Quá rõ ràng, Trung Quốc (TQ) là một chủ đề rất quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới. Cả hai liên danh tranh cử - Đảng Dân chủ do Phó Tổng thống Kamala Harris lãnh đạo và Đảng Cộng hòa do cựu Tổng thống Donald Trump dẫn dắt - đều xoáy vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc trong suốt chiến dịch tranh cử, dù Harris ít nói về vấn đề này hơn một chút. Nhìn chung, quan điểm và lập trường của cả hai bên có nhiều khác biệt, nhưng cũng có một số điểm tương đồng.
Trump và J.D. Vance cho rằng TQ là “mối đe dọa lớn nhất” đối với Hoa Kỳ và thường xuyên trình bày quan điểm rằng Hoa Kỳ và TQ đang ở trong một cuộc cạnh tranh trực diện, và chỉ một bên có thể giành chiến thắng. Dù vậy, Trump cũng thường khoe về thâm tình bằng hữu của mình với Tập Cận Bình (TCB), và rằng ông thực lòng muốn “hòa thuận với TQ, nhưng tiếc là họ chỉ nhăm nhe lợi dụng đất nước chúng ta.”
Trong khi đó, Harris cũng từng cam kết rằng “phần thắng trong cuộc cạnh tranh thế kỷ 21 sẽ thuộc về Hoa Kỳ, chứ không phải TQ.” Đây là câu mà bà đã nhấn mạnh trong cuộc tranh luận trên ABC News vào tháng 9 và tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ vào tháng 8. Cùng với Tim Walz, một người dày dạn kinh nghiệm về TQ, Harris đã chọn phương thức mang tính ngoại giao hơn trong các chính sách đối phó với Bắc Kinh (BK). Dù ôn hòa là vậy, cả Harris và Walz vẫn ủng hộ một số chính sách nhằm giải quyết những thách thức về kinh tế và an ninh khi TQ ngày càng hung hăng. Trước đó vào năm 2019, Harris từng bày tỏ sự sẵn lòng hợp tác với TQ về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Gần đây, Cố vấn An ninh Quốc gia của chính quyền Biden, Jake Sullivan, cũng đã trấn an các lãnh đạo TQ rằng Harris cam kết “quản lý một cách có trách nhiệm” các mối quan hệ song phương.
Thuế quan: Cả hai bên đều áp dụng
“Đánh thuế” TQ là vấn đề trọng tâm trong danh sách các chính sách của Trump từ rất lâu, trước cả khi ông công bố chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Trump luôn cho rằng việc đánh thuế nhập cảng từ TQ sẽ giúp giải quyết vấn đề nợ quốc gia và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010 với George Stephanopolous của ABC, Trump từng nói: “Cần phải có các biện pháp để giữ công ăn việc làm ở lại Hoa Kỳ. Phải làm sao để người dân không mua hàng Tàu nữa.”
Khi lên làm Tổng thống, Trump đã thực hiện mong muốn đó bằng cách châm ngòi cuộc chiến mậu dịch với TQ vào năm 2018. Washington áp thuế quan lên hàng trăm tỷ MK hàng hóa từ TQ, để rồi Bắc Kinh cũng áp thuế trả đũa đối với hàng hóa từ Hoa Kỳ, mãi cho đến năm 2020, khi hai bên ký kết thương ước “Giai đoạn Một” (Phase One). Theo Phase One, TQ hứa sẽ mua 200 tỷ MK hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trước cuối năm 2021. (Nhưng Bắc Kinh đã không giữ lời.)
Mặc dù có một số tác động tích cực, nhưng chính sách này không phải hoàn toàn thành công khi Trump rời nhiệm sở. Thâm hụt mậu dịch song phương (lượng hàng hóa Hoa Kỳ nhập cảng nhiều hơn xuất cảng sang TQ) đã giảm từ 419 tỷ MK vào năm 2018 xuống còn 311 tỷ MK vào năm 2020, nhưng tổng thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ lại tăng vọt lên 679 tỷ MK trong cùng năm – mức cao nhất kể từ năm 2008. Bên cạnh đó, người ta ước tính cuộc chiến mậu dịch này đã khiến Hoa Kỳ bị mất từ 142,000 đến 245,000 việc làm.
Quan điểm của Trump là: chưa đủ mạnh tay với TQ. Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông đề nghị tăng thuế nhập cảng hàng hóa từ TQ lên 60% hoặc cao hơn, và muốn áp thuế từ 10-20% đối với tất cả hàng nhập cảng từ nước ngoài. Harris đã gọi chính sách này là kiểu “đánh thuế bán hàng cả nước,” vì mọi chi phí thuế đều sẽ trút lên đầu người tiêu dùng Hoa Kỳ. Đây cũng là điều các kinh tế gia lo ngại, vì khi thuế nhập cảng tăng, vật giá tại Hoa Kỳ cũng sẽ tăng theo.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2019, ứng viên Joe Biden cũng chỉ trích Trump về quan điểm này, ông cho rằng: “Trump không hiểu được những điều cơ bản. Ông ấy nghĩ cứ đánh thuế TQ là họ sẽ trả các khoản thuế đó. Nhưng thực tế là, bất kỳ sinh viên kinh tế năm đầu nào cũng hiểu rõ rằng người dân Hoa Kỳ mới là những người gánh chịu các khoản thuế này.”
Harris từng tuyên bố trong một cuộc tranh luận sơ bộ của Đảng Dân chủ năm 2020: “Tôi không ủng hộ chính sách bảo hộ mậu dịch,” đồng thời nhấn mạnh thêm rằng “Chúng ta cần phải buộc TQ chịu trách nhiệm.” Và sau khi chính quyền Biden-Harris lên nắm quyền vào năm 2021, vế sau có vẻ rõ nét hơn, họ vẫn tiếp tục duy trì chính sách thuế quan của Trump đối với TQ, thậm chí còn tăng thêm một số thuế mới.
Các đồng minh của Trump, chẳng hạn như những vị đứng sau nghị trình gây tranh cãi Project 2025, đã tự hào tuyên bố rằng mục tiêu của họ là làm sao cho kinh tế Hoa Kỳ hoàn toàn “tách rời” khỏi TQ. Trong khi đó, chính quyền Biden-Harris lại tuyên bố họ thích theo đuổi hướng “giảm thiểu nguy cơ” hơn. Tuy nhiên, theo nhà bình luận Alex Lo của tờ South China Morning Post, thuật ngữ “giảm thiểu nguy cơ” nghe có vẻ ít gay gắt hơn, nhưng về cơ bản thì “ý đối địch” với TQ vẫn còn đó.
Cuối cùng, sự khác biệt giữa hai bên trong vấn đề cạnh tranh kinh tế với TQ không nằm ở hướng đi, mà là ở mức độ của các biện pháp.
Project 2025 mô tả việc tiếp tục “mậu dịch tự do với TQ” là một “thảm họa,” và Bản cương lĩnh của Đảng Cộng hòa năm 2024 tuyên bố sẽ “thu hồi quy chế Tối huệ quốc” của TQ (vị thế thành viên của TQ trong Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO, giúp họ không bị áp đặt các chính sách mậu dịch bất lợi), cũng như “giảm dần nhập cảng các mặt hàng thiết yếu” và “ngăn chặn TQ mua bất động sản và các công ty của Hoa Kỳ.”
Trong khi đó, Bản cương lĩnh của Đảng Dân chủ cam kết áp dụng những phương thức “cứng rắn nhưng khôn ngoan” đối với TQ, tuyên bố rằng “Chúng tôi sẽ không ngần ngại đối đầu với các chính sách mậu dịch bất công của TQ, đặc biệt là những chính sách gây hại cho công nhân Hoa Kỳ… nhưng cũng không chủ động gây ra xung đột trực tiếp.”
Theo Bản cương lĩnh, chính quyền Tổng thống Biden được ca ngợi là đã “hành động quyết đoán để đối phó các hành vi bất công của [TQ] trong kinh tế và tạo ra sân chơi bình đẳng cho công nhân Hoa Kỳ, chẳng hạn như tăng thuế quan đối với nhiều sản phẩm quan trọng như thép, nhôm, chất bán dẫn, xe điện, pin, khoáng sản quan trọng, pin năng lượng mặt trời, cần cẩu vận chuyển và các sản phẩm y tế.”
Nhiều chuyên gia dự đoán rằng nếu đắc cử, bà Harris tiếp tục duy trì các chính sách thuế quan của Biden. Chiến dịch tranh cử của Harris cũng đã khẳng định: “Phó Tổng thống Harris sẽ sử dụng các biện pháp thuế quan có chiến lược để bảo vệ công nhân Hoa Kỳ, củng cố nền kinh tế nước ta và buộc những kẻ đối địch với chúng ta phải trả giá.”
Một phần quan trọng trong chính sách của cả hai đảng là sự gắn kết giữa các mục tiêu kinh tế của Hoa Kỳ và việc kiểm soát sức mạnh quân sự của TQ. Với lo ngại BK có thể xâm nhập vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ, Nghị trình 47 (Agenda 47) của Trump hứa hẹn sẽ hạn chế TQ sở hữu những lĩnh vực chiến lược như năng lượng, công nghệ, viễn thông, đất nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và nguồn cung cấp y tế. Trong khi đó, hồi tháng 3, TNS J.D. Vance đã giới thiệu một dự luật nhằm ngăn chặn TQ lợi dụng các nguồn lực kinh tế của Hoa Kỳ để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.
Về phần Đảng Dân chủ, họ tập trung nhiều vào chất bán dẫn – thành phần quan trọng trong nhiều công nghệ hiện đại, và bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp từ nước ngoài. Họ cũng muốn hạn chế xuất cảng các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) sang TQ, nhằm ngăn BK sử dụng các công nghệ này cho mục đích quân sự.
An ninh toàn cầu và sự mơ hồ về Đài Loan
Trump đã nhiều lần cảnh báo rằng Hoa Kỳ đang đứng bên bờ vực của “Thế chiến III,” và chỉ ra một liên minh mà ông gọi là “trục ác quỷ” (axis of evil, nguyên văn những gì Trump nói với Elon Musk vào tháng trước) do TQ cầm đầu, chung vây chung cánh với Nga, Bắc Hàn và Iran.
Trump tự tin rằng phong cách lãnh đạo “mạnh mẽ” của ông sẽ ngăn chiến tranh nổ ra. Tuy nhiên, ông đã bị chỉ trích vì có thái độ xem các liên minh quốc tế như một công cụ để trục lợi cho mình, thay vì dựa trên cơ sở ổn định lâu dài để ngăn chặn xung đột toàn cầu.
Với TQ, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trở thành “điểm nhạy cảm,” có thể trở thành chiến trường bất cứ lúc nào nếu các tranh chấp liên quan đến Đài Loan hoặc Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. Hoa Kỳ đã thể hiện sự ủng hộ đối với các quốc gia chống lại hành động gây hấn của TQ ở khu vực này.
Đối với vấn đề Biển Đông, chiến dịch của Trump không nói năng gì nhiều. Các chuyên gia cho rằng nếu Trump trở lại cầm quyền, chiến lược của Hoa Kỳ đối với Biển Đông có thể sẽ không thay đổi nhiều so với các chính quyền trước.
Nhưng động đến vấn đề Đài Loan thì lại là một chuyện khác, có vẻ như nội bộ Đảng Cộng hòa đang xảy ra lục đục.
Dù chính quyền Trump đã liên tục hỗ trợ quân sự cho Đài Loan và tăng cường quan hệ song phương, nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek hồi tháng 6, Trump nói rằng Đài Loan “nên trả tiền” cho Washington để được bảo vệ vì hòn đảo tự trị này thống trị ngành công nghiệp chip máy tính.
Đầu năm nay, khi được tờ TIME hỏi rằng liệu Hoa Kỳ có nên bảo vệ Đài Loan nếu TQ tấn công hay không, Trump đã chọn cách giữ nguyên chính sách mơ hồ chiến lược của Hoa Kỳ. Ông đáp rằng: “Tôi đã được hỏi câu hỏi này nhiều lần rồi và luôn từ chối trả lời vì không thể để lộ bài của mình,” và rằng “Tôi sẽ không để lộ các chiến lược và tiết lộ quá nhiều thông tin cho đối phương, vì sẽ ảnh hưởng đến lợi thế đàm phán.”
Mặt khác, Vance đã gợi ý rằng Hoa Kỳ nên đóng vai trò chủ động hơn trong việc bảo vệ Đài Loan. Nói với tờ New York Times vào tháng 6, ông cho hay: “Chúng ta nên khiến cho TQ gặp khó khăn ngay từ đầu trong việc chiếm Đài Loan.”
Và trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào tháng 4, Vance cũng úp mở rằng Hoa Kỳ nên ưu tiên chuẩn bị cho xung đột quân sự với TQ hơn là tiếp tục can thiệp vào các cuộc xung đột khác như ở Gaza hoặc Nga. Ông nói: “Hoa Kỳ đang bị kéo căng quá mức. Chúng ta không có đủ nguồn lực công nghiệp để hỗ trợ một cuộc chiến ở Ukraine, một cuộc chiến ở Israel, và có thể thêm một cuộc chiến ở Đông Á trong trường hợp TQ tấn công Đài Loan. Do đó, Hoa Kỳ phải lựa chọn.” Ông cũng nhấn mạnh rằng: “TQ tập trung vào sức mạnh thực tế. Họ chẳng thèm quan tâm đến ai nói gì trên TV hay chúng ta quyết tâm ra sao. Họ chỉ để ý coi chúng ta mạnh cỡ nào. Và muốn đủ mạnh để đẩy lùi TQ, chúng ta cần tập trung củng cố thực lực của mình.”
Cách giải quyết của Hoa Kỳ đối với vấn đề Đài Loan dưới sự lãnh đạo của Harris có vẻ rõ ràng hơn. Bản cương lĩnh Đảng Dân chủ năm 2024 chỉ rõ rằng Biden, khi đó còn là ứng viên Tổng thống, “sẽ kiên định giữ vững cam kết của Hoa Kỳ về hòa bình và ổn định ở khu vực eo biển Đài Loan,” và Harris được kỳ vọng sẽ tiếp tục cam kết này, như những gì bà từng phát biểu.
Trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 9/2022, ngay sau khi Bắc Kinh “làm mình làm mẩy” với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện bấy giờ là bà Nancy Pelosi, Harris đã nhấn mạnh rằng “hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là một yếu tố thiết yếu của một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.” Bà cũng cho biết Washington “sẽ tiếp tục củng cố các mối quan hệ không chính thức với Đài Loan, hỗ trợ khả năng tự vệ của Đài Bắc, sao cho phù hợp với chính sách lâu dài của Hoa Kỳ.” Theo Wall Street Journal, trong chuyến thăm này, Harris đã đưa vấn đề Đài Loan vào mọi cuộc thảo luận với các lãnh đạo nước ngoài.
Nhân quyền: có nên là ưu tiên hàng đầu không?
Cả Trump và Harris đều chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền của BK, đặc biệt là đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông. Vào các năm 2019 và 2020, Harris đã đồng bảo trợ các dự luật nhằm trừng phạt những cá nhân liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương. Cả hai dự luật này sau đó đã được cựu Tổng thống Trump ký thành luật.
Tuy nhiên, trong khi Harris và Walz luôn nhấn mạnh việc bảo vệ nhân quyền tại TQ là một ưu tiên quan trọng, thì Trump lại có lúc tỏ ra không muốn “làm căng” quá mức với TQ về vấn đề này. Đối với Trump và Vance, các vấn đề kinh tế có vẻ quan trọng hơn.
Năm 2020, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Axios, khi được hỏi tại sao không trừng phạt các viên chức TQ vì những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Trump giải thích rằng việc áp dụng các lệnh trừng phạt có thể làm ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán kinh tế. Ông cho rằng lúc đó cả hai quốc gia “đang trong một thỏa thuận mậu dịch quan trọng,” và các loại thuế quan áp lên TQ “là biện pháp trừng phạt nặng nề nhất rồi.” (Vance cũng lên án TQ “sử dụng nô lệ để sản xuất,” có vẻ ám chỉ lao động cưỡng bức ở Tân Cương, nhưng chỉ lấy điều này ra làm nền cho các chính sách mậu dịch.)
Cựu Tổng thống Trump đã công khai chỉ trích “bộ máy an ninh xâm lược” của TQ đang bóp nghẹt “xã hội tự do” ở Hồng Kông. Nhưng cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, trong cuốn hồi ký năm 2020, cho biết Trump từng nói không muốn “dính líu” gì đến các cuộc biểu tình lớn ở Hồng Kông. Bolton cũng cho hay Trump đã khuyến khích TCB tiếp tục xây dựng các trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Harris và Walz đều là những người ủng hộ mạnh mẽ phong trào dân chủ ở Hồng Kông. Walz được các nhà hoạt động ở Hồng Kông ca ngợi vì đã kiên trì phiên bản ban đầu của Đạo luật Hong Kong Human Rights and Democracy Act từ khi chưa có mấy ai ở Washington ủng hộ. Tương tự, Harris cũng rất kiên định trong việc ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số bị áp bức ở TQ. Vào năm 2020, khi làm TNS, bà đã cùng viết một bức thư gửi Ngoại trưởng Mike Pompeo để yêu cầu “trách nhiệm và công lý” đối với “chiến dịch diệt chủng” của TQ đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, Harris đã phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations, CFR) rằng “tình hình nhân quyền kém cỏi của TQ cần phải là một yếu tố hàng đầu trong chính sách của chúng ta đối với quốc gia này.” Bà cũng nói thêm rằng Trump “luôn lờ đi những vi phạm đó để ôm hy vọng giành ‘chiến thắng’ trong cuộc chiến mậu dịch của ông ấy,” nhưng nếu bà thành Tổng thống, thì chính quyền của bà sẽ tuyệt nhiên không “nhắm mắt làm ngơ trước các hành vi vi phạm nhân quyền.”
Sớm Mai biên dịch
Nguồn: “Where Donald Trump and Kamala Harris Stand on China” được đăng trên trang TIME.com.
Gửi ý kiến của bạn