Hôm nay,  

Danh tác

03/11/202300:00:00(Xem: 962)

Logo cho fb
 
Tôi đến Pháp non ba mươi năm trước do lời mời của một người bạn. Anh ta cũng là họa sĩ. Như hầu hết các đồng nghiệp cùng chủng tộc, không mấy người sống bằng nghề cầm cọ, họ phải có một việc làm nào đó, tuy phụ nhưng lại là chính, nuôi thân, lo cho gia đình, vợ con. Ngày mới vào Đại học Mỹ thuật, như tất cả những người chọn hội họa làm hướng tiến thân, bạn tôi nuôi nhiều tham vọng. Ra trường sẽ sáng tác, sẽ triển lãm, sẽ bán được tranh, báo chí sẽ ngợi khen, vừa có tiếng vừa được miếng. Thế nhưng ba năm miệt mài vẽ, triển lãm, chả ma nào thèm để ý, tranh bán không ai mua, đã đành, truyền thông cũng ngoảnh mặt, có chăng chỉ vài ba dòng thông tin. Chấm hết! Vợ càm ràm: “Vẽ với vời! Tìm nghề khác mà làm cho được việc, chả lẽ suốt đời đi trên mây, mai mốt còn con cái.” Gẫm cho cùng vợ nói không sai. Bạn tôi rửa cọ, dẹp sơn đi xin việc. Nhờ tấm bằng Đại học, anh ta được một tờ báo lá cải nhận, nhiệm vụ của bạn tôi là giao dịch với các cơ sở thương mại, thiết kế những mẫu quảng cáo sao cho hấp dẫn. Từ một họa sĩ đầy tham vọng trở thành một anh chuyên viên tiếp thị cho các chợ, tiệm phở, bún bò, bánh cuốn… Buồn thối ruột, nhưng dù sao cũng còn hơn loay hoay với cọ sơn, khung bố, chẳng những chả đẻ ra cắc nào, còn mang tiếng ăn bám vợ! Job mới tuy thu nhập không cao song ổn định. Hoài bão xưa dần phai. Bạn tôi chỉ vẽ vào những lúc rảnh rỗi hoặc ban đêm. Năm mười năm, với vài đồng nghiệp cùng cảnh ngộ, chạy đến các tòa báo xin mượn được hoặc thuê phòng họp với giá tượng trưng hai ngày cuối tuần tổ chức triển lãm. Một hình thức hoài nhớ dĩ vãng, vỗ về mộng ước một thời đã bị áo cơm vùi giập! Khách xem lèo tèo, phần đông là bạn bè hoặc đồng hương, vài tờ báo tiếng Việt ngợi ca vớ vẩn.     
   
Thảm!
   
“Tủi lắm!” Anh bạn than.
   
“Vậy bỏ quách, vẽ làm gì nữa.”
   
Toi bỏ được không?”
   
Anh bạn hỏi lại. Tôi ú ớ. Quả thực đã bao nhiêu lần tôi “chừa!” nhất quyết không dan díu gì nữa với cái nghiệp bạc bẽo này, thậm chí đã có lần tặng tất cả sơn cọ, giá vẽ… cho một người bạn trẻ mới chập chững vào nghề. Nhưng rồi thời gian sau, không lâu, tôi lại sắm sửa màu, cọ, dụng cụ. Tôi nhớ mùi sơn, nhớ cảm giác thích thú khi tình cờ bắt gặp một gam màu lạ, nhớ nhiều giờ, nhiều ngày vật lộn với hình khối, đường ngang nét dọc trên khung bố. Mệt bở hơi tai song ngây ngất như say thuốc!
   
Văn học, nghệ thuật tựa ma túy, đã lỡ hệ lụy là trở thành con nghiện, khó dứt bỏ. Nếu bỏ được thì cũng sẽ tái phạm nếu có điều kiện.
   
Thú đau thương? Phải, thú đau thương!
   
Hơn một tuần anh bạn hướng dẫn tôi tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều địa điểm lừng danh như tháp Eiffel, viện bảo tàng Louvre. Nước Pháp là quốc gia có nền văn hóa cao. Nhiều tác phẩm văn học không những nổi tiếng đối với dân tộc Pháp, mà còn ảnh hưởng không nhỏ ở nhiều đất nước khác. Trong lĩnh vực nghệ thuật, không ai không biết đến viện bảo tàng Louvre, lớn nhất thế giới, nơi qui tụ hàng nghìn danh tác, từ hội họa đến điêu khắc, từ cổ điển đến hiện đại. Muốn thưởng lãm mọi tác phẩm nghệ thuật đang được trưng bày (chưa kể còn vô số danh tác khác tồn kho, sẽ thay đổi luân phiền), chí ít cũng mất vài ngày.
   
Đứng trước bức tranh của Leonardo da Vinci vẽ nàng Mona Lisa, anh bạn hỏi tôi:
    
Toi thấy thế nào?” 
   
“Đẹp, dĩ nhiên, nhưng người ta đã ngợi khen thái quá, Leonardo da Vinci là một thiên tài trong nhiều lĩnh vực, hội họa, kiến trúc, giải phẩu cơ thể, những ý tưởng phát minh đi trước thời đại hàng vài thế kỷ… Song nếu không có những râu ria này góp phần, chưa chắc tác phẩm được săm soi, tụng ca như đã. Nhiều, rất nhiều họa phẩm đẹp và nghệ thuật không kém chúng ta vừa xem của không ít họa sĩ khác, có ai được ưu ái như ông này?”
   
Lùi ra xa ngắm kỹ bức tranh rồi tôi tiếp tục bày tỏ quan điểm:
   
“Moi
 đã đọc những bài khảo luận phân tích cặn kẽ ánh mắt, nụ cười mím chi quyến rũ, khóe môi, bàn tay, hậu cảnh, nếp áo của chân dung người mẫu, thậm chí người ta còn dùng X- quang xem bên dưới nàng kiều nữ này là mặt gỗ “trinh nguyên” hay đã có một bức tranh khác mà vì lý do nào đó, chưa vừa ý chả hạn, bị Da Vinci vẽ chồng lên. Chưa kể, người ta đã cất công tìm hiểu đời tư, chồng con người mẫu. Ngót sáu trăm năm, không biết bao giấy mực, nếu gom lại, không chừng chất đầy một xe tải cỡ lớn. Đúng là vẽ rắn thêm chân!”
   
Anh bạn cười:
   
“Vẽ rắn thêm chân, càng vui chứ sao.”
   
“Có lẽ toi nói đúng, chả lẽ con người chỉ loay hoay trong trong vòng ăn ngủ… thường tình? Vẽ rắn thêm chân, hiểu cách nào đó, là món ăn tinh thần làm phong phú tâm hồn.”
   
Chúng tôi sang phòng khác, nơi này trưng bày nhiều tranh kích thước lớn, thuộc thời kỳ sau Da Vincvi không lâu. Đứng trước một tác phẩm hoành tráng, dễ chừng hai mét chiều ngang, vẽ cảnh dạ vũ chốn cung đình, Anh bạn trầm trồ:
   
“Nhìn kìa, kỳ công chưa?”
   
Kỳ công thực, Hàng trăm nhân vật với y phục cầu kỳ, các mệnh phụ váy dạ vũ lướt thướt, nón đội đầu rộng vành, quai lụa thả rông, điểm xuyết vài bông hoa. Nam giới áo đuôi tôm, tóc giả chải bới công phu, đang cùng nhau thi thố tài năng nhảy nhót trong căn phòng rộng, trần cao, hai dàn đèn lớn tỏa ánh sáng lung linh, ở mỗi góc phòng là bệ tượng lớn tạc mỹ nữ khỏa thân hoặc nam nhân, cũng khỏa thân, đẹp mã.
   
Anh bạn tiếp:
   
“Để hoàn tất tác phẩm, hẳn họa sĩ tốn không ít thời gian tỉa tót hàng ngàn chi tiết. Moi đồ rằng những vị này chả làm gì khác ngoài vẽ.”
   
“Đúng vậy, giới quý tộc và quan lại thường chu cấp mọi nhu cầu vật chất, họ chỉ chụyên tâm vẽ.”
   
“Mấy tay này sướng thật.”
   
“Mỗi thời đại, cái đẹp được đánh giá bằng nhãn quan phù hợp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố tương tác. Ngày nay chúng ta ngắm nhìn những tác phẩm này, đẹp, tất nhiên, không ai hồ đồ phủ nhận, song nếu bảo các họa sĩ tiếp tục vẽ như thế, có lẽ đại đa số lắc đầu.”
   
Anh bạn tán đồng, vừa trả lời tôi đồng thời khẳng định đường hướng mình đang theo đuổi:
   
Moi đồng ý. Thời điểm ấy vẽ thế không lạ, nhưng bây giờ vẫn vẽ thế thì có khác nào đang giậm chân tại chỗ!”
   
Anh bạn cho rằng hội họa cũng giống mọi bộ môn khác, tiến hóa là yêu cầu tất yếu. Tại sao phải kỳ công tỉa tót từng đừng ren, từng nếp gấp y phục, từng nút thắt dây giày, từng gù tua mũ lộng lẫy, từng cành nhánh, lá hoa, từng vòng xoắn hoa văn trên gờ mái lâu đài, v.v… khi đã có caméra và đao cụ, cùng kỹ thuật tân kỳ làm công việc này. Góc nhìn, ánh sáng, trang phục, màu sắc sẽ lạ hơn, đẹp hơn nếu nghệ sĩ có khả năng sáng tạo cao. Đồng ý tác phẩm nghệ thuật là sao chép hiện thực, nhưng ngày nay người ta nhìn hiện thực không như trước, hình ảnh được thấy, qua nhãn giới và tư duy của họa sĩ không còn “như thật” mà mọi tác phẩm cổ điển đã làm. Nói cách khác, hội họa không ngừng tìm kiếm những hướng đi mới, khai mở những vẻ đẹp khác. Để thực hiện công việc này, các trường phái lần lượt khai sinh: biểu hiện, dã thú, lập thể, trừu tượng, hậu hiên đại… Họa sĩ cận đại, đương đại đã đang và sẽ khai phá, dấn thân.
   
Chúng tôi đi và xem cả ngày, thế mà vẫn chưa hết một phần ba tác phẩm đang được trưng bày. Khi ra về, ngang qua hành lang trên cao, người bạn chỉ mái vòm bằng kính hình Kim Tự Tháp bên ngoài dãy tường thấp chói trong nắng, nói:
   
“Đã một thời, báo chí, truyền thông, dư luận tranh cãi rùm beng công trình kiến trúc kia.”
   
Tôi nói:
   
Moi cũng biết chuyện này.”
   
“Đồng thuận thì ít, đại đa số đều phản bác. Người ta cho rằng công trình mang tính hiện đại kia không phù hợp với cảnh quan cổ điển chung. Chả khác gì trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Ví von kiểu Việt Nam, tựa anh nông dân áo bà ba quần đùi lại đi diện veston bảnh chọe!”
   
Moi thấy có sao đâu, đẹp chứ.”
   
Moi cũng nghĩ thế. Một phần nó như điểm nhấn trong tranh, giữa màu lạnh chủ đạo có một vệt màu nóng đâu đó, làm sinh động, gây chú ý và bất ngờ ở người xem. Một phần do quen mắt.”
   
Trời ngả sang chiều, nắng xô ngã bóng râm tòa bảo tàng phủ gần trọn đại lộ tấp nập xe cộ. Nhìn những chiếc xe chuyển dịch chậm như rùa, Lâm nghĩ, thảo nào đất nước này phương tiện giao thông công cộng rất phổ biến và tiện lợi. Vô số tuyến métro ngang dọc dưới lòng đất, đưa mọi người đến mọi ngóc ngách xa gần. Tôi cũng quen biết một người bạn vong niên, lính thợ thời Pháp thuộc, định cư ở đây trên bảy mươi năm, vẫn dùng métro mỗi khi muốn đến đâu, không có xe hơi, không biết lái xe. Tôi ngạc nhiên:
   
“Sao thế?”
   
Ông bạn vong niên cười, nụ cười móm mém, dù tuổi tác không quá cao, có lẽ vì vài chiếc răng cửa đi vắng. Chả hiểu không có tiền làm răng giả hay bản tính lười nhác, bất cần:
   
Moi thuộc giai cấp khố rách áo ôm, ở chung cư, garage tập thể, bọn con nít “rệp” ( tiếng lóng, bỉ thử, ám chỉ dân ngụ cư gốc Ả Rập) rất mất dạy, chúng sẽ rạch ngang vạch dọc không chừa bất cứ xe nào, của ai, vô phúc hiện diện trong địa phận công cộng ấy. Thêm nữa, ra đường tìm parking khó như ngậm ngải tìm trầm, cảnh bò tới de lui năm ba trăm mét tìm một chỗ đậu bên vỉa hè là chuyện bình thường. Còn nạn kẹt xe nữa chứ, cuốc bộ có khi còn nhanh hơn. Sắm xe làm gì thêm phiền. Métro vừa rẻ vừa tiện, muốn đến bất cứ nơi nào cũng được.”
   
Paris và nhiều thành phố khác của Pháp, vấn nạn giao thông là chuyện đau đầu vô phương giải quyết. Chẳng cứ gì ông bạn già của tôi, ngoại trừ những người có thu nhập cao, có nhà riêng, sắm xe hơi làm phương tiện di chuyển, còn thì hầu hết đều đi métro, họ không sắm xe chả phải mua không nổi, chỉ vì như ông bạn nói, lợi bất cập hại, rất phiền.
 
– Khánh Trường
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thứ nhất "Bá nhân bá tánh",/ Trời sinh ta cá tánh khác nhau / Người thích ở chốn rừng sâu, / Kẻ tìm đến chốn đâu đâu cũng người. / Chấp nhận người khác ta thôi, / Mỗi người một kiểu đừng chơi... "độc tài".
Họ một nam và một nữ, dạng bé nhỏ và đen đủi vào khoảng tuổi đôi mươi trong ngoài. Người thanh niên cởi trần và đeo gùi, cả hai đều chân đất và cô gái mặc cái áo len màu mè, rách ở nhiều chỗ. Họ không vào sân nhà mà chỉ đi ngang phía ngoài vài mươi thước. Trong ký ức của tôi sau này một thời gian dài là người thanh niên có đeo cung tên nhưng sự thật có lẽ anh chỉ có 1 cái rựa vác trên vai hay là anh không có đến con dao, tấc sắt đi rừng. Nhưng chi tiết cung tên này rất là quan trọng mặc dù nó được bịa đặt trong đầu của một thằng bé ba tuổi.
Nhật bản ngoài các kỹ nghệ này kia như ta biết, còn có kỹ nghệ “kyabakura” chiếm 1 tỷ lệ đáng kể của tổng sản lượng quốc gia. Đó là 1 dạng “bia ôm” nhưng chính xác hơn là “bia tâm sự vui buồn” vì khách vào đó không hẳn là để ôm ai mà là nhu cầu tinh thần muốn chia sẻ của đủ hạng đàn ông các cỡ. Tại các quán này bạn uống bia và có người ngồi nghe bạn kể chuyện về mình. Nhân viên phục vụ tại đây vì vậy là chuyên gia nghe chuyện. Theo 1 thăm dò thì họ sếp hạng những thứ đàn ông đáng chán và vô duyên nhất họ phải chịu đựng như sau.
Rượu có chi cay mà uống rượu phải đưa cay. Tôi phân vân về chữ “đưa cay” này. Gọi quách một cách trực tiếp như dân miền Nam: nhậu là phải có mồi. Như đi câu cá. Cá đớp mồi cá sẽ lên bàn nhậu. Nhậu một hồi sẽ “quắc cần câu”. Quắc cần câu là… xỉn, thân hình đi đứng liêu xiêu cong như cái cần câu cá. Xỉn quắc cần câu có biệt tài tự về tới nhà, lăn ra ngủ, khi tỉnh dậy chẳng nhớ cái chi chi. Tại sao người quắc cần câu lại có biệt tài như người mộng du vậy? Mỗi khi con người trải nghiệm được một thứ mới, thùy trước trán sẽ lưu giữ những thông tin này theo dạng trí nhớ ngắn hạn. Sau đó hồi hải mã nằm ở não trước sẽ ghi những thông tin ngắn hạn này để tạo thành ký ức dài hạn. Đường truyền từ thùy trước trán tới hồi hải mã cần có những neuron thần kinh đặc biệt dẫn lối. Say xỉn khiến những neuron này không còn hoạt động. Vậy là xỉn xong ngủ dậy chẳng còn nhớ mô tê gì hết!
Tôi quen biết khá nhiều văn nghệ sĩ, đủ thứ hạng: vang danh năm châu bốn biển, khiêm nhường quận lỵ làng xã, làng nhàng phường khóm, tổ dân phố. Đa phần không như tôi tưởng hồi còn trẻ, họ chả phải là những á thánh mà chỉ là những con người với đầy đủ cung bật tốt xấu. Có anh đóng rất tròn vai trò người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình, có chú chân chỉ hạt bột, cơm nhà quà vợ và … sòng phẳng đến độ, trong mắt nhìn bạn bè, là những gã keo kiệt, xem cắc bạc như bánh xe bò, tính toán chi li từng tách cà phê, từng điếu thuốc.
Trung tâm lọc máu, nơi tôi đến “làm việc”, khá qui mô, gồm nhiều nhân viên: văn phòng, tiếp tân, kỹ thuật, lao công dọn dẹp vệ sinh, bác sĩ, trợ lý, y tá… Riêng đội ngũ y tá gồm 6 người, trong số này có hai người cho tôi nhiều ấn tượng nhất: Một anh Mỹ đen cao to như con gấu, chí ít cũng 250 ký, khó đăm đăm, ít khi cười, phát ngôn cộc cằn. Nói chung, thoạt nhìn tôi không ưa nổi, và sợ, tay này lụi kim (mỗi lần 2 mũi, kim to như cây tăm xỉa răng, cách nhau khoảng 2cm, một mũi hút máu ra đưa vào máy lọc chất dơ rồi trả lại cơ thể qua mũi thứ hai. Cứ thế luân lưu hơn ba tiếng)
Hồi học đệ tứ (lớp 9 bây giờ) tôi có một thằng bạn tên Thái Hải, con trai bác sĩ kiêm thi sĩ Thái Can, nó giống tôi ở cái tính “ba nhe” (phương ngữ miền Trung chỉ những bọn trẻ rắn mắt, cứng đầu, nghịch phá), nhưng khác tôi 180 độ: hắn học cực giỏi, tôi cực dốt! Hơn sáu mươi năm, tôi lang bạt kỳ hồ, thỉnh thoảng về quê nhưng chỉ như khách trọ, chỉ lưng bữa nửa tháng lại ra đi, nên không có cơ hội gặp bạn bè xưa, cũng có nghĩa kể từ ngày còn oắt con cho đến bây giờ tôi chưa gặp lại người bạn thời niên thiếu. Nghe nói sau này hắn cũng là bác sĩ như ông thân sinh. Phải thôi, học giỏi như nó, không nối nghiệp cha mới lạ.
Có thể khẳng quyết, trong dòng văn học Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, chắn chắn Song Thao là nhà văn viết Phiếm uyên bác và mạnh mẽ. Ông đi nhiều, đọc nhiều, viết chuyên cần. Chỉ trên mười năm ông đã trình làng 31 tập Phiếm, mỗi tập trên 300 trang. Đề tài của ông đa dạng, bao quát, từ cây kim sợi chỉ đến vũ trụ bao la với lỗ đen, mặt trăng, sao hỏa, phi thuyền…, đến chuyện đời thường, những địa danh ông từng đặt chân đến. Chúng ta sẽ còn được đọc nữa những tập Phiếm sẽ ra trong tương lai.
Những năm trên dưới hai mươi, tôi xem văn chương là một thứ đạo, những cuốn sách, những thi phẩm không khác kinh thánh, các nhà văn, nhà thơ ngang bằng các giáo chủ. Tôi mê văn chương, tôn sùng những người tạo ra nó. Bước vào tuổi trung niên, say mê vẫn còn, nhưng bình tĩnh hơn, chừng mực hơn. Cho đến khi phần lớn đời mình gắn liền với sách vở như nghiệp dĩ, văn chương, ban đầu tôi viết vì nhu cầu nội tâm, muốn tỏ lộ những buồn vui đau đớn hài mãn… qua chữ nghĩa, trước tiên cho mình, thứ đến cho người, với mong muốn xẻ chia.
Tuần này tôi trân trọng giới thiệu Đỗ Kh. Nhà văn Đỗ Kh., hẳn không xa lạ gì với người yêu văn chương tiếng Việt, ở hải ngoại nói riêng, trong nước nó chung. Ba mươi bốn năm trước, Đỗ Kh. (lúc bấy giờ ông còn ký bút hiệu Đỗ Khiêm) là tác giả đầu tiên tôi chọn để trình làng nhà xuất bản Tân Thư do tôi chủ trương. CÂY GẬY LÀM MƯA cũng là tác phẩm đầu tiên tác giả này đến với thế giới văn chương tiếng việt. Ngoài CGLM, Tân Thư còn in của ông một tập truyện nữa, KHÔNG KHÍ THỜI CHƯA CHIẾN. Với bút pháp rất riêng cộng kiến thức và trải nghiệm sâu rộng qua những chuyến đi khắp mọi nơi trên hành tinh này, Đỗ Kh. cho chúng ta những bài viết lý thú.