Quận Cam (VB) - Lần đầu tiên kể từ năm 1997, Văn Phòng Quản Lý Và Ngân Sách (Offife of Management and Budget –OMB, trực thuộc phòng điều hành của tổng thống Hoa Kỳ) đang mở rộng tiêu chuẩn về sắc tộc, nhận diện các cộng đồng trước đây bị bỏ quên, không được tính tới. Những cộng đồng này nay sẽ hiển thị trong bộ sưu tập dữ liệu liên bang.
Vào ngày 17 tháng 5 2024, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (EMS) đã tổ chức cuộc họp báo qua mạng. Chủ đề của cuộc họp báo là về sự đấu tranh chống bất bình đẳng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, được tài trợ bởi Robert Wood Johnson Fund. Các chuyên gia trình bày việc thu thập dữ liệu đầy đủ, cụ thể hơn sẽ giúp sử dụng các nguồn lực liên bang nhiều hơn cho các cộng đồng sắc tộc hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn về sức khỏe. Cuộc họp cũng sẽ đề cập đến việc cần thử nghiệm bổ sung và nghiên cứu thực hiện các tiêu chuẩn sắc tộc mới.
Những diễn giả trong cuộc họp báo:
Tina J. Kauh, Senior Program Officer thuộc đơn vị Research-Evaluation-Learning của tổ chức Robert Wood Johnson Foundation.
Gail C. Christopher, Giám Đốc Điều Hành, National Collaborative for Health Equity; Giám Đốc National Commission to Transform Public Health Data Systems của tổ chức Robert Wood Johnson Foundation.
Meeta Anand, Senior Program Director, Census and Data Equity thuộc The Leadership Conference Education Fund.
Juan Rosa, National Director, Civic Engagement tại NALEO Educational Fund
Trong phần trình bày của mình, cô Tina Kauh cho biết mình đang làm việc với các cộng đồng, nhóm bác sĩ để thực hiện quyền bình đẳng về chăm sóc y tế. Dữ liệu thống kê từ các cộng đồng có sẵn là một trong những yếu tố quan trọng để có được sự bình đẳng y tế. Cô kể lại về trường hợp của gia đình mình, ba mẹ là một di dân gốc Đại Hàn, sang Mỹ từ thập niên 1970s. Họ đã phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày, 7 ngày trong tuần trong suốt 30 năm làm việc, nhưng lại rất giới hạn trong quyền được tiếp cận các nguồn giáo dục, chăm sóc y tế phù hợp, lý do là sự giới hạn ngôn ngữ tiếng Anh.
Những nghiên cứu thống kê về cộng đồng Mỹ gốc Á cho đến nay vẫn còn tương đối phổ quát, chưa đi vào chi tiết của từng sắc dân khác nhau. Thí dụ, khi nói đến người Mỹ gốc Á, người Mỹ thường nghĩ ngay đó là sắc dân khá giả, học giỏi, thường làm nghề bác sĩ, kỹ sư… Đó là những định kiến chung, không chính xác cho từng sắc dân, trong đó có cộng đồng gốc Việt. Vì vậy, khi làm các mẫu thống kê dân số, cần có chi tiết về các cộng đồng gốc Á chính tại Mỹ. Chính nhờ nỗ lực của OMB mà nhiều cộng đồng gốc Á nay được xuất hiện trên các mẫu nghiên cứu của chính phủ, góp phần tạo nên sự bình đẳng về y tế so với các cộng đồng khác. Và điều này cũng phải được thực hiện với mọi cộng đồng sắc tộc khác ở Mỹ.
Diễn giả Gail Christopher cũng thuộc Robert Wood Johnson Foundation cho rằng trường gia đình của cô Tina là một thí dụ cho sự cần thiết phải nhận diện mọi cộng đồng sắc tộc để có được sự bình đẳng trong nhiều lĩnh vực. Bà tin rằng đa dạng sắc tộc là một trong những thế mạnh của nước Mỹ. Mọi sắc dân phải được nhận diện, có tiếng nói của mình trong xã hội. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng phải thể hiện được tính đa dạng này. Những gì mà OMB đang làm về dữ liệu cộng đồng đang thúc đẩy nhanh chóng tiến trình bình đẳng cho mọi sắc tộc.
Bà đưa ra một thí dụ về những định kiến sai lầm do thiếu dữ liệu thống kê với cộng đồng da đen trong lĩnh vực y tế. Trước đây, giới y khoa có khuynh hướng cho rằng người Mỹ gốc Phi thường dễ bị nhiễm trùng hơn người da trắng. Do đó, khi người da đen phải phẫu thuật trong bệnh viện, thường bác sĩ sẽ sử dụng lượng thuốc mê nhiều hơn, dẫn đến nhiều di chứng sau này không cần thiết! Điều này sẽ không xảy ra khi thống kê có đầy đủ, chính xác hơn về dữ liệu của từng sắc tộc.
Diễn giả Meeta Anand thuộc Census & Data Equity cho rằng Gail và Tina đều là những người có tầm nhìn xa trong vấn đề dữ liệu sắc tộc dẫn đến bình đẳng sắc tộc. Bản thân bà có mẹ là người Haiti, cha là người Ấn Độ; nhưng trong suốt thời niên thiếu bà không có dịp nào để thông báo nguồn gốc của mình để được nhận diện trong xã hội Mỹ. Trong những mẫu khai báo sắc dân, cần có thêm những chi tiết cụ thể hơn để công dân có thể khai báo chính xác nguồn gốc của mình. Thí dụ: Asian Black, Asian Hispanic; hay Mina là tên gọi chung của cộng đồng sắc tộc Tây Phi. Bà hy vọng sự cải tổ lần này sẽ được thực hiện nhanh chóng và toàn diện. Bởi vì mỗi chính phủ sẽ có một ưu tiên khác. Nếu tháng 11 tới ông Trump đắc cử, những nỗ lực tương tự có thể sẽ không còn là ưu tiên của chính phủ nữa!
Diễn giả Juan Rosa cho biết NALEO Educational Fund là tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái, đi đầu trong việc tạo điều kiện cho người Mỹ gốc Latino tham gia vào tiến trình chính trị của Mỹ, từ quyền công dân đến dịch vụ công cộng. NALEO đã góp phần vận động để hơn 6,800 người Mỹ gốc La-tinh được bầu vào các vị trí dân cử trên toàn quốc. Những hoạt động nhằm thống kê đầy đủ và chính xác hơn các cộng đồng sắc tộc cũng sẽ góp phần làm tiếng nói của họ thêm mạnh mẽ, có thêm nhiều quyền lợi chính đáng trong xã hội Mỹ. (VB)