Hiền Mây viết trong bài Tựa: “Tôi ghẹo ảnh, hay là đặt tên cuốn truyện này là “Cuốn Tiểu Thuyết Cuối Cùng”đi, cho hấp dẫn, cho thu hút, cho gợi óc tò mò, cho đặc bit, cho xúc động bà con chơi. Khánh Trường cười ha hả một tràng dài, chắc nịch, chưa đâu, phải thêm hai, ba cuốn nữa rồi anh mới chịu ngỏm củ tỏi.

Khánh Truong
Khánh Trường 2024, photo Nguyễn Bá Khanh.

Khánh Trường đủ điều kiện để ngỏm củ tỏi từ lâu với “đời bệnh” như sau: 2001 tai biến lần thứ nhất, 2002 tai biến lần thứ hai, 2003 tai biến lần thứ ba. Chưa kể thêm vài lần nữa nhưng nhẹ, không tính! Lần thứ hai, song song với tai biến là suy tim, hậu quả của cao máu. Lần thứ ba, song song với tai biến là loét bao tử và ung thư cuống họng, hậu quả của rượu và thuốc lá. Nhà thơ Mây Hiền hạ bút: “Chà! Bệnh lung tung, ra vô nhà thương như cơm bữa. Anh sống đến bi chừ, chính anh còn thấy lạ. Mấy tay bác sĩ điều trị cho anh cũng lắc đầu…Một tuần ra vô bệnh viện tới ba lần để lọc máu. Trên người không còn chỗ nào không có kim đâm. Chưa kể, nhiều lúc bị kháng thuốc, ói mửa. Chưa kể, những lần té lên té xuống, trong phòng ngủ, ngoài phòng khách, ngay cả trong phòng tắm. Đủ thứ gian nan. Đủ thứ vất vả”. Ngô Thế vinh bảo: “Y khoa phải xét lại”. Lần anh loét bao từ, máu ra nhiều, chỉ còn 10/4, Ngô Thế Vinh nói: “Bình thường như vậy, nếu còn thở thì não đã chết, sẽ sống thực vật, vậy mà anh vẫn tỉnh queo, trí óc vẫn minh mẫn, có khi còn sáng hơn. Kỳ chưa? Chuyện khó tin nhưng có thiệt. Đúng là phép lạ”.

Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, trong message riêng gửi cho Lê Hân, khi nhận được cuốn tiểu thuyết  “Cùng Nhau Đất Trời” này, đã viết: “Tay Khánh Trường này thật kỳ vĩ, bệnh hoạn như vậy mà vẫn viết được nhiều và hay. Đúng là một trường hợp hiếm có trong sinh hoạt văn học ở hải ngoại”. Tay này thiệt coi tật bệnh như pha. Lâu lâu buồn gửi message cho tôi càm ràm một chút nhưng rồi vẫn cứ tí toáy hết chuyện nọ tới chuyện kia. Trong message mới nhất gửi tôi vào bữa thứ năm 5/9 vừa qua, ông thần này đe dọa sang năm sẽ làm cho thiên hạ “bật ngửa”. Anh có cho tôi biết dự định nhưng đây là bí mật quốc gia nên tôi không dám tiết lộ ra đây.

Kề từ khi bệnh tật tận tình thăm hỏi, Khánh Trường đã cho ra đời: Truyện ngắn Khánh Trường (2016), Chuyện Bao Đồng (tạp bút, 2018) và các tiểu thuyết: Tịch Dương (2019), Dấu Khói Tàn Tro (2020), Bãi Sậy Chân Cầu (2020), Có Kẻ Cuồng Điên Khóc (2020), Xuyên Giấc Chiêm Bao (2021), Đừng Theo Dông Bão (2021). Nắng Qua Đèo (2021), Năm Tháng Buồn Thiu (2023), Cùng Nhau Đất Trời (2024) và cuối cùng là tập Thơ Khánh Trường (2024). Số tác phẩm đồ sộ này, ít ai, kể cả những tác giả sung sức nhất, làm nổi. Đúng là…kỳ vĩ!

Cuốn “Cùng Nhau Đất Trời” này có chút khác với các cuốn trước vì tác giả ghi ngay ngoài bìa sách là “du ký tiểu thuyết”. Chuyện mới à! Mới nhưng truyện của Khánh Trường chằng bao giờ thoát ra khỏi tình. “Cùng Nhau Đất Trời” cũng vậy, đây là một truyện tình. Nhân vật chính không còn trẻ, đã 38 tuổi, chưa chồng con. Ông bố sốt ruột: “Cô tưởng cô còn trẻ lắm sao? Kén cá chọn canh mãi, mai mốt thành gái già, hối không kịp”. Bà mẹ thúc hối: “Này, phải tính đi chứ, chả nhẽ muốn ở giá à?”. Ông anh cả rủa: “Đã ba tám lần hâm rồi đó, coi chừng hâm riết cạn hết nước, cháy nồi”. Cô bạn đã chồng con yên phận, cảnh tỉnh: “So với tao, nhan sắc mày hơn xa. Khối thằng xin mang trầu cau đến rước. Mày õng ẹo mãi, bộ không sợ mang tiếng ‘ống chề’ sao?”.

Thực ra Thanh Nhã đã có hai lần làm tình nhân. Lần đầu ngu ngơ cặp với ông thày đểu cáng như cánh bướm chỉ vờn hoa, hái được xong rồi bỏ đi. Lần thứ hai với một anh thanh niên kém tuổi chỉ được cái khỏe mạnh chuyện giường chiếu nhưng lại hèn nhát khi cần được bảo vệ. Sau hai cuộc tình thất bại, Thanh Nhã treo giá ngọc vì không tìm thấy được người xứng đáng. Cho tới một lần, khi đang du lịch bên Ý, thấy một anh chàng vẽ chân dung dạo bên lề đường, kết ngay. Đó là một họa sĩ người Việt, có xưởng vẽ, “cuối tuần thường ngồi ký họa bên đường cho du khách, cốt vui, và cũng để thêm thu nhập hầu thoải mái hơn trong sinh hoạt hàng ngày, nên hoàn toàn tự do, free thời gian”. Anh chàng Lâm này đưa Thanh Nhã đi khắp nước Ý, coi tranh coi tượng. Tối chàng giữ ý ngủ đưới sàn nhà tuy chẳng có hàng rào biên giới nào. Nhiều lần nàng tự hỏi: bộ anh chàng này không thích đàn bà sao? Hết kỳ nghỉ, họ chia tay, hẹn sẽ gặp nhau tại Việt nam khi chàng Lâm về thăm nhà.

Ở lại Ý, Lâm được cặp bạn Anton và Emmy rủ đi một vòng Âu châu. Họ giới thiệu cho Lâm  cô gái tên Dasthier “trẻ, nhan sắc trung bình nhưng lại sở hữu một body lý tưởng: cao. Chân dài, hông và ngực nở, tóc đen tuyền, ngấn cổ cao, màu da ngăm ngăm, thuộc sắc dân Trung đông, rất chịu chơi, xem chuyện ân ái như món tráng miệng, vừa chia tay với thằng kép trẻ”. Buổi tối, Lâm còn giữ ý. “Dasthier thản nhiên cởi quần áo ttước khi lên giường, vừa chui vào chăn vừa nói: “Tại sao phái nữ không được quyền làm mọi chuyện như phái nam?”. Mùi thơm của nước hoa thoang thoảng và hơi ấm của da thịt từ Dasthier toát ra khiến Lâm rạo rực. Dasthier ngồi lên bụng Lâm : “You want?”. Lâm trả lời bằng cách vươn hai bàn tay vày vò đôi vú mọng sưng hai núm  hồng sẫm. Đôi vú mềm, hâm hấp nóng, Lâm cảm nhận một luồng điện chuyển từ vùng thịt da nhạy cảm kia lan khắp người rồi hội tụ ở hạ thể, cương nở”.

Sau những ngày du ngoạn khắp châu Âu, cuộc gặp gỡ tưởng chỉ là của hai thân thể nhưng đã kết tụ thành một cuộc tình, một chiều.

“Dasthier cầm bàn tay Lâm bóp nhẹ: “Nếu em nói đã yêu, honey có tin không?”

“Lạ đấy, anh vẫn  nghĩ tình yêu đối với em chả khác gì một cái bánh donut”.

“Trước đây em cũng tưởng thế, nhưng lần này em thấy có gì khang khác”

“Chỉ là khẩu vị thôi, ăn mãi donut, ngán, một món lạ có mùi vị Á châu, cũng thú”

“Không phải vậy, honey làm em mất ngủ nhiều đêm, điều em chưa từng”.

Có lẽ do men rượu, Dasthier nói say sưa, như tâm sự về cuộc đời mình, những tháng năm đã qua, những người đàn ông đã đến và đi, chưa người nào để lại ấn tượng sâu đậm, tất cả chỉ nhằm thỏa mãn thân xác. Cho đến ngày quan hệ với Lâm, Dasthier cảm thấy xao xuyến, nhận ra mối tương quan giữa hai người không chỉ thuần vật lý, mà còn có những rung động khác, những rung động lần đầu Dasther cảm nhận”.

Lâm sợ sẽ lún sâu vào tình trạng khó xử. Chàng thoát ra bằng cách trở về Việt Nam chơi. Với Thanh Nhã. Họ đưa nhau đi chu du khắp mọi miền đất nước, từ Nam ra Bắc. Chỉ sau một thời gian bên nhau, vào một đêm nồng ấm, “Chúng tôi về phòng. Sau khi tắm, làm vệ sinh. Tôi vào giường nằm cạnh Lâm, hạ thấp ánh sáng đèn ngủ, rúc đầu vào nách Lâm, thì thào: “Em yêu anh”. Lâm ôm tôi, mỉm cười, nhìn tôi âu yếm: “Anh cũng yêu em”. Và như mọi đêm suốt nhiều ngày nay, tôi chết lịm dưới thân thể cường tráng của Lâm. Sẽ khốn khổ biết chừng nào nếu mất Lâm. Không, bằng mọi giá, tôi nhất định không để ngày ấy xảy ra. Tôi thầm lập lại không thể nhớ lần thứ bao nhiêu: “Lâm, em yêu anh”.

Tôi vừa lược lại “Cùng Nhau Đất Trời” như một chuyện tình. Chuyện tình đậm dấu ấn Khánh Trường. Nghĩa là rất đậm đà, tả tình tả cảnh nồng nhiệt. Nhưng, khác với các tiểu thuyết trước, cuốn tiểu thuyết mới nhất này còn là “du ký tiểu thuyết”. Những tưởng Khánh Trường dùng “truyện tình” chỉ để làm nền cho “du ký”, nhưng không, truyện tình đã được viết rất mực chi ly cẩn thận. Nhưng dù sao, phần “du ký” có lẽ là món lạ mà Khánh Trường mang ra đãi độc giả lần này. Anh đã rất chú tâm tới phần này. Anh dẫn độc giả đi Nam tào Bắc đẩu. Từ Venice, Rome, Pisa, Napoli, tới Florence, Cinque Terre của Ý, với Thanh Nhã. Qua Pháp, Thụy Sĩ, Monaco, Áo, Bỉ, Đức, Luxembourg, Tây Ban Nha, Hòa Lan với Dasthier. Về Việt Nam cùng Thanh Nhã ngao du Tây Ninh, Bến Tre, An Giang trong Nam tới Nha Trang, Đà Nẵng, Huế ngoài Trung rồi Sầm Sơn, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Sapa. Mỗi địa danh đều có nhiều di tích, thắng cảnh và nhất là các viện bảo tàng, phòng tranh. Khánh Trường đưa độc giả đi qua bao nhiêu kỳ tích, chỉ rõ tường tận từng nơi từng chốn.

Khánh Trường hình như chưa bao giờ là người cẩn thận nhưng, trong vai hướng dẫn viên du lịch, anh cẩn thận hết cỡ. Tới nơi nào anh cũng rộng rãi kể về sự tích, lịch sử hình thành và các đặc điểm của từng nơi. Nhưng sự tận tình của anh nhiều khi quá đáng. Anh đã chép lại nguyên văn các tài liệu du lịch dài dằng dặc, kể cả các tài liệu trong Wikipedia. Có thể đối với nhiều người, đây là những gì họ muốn biết về một nơi chốn nổi danh nhưng, với tôi, việc nhét nguyên văn tài liệu vào trong một cuốn tiểu thuyết là một chuyện khiên cưỡng. Phải chi anh chịu khó khai thác tài liệu để “tiểu thuyết hóa” chúng với những nhân vật trong truyện thì hay biết mấy.

Với “Cùng Nhau Đất Trời”, tôi nghĩ Khánh Trường cố làm mới tiểu thuyết của anh. Đây là một hướng đi mới của một nghệ sĩ không bao giờ cạn sáng tạo, trong văn chương cũng như trong hội họa. Mong anh nhích bước mạnh dạn tiến sâu hơn vào tính tiểu thuyết trong truyện của anh.

Cuốn “Cùng Nhau Đất Trời” được ghi nhận trong trang đầu của sách: “Tặng Phạm Hiền Mây. Ghi nhớ mười năm hạnh ngộ”. Phạm Hiền Mây cũng là người viết một bài tựa khá đặc biệt và thông minh cho cuốn truyện. Xin trích lại cảm nhận của người viết tựa: “Đọc truyện Khánh Trường, không chỉ thích về mặt nội dung, không chỉ khoái về mặt tình tiết, mà nó còn mang lại nhiều lợi ích khác cho người đọc, nhất là về mặt kiến thức, đa dạng, phong phú. Đặc biệt, kiến thức lần này là đất nước, là con người, là phong tục tập quán, là chuyện ăn, chuyện ở, chuyện mặc, của những vùng đất nổi tiếng nhất trên hành tinh chúng ta”.

Trong các truyện của Khánh Trường, nhân vật chính thường là một họa sĩ hào hoa phong nhã, vơ bên trái, quơ bên phải đều có những người tình đẹp đẽ, thông minh, phóng khoáng. Anh chàng họa sĩ Lâm trong “Cùng Nhau Đất Trời” không là ngoại lệ. Gấp cuốn sách dày 238 trang, tôi có một mơ ước: kiếp sau xin Trời cho làm một họa sĩ! Hào hoa phong nhã như bất cứ anh họa sĩ nào trong truyện Khánh Trường, kể luôn anh chàng Lâm trong cuốn truyện mới toanh này..

 

 09/2024


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“ VÀ EM, LỄ KHẤN DÒNG” ( VE,LKD) là thi phẩm thứ 24 của nhà thơ Lê Đình Bảng, sau 23 tác phẩm đã xuất bản gồm các sách Giảng văn, Giáo trình sách giáo khoa, Thơ, Văn, Bút ký... xuất bản từ năm 1962 ở Sài Gòn và hải ngoại cho đến nay. Sách dày 110 trang gồm 63 bài thơ và lời giới thiệu của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, do nhà Xuất bản Tuổi Hoa Publishing, Hoa Kỳ ấn hành tháng 8 năm 2024, với tranh bìa của họa sĩ Nguyễn Hà và ký họa chân dung tác giả của họa sĩ Chóe.
Hiếm có một tiểu thuyết như Đường về thủy phủ của Trịnh Y Thư. Không phải là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhưng lại làm người đọc phải bâng khuâng nghĩ về những chặng đường đã trải qua của dân tộc. Không phải là một tiểu thuyết diễm tình, nhưng lòng độc giả sẽ chùng xuống khi khép trang sách lại và ngậm ngùi cho những mối tình tan vỡ. Bạn có thể đọc xong, tuần sau đọc lại, vẫn còn thấy có những gì như cần đọc nữa. Chữ của Trịnh Y Thư như dường không cũ tí nào, vì nó luôn luôn gợi tới những gì sâu thẳm trong tim mỗi người, những ước mơ về một mối tình rất mực kỳ ngộ, rất mực dị thường.
“Ở Phía Đông Âm Phủ” là một trong hai truyện tạo thành tập truyện có cùng tựa đề “Ở Phía Đông Âm Phủ” của nhà văn Nguyễn Viện. Sách dày 184 trang do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2024. Ở âm phủ, dĩ nhiên, để bị trừng phạt và đền tội, nếu vậy, ngụ ý của tác giả là tội gì, đối với các nhân vật trong truyện, những lãnh tụ có thật đưa vào hư cấu, mang máu lịch sử, tạo ra những khúc quanh lớn cho dân tộc, chôn hàng hà sa số xương thịt của người dân, dù có ý định tốt đẹp? Đối với lãnh đạo, lý tưởng và hành động là hai bạn đồng hành, nếu họ yêu nhau, chuyện tốt đẹp sẽ xảy ra; nếu họ phản bội nhau, chuyện xấu xa sẽ xuất hiện sau mặt nạ son phấn của tuyên truyền.
Sách mới "Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ" của Nguyễn Viện, do NXB Tiếng Quê Hương (Mỹ) ấn hành, 2024. Gồm 2 truyện kịch: VÀ, HẮN ĐÃ ĐẾN & Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng nhận định: “Ở phía đông âm phủ” độc đáo ở chỗ tác giả không miêu tả trực tiếp nhân vật, mà để cho họ nói năng như trên sân khấu, như trong một vở kịch. Hình thức tiểu thuyết - kịch rất hiếm trong văn học Việt Nam… Những quan sát của anh sắc bén, và trong một ngôn ngữ đẹp, giản dị, tinh tế, dí dỏm, tôi thiết nghĩ anh đã thành công trong việc đánh thức ý thức lịch sử và xúc cảm cá nhân nơi người đọc. Nhà nghiên cứu lý luận Ngu Yên đúc kết: Trên con đường văn chương Việt, Nguyễn Viện trở thành một trong số ít nhà văn phiêu lưu, dọ dẫm vào miền văn học lạ lẫm.
Nhận được cuốn tiểu thuyết Đường về thủy phủ của nhà văn Trinh Y Thư, nghiền ngẫm đọc mấy hôm và suy nghĩ viết đôi lời cảm nhận cho tác phẩm của ông...
Tôi đã đọc bản thảo “Dòng Đời” khá là chậm. Đôi khi tôi đọc lại môt số đoạn, một số trang. Khi đọc lại toàn văn bản thảo lần thứ nhì, tôi lấy giấy ra ghi chú về các nhân vật, các mốc thời gian, những chuyển biến khi các nhân vật dời đổi từ bên dòng sông này qua thị trấn miền núi kia. Tất cả như một cuốn phim về một quê nhà đang tìm hướng đi trong thời kỳ hậu thực dân Pháp, nơi lối rẽ của tranh chấp để con sông trở thành đôi bờ và rồi người lái đò (trong tiểu thuyết này là người có tên là ông Ba Đò) trở thành người hai mặt, bị buộc cung cấp tin cho cả hai lực lượng thuộc hai ý thức hệ khác nhau.
Ngôn Ngữ đặc biệt về “tác giả tác phẩm”, cuốn này hân hạnh được giới thiệu đến quý bạn đọc, một cây bút tài danh đã viết và thành công trong hầu hết trong nhiều bộ môn văn học nghệ thuật qua bốn thập niên. Tác giả đó là nhà văn Trịnh Y Thư. Ông tên thật Trịnh Ngọc Minh, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1952 tại Hà Nội, trưởng thành tại Sài Gòn, du học và hành nghề điện tử viễn thông tại Hoa Kỳ cho đến khi hưu trí vào năm 2018. Như đã thượng dẫn, Trịnh Y Thư là một người đa tài, chúng tôi xin giới thiệu đại khái về từng bộ môn ông đã sinh hoạt. Trong bộ môn văn, ông đã viết và phổ biến rộng qua sách in từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dịch, khảo cứu, nhận định văn học, tùy bút, tạp bút, tạp luận. Với bộ môn thi ca, ông có một số ít bài theo phong cách vần điệu nhưng không cùn mòn. Chúng tôi nghĩ ông rất hứng thú và chuyên về trường ca, hoặc những bài viết có số lượng câu không quá ngắn hoặc quá dài, và ông cũng sử dụng cả lối thơ Hokku với chỉ 3 câu cho từng khổ.
Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao, lấy cảm hứng từ sự tuôn chảy của một dòng sông để phác họa nhiều dòng chảy khác sâu kín, phức tạp, đa chiều trong nội tâm của Hiểu, nhân vật chính trong tiểu thuyết. Hiểu lạc trôi theo vận nước, bước qua những tàn tích của lịch sử, qua những bóng ma quá khứ, những khoảnh khắc cô đơn tuyệt vọng để tìm lại bản thân, hội nhập, đối diện với những thử thách mới trong hiện tại và tương lai.
Suy nghĩ về thơ, Đặng Toản đã viết: “ ... Thơ chấp nhận mọi sự đẽo gọt và không đẽo gọt, từ vi tế đến thô ráp, từ dân gian đến bác học và các thành phần tham gia vào chiếu thơ có mặt phu xe và tể tướng, gã ăn mày và đại phú hộ...” ( Nghĩ về thơ, trang 258). Do đó sẽ càng thú vị hơn, khi ta bắt gặp những hình ảnh thơ, những câu thơ với những ngôn ngữ “nghề nghiệp” song cũng đầy mới lạ và ấn tượng của “gã thợ tiện’ bên những tia laser cắt... ống sắt!
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.