
Thống đốc Texas Greg Abbott đã ký ban hành một đạo luật cho phép cảnh sát tiểu bang bắt giữ những người bị nghi ngờ vượt biên bất hợp pháp ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Nói nôm na, luật này chuyển thẩm quyền từ chính phủ liên bang sang cảnh sát địa phương, có thể gây ra những tranh cãi gay gắt về mặt pháp lý, theo Reuters.
Đạo luật được gọi là SB 4, sẽ có hiệu lực vào tháng 3. Theo SB 4, tội nhập cảnh hoặc tái nhập cảnh bất hợp pháp vào Texas sẽ phải đối mặt với các hình phạt từ 180 ngày đến 20 năm tù giam. Các thẩm phán ở Texas sẽ buộc di dân quay trở lại Mexico, và những ai từ chối tuân thủ có thể đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù.
Dù di dân vượt biên bất hợp pháp có thể bị buộc tội nhập cảnh hoặc tái nhập cảnh bất hợp pháp theo luật liên bang, nhưng thống đốc Texas Greg Abbott đã chỉ trích Tổng thống Joe Biden vì không thực thi chúng.
Abbott nói trong cuộc họp báo trước bức tường biên giới ở Brownsville, Texas: “Việc Biden cố tình không hành động đã khiến Texas phải tự bảo vệ mình.”
Abbott cũng đã ký một dự luật dành 1.5 tỷ MK để xây dựng bức tường biên giới và các hoạt động liên quan, số tiền này sẽ được cấp thêm vào số tiền 5 tỷ MK đã được phân bổ cho việc siết chặt biên giới. Trước đó, vào cuối tháng 11, vị thống đốc Đảng Cộng Hòa này đã ký một dự luật tăng mức phạt đối với việc đưa người trái phép qua biên giới.
Kể từ khi Biden nhậm chức vào năm 2021, số lượng di dân bị bắt khi vượt biên ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico đã tăng cao kỳ lục. Abbott và các dân cử Đảng Cộng Hòa khác đổ lỗi cho Biden và cáo buộc ông đã bãi bỏ các chính sách hạn chế của cựu Tổng thống Donald Trump, người dẫn đầu ứng cử viên cho Đảng Cộng hòa.
Tại Quốc hội Hoa Kỳ, Đảng Cộng Hòa cho biết họ sẽ không thông qua gói viện trợ nước ngoài bao gồm cả viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel nếu không có các điều khoản mới nghiêm ngặt hơn cho an ninh biên giới của Hoa Kỳ. Tình hình đã khiến cho các gói viện trợ bị đình trệ, và một nhóm TNS đang cố gắng đạt được thỏa thuận.
Dưới thời Biden, hơn một nửa trong số 5.8 triệu vụ bắt giữ di dân diễn ra ở Texas và tiểu bang láng giềng New Mexico, nhiều lần gây căng thẳng cho nguồn lực của các thành phố biên giới.
Texas đã thử nghiệm một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn di dân vượt biên trái phép theo chương trình Operation Lone Star, bao gồm việc đưa lực lượng Vệ binh Quốc gia đến biên giới, giăng dây gai concertina và lắp đặt một rào chắn trên sông Rio Grande.
Một hội đồng gồm ba thẩm phán của Tòa Phúc Thẩm Khu Vực 5 hồi đầu tháng này đã ra phán quyết rằng Texas phải gỡ bỏ rào chắn trên sông mặc dù Texas đang kiên trì yêu cầu xem xét lại.
Một hành động nổi bật nhất của Texas, tiểu bang này đã đưa hàng ngàn di dân đến các thành phố xa hơn về phía bắc do Đảng Dân Chủ kiểm soát để giảm bớt căng thẳng cho các thành phố biên giới và gây áp lực cho Đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, di dân vẫn tiếp tục vượt biên.
Oni Blair, giám đốc của American Civil Liberties Union of Texas, đã đe dọa sẽ khởi kiện SB 4, cho rằng nó “vi phạm luật nhập cư liên bang” và “kích động phân biệt chủng tộc.”
Vào năm 2012, Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ những phần quan trọng của một đạo luật tương tự ở Arizona, bao gồm điều khoản cho phép các viên chức tiểu bang bắt giữ những người bị nghi ngờ đang ở Hoa Kỳ bất hợp pháp.
Phán quyết năm 2012 cho biết điều khoản này mâu thuẫn với luật liên bang, vốn được ưu tiên, và hệ thống nhập cư Hoa Kỳ do Quốc hội thiết lập thường không ủy quyền cho các viên chức tiểu bang thực hiện các vụ bắt giữ đối với những người bị nghi ngờ ở Hoa Kỳ bất hợp pháp mà không có lệnh truy nã.