Hôm nay,  

Tranh, tiếng nói cuối cùng

11/11/202308:14:00(Xem: 1131)
Tùy bút

nghieu-de
Tranh Nghiêu Đề [1939-1998].


 

Ta chôn chồng ta

Một lần.

Duy nhất.

Ở giữa rừng gai không hoa trái mọc

Đất. Đá.

Rực cháy những lửa điêu tàn

Ta đứng giữa trời

Lặng thinh.

Không khóc.

– LCG
                                        

Làm thế nào để giải nghĩa về cái chết? Những điều nằm bên ngoài tất cả mọi sự hiểu biết của nhân gian, nhưng lại nằm bên trong những bí ẩn muôn đời của vị Thượng Đế ở mãi trên trời cao kia. Lại càng không thể bàn tán gì, khi cơn đau ốm, bịnh hoạn đó đang không phải là của chính mình.
    Tôi, một kẻ đứng bên ngoài sự lâm chung.
    Sau khi được vị Bác Sĩ trưởng khoa phân tích, giải thích chi tiết về những điều không còn gì có thể cứu vãn với căn bịnh ngặt nghèo cùa chồng, tôi mang cảm xúc của một cô gái bé nhỏ, biết trước mình sẽ chơ vơ, sợ hãi nằm im dưới đáy sông chờ chết.
    Tôi đang ngộp thở, tôi mới là người sắp chết, tôi đang vẫy vùng trong tuyệt vọng, tôi không biết bơi...
    Anh vẫn ngồi ngoài phòng đợi với niềm tin rằng, đây chỉ là căn bịnh đơn giản, mọi thứ rồi sẽ qua đi, sẽ chỉ như cảm cúm thường tình.
    Thẳng lưng vào thành ghế, tôi thở, nhịp thở hụt hơi nhưng vội vã.
   Không khí ở khắp đất cùng trời, đã chẳng ai thèm quan tâm, nhớ đến. Nhưng khi đụng tới chút hơi hướm của nỗi chết, chúng ta thở rất vội vàng. Chúng ta sợ không khí sắp cạn, sợ nó sẽ hết… Rất nhanh, tôi xếp đặt những lời nói dối. Làm sao tôi dám nói ra sự thật kinh hoàng như vị Bác Sĩ vừa nói với tôi bằng cái giọng lạnh lẽo của thuốc men và kim chích kia?
    Anh cười rất tươi khi thấy tôi, nhưng sao mắt tôi nhìn ra nhiều ai oán? Bây giờ tôi mới hiểu ra sự tài tình của các họa sĩ, khi diễn đạt qua mầu sắc: Những môi cười bi thảm, méo mó giữa khổ đau trùng trùng, hoặc sự sợ hãi triền miên, nhãn tiền của nỗi chết. Những nụ cười trầm luân thoát ra khỏi niềm vui mê dại, đụng chạm tới sự bàng hoàng của một chấm hết không ngờ.
    Và tôi cũng đang ráng cười, cười như thật. Nói huyên thuyên với anh về một chứng bịnh bình thường, chẳng có gì phải lo lắng, quan tâm. Nếu chỉ cần nói dối mà đối phó được với những tai ương, hoạn nạn, thì tôi đang là kẻ nói dối rất chuyên nghiệp. Đời sống, có phải đôi khi chúng ta cần đãi đằng, an ủi nhau, dù chỉ bằng những lời dối trá, chẳng cần gì đến sự chân thật chết người, những chân thật chất chứa đầy muộn phiền, đớn đau và bi thảm.
    Anh muốn vui bằng một bữa ăn tối ngoài trời, như hét ra niềm tri ân cùng thế giới. Lòng tôi dù tê tái, hoang mang, vẫn nồng nàn với rất nhiều ly rượu đỏ, cười vui chan hoà cùng chút nắng chiều hắt lên khuôn mặt anh sáng rỡ niềm hy vọng, chứ không thể là những tăm tối, u hoài của một nỗi chết. Chúng tôi ngồi trong đêm, với mịt mù không lối thoát của tương lai, nhưng anh chẳng hề biết. Tôi bỗng thấy quí từng giây từng phút khi ngồi bên anh, những điều tôi đã phí phạm, vung vãi một cách hào sảng trong suốt bao năm dài. Lòng tôi nhủ thầm sẽ không còn bao giờ nữa. Vậy mà sao tôi cười, tôi nói và tôi giả ngây ngô?
    Trên đường về qua nhiều Freeway vào phố. Tôi dừng xe lại ở đèn xanh, vượt qua hết mọi đèn đỏ. Với tâm trạng náo loạn, tôi lái xe như điên khiến anh hoảng hốt. Tự trấn an mình, run run tôi hát. Hát miên man bài anh thích nhất: “Chiều về trên sông”.
    “Sông”, trước hiên nhà xưa của chúng tôi. Dòng nước trôi theo cùng với những hạnh phúc, gian nan và khốn khó… Sông hiền hòa êm ái, nhưng chẳng phải đã không có những chìm nổi, lao đao, và nhiều sóng dữ.
 
… Hãy cất tiếng ca cho đời thêm buồn
Hãy cất tiếng ca
Cho lòng thôi khô héo…
Chiều buông,
Trên dòng sông cuốn mau
Thương đời, thương lẫn nhau…
Trong chiều
Về đâu?
Bọt bèo tuôn khắp nơi…
– Phạm Duy
 
Đường về nhà mà tôi quanh co lạc lối. Lan man tôi rẽ trái, rẽ phải cho đến khi cầm trong tay tấm giấy phạt của cảnh sát, tôi mới biết rằng mình đã đi lạc rất xa.
    Tôi muốn mau về nhà.
    Tôi muốn nhìn lại từng góc, từng xó, mỗi góc vuông trong căn nhà mà mới sáng nay thôi, vẫn ôm ấp nhiều niềm vui và hy vọng. Tôi thèm tìm ra những khác lạ nào đã thay hình đổi dạng, những bàn ghế, chiếu chăn… Hay chỉ có mình tôi đang nhìn ra một đổi thay lớn lao, đầy sợ hãi?
    Khóc giấu.
    Câu nói như thơ, đã chẳng “thơ” chút nào những lần tôi dấm dúi khóc. Khóc ngoài đường, khóc khi lái xe và khóc cả lúc một mình ngồi với cafe nơi quán nhỏ.
    Nhưng chỉ sau vài tháng, Bác Sĩ đã không để chút bình yên cho chúng tôi. Mọi thứ giấu giếm đã được tung ra, như ngọn lửa thiêu đốt trên mặt mũi tôi cười gượng gạo. Riêng anh. Im lặng.
Chúng ta im lặng khi giận dữ, lúc chán nản, hay ngay khi ngời ngời, chói lòa cùng hạnh phúc. Nhưng trước niềm tuyệt vọng này, sự im lặng đang ẩn chứa những gì?
    Suốt những năm dài tuổi nhỏ, rồi thơ mộng tuổi thiếu nữ, khi lập gia đình... Tôi may mắn với nhiều hân hoan của đời ban phát. Cũng chẳng có nghĩa tôi đã thờ ơ được với những đớn đau. Nhưng trong sự im lặng này của anh, im lặng mà như đã nói nhiều hơn những điều cần nói.  Cái âm thanh của “không nói gì hết”, khi đối diện với điều tận diệt trước mắt, đã làm tôi chới với, đã làm tôi hãi sợ…
    Lặng lẽ, anh sắp xếp lại những cọ vẽ, sơn dầu. Tôi ngồi im nhìn như quan sát một tử tội, đang xếp muỗng nĩa cho ngay ngắn trước bữa ăn cuối cùng.
    Có phải khi luyến tiếc một cõi đời, Anh có ý trở lại từ những bắt đầu?
    Anh muốn vẽ.
    Từ ngày rất nhỏ, Anh dùng đũa vót nhọn, vẽ muôn hình trên những tàu lá chuối mướt xanh. Khi mê man cùng màu sắc, khó khăn lắm Anh mới đủ tiền mua được tấm canvas. Vậy mà khi nhận được giải Hội Họa Quốc Gia 1961 cùng với anh Nguyễn Trung và Cù Nguyễn, Anh đã chân tình đưa tấm huy chương đó tặng người bạn vừa rời bỏ Huế, sống lang bạt ở Sài Gòn. Chỉ để Bạn bán đi, đổi lấy những bữa ăn và những ly nước mía ở Quán Cơm Xã Hội. Anh trao niềm vinh dự cho Bạn, cái vinh dự mà Anh cho là bọt bèo, phù phiếm.
    Bây giờ Anh thèm vẽ, vẽ bức tranh cuối cùng. Anh muốn nhận chân ra đời sống qua từng hơi thở. Dù có đang thoi thóp, tàn hơi, Anh cố thở những hơi dài, đứt quãng…
    Hơi Thở. Phải chăng mới là tấm Huy Chương miên viễn của đời người?
    Sơn dầu, một mùi hương gay gắt nồng, mà tôi đã thở cùng trong những năm dài chung sống.
    Với tôi, nó như một biểu hiện của sự thủy chung, lòng yêu mến và những gắn bó không rời.
    Suốt bao năm dài, Anh hay dùng những màu âm u, lạnh lẽo, những màu tái ngắt, lạnh tanh. Bức tranh cuối cùng anh dùng màu hoàng kim, rực rỡ và ấm áp.
    Sự im lặng của anh đang dàn trải trong tranh.
    Nhưng xô giạt trong tĩnh lặng, tôi nghe ra những âm thanh ầm ỹ, đầy cuồng nộ. Tôi nghe ra hết những đắng cay, nghiệt ngã, những buồn phiền, điên đảo của đời người. Buồn hơn thế, tôi nghe ra trong tranh lời nỉ non, van vỉ của một níu kéo, trì hoãn thảm thương.
    Và qua nét cọ, sắc như những vết dao. Vết dao chém dọc, chém ngang, chém quyết liệt, kinh hoàng trên mặt của nỗi chết.
    Bức tranh đã không được hoàn tất.
    Anh buông rơi những cây cọ, những tuýp màu, và mùi dầu sơn vương vãi.
    Suốt bao năm dài, tôi đã không thu vén dọn dẹp. Tất cả còn nguyên đó như có thêm bức “Tĩnh Vật” trong căn phòng tối tăm. Căn phòng không bao giờ cần có đèn thắp sáng.
 

– Lê Chiều Giang

(Tưởng niệm 25 năm ngày giỗ Nghiêu Đề, 1998-2023)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.