Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên.
Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Trong những năm Chiến tranh Lạnh, mục tiêu của Hoa Kỳ là ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản và phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Bức màn sắt buông xuống khắp châu Âu sau Thế chiến thứ hai có tác dụng theo cả hai cách: Thứ nhất, Liên Xô sử dụng nó để giam giữ người dân trong một hệ thống chính trị-kinh tế đã đổ vỡ; thứ hai, việc kinh doanh giữa Tây phương với Đông Âu trở nên khó khăn. Thật ra, cả hai điều đó đều tạo lợi thế cho Mỹ để cuối cùng Mỹ chiến thắng.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc phức tạp hơn nhiều vì hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có mối quan hệ đan xen gắn bó chặt chẽ với nhau. Các doanh nghiệp Mỹ có mối quan hệ sâu đậm ở Trung Quốc và các công ty Trung Quốc cũng có mặt khắp nơi trên đất nước Hoa Kỳ. TikTok của Trung Quốc là mạng truyền thông xã hội phổ biến nhất ở Mỹ hiện nay và là một doanh nghiệp nước ngoài.
Những thử thách ngày nay bắt nguồn từ năm 1989. Năm đó Bức tường Berlin sụp đổ và hết chế độ cộng sản này đến chế độ cộng sản khác sụp đổ, chấm dứt sự thống trị của Liên Xô ở Đông Âu khi Ba Lan, Hungary, Đông Đức và Tiệp Khắc đi theo chế độ dân chủ. Đến năm 1992, đế quốc Liên Xô tan rã.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng phải chịu những khó khăn riêng của mình. Vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 diễn ra trước sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu gần sáu tháng. Trong một thời gian, có vẻ như việc nắm quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sẽ thất bại. Nhưng khi các cuộc biểu tình của sinh viên lan rộng từ Bắc Kinh đến khoảng 400 thành phố khác trên khắp Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tràn ra đường phố Bắc Kinh, giết chết hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn người.
Đến năm 1991, quỹ đạo quốc gia của Mỹ và Trung Quốc vận hành theo hai phương hướng và đường lối khác nhau nhiều lắm. Mỹ chiến thắng Chiến tranh Lạnh, và sau Chiến tranh Vùng Vịnh, rõ ràng Mỹ chiếm ưu thế, trở thành nhà môi giới quyền lực toàn cầu duy nhất. Ngược lại, Trung Quốc chỉ hơn một quốc gia “Thế giới thứ ba lớn nhất thế giới” một chút.
Vận may thay đổi rất nhanh. Nước Mỹ đã kiếm được “cổ tức hòa bình” và giải tán quân đội của mình như một đội bóng chày đang thua đậm giữa thời hạn trao đổi cầu thủ. Nhiều hệ thống vũ khí bị cho vào kho phế thải, các chương trình bị hủy bỏ và trì hoãn, quân đội được trả tiền để phục viên. Về mặt tích cực, lãi suất giảm và kinh tế tăng trưởng. Thật khó để tưởng tượng trong thời đại thâm hụt ngân sách hằng năm là 1,5 nghìn tỷ USD như ngày nay, ngân sách của Hoa Kỳ vào những năm đầu thế kỷ là thặng dư. Như Tổng thống Bill Clinton từng nói, không chỉ “kỷ nguyên của Chính phủ Lớn đã kết thúc”, mà khi George W. Bush kế nhiệm làm Tổng thống, cả nước đã hưng phấn đến mức tưởng chừng như toàn bộ khoản nợ của nước Mỹ sẽ được trả hết vào cuối thập kỷ.
Mọi chuyện đã không diễn tiến như dự liệu. Vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, cùng những quyết định và lựa chọn sau đó đã thay đổi mọi thứ. Cuộc xâm lược Iraq năm 2003 đặc biệt bi thảm, gây phương hại các liên minh quốc tế của Mỹ và làm sứt mẻ nền tảng đạo đức. Ngày 11/9, các cơ quan tình báo của Mỹ nhìn thấy bóng tối nhưng họ bỏ sót sự thật. Thay vì khám phá vũ khí hủy diệt hàng loạt, thì nước Mỹ bước vào “kỷ nguyên mất tập trung hàng loạt”, như Trung tướng David Deptula từng nói. Mỹ sa lầy trong hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan và không nhìn thấy Trung Quốc đang rình rập ở phía chân trời.
Trung Quốc đã tận dụng lợi thế, hiện đại hóa mọi khía cạnh quân sự của mình trong những năm sau đó. Họ chế tạo vũ khí không gian và tên lửa tầm xa để chống lại lợi thế của Mỹ trong không gian, trên không trung và trên mặt đất. Họ nghiễm nhiên trở thành một cường quốc mạng đáng gờm và phát triển (hoặc đánh cắp) công nghệ tàng hình mà ngày nay được sử dụng trong các máy bay chiến đấu.
Nhiều người nhìn thấy điều sắp xảy ra. Cựu Tham mưu trưởng Không lực Hoa Kỳ, Tướng T. Michael “Buzz” Moseley đã có những đề xuất để đảm bảo Không quân Mỹ có đủ máy bay và vũ khí nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì được chấp thuận, sự cứng rắn của Tướng Moseley cho rằng Không quân phải chuẩn bị cho một “cuộc chiến cấp cao” đã khiến ông bị cách chức.
Giờ đây mối đe dọa từ Trung Quốc đã được xác lập một cách khôn ngoan hơn. Mara Karlin, quyền Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách Chính sách tại Ngũ Giác Đài cho biết: “Nó trở thành nguồn oxy mà chúng ta sống và thở trong Bộ Quốc phòng”. Đó là bối cảnh cho mọi chương trình vũ khí mới, mọi sáng kiến mới, và cho hầu hết mọi cuộc tập trận quân sự.
Trong thời kỳ Xô Viết, ở chừng mực nào đó, Mỹ biết kẻ thù của mình là ai, điều gì đang bị đe dọa, trò chơi được chơi như thế nào. Đó không phải là trường hợp của ngày hôm nay. Thay vào đó, Mỹ đang bước vào một kỷ nguyên mới, năng động và nguy hiểm, nhiều rủi ro hơn.
Sự thật là: Bởi vì Trung Quốc đang suy thoái nên hiện nay sự bất ổn gia tăng. Giống như sự kiện 11/9 đã khiến Hoa Kỳ mất đà thăng tiến, COVID-19 đã gây nên sự bất ổn lớn hơn ở Trung Quốc. Không giống như Hoa Kỳ phục hồi nhanh chóng, Trung Quốc đã phát hiện ra những vết nứt mang tính hệ thống trong cỗ máy kinh tế của mình. Dân số Trung Quốc đang suy giảm. Địa ốc được xây dựng bừa bãi, quá mức. Tiền nợ các công ty đầu tư nước ngoài lên quá nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ đang lên tới con số 20%.
Ngay từ đầu, Trung Quốc đã dối trá, lấp liếm về tình trạng COVID-19. Số liệu thống kê chính thức được công bố lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận có ít hơn 121.000 ca tử vong trong số khoảng 99 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát bốn năm trước. Ngược lại, một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã vạch trần sự thực. Hai Tiến sĩ nhà nghiên cứu Hong Xiao và Joseph Unger đồng tác giả đã phân tích dữ liệu về tỷ lệ tử vong do các trường đại học Trung Quốc công bố và thu thập trên Internet. Bài báo đã được đồng nghiệp bình duyệt của hai vị, đăng hôm tháng Tám, khẳng định Trung Quốc đã phải chịu ít nhất là 1,87 triệu ca tử vong từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 1 năm 2023, những tháng sau khi Trung Quốc mở cửa xã hội trở lại sau thời gian phong tỏa kéo dài.
Sự suy thoái của Trung Quốc khiến gia tăng sự bất ổn và những rủi ro mới. Với tất cả quy mô và sức mạnh của mình, Trung Quốc tỏ ra dễ bị tổn thất và rất có thể đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ tăng trưởng mạnh. Sự gia tăng theo kế hoạch lâu dài có thể không bao giờ đạt được. Đây chính là điều khiến Trung Quốc ngày nay trở nên nguy hiểm hơn. Giống như chế độ ăn cướp của Nga đã đẩy sự tăng trưởng hậu Xô Viết của nước này vào tình trạng suy thoái không thể tránh khỏi, dẫn đến cuộc xâm lược sai lầm vào Ukraine, một tương lai bất ổn của Trung Quốc có thể khiến Chủ tịch Tập Cận Bình phải chấp nhận những tính toán thiếu khôn ngoan ở Đài Loan hoặc các nơi khác.
Sự cảnh giác vào lúc này đối với Hoa Kỳ vẫn cần thiết và quan trọng như năm 1980. Ngày nay, cũng như lúc đó, nước Mỹ chỉ mới thoát khỏi hai cuộc chiến tranh ở nước ngoài kéo dài và không thành công. Việc cải tiến sức mạnh quân sự chiến lược bị trì hoãn từ lâu của Hoa Kỳ giờ đây mới thu hút được sự chú ý từ giới lãnh đạo cầm quyền. Quân đội chỉ mới bắt đầu lấy lại sức mạnh và sự tự tin. Những lựa chọn chiến lược đúng đắn bây giờ sẽ mang lại lợi ích trong tương lai.
Trong nhiều năm, Trung Quốc nghĩ rằng thế kỷ của Mỹ đã kết thúc và sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều tất yếu. Nước Mỹ có thể – và phải – chứng minh rằng họ sai.