Hôm nay,  

Duyên hạnh ngộ

19/11/202308:36:00(Xem: 2951)

Giới thiệu sách mới

han ngo


Gia Định, trường Lê. Đó là ngôi trường tôi đã học năm cuối cùng của bậc trung học niên khóa 1971-1972. Trùng hợp làm sao đó là năm đầu tiên trường mở lớp B (ban toán) và cũng là năm đầu tiên thời Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Giáo dục chuyển đổi cách gọi các lớp trung tiểu học sang số thứ tự của năm học từ lớp 1 đến lớp 12 thay vì cách gọi như trước đó (Năm, Tư, Ba... Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất). Tôi là “ma mới” trong số những “ma mới” của lớp học này vì cũng có một số bạn khác từ trường ngoài vào. Nhưng các bạn đều rất dễ thương, không phân biệt trường gốc hay trường ngoài. Tất cả hòa đồng với nhau, cùng học, cùng vui, cùng giỡn (rất đúng với câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”) dưới sự “lãnh đạo” của trưởng lớp Đỗ Thị Hậu. Hậu học rất giỏi và tính cũng rất “tếu”. Những lúc thầy cô chưa lên lớp, nàng hay đùa giỡn, nói câu nào là cả lớp cứ cười thỏa thuê!
    Tôi vẫn còn nhớ cô Mảnh người miền Nam dạy Toán, thầy Kính người Huế dạy Lý Hóa... Và đặc biệt là cô Vân người Huế, dáng nhỏ, rất dịu dàng và dễ thương, dạy môn Anh văn. Trong ngày cuối cùng của niên học, tôi đã nhìn thấy những dòng nước mắt của cô lăn trên má. Về đến nhà, vẫn còn nguyên xúc cảm, tôi ghi lại một mạch bằng thơ.
 
CÒN MÃI TRONG TIM
 
Kính tặng Cô Ngô Thị Vân, Giáo Sư Anh Văn
Trường Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt – Gia Định.
 
Với chúng em, đây là niên học cuối
một cuộc thi chấm dứt thuở học trò
chỉ còn lại chút dư âm tiếc nuối
những tháng ngày rất đẹp, rất nên thơ…
 
Ngày cuối cùng Cô giảng xong bài học
dặn những điều cần thiết lúc đi thi
em đã thấy, ở Cô, dòng lệ ngọc
biết bao tình trong giây phút biệt ly
 
(Em vẫn biết còn học trò áo trắng
là vẫn còn giữ những nét dễ thương
đời mai sau sẽ có nhiều bóng nắng
tìm đâu ra khoảng mát chốn học đường?)
 
Và Cô ơi, suốt đời em mãi nhớ
dòng lệ nào tràn ngập những thương yêu
một khoảng trời màu hồng trong tim nhỏ
bục gỗ, bàn thầy, bóng dáng chắt chiu…
(1972)
 
Bài thơ vẫn ở với tôi, và tôi vẫn xúc động mỗi lần đọc lại. Có lần khi vào trang nhà trường Lê Văn Duyệt, thấy lời kêu gọi đóng góp bài cho Giai Phẩm, tôi đã định gửi, nhưng không thành. Sau đó, tôi đã post trên trang blog của mình và của bạn bè, mong nhờ sức mạnh của internet, bằng cách nào đó, cô Vân sẽ đọc được bài thơ của học trò làm tặng năm xưa. Và hy vọng đã được nhen lửa. Và ước mơ đã trở thành sự thật. Ngày 18-11-2020, nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam, Quang Võ đã cho post lại trên trang blog của em:
 
 
May mắn sao lần này bài thơ được lọt vào mắt xanh của bạn Nhã Đảo (Thuận) và bạn chuyển đến Cô Vân. Cô đã ứa nước mắt khi đọc thơ học trò và nhờ Nhã Đảo tìm ngay địa chỉ của tôi để liên lạc. Cảm ơn Quang Võ và Nhã Đảo nhiều lắm. Các bạn đã giúp cho Cô giáo và học trò “gặp” lại nhau sau gần 50 năm! Tuy chưa thực sự được gặp nhau bằng xương bằng thịt, được ôm (hug) nhau, nhưng tôi vẫn như đang được ở gần Cô, được nghe Cô kể chuyện về đời sống của Cô bây giờ nhờ những links Cô chia sẻ các bài viết. Và đây đã là món quà lớn nhất của tôi trong mùa Lễ Tạ Ơn năm 2020…
    Khi đọc những bài Cô gửi, tình cờ thấy Cô nhắc đến tên Hoàng Ngọc Biên, nên tôi hỏi Cô, “Cô ơi, có phải đây là Nhà văn Hoàng Ngọc Biên không?” Thật bất ngờ khi được Cô xác nhận đó là người em họ mà Cô rất thương quý. Quả đất thật tròn! Tôi được hân hạnh quen với anh Hoàng Ngọc Biên vào năm 2017 khi chúng tôi cùng thực hiện cuốn sách “Tuyển tập I - Chân dung Văn học Nghệ thuật & Văn hóa” của Bác sĩ / Nhà văn Ngô Thế Vinh. Anh Vinh đã đặt cho nhóm bốn người cộng tác là “dream team” gồm Ngô Thế Vinh, Hoàng Ngọc Biên, Lê Hân và Nguyệt Mai. Và khi biết anh Biên là bạn với Thầy Lê Hà Quảng Lan, tôi đã xin anh cho gọi là Thầy, nhưng anh không cho và dặn cứ gọi là anh. Tôi cũng chia sẻ với Cô Vân bài thơ “Tiễn anh Hoàng Ngọc Biên” tôi viết năm 2019 khi anh đi xa cũng như tác phẩm cuối đời The Train - a novella and selected writings của anh, do Nhân Ảnh xuất bản năm 2019. Cô ngỏ ý muốn có một cuốn, nên tôi đã nhờ anh Lê Hân in tặng Cô.
    Một lần Cô chia sẻ ý muốn gom tất cả bài viết từ trước đến nay để in sách làm kỷ niệm. Cả anh Lê Hân và tôi đều rất vui được Cô tin tưởng giao cho nhiệm vụ này. Do đó, tôi đã có dịp được cùng làm việc với bạn Nguyễn Thị Ngọc Diễm và anh Ngô Khắc Trí. Tôi vẫn còn nhớ Ngọc Diễm, trưởng lớp 12 A4 niên khóa 1971-1972, nước da rất trắng, tóc quăn, xinh xắn và học rất giỏi. Chắc chắn Ngọc Diễm không thể hình dung ra tôi vì nào biết tôi là ai trong số học sinh đến lớp Diễm trong giờ ra chơi ngày ấy, khi thỉnh thoảng tôi ghé thăm Lê Nguyễn Mai Trắng (Lê Thị Bạch Mai) – một bạn văn ở Tuổi Hoa. Sau này, được biết Ngọc Diễm là một văn nghệ sĩ nhưng tên tuổi bạn nổi bật hơn trong lĩnh vực âm nhạc, và cũng là em của nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến và chị của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Nhung. Có lần tôi đã xin anh Trịnh Y Thư email của chị Trọng Tuyến để viết thư nhờ chị chuyển đến Ngọc Diễm, hỏi thăm về tin tức hai người bạn trong lớp 12B mà chúng tôi đã mất liên lạc từ sau biến cố Tháng Tư Đen... Nay có dịp “gặp” lại Ngọc Diễm trong “project” này. Thật vui. Trước đây, Ngọc Diễm đã giúp cho Cô Vân tập họp phần lớn bài vở trong cuốn sách này, và nay anh Ngô Khắc Trí là em trai của Cô tiếp tục những phần còn dang dở. Anh Trí từ lâu cũng đã âm thầm lưu giữ những bài viết của Cô và giờ đây đánh máy lại toàn bộ văn thơ để thực hiện ước mơ của người chị thân yêu...
    Nhân chuyến nghỉ hè ở miền Nam California năm 2022, tôi ngỏ ý nhờ anh Lê Hân chở giúp đến thăm Cô. Anh Hân rất sốt sắng, vui vẻ nhận lời. Hẹn hò email trước với Cô, Cô chọn ngày thứ Năm 7/7/2022. Sốt ruột, mong ngóng, đợi chờ... Rồi ngày đã đến... Niềm vui thật khó tả! Cô giáo và học trò được trùng phùng tái ngộ không phải nơi ngôi trường mang tên vị đại thần của hai triều vua Gia Long và Minh Mạng, cũng là người duy nhất hai lần được đề cử giữ chức Tổng trấn Gia Định Thành, mà ở thành phố Ngàn Cây Sồi (Thousand Oaks), California, Hoa Kỳ sau đúng nửa thế kỷ (1972 – 2022). Cô vẫn như xưa, dáng nhỏ dịu dàng, không chút thay đổi, ngoại trừ những nét thời gian mà không ai có thể tránh khỏi. Lần này, tôi được dịp gặp Cô Vĩnh, là nha sĩ, em của Cô. Thật thương hai Cô thức dậy từ sáng sớm, nấu bữa tiệc hội ngộ rất thịnh soạn đãi chúng tôi. Làm sao có thể quên được buổi này, cảm động lắm hai Cô ơi! Nhân đây, Nguyệt Mai xin cảm ơn anh chị Hân – Châu thật nhiều. Không có anh chị, chắc chắn buổi gặp gỡ này khó có thể thành sự thật.
    Thưa Cô rất kính thương, hôm nay cuốn sách đang trên đường hoàn tất... Những kỷ niệm để nhớ để thương của Cô sẽ được lưu giữ và chia sẻ với tất cả những người thương yêu. Một đời Cô hết lòng với gia đình cũng như tận tụy dạy dỗ, lo lắng cho học trò, nên Cô được tất cả mọi người yêu quý. Cuốn sách này được thành hình từ những tình cảm quý mến yêu thương Cô của những người thân trong gia đình và các học trò. Riêng với em, có một câu ngạn ngữ mà em rất thích, “Những Thầy Cô giỏi nhất dạy bằng trái tim, chứ không từ sách vở”. Cô chính là một trong những người Thầy như thế. Để em luôn mang ơn và nhớ đến...
 
Trần Thị Nguyệt Mai
(Trích từ phần Phụ Lục sách Những kỷ niệm để nhớ để thương* của Ngô Thị Vân – Nhân Ảnh xuất bản 2023).

 

* Tất cả tiền sách sẽ được sung vào quỹ của Hội LVD Alumni.

Muốn có sách xin liên lạc với:

Mai Lan Phạm

email: mailanph60@gmail.com

Ấn phí & cước phí tại Hoa Kỳ: $20.00

 

Ý kiến bạn đọc
22/11/202314:08:43
Khách
Trich “. . . niên khóa 1971-1972 . . . là năm đầu tiên thời Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Giáo dục chuyển đổi cách gọi các lớp trung tiểu học sang số thứ tự của năm học từ lớp 1 đến lớp 12 thay vì cách gọi như trước đó (Năm, Tư, Ba... Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất).”
Chào chị Nguyệt Mai, tôi còn giữ bản chính học bạ của tôi ở trường Hồ Ngọc Cẩn 7 năm 1966-73. Học bạ năm học 1970-71 ghi lớp 10B1. LG Định
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hiếm có một tiểu thuyết như Đường về thủy phủ của Trịnh Y Thư. Không phải là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhưng lại làm người đọc phải bâng khuâng nghĩ về những chặng đường đã trải qua của dân tộc. Không phải là một tiểu thuyết diễm tình, nhưng lòng độc giả sẽ chùng xuống khi khép trang sách lại và ngậm ngùi cho những mối tình tan vỡ. Bạn có thể đọc xong, tuần sau đọc lại, vẫn còn thấy có những gì như cần đọc nữa. Chữ của Trịnh Y Thư như dường không cũ tí nào, vì nó luôn luôn gợi tới những gì sâu thẳm trong tim mỗi người, những ước mơ về một mối tình rất mực kỳ ngộ, rất mực dị thường.
“Ở Phía Đông Âm Phủ” là một trong hai truyện tạo thành tập truyện có cùng tựa đề “Ở Phía Đông Âm Phủ” của nhà văn Nguyễn Viện. Sách dày 184 trang do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2024. Ở âm phủ, dĩ nhiên, để bị trừng phạt và đền tội, nếu vậy, ngụ ý của tác giả là tội gì, đối với các nhân vật trong truyện, những lãnh tụ có thật đưa vào hư cấu, mang máu lịch sử, tạo ra những khúc quanh lớn cho dân tộc, chôn hàng hà sa số xương thịt của người dân, dù có ý định tốt đẹp? Đối với lãnh đạo, lý tưởng và hành động là hai bạn đồng hành, nếu họ yêu nhau, chuyện tốt đẹp sẽ xảy ra; nếu họ phản bội nhau, chuyện xấu xa sẽ xuất hiện sau mặt nạ son phấn của tuyên truyền.
Sách mới "Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ" của Nguyễn Viện, do NXB Tiếng Quê Hương (Mỹ) ấn hành, 2024. Gồm 2 truyện kịch: VÀ, HẮN ĐÃ ĐẾN & Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng nhận định: “Ở phía đông âm phủ” độc đáo ở chỗ tác giả không miêu tả trực tiếp nhân vật, mà để cho họ nói năng như trên sân khấu, như trong một vở kịch. Hình thức tiểu thuyết - kịch rất hiếm trong văn học Việt Nam… Những quan sát của anh sắc bén, và trong một ngôn ngữ đẹp, giản dị, tinh tế, dí dỏm, tôi thiết nghĩ anh đã thành công trong việc đánh thức ý thức lịch sử và xúc cảm cá nhân nơi người đọc. Nhà nghiên cứu lý luận Ngu Yên đúc kết: Trên con đường văn chương Việt, Nguyễn Viện trở thành một trong số ít nhà văn phiêu lưu, dọ dẫm vào miền văn học lạ lẫm.
Kề từ khi bệnh tật tận tình thăm hỏi, Khánh Trường đã cho ra đời: Truyện ngắn Khánh Trường (2016), Chuyện Bao Đồng (tạp bút, 2018) và các tiểu thuyết: Tịch Dương (2019), Dấu Khói Tàn Tro (2020), Bãi Sậy Chân Cầu (2020), Có Kẻ Cuồng Điên Khóc (2020), Xuyên Giấc Chiêm Bao (2021), Đừng Theo Dông Bão (2021). Nắng Qua Đèo (2021), Năm Tháng Buồn Thiu (2023), Cùng Nhau Đất Trời (2024) và cuối cùng là tập Thơ Khánh Trường (2024). Số tác phẩm đồ sộ này, ít ai, kể cả những tác giả sung sức nhất, làm nổi. Đúng là…kỳ vĩ! Cuốn “Cùng Nhau Đất Trời” này có chút khác với các cuốn trước vì tác giả ghi ngay ngoài bìa sách là “du ký tiểu thuyết”. Chuyện mới à! Mới nhưng truyện của Khánh Trường chằng bao giờ thoát ra khỏi tình. “Cùng Nhau Đất Trời” cũng vậy, đây là một truyện tình. Nhân vật chính không còn trẻ, đã 38 tuổi, chưa chồng con. Ông bố sốt ruột: “Cô tưởng cô còn trẻ lắm sao? Kén cá chọn canh mãi, mai mốt thành gái già, hối không kịp”.
Nhận được cuốn tiểu thuyết Đường về thủy phủ của nhà văn Trinh Y Thư, nghiền ngẫm đọc mấy hôm và suy nghĩ viết đôi lời cảm nhận cho tác phẩm của ông...
Tôi đã đọc bản thảo “Dòng Đời” khá là chậm. Đôi khi tôi đọc lại môt số đoạn, một số trang. Khi đọc lại toàn văn bản thảo lần thứ nhì, tôi lấy giấy ra ghi chú về các nhân vật, các mốc thời gian, những chuyển biến khi các nhân vật dời đổi từ bên dòng sông này qua thị trấn miền núi kia. Tất cả như một cuốn phim về một quê nhà đang tìm hướng đi trong thời kỳ hậu thực dân Pháp, nơi lối rẽ của tranh chấp để con sông trở thành đôi bờ và rồi người lái đò (trong tiểu thuyết này là người có tên là ông Ba Đò) trở thành người hai mặt, bị buộc cung cấp tin cho cả hai lực lượng thuộc hai ý thức hệ khác nhau.
Ngôn Ngữ đặc biệt về “tác giả tác phẩm”, cuốn này hân hạnh được giới thiệu đến quý bạn đọc, một cây bút tài danh đã viết và thành công trong hầu hết trong nhiều bộ môn văn học nghệ thuật qua bốn thập niên. Tác giả đó là nhà văn Trịnh Y Thư. Ông tên thật Trịnh Ngọc Minh, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1952 tại Hà Nội, trưởng thành tại Sài Gòn, du học và hành nghề điện tử viễn thông tại Hoa Kỳ cho đến khi hưu trí vào năm 2018. Như đã thượng dẫn, Trịnh Y Thư là một người đa tài, chúng tôi xin giới thiệu đại khái về từng bộ môn ông đã sinh hoạt. Trong bộ môn văn, ông đã viết và phổ biến rộng qua sách in từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dịch, khảo cứu, nhận định văn học, tùy bút, tạp bút, tạp luận. Với bộ môn thi ca, ông có một số ít bài theo phong cách vần điệu nhưng không cùn mòn. Chúng tôi nghĩ ông rất hứng thú và chuyên về trường ca, hoặc những bài viết có số lượng câu không quá ngắn hoặc quá dài, và ông cũng sử dụng cả lối thơ Hokku với chỉ 3 câu cho từng khổ.
Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao, lấy cảm hứng từ sự tuôn chảy của một dòng sông để phác họa nhiều dòng chảy khác sâu kín, phức tạp, đa chiều trong nội tâm của Hiểu, nhân vật chính trong tiểu thuyết. Hiểu lạc trôi theo vận nước, bước qua những tàn tích của lịch sử, qua những bóng ma quá khứ, những khoảnh khắc cô đơn tuyệt vọng để tìm lại bản thân, hội nhập, đối diện với những thử thách mới trong hiện tại và tương lai.
Suy nghĩ về thơ, Đặng Toản đã viết: “ ... Thơ chấp nhận mọi sự đẽo gọt và không đẽo gọt, từ vi tế đến thô ráp, từ dân gian đến bác học và các thành phần tham gia vào chiếu thơ có mặt phu xe và tể tướng, gã ăn mày và đại phú hộ...” ( Nghĩ về thơ, trang 258). Do đó sẽ càng thú vị hơn, khi ta bắt gặp những hình ảnh thơ, những câu thơ với những ngôn ngữ “nghề nghiệp” song cũng đầy mới lạ và ấn tượng của “gã thợ tiện’ bên những tia laser cắt... ống sắt!