Sau mùa lễ cuối năm là lúc các bậc phụ huynh lo lắng về con đường đại học của con cháu mình. Những con số điểm, những chữ viết tắt như GPA, SAT và ACT sẽ làm phụ huynh nhức đầu và chúng ta sẽ bàn lại về vai trò các điểm này và nhất là tương quan giữa SAT và IQ trong khung cảnh của các thay đổi gần đây ở Mỹ.
Năm ngoái, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ quyết định cấm dùng màu da, nguồn gốc sắc tộc để quyết định tuyển chọn một ứng viên, từ chối không cho Đại học Harvard thực hành “tác dụng khẳng định” (affirmative action) để tăng sỉ số da màu không được đại diện đúng mức so với tỷ lệ trong dân số nói chung. Một trong những biện pháp được dùng để giảm bớt sỉ số dân Á Châu là gạt bỏ kết quả kỳ thi SAT hoặc giảm bớt tầm quan trọng của SAT, vì người gốc Á Châu có điểm SAT cao hơn nhiều so với các sắc dân khác.
Nhưng việc không có điểm SAT và ACT đã trở thành một vấn đề. Nếu không có điểm thi, các nhân viên tuyển sinh đôi khi gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa những ứng viên có khả năng phát triển mạnh ở các trường đại học chọn lọc và những ứng viên có khả năng gặp khó khăn. Tại sao? Bởi vì điểm tốt nghiệp trung học (GPA) không phải lúc nào cũng cung cấp đủ thông tin, đặc biệt là do lạm phát điểm số trong những năm gần đây.
Trái với mấy năm trước đây, lúc người ta nhao nhao đòi bãi bỏ SAT vì nó thiên vị người giàu, nhiều phương tiện thì nay những khảo cứu mới lại cho rằng các “điểm khảo nghiệm được chuẩn hóa” (standardized-test scores) như SAT, ACT có khả năng tiên đoán điểm đạt được ở đại học tốt hơn là điểm tốt nghiệp trung học GPA). Tuy nhiên, theo Christina Paxson, hiệu trưởng Đại học Brown, nếu đòi hỏi điểm SAT nhiều ứng viên thiểu số sẽ không nộp đơn theo học vì điểm họ thấp, và như thế trường Brown sẽ mất cơ hội xét những ứng viên mà họ cho là cần thiết để có một dân số sinh viên đa dạng về màu da và tài năng.
GPA và điểm trắc nghiệm SAT, ACT
Nói chung, chính phủ liên bang và tiểu bang không kiểm soát giáo dục công ở các địa phương. Các học sinh có trải nghiệm giáo dục rất đa dạng, từ trường công cho đến trường tư, trường bán công; trường học khu giàu được phụ huynh giàu có đóng thuế địa ốc cao đài thọ, giúp đỡ, kiểm soát cho đến trường những khu nghèo, phụ huynh thất học, học sinh nghỉ học kinh niên; rất đông trẻ học tại nhà, trình độ rất khó xác định. Cho nên thang điểm GPA không có một ý nghĩa phổ quát như trong một nền giáo dục tập trung được điều khiển từ trung ương như ở Việt Nam.
Sau dịch COVID-19 kéo dài mấy năm, do các trường học đóng cửa, trẻ em mất thói quen đi học trường lớp, học từ xa qua internet (Zoom) không hiệu nghiệm mấy, trình độ nói chung giảm sút nhiều.
SAT là kỳ thi tuyển sinh được hầu hết các trường cao đẳng và đại học sử dụng để đưa ra quyết định chọn sinh viên vào học. SAT dùng trắc nghiệm do College Board tạo ra và thực hiện. Mục đích của SAT là đánh giá mức độ sẵn sàng vào đại học của học sinh trung học và cung cấp cho các trường cao đẳng một điểm dữ liệu chung có thể được sử dụng để so sánh tất cả các ứng viên. Các viên chức tuyển sinh đại học sẽ xem xét điểm kiểm tra tiêu chuẩn cùng với điểm trung bình GPA của ứng viên, các lớp học ở trường trung học, thư giới thiệu từ giáo viên hoặc người cố vấn, hoạt động ngoại khóa, phỏng vấn tuyển sinh và bài tiểu luận cá nhân. Mức độ quan trọng của điểm SAT trong quá trình nộp đơn vào đại học ở mỗi trường là khác nhau. Thang điểm cho SAT dao động từ 400 đến 1600, với hai phần: Toán và Đọc/ Viết dựa trên bằng chứng (EBRW/ Evidence-based Reading and Writing). Mỗi phần sử dụng thang điểm từ 200-800 với mức tăng 10 điểm. Tổng điểm SAT là tổng điểm của hai phần (400-1600).
Điểm SAT thế nào là “tốt” có thể khác nhau tùy theo vào trường đại học. Các trường ít chọn lọc hơn tiếp nhận những ứng viên có điểm SAT gần với điểm trung bình quốc gia hơn (National Median=1028 cho năm 2023), trong khi các trường đại học có tính chọn lọc cao thường ưu tiên điểm trong khoảng 1400-1600.
Bài thi ACT bao gồm bốn lĩnh vực kỹ năng học thuật: (1) Tiếng Anh; (2) Toán học; (3) Đọc; (4) Khoa học. Bài kiểm tra cũng bao gồm phần viết tùy chọn, đánh giá kỹ năng viết được dạy trong các lớp tiếng Anh ở trường trung học và các khóa học viết luận ở trình độ đầu vào đại học. Bài thi ACT được chấm theo thang điểm từ 1 đến 36, với điểm tổng hợp là điểm trung bình của bốn điểm phần thi.
Hầu hết các trường cao đẳng và đại học đều chấp nhận điểm của ACT hoặc SAT mà không ưu tiên cho test nào. Nhìn chung, điểm SAT và/hoặc ACT của càng cao thì ứng viên càng có nhiều lựa chọn để theo học và trả tiền học đại học. Riêng đối với những học sinh từ những trường trung học không có tiếng tăm, từ những vùng thiếu phương tiện giáo dục, và điểm GPA của họ không được tin cậy cho lắm vì “lạm phát” điểm phổ biến, một điểm thật cao trong trắc nghiệm SAT hay ACT là một chỉ dấu không thiên vị chứng minh cho khả năng hay tiềm năng xuất sắc, xuất chúng của họ và giúp cho họ được vào các đại học danh tiếng, ưu tú dễ dàng hơn.
SAT, ACT và trí “thông minh”
Có một số khảo cứu cho rằng điểm SAT tương ứng với chỉ số thông minh và tiên đoán thành công sau này trong đường đời của người thiếu niên đó. Cơ quan tổ chức thi The College Board, thì cho biết rằng đây chỉ là một cách đo lường khả năng học hành cho sinh viên khi vào năm đầu đại học mà thôi. Tuy nhiên, dù muốn dù không ảnh hưởng của SAT cũng như thứ hạng trong kỳ thi Tú tài ngày xưa của chúng ta như là một dấu tích của trí thông minh không ít thì nhiều sẽ vẫn còn "vương vấn" mãi, có khi mấy chục năm sau. Cũng vậy, những thước đo khác có tham vọng đo lường trí thông minh có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài hơn là những năm mài đũng quần trên ghế nhà trường. Cũng nên nhận xét ở đây rằng ở Mỹ hiện nay, nói về “trí thông minh” hay “IQ” là một đề tài rất nhạy cảm, rất không “Politically Correct”, không “phải đạo” về chính trị, nhất là khi so sánh IQ giữa những sắc dân khác nhau và tìm cách giải thích những sự khác biệt đó.
Chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây nguồn gốc và giá trị, ý nghĩa của những việc đo lường như thế, nhất là chỉ số thông minh, thường gọi là IQ.
Điểm SAT đang có khuynh hướng tụt dần trong những năm vừa qua trong mọi sắc dân ở Hoa Kỳ. Ngoại lệ duy nhất là dân "Asians" nhưng đúng hơn là Đông Á, như gốc Hoa, Nhật, Đại Hàn, Việt Nam, thuộc vùng văn hoá gọi là "Khổng học". Nhóm này điểm SAT cao hơn 41 điểm so với mức trung bình cả nước. Hiện nay sinh viên Á châu chiếm trên dưới một phần ba số sinh viên các đại học hàng đầu Mỹ mặc dù người Châu Á chỉ chiếm có 5% các học sinh trung học trên toàn nước Mỹ. Riêng ở hệ thống đại học công California, sinh viên Á châu đã thành đa số. Vào mùa thu năm 2023, sinh viên châu Á chiếm 50,5% tổng số sinh viên đại học mới vào của UC Berkeley (so với 43% năm 2013), tương đương với 3.374 sinh viên; trong lúc người da trắng chiếm 28.3%. Chừng 3% sinh viên ở Berkeley là gốc Việt Nam.
IQ là gì?
IQ viết tắt từ chữ Intelligence Quotient trong tiếng Anh. Nguồn gốc của nó là tiếng Đức vì William Stern, người Đức, năm 1912 đề ra phương pháp tính trí thông minh bằng một thương số (quotient) như sau: IQ=100 x MA/CA, áp dụng suốt đời, không lệ thuộc vào tuổi tác.
MA là “mental age”, “tuổi tâm trí”, là tuổi của mức trưởng thành tâm trí, CA là chronological age, tuổi đời tính theo năm sinh. Ví dụ, đứa bé 10 tuổi lúc test thì đạt mức phát triển tâm trí MA là 12 tuổi, IQ của trẻ đó tính ra là IQ=100 x 12/10=120. Trong lý thuyết, thì người trung bình sẽ có IQ là 100, nghĩa là theo định nghĩa, đứa trẻ trung bình đạt được MA ngang với tuổi đời của nó. Lewis Terman, một nhà tâm lý Mỹ ở Đại học Stanford, áp dụng ý tưởng này và cải tiến những phương pháp đo trí thông minh từ thời Binet. Một trong những test loại này là Stanford-Binet Intelligence Scales, được gọi tên như vậy do phương pháp của Binet (Pháp) được dịch qua tiếng Anh, bổ túc và ứng dụng ở Đại học Stanford (California, Mỹ).
Hiên nay thì người ta không dùng công thức trên để tính IQ nữa vì những giới hạn của phương pháp này: khó áp dụng cho người đã trưởng thành, vì sau một tuổi nào đó, chúng ta không thể giả định là mức phát triển của tâm trí có tăng với thời gian hay không (ví dụ cùng một người, lúc 30 tuổi người đó có “khôn” hơn lúc mình 25 tuổi hay không). Ngoài ra, phương pháp cũ cũng cho quá nhiều những kết quả IQ cao quá đáng có thể không hợp với thực tế.
Những phương pháp trắc nghiệm mới (ví dụ Wechsler Adult Intelligence Scale or Wechsler-Bellevue Intelligence Test [1939] ; Wechsler Intelligence Scale for Children [WISC, 1949]) có lối tính phức tạp hơn và cho một chỉ số tuy vẫn gọi là IQ nhưng không dùng thương số (quotient) tuổi tâm trí chia cho tuổi đời (MA/CA) như vừa nói mà dùng chỉ số đo độ lệch (deviation score) của một thí sinh so với trị số trung bình và độ lệch chuẩn cho mỗi nấc tuổi.
Hiện nay, IQ là một chỉ số có tính cách so sánh thành quả test của một cá nhân với điểm trung bình của những cá nhân khác với những đặc điểm tương tự, và xếp hạng xem cá nhân đó ở phần trăm nào hoặc ở bao nhiêu độ lệch chuẩn (thường là 15) trên hay dưới điểm trung bình đó. Ví dụ nếu IQ mình là 100, thì số người có IQ cao hơn IQ mình bằng số người IQ thấp hơn mình. Nếu IQ 120, thì trong 100 người IQ mình cao hơn chừng 90 người (chừng 90 percentile). Trong 100 người có một người có IQ 137, và IQ 150 thì hiếm hoi (1/000), và IQ 190 thì 75-100 triệu người mới có một người. Trên một biểu đồ phân phối tỷ lệ số người theo IQ từ thấp đến cao thì cho đường biểu diễn giống hình cái chuông, với có chóp, đỉnh ở giữa, bè ra hai bên. Do đó trong tiếng Anh “The Bell Curve” thường dùng để chỉ biểu đồ của IQ trong một tập thể nào đó.
Ở Mỹ, lúc gần xong trung học, các học sinh thường phải thi trắc nghiệm SAT. Kết quả SAT quyết định một phần quan trọng tương lai học vấn lúc học trò xin vào các trường đại học. Trong quá khứ, SAT được phát triển từ các test thông minh cho quân đội Mỹ, và hiện nay có những dấu hiệu cho thấy SAT có tác dụng tương tự như các test đo IQ.
Trong y khoa thường IQ được dùng để đánh giá các trẻ gặp vấn đề về học vấn cũng như những trẻ chậm phát triển về tâm trí. Trẻ có thể học dốt vì khả năng tâm trí (cognitive abilities) về tính toán, về ngôn ngữ (verbal skills), về trí nhớ (memory), về suy luận (reasoning). Trường hợp này trẻ có thể có IQ thấp, các chuyên gia tâm lý phụ trách về trắc nghiệm tâm lý test sẽ cho thấy những vùng yếu kém (như toán, hoặc ngôn ngữ) của đứa trẻ và người ta sẽ cho cháu học những lớp đặc biệt để nâng đỡ cháu về những mặt khiếm khuyết.
Những yếu tố có thể giúp IQ cao hơn:
1. Cho con bú sữa mẹ. Trong 90 % các trường hợp, sữa mẹ có một chất enzyme giúp tạo ra chất DHA và AA cần thiết cho não bộ. Do đó bé nhờ bú sữa mẹ có thể có IQ cao hơn chừng 7 điểm [4]. Gần đây, một số formula có cho thêm chất DHA và AA với hy vọng lấy được lợi thế này của sữa mẹ.
2. Cải thiện môi trường gia đình và xã hội: môi trường phong phú thuận lợi cho phát triển tâm trí của em bé.
3. Môi trường càng nghèo nàn thì tiềm năng di truyền trên IQ càng khó bộc lộ ra. Cho nên, đối với trẻ nhỏ ảnh hưởng của môi trường trên IQ rất lớn, nhất là ở các xứ đang phát triển, ở đó môi trường sống của các em còn rất nhiều mặt chưa đạt tiêu chuẩn thế giới, sau đó khi đến tuổi trưởng thành thì yếu tố di truyền quan trọng hơn cả.
4. Như cách ngôn xưa: “Một trí óc minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”. Điều này đã được khoa học chứng minh. Những vận đông cơ thể loại aerobic exercise (chạy nhảy, chạy bộ, chạy trên máy chạy tại chỗ treadmill) làm tăng IQ của các em cũng như tăng khả năng giải quyết bài toán của các thú vật thí nghiệm.
5. Liên hệ IQ trẻ em và IQ lúc già, bề dày vỏ não và bịnh lẫn người già. Khảo cứu này cho thấy những người IQ cao từ nhỏ ít bị bịnh lẫn (dementia) của tuổi già hơn, nếu bị bịnh bịnh bắt đầu trễ hơn, và nếu bị bịnh cũng bị nhẹ hơn những người IQ thấp.
6. Cuối cùng, vài điều về song ngữ và IQ. Một số trẻ em tiếng mẹ đẻ không phải là Anh ngữ, nếu thi test IQ, phần về ngôn ngữ của chúng có thể rất thấp và chúng có thể bị dán lên cái nhãn “mentally retarded” một cách sai lầm. Vì vậy một số nơi, người Mỹ gốc Latinh đòi hỏi con cái họ được test IQ bằng tiếng Spanish.
Kết luận
Tóm lại, trong những năm vừa qua, ở Mỹ có khuynh hướng công kích và phê phán giá trị các trắc nghiệm chuẩn hóa (standardized tests) như SAT và ACT trong việc đánh giá các ứng viên vào đại học vì dân gốc Châu Á và nguời Da Trắng có điểm cao hơn các nhóm da màu khác và người ta tìm cách giải thích rằng sự khác biệt này do bất công xã hội gây ra, do đó người ta suy luận rằng dùng các trắc nghiệm này cho việc nhập học sẽ lặp lại sự bất công xã hội thêm một lần nữa.
Tuy nhiên, gần đây, có những biến chuyển quan trọng: Tối Cao Pháp Viện cấm áp dụng các hành động khẳng định căn cứ trên màu da; cuộc chiến văn hóa hiện nay đang rầm rộ ở Mỹ giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến; những nghiên cứu mới cho thấy giá trị của các test như SAT trong việc tiên đoán khả năng học hỏi của sinh viên sau khi vào đại học; cũng như có những bằng chứng cho thấy trường đại học cũng có thể có được một tổng thể sinh viên đa dạng lúc đòi hỏi ứng viên phải có điểm SAT hay ACT ( mà không cần kỳ thị người châu Á).
Do các diễn biến nêu trên, có vẻ thái độ các đại học đang thay đổi. Mặc dù những người chủ trương dùng các trắc nghiệm này vẫn bị chê là không “đúng đường lối chính trị cấp tiến/ politically correct”. Hình như giới xét đơn vào đại học đến lúc phải trở lại dùng các trắc nghiệm này nhiều hơn trước.
– Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Gửi ý kiến của bạn