Hôm nay,  

Tiễn Vong 2023

29/12/202300:00:00(Xem: 2025)

Logo cho fb

Tôi bắt đầu viết Tiễn Vong từ năm 2020 với ý nghĩ “tiễn” cái vong của đại dịch Covid để nhân loại yên ổn sinh sống làm ăn. Đến năm 2021-2022 thì “dư âm” của Covid vẫn còn lảng vảng nên tôi vẫn tiếp tục lấy tựa Tiễn Vong. Năm nay thấy tôi lục tục viết bài tiễn 2023, ông xã góp ý:

- Em mắc cở gì mà không “đăng ký” thương hiệu “Tiễn Vong” luôn cho rồi?
- Nhưng dịch Covid đang lu mờ rồi, còn gì mà tiễn?
- Không còn dịch Covid thì còn nhiều “dịch” khác,  dịch chính trị, dịch kinh tế, dịch xã hội, năm nào mà hổng có những niềm vui nỗi buồn ? Mình giữ niềm vui ở lại, và tiễn nỗi buồn ra đi, có đúng không nào!?

Good bye 2023

Lần đầu tiên tôi công nhận ông xã nói đúng mà không cần mất thời gian cãi nhau, tranh luận giận hờn. Thôi thì, tôi xin phép được ... Tiễn Vong 2023 nghen quý vị!

Đầu tiên, tin buồn của năm 2023, hay nói đúng hơn là đúng ngày cuối năm, 31/12/2022 cựu Đức Thánh Cha Benedict được Chúa gọi về ở tuổi 95. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên xin từ chức khi đang đương nhiệm trong lịch sử 600 năm của Giáo Hội Công Giáo. Dù cả thế giới chỉ có khoảng 16% là dân Catholic nhưng sự nổi tiếng của Đức Giáo Hoàng thì hầu như nhiều người biết đến, nên việc Ngài ra đi thực sự là một mất mát cho cộng đồng dân Chúa và cả xã hội xung quanh .

Tiếp nối tin buồn Đức Thánh Cha, là tin buồn mất mát rất nhiều người tại cơn động đất 7.8 độ xảy ra trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria làm sập toàn bộ hàng ngàn ngôi nhà, chấn động cả thế giới vào đầu tháng Hai, là trận động đất mạnh nhất nơi này trên 100 năm qua.

Thảm họa động đất cộng với mùa đông lạnh giá làm hoàn cảnh hàng ngàn người bị thương hoặc vô gia cư thêm khốn khổ và cản trở nỗ lực tìm kiếm tìm người sống sót. Số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lên 33,000 và có thể nhiều hơn vì nhiều người vẫn còn bị kẹt dưới đống đổ nát giữa thời tiết lạnh giá, khó mà thống kê đầy đủ và chính xác. Cầu xin các hương hồn ấy được bình an bên kia thế giới và những nạn nhân sống sót mau được hồi phục cả cuộc sống vật chất lẫn tinh thần.

Đó là những mất mát do thiên nhiên gây ra, nhưng con người lại còn tự gây thảm họa, nghi ngờ, giết chóc lẫn nhau.

Hồi đầu tuần đầu tháng 2, một khinh khí cầu Trung Quốc, có cỡ lớn như ba chiếc xe bus, được phát giác trên bầu trời tiểu bang Montana, nơi có nhiều hầm chứa hỏa tiễn nguyên tử của Mỹ, sau đó đã bị quân đội Mỹ mau chóng bắn hạ ngay ngoài khơi Đại Tây Dương.

Lạ thiệt nghen, sống vui vẻ chan hòa với mọi người thì không muốn, mà cứ khoái dò thám, lấm la lấm lét, gian ác, vừa ăn cắp vừa la làng, China lớn tiếng cãi chầy cãi cối rằng khinh khí cầu đó chỉ có mục đích dân sự và nó lỡ bay lạc qua ... Mỹ thôi mà. (ủa, lạc mà cũng lạc khôn vậy trời, sao hổng bay lạc qua ... Nga?). Đúng là mồm loa mép giải. Mà nè, ông Tàu chớ nên vênh váo ngang ngược vì nghĩ dân số đông nhất thế giới, lấy thịt đè người nữa nhé, theo số liệu  mới nhất của năm 2023, dân số của Ấn Độ đã vượt qua dân số của China rồi đấy. Lo mà làm ăn lương thiện, khiêm nhường, để “đức” lại cho dân China khỏi bị thế giới nhìn vào với cặp mắt ái ngại.

Đồng minh “cá mè một lứa” của chàng Tàu là chàng Nga, đứng đầu là Putin vẫn tiếp tục kéo dài chiến tranh trên lãnh thổ Ukraine làm ảnh hưởng các quốc gia xung quanh,  mệt mỏi, tốn nhiều tiền của công sức mà hàng ngày tiếng súng vẫn vang rền, người dân vô tội vẫn sống trong căng thẳng loạn lạc. Nghĩ cũng chẳng hiểu nổi ông Putin này tham vọng để được thêm gì, trong khi lão đã có đầy đủ, vợ đẹp con xinh, là nguyên thủ đầy quyền lực của một đất nước to lớn, tại sao cứ phải gây sự thù hằn với láng giềng, để chính lão và vợ con phải sống trong bí mật, đi đâu làm gì cũng lo sợ bị ám sát (vì có quá nhiều kẻ thù). Cho nên hồi cuối tháng Sáu, thủ lĩnh quân đội đánh thuê  Wagner đã làm một cuộc nổi loạn bất ngờ, chưa từng có, đem quân tiến vào Moscow, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm lung lay uy thế của Putin. Tội nghiệp thay cho tên trùm Wagner, dám đùa với lửa, dám giỡn mặt với mặt sắt lạnh như tiền của Putin, nên hai tháng sau đã bị tiêu diệt bằng một “tai nạn” máy bay mà ai cũng biết thủ phạm là ai rồi hén.

Nhắc tới Tàu tới Nga mà chẳng lẽ quên Bắc Hàn thì chưa đủ “bộ tam sên”. Dù năm qua anh Ủn chưa làm gì động chạm lớn lao đến hòa bình thế giới, nhưng cái máu lưu manh, ăn vạ, nghèo mà chảnh, dốc hết sức lực vào bom nguyên tử để lòe thiên hạ... chắc vẫn còn, mặc kệ dân nghèo dân đói Ủn chẳng quan tâm bằng việc củng cố thế lực của gia đình trị mấy đời nay. Ta nói, giang sơn dễ đổi bản tính khó dời là thế đó.

Ôi, những kẻ độc tài gian ác cai trị đất nước bằng máu đổ thịt rơi, bằng bạo lực, có thiết nghĩ gì đến mạng sống con người, đến hòa bình nhân loại? Mà nếu ai cũng nghĩ được như thế thì làm gì có chiến sự căng thẳng khi tháng Mười, quân đội Palestine mở màn tấn công Israel, đến nay khói lửa vẫn chưa tàn, chẳng biết rồi sẽ ra sao?

Chuyện con người bị thiệt mạng vì thiên tai, vì bom đạn chiến tranh đã quá đau lòng, vậy mà lại có chuyện đau lòng kiểu khác, là tự họ... “tìm vào cõi chết”. Đó là vụ cuối tháng Sáu, con tàu  ngầm Titan Submersible chở 5 tỷ phú xuống thảm hiểm đáy đại dương và bị mất tích mất xác không dấu vết.

Ai nói tôi ngu thì tôi chịu, chớ tôi không hề thích những thú vui mạo hiểm, như lặn tàu ngầm, leo núi cao, thám hiểm vực sâu. Nhiều lần vào mùa đông, gia đình họ hàng chúng tôi đi đến phố núi Banff, một địa danh nổi tiếng du lịch và skiing của tiểu bang Alberta, Canada. Mặc kệ sáng tờ mờ mọi người lục tục hành lý đi lên núi skiing, một mình tôi ở lại hotel, trùm mền ngủ nướng, rồi sau đó uống cafe nóng, ngắm cảnh tuyết rơi bên ngoài khung cửa mà tìm vần thơ, sung sướng biết bao nhiêu. Tôi từng nói với chồng:

- Đời em đã có hai lần mạo hiểm, đó là lần bước xuống tàu đi vượt biên, và lần nhận lời cưới anh, vậy là quá đủ rồi!

Bên cạnh những tin tang thương mất mát, thì có tin vui hơn, năm 2023 là năm đánh dấu bước ngoặt mới của  một phát minh đột phá trí tuệ con người, đó là ChatGPT/AI. Dù được công bố từ cuối năm 2022 nhưng đến đầu năm 2023 nó mới thực sự bùng nổ, được hơn 100 triệu người sử dụng sau hơn hai tháng ra mắt. Những ích lợi của ChatGPT/AI trong cuộc sống con người ở thời đại này ai cũng biết, đó là thành tựu đáng vui mừng, giúp ích nhiều việc trong cuộc sống và công việc mỗi ngày cho con người, tôi chẳng cần phải nhắc lại dài dòng, nhưng những nỗi lo và nguy hiểm cũng phát sinh từ đó, những kẻ cơ hội lừa lọc người nhẹ dạ để lừa tiền lừa tình đủ loại, chúng ta cần phải đề cao cảnh giác kẻo mang họa vào thân. Nói nào xa, chị bà con xa của tôi bên Việt Nam mới bị một cú lừa, có ai đó hacked facebook của người thân bên Mỹ, rồi nhắn tin nhờ chị chuyển một số tiền vào ngân hàng, chị cả tin mau mắn chuyển ngay 20 triệu trong tích tắc, sau đó mới tá hỏa biết mình bị lừa thì đã muộn.

Chuyện vòng quanh trái đất tôi chỉ nhớ được bấy nhiêu, cuối cùng xin được nói về ba nơi chốn có liên quan đến tôi, là Canada, Mỹ và quê hương Việt Nam.

Tuy ở cạnh chàng Mỹ khổng lồ, nhưng Canada lại là một xứ sở ôn hòa, hiền lành. Nếu Mỹ bị thiên hạ dòm ngó và đem lòng ganh ghét, thì Canada lại rất yên ổn. Thế mà năm qua lại sôi nổi dân tình, bằng một tin “động trời” vào tháng Tám là vợ chồng Thủ Tướng Trudeau tuyên bố ly thân. Úi là trời, cặp trai tài gái sắc, từng là niềm hãnh diện của dân chúng Canada, bây giờ tan đàn xẻ nghé, hỏi sao không... động trời. Tuy nhiên, chúng ta cũng chỉ biết tới đó, còn nguyên nhân sâu xa thế nào, sau này ra sao thì không ai được biết, họ giữ kín như bưng, làm cho đám “bà Tám” (trong đó có tôi) cũng như đám săn tin cho các báo lá cải cụt hứng, chẳng moi móc được gì để mà bàn ra tán vào. Đành chờ một ngày đẹp trời, họ tuyên bố chính thức ly dị rồi “tám” tiếp.
Chuyển qua chuyện xứ Mỹ, ôi năm nào cũng... rộn ràng. Cái xứ “number one” trên thế giới, những điều tốt đẹp thì có ai mà không biết, nhưng cũng có chuyện hổng dzui, mà hầu như năm nào cũng xảy ra tại Mỹ, đó là chuyện xả súng vì hận đời, vì trầm cảm, vì nhiều lý do, mà hổng muốn chết một mình, phải kéo theo nhiều người vô tội chết theo mới chịu à!


Ngay từ đầu năm, có ngay 3 vụ nổ súng nổi cộm tại bang California, trong đó có một ông Châu Á lập “kỷ lục” người xả súng lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ ở tuổi 72 trong vụ bắn tại Montery Park làm 11 người chết (kể cả thủ phạm) và 7 ngườ bị thương .

Theo báo cáo mới nhất hồi cuối tháng 10, thì năm 2023 có lẽ sẽ... phá “kỷ lục” với tổng số 621 người chết, và 2126 người bị thương trong 520 vụ nổ súng tại Mỹ. Mỗi lần có một vụ xả súng là dư luận lại rúng động, eo xèo chuyện dự luật súng thoải mái dễ dãi gây bạo loạn tăng nhanh, tranh cãi đủ thứ, nhưng cuối cùng cũng vẫn chưa ngã ngũ. Người dân phải tự phòng thân, anh bạn chung trại tỵ nạn ngày xưa với tôi nay ở Houston cũng mới sắm một... cây súng cất trong nhà để khi hữu sự thì đem ra bảo vệ gia đình. Còn các anh chị em tôi bên Mỹ cũng bảo nhau, những ngày lễ lạc, tốt nhất nên tránh xa chỗ đám đông, thôi thì tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Đó là “nhân tai”, còn thiên tai thì thiệt là hú vía, gia đình tôi mới vừa về nhà Canada từ chuyến du lịch Honolulu cuối tháng bảy, thì tuần sau đó nghe tin đảo Maui Hawaii bị cháy rừng thảm khốc. Xem Tivi và những hình ảnh lan truyền trên mạng, mà thấy xót xa.

Theo Hãng tin Reuters, tính đến ngày 12-8, số người chết trong thảm họa cháy rừng ở Hawaii đã lên đến 89 người, trở thành thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong 100 năm qua ở Mỹ.

Những đám cháy đã tàn phá hầu hết thành phố Lahaina ở Hawaii và gần như cô lập khu vực phía tây của hòn đảo này. Khoảng 2.200 công trình đã bị hủy hoại và hơn 850ha đất đã bị lửa thiêu rụi. Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA) đã ước tính cần đến 5,5 tỉ USD để xây dựng lại thành phố du lịch Lahaina trở lại như ban đầu .

Bên Canada chúng tôi thời gian này cũng có những chương trình quyên góp cứu trợ cho Hawaii, tại chỗ tôi làm, chị bạn người Việt vừa đưa tiền vừa cười cười:

- Nước Mỹ giàu thí mồ, đóng góp cho họ có cần thiết không?

Tôi cự liền:

- Chị nói sao mà dễ nghe hen, khi bất cứ nơi nào trên quả đất có chuyện gì là Mỹ ra tay cứu giúp ngay tức khắc, thì đây là lúc mình giúp lại họ, ngoài ra, đó còn là tinh thần tương trợ hàng xóm lẫn nhau nữa đó.

Nghe tôi nói vậy, chị bẽn lẽn mở bóp đưa thêm ... mười đồng nữa, thương dễ sợ.

Giờ thì đến chuyện dài trên quê hương Việt Nam. Cách đây không lâu, một chàng ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại, nay trở về quê nhà như đi chợ, trong một lần trình bày bài hát Tình Bơ Vơ của cố nhạc sĩ Lam Phương, đến đoạn “ Trời vào Thu ...”, lẽ ra phải ca “Việt Nam buồn lắm em ơi!”, thì chẳng hiểu vì sợ “ai đó” mà chàng sửa thành “ Chiều nay buồn lắm em ơi!”, thế là từ đó, dân phởn động trên mạng trên “ phây”, thay vì nói “xứ Việt Nam Cộng Sản” dài thòng, thì chỉ cần nói “Chiều Nay” cho gọn lẹ .

Ở Chiều Nay, ngày nào mà hổng có chuyện, hay nói đúng hơn là từ ngày 30/4/1975 đến nay, thì mỗi ngày là một câu chuyện, đau lòng có, tức mình có, phẫn uất có, đớn đau có, cười ra nước mắt có, nói chung là đủ loại chuyện hầm bà lằng mà chỉ có “đoảng” lãnh đạo tài tình mới làm được.Tôi chỉ xin nhắc lại hai chuyện mới nhứt, một dzui, một hổng dzui!

Thứ nhất là giải bóng đá nữ FIFA Women World Cup vừa qua, nhờ luật mới, nới thêm đội vào giải, nên Chiều Nay cũng được tham dự. Chu choa là nổ, ngày xưa thắng giải ao làng bên Châu Á đã tự hào “đạp cả Châu Á dưới chân” thì nay càng vênh váo, tự mãn là trong “32 đội bóng đá nữ mạnh nhứt thế giới”.

Trận ra quân bị thua te tua, những vẫn ... “tự hào”, vì “cả thế giới đã lắng nghe bài quốc ca hào hùng “Chiều Nay”. Mà cái tật nổ thì chết đến vẫn nổ, sau vòng bảng, Chiều Nay thua cả ba trận, với 12 bàn thủng lưới và không ghi được bàn nào, phải nói là thua “rực rỡ”, vậy mà vẫn ngoác miệng vì thể lực Á Đông nhỏ bé, và cuối cùng chỉ có một đội vinh quang đoạt Cup, rồi ai cũng ra về mà! Ủa, Nhật Bản cũng là thể lực nhỏ bé mà sao người ta vào sâu được vòng trong, còn cái chuyện “ai cũng ra về” nhưng người ta ra về với thành tích ghi bàn vào lưới đối phương, chớ đâu có ôm một rổ “trứng” như cái xứ Chiều Nay đâu nà!

Công bằng mà nói, thể thao thì không nên dính dáng đến chính trị. Tôi tiếc cho các em cầu thủ chân chính, có năng lực, bị điều khiển bởi đám quan chức ngu dốt tham lam và một phần xã hội bị nhồi sọ, biến các sự kiện thể thao thành công cụ tuyên truyền giả trá mị dân.

Giờ qua tới chuyện hổng dzui, mà cụ thể là chuyện uất hận căm hờn bọn lãnh đạo Chiều Nay, đó là vụ án thế kỷ, là phiên tòa ô nhục, khi mà hàng loạt cán bộ cấp cao ra hầu tòa vì tham nhũng trong mùa Covid: vụ chuyến bay giải cứu. Ca tụng lẫn nhau là “xông vào tâm dịch đưa công dân về nước”, hóa ra người dân phải chạy chọt tiền cho nhân viên sứ quán mới được về, chúng móc nối, vắt cạn tiền của dân nghèo, bán covid kit tests với giá cắt cổ, tất tần tật, miễn sao tiền vào túi chia nhau, vài triệu đô hối lộ mà nghe cứ ngỡ như tiền giấy, mặc kệ dân đen sống chết.

Dẫu rằng dân thừa biết, vụ án này chỉ là trò thanh trừng lẫn nhau, để củng cố quyền lực, chớ tiền tham nhũng thu được sẽ chẳng bao giờ trả về cho những nạn nhân chuyến bay giải cứu, nhưng người dân được xem “kịch”, được hả hê, được cười khinh bỉ vào những bộ mặt đạo đức giả của xã hội Chiều Nay, mà từ lâu ai cũng biết, muốn biết ý “đảng” thì đọc báo Nhân Dân, còn muốn biết lòng dân thì lên... facebook.

Đọc tới đây ông xã tôi bảo, Tiễn Vong là Vong cả thế giới năm qua, sao em tiễn vong Chiều Nay dài thế. Vậy đó, hễ nói tới xứ đó là em không kiềm được cảm xúc tuôn trào, huyết áp tăng cao, thôi em bonus thêm cho chúng bài thơ em viết giùm nỗi lòng dân Thủ Thiêm khi bị chúng cướp đất để xây nhà hát Giao Hưởng, coi như em xả hết nỗi bực dọc, đặng còn thảnh thơi đón mừng năm mới.

BÀ GIÀ GÂN THỦ THIÊM LÊN TIẾNG
 
Tao, bà má Thủ Thiêm vừa mất đất
Mấy năm trời gõ cửa đi kêu oan
Cùng với bao người không nhà, lang thang
Tìm công lý vẫn còn trong tăm tối
 
Những mảnh đất của cha truyền con nối
Thấm mồ hôi, nước mắt, mặn phèn chua
Chúng bay giở trò ăn cướp, lọc lừa
Đẩy dân vô tội vào đường cùng cực
 
Khốn nạn thay, tiếng khóc than chưa dứt
Bay hăm he “trưởng giả học làm sang”
Đòi xây nhà hát hoành tráng, thênh thang
(Ai chả biết bay xúm vào chia chác)
 
Bay đừng đổ thừa “nhân dân khao khát”
Rồi đua đòi với Úc, Singapore…
Bởi nước người ta giàu có, ấm no
Nên họ thảnh thơi đi nghe hoà nhạc
 
Đất nước này, người nghèo không áo mặc
Mùa đông cao nguyên trẻ rét trơ xương
Bệnh viện hai, ba người chung một giường
Kẻ tàn tật mỏi mòn chờ từ thiện
 
Dân chúng tao, sau một ngày mỏi mệt
Thích tìm nghe nhạc mùi, bolero
Cao Văn Lầu vọng cổ, những câu hò
Xoa dịu những vết thương đau, bất mãn
 
Ai cần nghe Beethoven, Mozart?
Ai xem Ballet, nhạc kịch kiêu sa?
Quan tâm làm gì “Cái Chết Con Thiên Nga”
Khi phải co giò kiếm ăn từng bữa?!
 
Dân chưa quên những công trình nghìn tỷ
Tưng bừng khai trương, cờ xí lung linh
Sau một thời gian, như Chùa Bà Đanh
Ba bảy hai mốt ngày mạng nhện giăng lối
 
Đó là chưa kể, bay làm ăn gian dối
Kinh phí nâng lên như “bột nở bánh bao”
Bay trong sạch? Chuyện “tào lao bí đao”!
Bay công minh? Tao đi bằng đầu gối!
 
Ai chẳng muốn quê hương mình đổi mới?
Hiện đại, văn minh như cường quốc năm châu?
Người Việt ra nước ngoài được ngẩng cao đầu
Không hứng chịu những khinh khi, dè bỉu?!
 
Nhưng tụi bay ngu, hay không chịu hiểu
Chỉ giỏi cắm đầu cắm cổ hút máu dân
Lũ khỉ Trường Sơn quen chốn rừng xanh
Nay bỗng lột xác thành “tư bản đỏ”
 
Nên chúng mày lại lên cơn rửng mỡ
Tập tành Opera “uyên bác, thâm sâu”
Nhưng mà hỡi ôi “đàn gảy tai trâu”
Như “tưởng thú” Phúc từng làm nhục quốc thể
 
Bay cứ xây đi, cứ “vỡ oà” đi nhé
Này thính phòng, này giao hưởng, này hàn lâm
Để đêm đêm hồn ma trơi về hờn căm
Khóc tức tưởi dưới hàng ghế khán giả
 
Rồi đến ngày nợ máu, bay phải trả
Tao, bà già gân, sẽ chống mắt chờ xem
Tiếng cười tưng bừng của toàn dân Thủ Thiêm
Chính là bản Giao Hưởng tuyệt vời nhứt!!!
 
Edmonton, cuối năm 2023

KIM LOAN 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi đã có bài viết về nhạc chế, nay lại nhạc nhái, có trùng lắp không? Nhạc chế, theo từ điện mở Wikipedia, tiếng Anh là parody music hay musical parody, là việc thay đổi một phần hoặc toàn bộ lời bài hát so với bản gốc (thường là nổi tiếng), hoặc sao chép phong cách đặc biệt của một nhà soạn nhạc hoặc nghệ sĩ hoặc thậm chí là một phong cách âm nhạc chung. Nhạc chế tồn tại trong đời sống xã hội như một dạng văn nghệ dân gian, cũng tương tự như chuyện tiếu lâm, chủ yếu là truyền khẩu, giúp mọi người giải trí vui vẻ trong phạm vi từng cộng đồng nhỏ hẹp. Những ca khúc chế lời trên thực tế rất có sức hút đối với người nghe, nhất là khi nội dung lời ca có tình hài hước, gắn với một sự kiện nào đó mà dư luận đang rất quan tâm.
Suốt cả tuần lễ của đầu tháng 10 vừa qua, trên trang nhất của tất cả những tờ báo quốc doanh đều xuất hiện một dòng chữ đỏ rất to, và rất đậm: CHÀO MỪNG 70 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ! Vietnamnet hớn hở chạy tin: “Đi bất kỳ đâu trên phố trung tâm Hà Nội những ngày này, người dân đều có thể thấy hình ảnh mang ý nghĩa lịch sử về ngày giải phóng Thủ đô cách đây tròn 70 năm trên các pano, áp phích cùng cờ hoa được trang trí rực rỡ… Khoảng 10.000 người có màn tập duyệt cuối cùng các phần diễu hành, trình diễn cho ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)”.
Khi chưa bị bắt, và bị giam giữ trong bệnh viện tâm thần – có lần – Nguyễn Thúy Hạnh kể lại một câu chuyện hơi tếu táo (“Chuyện Một Người Bất Đồng Chính Kiến”) nhưng nghe rồi tôi lại thoáng buồn buồn: Bác tên là Nguyễn Thế Đàm, người từng hai lần bị tống vào hoả lò cũ và hoả lò mới, rồi hai lần bị đẩy vào trại tâm thần, Trâu Quỳ và Thường Tín. “Tôi khẳng định ông ấy bị điên. Cả thế giới người ta thấy mà lặng im ko nói, chỉ một mình ông ấy nói ra, thế chả là điên thì là gì?”Giám đốc bệnh viện tâm thần thời đó đã nói vậy khi vợ bác khăng khăng chồng mình ko bị điên. Vậy bác Đàm “nói” cái gì? Đó là những truyền đơn nhằm vào ông Hồ, mục đích để ông Hồ ko còn là thánh, trong đó thường gọi ông Hồ là “ngu Hồ”, và rằng chủ nghĩa Mác là phản động… Thời những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước mà đi rải truyền đơn hạ bệ lãnh tụ, lại còn viết đủ cả tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại của mình vào truyền đơn rồi đi phát tận tay từng người thì quả đúng là vuốt râu hùm.
Từ Montreal Canada đến Detroit mất hai tiếng rưỡi, rồi từ Detroit bang Michigan Hoa Kỳ đến Nhật Bản khoảng 13 tiếng rưỡi, dù máy bay có rộng rãi cách mấy, tiện nghi bao nhiêu đi nữa cũng làm tôi không sao chợp mắt được; trên máy bay chúng tôi được phục vụ một bữa chính gồm khoai tây nghiền với gà hầm cà chua thơm ngon, một salad, một thanh cheese, một desert, một chai rượu đỏ hoặc trắng tùy khách chọn, vừa ăn uống vừa coi hết film này đến film khác; khoảng 3,4 tiếng sau lại cho ăn tiếp lót dạ một pizza với sauce cà chua cá hồi, đồ uống nước cam, coke hay trà thì được phục vụ liên tục. Sau bữa ăn mọi người ai nấy dập dìu viếng thăm căn phòng nhỏ cuối máy bay, xếp hàng dài chờ phiên mình; mục này cũng làm cho mọi người đứng lên di chuyển, vươn vai, duỗi chân cho đỡ mệt mỏi.
Lúc sau này tôi bỗng thích nghịch ngợm chút đỉnh. Nghịch ngợm là cái thú của thời con nít với những côn trùng thân yêu như dế mèn, chuồn chuồn, đom đóm, ve sầu, chim sáo, chào mào. Sau khi phổ biến ba bài Ve Sầu, Chuồn Chuồn và Đom Đóm, các ông bạn già của tôi coi bộ phấn khích như sống lại tuổi thơ. Một ông hỏi tôi đã viết về bươm bướm chưa? Tôi ngẩn người nhớ lại và cho ông bạn biết là bướm không biết bay thì viết rồi, bướm bay thì chưa. Ông này vốn chân chỉ hạt bột, chỉ thích bướm bay, để ông nhớ tới thời đã mất.
**01/10 -- Bùi Diễm (01/10/1923– 24/10/2021) là một chính khách Việt Nam. Ông nắm giữ chức vụ Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ nhiệm kỳ từ năm 1967 đến năm 1972. --1908 - Mẫu xe T của Henry Ford, một "chiếc xe phổ thông" được thiết kế cho đại chúng, được bán lần đầu tiên. -- 1938 - Quân đội của Hitler chiếm đóng phần Sudetenland của Tiệp Khắc. Trong nỗ lực tránh chiến tranh, các nhà lãnh đạo Anh và Pháp đã đồng ý nhượng khu vực nói tiếng Đức cho Hitler, người sau đó đã phá vỡ thỏa thuận và chiếm đóng toàn bộ Tiệp Khắc.
Hãy thử nhớ lại lần gần đây nhất quý vị viết ghi chú, một ghi chú ngắn hoặc danh sách mua sắm chẳng hạn. Có thể quý vị đã không dùng tới giấy và viết. Hơn mười năm qua, bàn phím và màn hình đã lặng lẽ thay thế chữ viết tay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, từ trường, lớp cho đến các cuộc họp hành. Thậm chí, một số trường học trên thế giới đã ngừng hoàn toàn việc rèn chữ viết (cursive).
Tôi là dân Huế chính gốc 100% tức là dân Huế “chay”, Huế rất chi là Huế, Huế từ đầu đến chân, Huế từ trong ra ngoài nên phát âm các chữ có dấu HỎI-NGÃ rất tùy tiện, phóng túng, hoàn toàn không giống người dân ở miền Bắc của Cố Đô Thăng Long, mặc dù Huế của chúng tôi cũng là Cố Đô Ngàn Năm Văn Vật. Do đó dân Huế chúng tôi sợ nhất là những chữ có dấu HỎI-NGÃ lúc viết bài thi chính tả, dù đã học thật kỹ cuốn sách viết về luật HỎI, NGÃ của Thầy Lê Hiếu Kính.
“Cò” đây chẳng phải “Con Cò mày đi ăn đêm” mà cũng chẳng phải “Cái Cò súng của các ông”, không phải, giời ạ. Cò-cảnh-sát hay Cò-mồi lại càng không phải nốt. Cò đây là Thầy Cò. Đúng ra phải gọi là Cô Cò hoặc Bà Cò thì chính xác hơn, nhưng trong ngôn ngữ tiếng Việt tôi chưa thấy ai gọi như thế bao giờ, nghe nó tréo ngoe, nó chỏi tai thế nào ấy. Có lẽ tại cái “nghề Cò” từ hồi nảo hồi nào chỉ toàn do các ông đảm nhiệm. Nhưng thời buổi bây giờ, thời buổi mà các bà các cô có thừa bản lĩnh để xâm chiếm hầu hết các lãnh vực trong nhà (thì đã đành) cũng như ngoài phố thì chắc chắn đã có nhiều Cò phái nữ, mà tôi là một thí dụ điển hình.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.