John Andrew Jackson vừa chào đời đã mang phận nô lệ, và được định sẵn là sẽ dành trọn kiếp sống tủi nhục trên những cánh đồng bông vải ở Nam Carolina.
Nhưng, không cúi đầu trước số phận, Jackson đã thoát khỏi cảnh nô dịch, trở thành một diễn giả và văn nhân có ảnh hưởng lớn đến phong trào bãi nô. Ông cũng là nguồn cảm hứng cho tác phẩm kinh điển Uncle Tom's Cabin (Túp Lều của Chú Tom) của Harriet Beecher Stowe, xuất bản năm 1852. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về chế độ nô lệ này được nhiều sử gia đánh giá là đã góp phần thúc đẩy cuộc Nội chiến của Hoa Kỳ.
Susanna Ashton, giáo sư Anh ngữ từ Đại học Clemson, là một học giả nghiên cứu về những phận đời nô lệ và các tác phẩm của họ. Bà đã dành nhiều năm để nghiên cứu về Jackson và thấy khó hiểu về việc ông ít được nhắc đến trong hầu hết các tài liệu lịch sử về chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ.
Cuốn tiểu sử về Jackson của giáo sư Ashton, có tựa đề là “A Plausible Man: The True Story of the Escaped Slave Who Inspired Uncle Tom’s Cabin” (xin tạm dịch là “Người Thật, Việc Thật: Chuyện Người Nô Lệ Khơi Nguồn Cảm Hứng Cho Túp Lều Của Chú Tom”) sẽ kể về cuộc đời đầy sóng gió mà cũng đáng kinh ngạc của một “chú Tom” trong đời thực.
Hướng về phía bắc tự do
Vợ và con gái của Jackson cũng là nô lệ, nhưng thuộc sở hữu của một chủ đồn điền khác. Năm 1846, họ bị buộc phải chuyển đến Georgia cùng chủ nô. Đau khổ và phẫn nộ trước cảnh gia đình ly tán, ông quyết tâm kiếm tiền để mua lấy tự do cho gia đình mình. Vì vậy, Jackson có một kế hoạch liều lĩnh và táo bạo: chờ đến ngày Giáng Sinh, dùng ngựa để trốn đi. Sau đó, ông tìm được việc làm tại bến tàu ở Charleston, Nam Carolina, và cuối cùng núp trên một con tàu chở bông vải hướng đến Boston.
Sau khi đến Boston, Jackson bắt đầu tham gia diễn thuyết trong các cuộc hội họp của phong trào bãi nô trên khắp Massachusetts nhằm quyên tiền để mua tự do cho vợ con. Nhưng trước khi Jackson quyên đủ tiền, Tổng thống Millard Fillmore đã ký ban hành Đạo luật Fugitive Slave Act (Luật xử phạt nô lệ tẩu thoát) năm 1850, quy định phạt nặng những người giúp nô lệ tẩu tán.
Dù đang sống ở một tiểu bang được coi là tự do, Jackson vẫn có nguy cơ bị bắt đưa trở lại làm nô lệ. Ông quyết định chạy sang Canada, và được chỉ dẫn đến với những gia đình ủng hộ chủ nghĩa bãi nô tại Maine để được giúp đỡ.
Cuộc gặp gỡ tình cờ
Một trong những gia đình mà Jackson đã tìm đến là nhà của Thomas C. Upham, một triết gia tại Bowdoin College, nghiên cứu cả về tâm trí con người lẫn các vấn đề đạo đức.
Upham từng cho rằng dù chế độ nô lệ có sai trái thế nào thì Đạo luật Fugitive Slave Act vẫn là luật và cần phải được tuân thủ. Tuy nhiên, khi Jackson đến gõ cửa, Upham đã gạt bỏ nguyên tắc của mình, mời Jackson vào nhà, ăn uống và động viên. Vì không thể để Jackson tá túc lại qua đêm, Upham đành phải dẫn Jackson sang nhà hàng xóm của mình, tên là Harriet Beecher Stowe.
Stowe vừa là hàng xóm vừa là bạn bè của Upham, và vẫn luôn buồn lòng với sự thiếu quyết đoán trong quan điểm về chính trị của người bạn giáo sư tốt bụng này.
Vào thời điểm đó, Harriet Beecher Stowe là một nhà văn chưa có danh tiếng, chồng bà là một nhà thần học và là học giả tại Bowdoin College. Khi Jackson đến nhà Stowe, bà cũng đã phạm luật, mở rộng cửa chào đón người nô lệ trốn chạy. Jackson tá túc lại đó một đêm; chơi đùa với các con của Stowe; kể về chuyện đời bất hạnh của mình; và rời đi vào sáng sớm hôm sau với đồ tiếp tế mà bà gửi tặng.
Mặc dù Stowe không bao giờ nhắc đến tên của Jackson, nhưng bà từng viết về sự việc này và ghi chú rằng vị khách của bà là “một người có thật đến từ ‘Ole Carliny State’” – ám chỉ đến bài hát phổ biến mà sau này Jackson đã đưa vào hồi ký của mình.
“Người phụ nữ nhỏ bé”
Vài tuần sau lần gặp đó, Stowe bắt đầu viết tiểu thuyết “Túp Lều Của Chú Tom.”
Trong tiểu thuyết, có một cảnh quen thuộc mà nhân vật nữ chính, Eliza, một nô lệ da đen đang trốn chạy, gõ cửa nhà của một TNS Hoa Kỳ. Vị TNS này trước đó đã hứa sẽ tuân thủ luật xử phạt nô lệ tẩu thoát. Tuy nhiên, khi một người đang sợ hãi và tuyệt vọng xuất hiện trước cửa nhà, TNS đã nghe theo con tim thay vì lý trí. Và rồi vợ chồng TNS đã bất chấp vi phạm luật để giúp đỡ Eliza. Cảnh này là một sự tái hiện lại cuộc gặp gỡ giữa Upham và Jackson ngoài đời thực.
Dù vậy, sự sáng tạo nghệ thuật luôn được ươm mầm bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, và quá trình sáng tác của Stowe chắc chắn cũng lấy cảm hứng từ nhiều con người và sự việc khác nhau, bên cạnh cuộc gặp gỡ với Jackson – điều đã thúc đẩy Stowe quyết định có hành động trực tiếp và cụ thể hơn thay vì chỉ tranh luận khi bàn về chủ đề nô lệ.
Được xuất bản vào năm 1852, “Túp Lều Của Chú Tom” đã thúc đẩy phong trào bãi nô bùng lên mạnh mẽ, và trở thành cuốn sách bán chạy thứ hai ở Hoa Kỳ trong thế kỷ 19, chỉ đứng sau Kinh Thánh.
Một thập niên sau, khi Stowe đến thăm Tòa Bạch Ốc vào tháng 11/1862, người ta kể rằng Tổng thống Abraham Lincoln đã nói với bà rằng, “Vậy, quý bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết ra cuốn sách khởi đầu cho cuộc chiến vĩ đại này.”
Một đời trốn chạy
Trong thời gian Stowe sáng tác “Túp Lều Của Chú Tom,” Jackson phải trốn từ Hoa Kỳ sang Canada. Ông rời khỏi Maine và đến sống ở St. John, New Brunswick, trong vài năm. Với mong muốn mở rộng ảnh hưởng của phong trào bãi nô, ông quyết định rời Canada đến Liverpool, Anh, mang theo một lá thư giới thiệu do chính Harriet Beecher Stowe viết.
Trong suốt mười năm sau đó, Jackson đã đi diễn thuyết trên khắp Vương quốc Anh và viết cuốn hồi ký “The Experience of a Slave in South Carolina” được ra mắt độc giả vào năm 1862. Trong hồi ký, ông kể về cuộc gặp gỡ với Stowe:
“Trong hành trình trốn chạy từ Salem đến Canada, tôi gặp được một vị bằng hữu rất tốt bụng và chân thành, cho tôi có chỗ tá túc qua đêm và giúp tôi có hành trang để lên đường. Tên của vị bằng hữu ấy là Mrs. Beecher Stowe. Bà đã cho tôi vào nhà, cho tôi ăn uống, quần áo cùng với 5 đô la. Bà cũng xem qua cái lưng đầy sẹo này, những vết sẹo sẽ đi theo tôi cho đến cuối đời.”
Năm 1865, sau khi Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc, Jackson quay trở về với quê hương cố thổ, tiếp tục diễn thuyết và quyên góp tiền, nhưng lần này là dùng để cứu trợ cho những mảnh đời kham khổ ở Nam Carolina, họ đã thoát khỏi chế độ nô lệ nhưng vẫn đang sống trong nghèo đói, khó khăn. Ông cũng đã cố gắng quyên góp tiền để xây một trại trẻ mồ côi, một nhà thờ và một chốn nương tựa cho những cụ cao niên gốc da đen đang sống neo đơn không ai chăm sóc.
Mặc dù rất ít dự án trong số đó thực sự hoàn thành, nhưng những nỗ lực không ngừng nghỉ của Jackson vẫn được ghi nhận qua báo chí và các thư từ với các viên chức của chính quyền.
Jackson qua đời vào những năm đầu thế kỷ 20. Trước khi mất, ông đã trở thành một huyền thoại trong cộng đồng người da đen với những việc làm cao cả của mình. Một người hàng xóm của Jackson kể về ông với sự kính trọng và ngưỡng mộ. Vào những năm 1930, khi được phỏng vấn và hỏi về Jackson, Jake McLeod, một cụ nông dân gốc da đen, trả lời: “Tôi không rõ lý do tại sao ông ấy phải bỏ trốn, nhưng đám người truy đuổi chẳng thể nào bắt được ông ấy.”
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “The Black fugitive who inspired ‘Uncle Tom’s Cabin’ and the end of US slavery” được đăng trên trang Smithsonianmag.com.
Gửi ý kiến của bạn