Hôm nay,  

Tác phẩm và tác giả

06/10/202300:00:00(Xem: 1774)

Logo cho fb 
Hồi học đệ tứ (lớp 9 bây giờ) tôi có một thằng bạn tên Thái Hải, con trai bác sĩ kiêm thi sĩ Thái Can, nó giống tôi ở cái tính “ba nhe” (phương ngữ miền Trung chỉ những bọn trẻ rắn mắt, cứng đầu, nghịch phá), nhưng khác tôi 180 độ: hắn học cực giỏi, tôi cực dốt! Hơn sáu mươi năm, tôi lang bạt kỳ hồ, thỉnh thoảng về quê nhưng chỉ như khách trọ, chỉ lưng bữa nửa tháng lại ra đi, nên không có cơ hội gặp bạn bè xưa, cũng có nghĩa kể từ ngày còn oắt con cho đến bây giờ tôi chưa gặp lại người bạn thời niên thiếu. Nghe nói sau này hắn cũng là bác sĩ như ông thân sinh. Phải thôi, học giỏi như nó, không nối nghiệp cha mới lạ.
 
Một lần đến nhà nó tôi vô cùng ngạc nhiên: người đàn ông đạo mạo, nói năng từ tốn, chững chạc ấy là thi sĩ Thái Can ư? Trong đầu tôi, không rõ từ bao giờ, luôn mang định kiến thi sĩ phải đi kèm với hình ảnh những gã đàn ông con trai đầu bù tóc rối, áo quần nhàu nhĩ bẩn thỉu, phát ngôn khệnh khạng tưng tửng. Làm gì có loại thi nhân mặt mày nghiêm nghị, nói năng từ tốn, ăn mặc chỉnh tề thế kia?
 
Thái Can có một bài thơ ai cũng biết, được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc, đình đám môt thời, bài thơ tôi được đọc lần đầu năm mười ba tuổi từ tuyển tập chép tay do một học trò của ba tôi sưu tầm và trình bày. Cho tôi mở một dấu ngoặc: Hơn sáu mươi năm trước chưa có internet, in ấn cũng khó khăn, sách rất đắt so với túi tiền của lũ học trò còn ăn bám cha mẹ, nên chép tay là một hình thức lưu giữ, cũng là thú chơi… tao nhã phổ biến của hầu hết bọn trẻ say mê thi ca, nói riêng văn chương nói chung. Tôi có một bạn học rất say mê văn chương, cậu ấy đã bỏ công sức nhiều ngày nắn nót chép lại tiểu thuyết Giông Tố của Vũ Trọng Phụng, chép xong, đóng thành tập rồi rị mọ vẽ lại hình bìa, tuy nét vẽ vụng về, ngây ngô, nhưng với cậu ấy là niềm hãnh diện, và với tôi, tất nhiên không khỏi thán phục.
   
Trở lại bài thơ Anh biết em đi chẳng trở về của Thái Can.
   
Như hầu hết bọn trẻ cùng thời, ngoài những bài thơ đắm say của Xuân Diệu, Huy Cận, Thâm Tâm, Hồ Dzếnh, Nguyễn Bính… tôi mê bài thơ Anh biết em đi chẳng trở về. Vì mê nên thuộc lòng. Hơn sáu mươi năm đã qua, bây giờ sắp nhảy vào bảy tấm, vẫn còn nhớ từng dòng, từng chữ:
 
Anh biết em đi chẳng trở về
 
Anh biết em đi chẳng trở về
Dặm ngàn liễu khuất với sương che
Em đừng quay lại nhìn anh nữa
Anh biết em đi chẳng trở về
 
Em nhớ làm chi tiếng ái ân
Đàn xưa đã lỡ khúc dương cầm
Dây loan chẳng đượm tình âu yếm
Em nhớ làm chi tiếng ái ân
 
Bên gốc thông già ta lỡ ghi
Tình ta âu yếm lúc xuân thì
Em nên xóa dấu thề non nước
Bên gốc thông già ta lỡ ghi
 
Chẳng phải vì anh, chẳng tại em
Hoa thu tàn tạ rụng bên thềm
Ái tình sớm nở chiều phai rụng
Chẳng phải vì anh chẳng tại em
 
Bể cạn, sao mờ, núi cũng tan
Tình kia sao giữ được muôn vàn…
Em đừng nên giận tình phai lạt
Bể cạn, sao mờ, núi cũng tan
 
Anh biết em đi chẳng trở về
Dặm ngàn liễu khuất với sương che
Em đừng quay lại nhìn anh nữa
Anh biết em đi chẳng trở về.
 
Đắm đuối cực kỳ.

Thuở đó tôi nghĩ, để tạo ra những con chữ đầy sức mê hoặc kia chắc chắn tác giả phải có một tâm hồn sũng ướt lãng mạn, và tất nhiên, ngoại hình hẳn không khác định kiến từng bám rễ trong đầu, hoàn toàn lạ lẫm với cuộc đời bon chen danh lợi, cơm áo gạo tiền tầm thường. Đó là những trích tiên “đi trong sân mà nghĩ chuyện trên trời”, là những kẻ vượt ra ngoài mọi phiền trược thế gian. Họ sinh tồn ở cõi khác.
 
Nhìn người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, dáng vẻ đạo mạo, mặt khó đăm đăm, nói năng nghiêm nghị, tôi không thể nào tìm thấy mối liên hệ nào với bài thơ tôi từng say mê.
 
Thi sĩ Thái Can đây sao?
 
Sau này lớn hơn, hệ lụy sâu vào thế giới chữ nghĩa, quen biết khá nhiều giới cầm bút, tôi dần phát hiện ra, giữa tác phẩm và tác giả là một khoảng cách vời vợi. Có những bài thơ ngất ngưởng hơi men, hào sảng trượng phu, xem tiền tài vật chất tầm thường như củ khoai lang, thế nhưng tác giả lại là một anh cả quỷnh bún xỉn, không cà phê, không thuốc lá, không chè chén, suốt đời trà đá chanh đường, và xem đồng bạc cắc to hơn bánh xe lửa, chưa từng đãi ai cho dù một cái donut. Lại nữa, có những trang chữ ngang tàng chọc trời khuấy nước, gươm đàn nửa gánh non sông một chèo, lên non xuống biển, gió bụi ghềnh thác đã trải, thế mà được khai sinh từ một anh công chức mẫn cán sáng vác ô đi tối vác về và tuyệt đối chu toàn bổn phận làm chồng làm cha dưới mái ấm gia đình, chưa từng biết đường xa xứ lạ, chưa từng nếm trải, dù một ngày cái thú tang bồng!
 
Nhớ mấy mươi năm trước, thời khí thế chống cộng của cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung, tại Mỹ, nói riêng đang dâng cao ngút trời. Một lần trong buổi triển lãm của anh bạn họa sĩ từ Pháp sang, anh này thường đi về Việt Nam, và cũng đã nhiều lần mang tranh về nước trưng bày. Tất nhiên, trong mắt nhìn của thành phần cực đoan (tuy không phải đa số, nhưng cả tiếng và hung hăng nhất), anh họa sĩ này chắc chắn phải là… Việt Cộng nằm vùng, hay giá chót cũng thuộc thành phần ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, nên đến giờ khai mạc, trước cửa phòng triển lãm lố nhố chừng chục mống với cờ vàng ba sọc đỏ cầm tay, miệng gào thét không ngớt những lời hoan hô đả đảo “sắt máu”, khiến khách thưởng ngoạn muốn vào xem tranh đành lắc đầu ngao ngán ra về. Trong đám kiêu binh này có một anh nhà văn (anh ta tự phong thế), vài ba năm mới sản xuất được vài trang chữ ngổn ngang những từ đao to búa lớn, “khí thế ngùn ngụt”, hô hào, động viên đồng hương hải ngoại hãy đoàn kết một lòng, kiên trì nuôi dưỡng mối hận không đội trời chung với bè lũ tham tàn khát máu đang đè đầu cưỡi cổ dân đen. Rồi hùng hổ hẹn một  ngày không xa sẽ phất cờ chính nghĩa trở về giải phóng quê hương! Tôi kinh ngạc, từ lâu tôi nào lạ gì tên này, vừa hèn vừa ngu, ăn hại đái nát, núp dưới đũng quần vợ cốt có một ngày hai bữa cơm.
 
 “Nhà văn” đấu tranh thề một mất một còn với kẻ thù chung đây sao?
 
Lại nhớ ngày tôi mới giải ngũ sau bảy năm trong binh chủng nhảy dù vào sinh ra tử, với sáu mảnh đạn trong đầu. Sau nhiều tháng ngược xuôi hết cơ sở này đến xí nghiệp nọ, cuối cùng tôi cũng xin được việc làm tại một công ty quảng cáo. Cùng phòng với tôi là bốn đồng nghiệp, trong số này có một thi sĩ vang danh khắp nước, với những bài thơ ngạo nghễ, bi tráng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Nhưng chỉ vài ngày sau chàng thi sĩ kia hoàn toàn không như tôi tưởng, nhìn cách hắn điếu đóm bợ đỡ thượng cấp, trông hèn hạ và ti tiện hết chỗ nói, đã thế, đối với đồng nghiệp anh ta lại tỏ rõ bản chất nhỏ nhen, bần tiện và ích kỷ, tư cách thua xa một kẻ thất phu vô học.
 
Nhà thơ với những bài thơ chất ngất hào khí đây sao?
 
Nhớ xa hơn, thuở chỉ mới ngoài hai mươi, khi tôi còn khoác quân phục, trong đại đội của tôi có một nhà văn khá nổi tiếng mới được điều về. Buổi đầu và những ngày sau, trong mắt tôi, anh nhà văn là thần tượng tôi hết lòng nể trọng, nghĩ, sẽ một ngày kia theo chân anh ta bước vào thế giới văn chương với những trang chữ phiêu hốt, trượng phu. Thế rồi trong một lần hành quân đụng trận, thần tượng của tôi bỗng chốc hiện rõ nguyên hình một tên con trai hèn nhát. Nhìn tác giả của những trang chữ hừng hực hào khí vục mặt sau gốc cây kêu mẹ réo cha ỏm tỏi khi vừa nghe tiếng đạn của ta và địch đì đùng chung quanh, tôi thất vọng não nề.
 
Nhà văn xem thường hòn tên mũi đạn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng đây sao?
 
Quả, giữa tác phẩm và tác giả là một đại dương mênh mông xa cách.
 
Người xưa nói văn tức người xem chừng không mấy chính xác.
   
Tôi chủ quan và khắt khe quá chăng?
 
Khánh Trường
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thứ nhất "Bá nhân bá tánh",/ Trời sinh ta cá tánh khác nhau / Người thích ở chốn rừng sâu, / Kẻ tìm đến chốn đâu đâu cũng người. / Chấp nhận người khác ta thôi, / Mỗi người một kiểu đừng chơi... "độc tài".
Họ một nam và một nữ, dạng bé nhỏ và đen đủi vào khoảng tuổi đôi mươi trong ngoài. Người thanh niên cởi trần và đeo gùi, cả hai đều chân đất và cô gái mặc cái áo len màu mè, rách ở nhiều chỗ. Họ không vào sân nhà mà chỉ đi ngang phía ngoài vài mươi thước. Trong ký ức của tôi sau này một thời gian dài là người thanh niên có đeo cung tên nhưng sự thật có lẽ anh chỉ có 1 cái rựa vác trên vai hay là anh không có đến con dao, tấc sắt đi rừng. Nhưng chi tiết cung tên này rất là quan trọng mặc dù nó được bịa đặt trong đầu của một thằng bé ba tuổi.
Nhật bản ngoài các kỹ nghệ này kia như ta biết, còn có kỹ nghệ “kyabakura” chiếm 1 tỷ lệ đáng kể của tổng sản lượng quốc gia. Đó là 1 dạng “bia ôm” nhưng chính xác hơn là “bia tâm sự vui buồn” vì khách vào đó không hẳn là để ôm ai mà là nhu cầu tinh thần muốn chia sẻ của đủ hạng đàn ông các cỡ. Tại các quán này bạn uống bia và có người ngồi nghe bạn kể chuyện về mình. Nhân viên phục vụ tại đây vì vậy là chuyên gia nghe chuyện. Theo 1 thăm dò thì họ sếp hạng những thứ đàn ông đáng chán và vô duyên nhất họ phải chịu đựng như sau.
Tôi đến Pháp non ba mươi năm trước do lời mời của một người bạn. Anh ta cũng là họa sĩ. Như hầu hết các đồng nghiệp cùng chủng tộc, không mấy người sống bằng nghề cầm cọ, họ phải có một việc làm nào đó, tuy phụ nhưng lại là chính, nuôi thân, lo cho gia đình, vợ con. Ngày mới vào Đại học Mỹ thuật, như tất cả những người chọn hội họa làm hướng tiến thân, bạn tôi nuôi nhiều tham vọng. Ra trường sẽ sáng tác, sẽ triển lãm, sẽ bán được tranh, báo chí sẽ ngợi khen, vừa có tiếng vừa được miếng. Thế nhưng ba năm miệt mài vẽ, triển lãm, chả ma nào thèm để ý, tranh bán không ai mua, đã đành, truyền thông cũng ngoảnh mặt, có chăng chỉ vài ba dòng thông tin. Chấm hết!
Rượu có chi cay mà uống rượu phải đưa cay. Tôi phân vân về chữ “đưa cay” này. Gọi quách một cách trực tiếp như dân miền Nam: nhậu là phải có mồi. Như đi câu cá. Cá đớp mồi cá sẽ lên bàn nhậu. Nhậu một hồi sẽ “quắc cần câu”. Quắc cần câu là… xỉn, thân hình đi đứng liêu xiêu cong như cái cần câu cá. Xỉn quắc cần câu có biệt tài tự về tới nhà, lăn ra ngủ, khi tỉnh dậy chẳng nhớ cái chi chi. Tại sao người quắc cần câu lại có biệt tài như người mộng du vậy? Mỗi khi con người trải nghiệm được một thứ mới, thùy trước trán sẽ lưu giữ những thông tin này theo dạng trí nhớ ngắn hạn. Sau đó hồi hải mã nằm ở não trước sẽ ghi những thông tin ngắn hạn này để tạo thành ký ức dài hạn. Đường truyền từ thùy trước trán tới hồi hải mã cần có những neuron thần kinh đặc biệt dẫn lối. Say xỉn khiến những neuron này không còn hoạt động. Vậy là xỉn xong ngủ dậy chẳng còn nhớ mô tê gì hết!
Tôi quen biết khá nhiều văn nghệ sĩ, đủ thứ hạng: vang danh năm châu bốn biển, khiêm nhường quận lỵ làng xã, làng nhàng phường khóm, tổ dân phố. Đa phần không như tôi tưởng hồi còn trẻ, họ chả phải là những á thánh mà chỉ là những con người với đầy đủ cung bật tốt xấu. Có anh đóng rất tròn vai trò người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình, có chú chân chỉ hạt bột, cơm nhà quà vợ và … sòng phẳng đến độ, trong mắt nhìn bạn bè, là những gã keo kiệt, xem cắc bạc như bánh xe bò, tính toán chi li từng tách cà phê, từng điếu thuốc.
Trung tâm lọc máu, nơi tôi đến “làm việc”, khá qui mô, gồm nhiều nhân viên: văn phòng, tiếp tân, kỹ thuật, lao công dọn dẹp vệ sinh, bác sĩ, trợ lý, y tá… Riêng đội ngũ y tá gồm 6 người, trong số này có hai người cho tôi nhiều ấn tượng nhất: Một anh Mỹ đen cao to như con gấu, chí ít cũng 250 ký, khó đăm đăm, ít khi cười, phát ngôn cộc cằn. Nói chung, thoạt nhìn tôi không ưa nổi, và sợ, tay này lụi kim (mỗi lần 2 mũi, kim to như cây tăm xỉa răng, cách nhau khoảng 2cm, một mũi hút máu ra đưa vào máy lọc chất dơ rồi trả lại cơ thể qua mũi thứ hai. Cứ thế luân lưu hơn ba tiếng)
Có thể khẳng quyết, trong dòng văn học Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, chắn chắn Song Thao là nhà văn viết Phiếm uyên bác và mạnh mẽ. Ông đi nhiều, đọc nhiều, viết chuyên cần. Chỉ trên mười năm ông đã trình làng 31 tập Phiếm, mỗi tập trên 300 trang. Đề tài của ông đa dạng, bao quát, từ cây kim sợi chỉ đến vũ trụ bao la với lỗ đen, mặt trăng, sao hỏa, phi thuyền…, đến chuyện đời thường, những địa danh ông từng đặt chân đến. Chúng ta sẽ còn được đọc nữa những tập Phiếm sẽ ra trong tương lai.
Những năm trên dưới hai mươi, tôi xem văn chương là một thứ đạo, những cuốn sách, những thi phẩm không khác kinh thánh, các nhà văn, nhà thơ ngang bằng các giáo chủ. Tôi mê văn chương, tôn sùng những người tạo ra nó. Bước vào tuổi trung niên, say mê vẫn còn, nhưng bình tĩnh hơn, chừng mực hơn. Cho đến khi phần lớn đời mình gắn liền với sách vở như nghiệp dĩ, văn chương, ban đầu tôi viết vì nhu cầu nội tâm, muốn tỏ lộ những buồn vui đau đớn hài mãn… qua chữ nghĩa, trước tiên cho mình, thứ đến cho người, với mong muốn xẻ chia.
Tuần này tôi trân trọng giới thiệu Đỗ Kh. Nhà văn Đỗ Kh., hẳn không xa lạ gì với người yêu văn chương tiếng Việt, ở hải ngoại nói riêng, trong nước nó chung. Ba mươi bốn năm trước, Đỗ Kh. (lúc bấy giờ ông còn ký bút hiệu Đỗ Khiêm) là tác giả đầu tiên tôi chọn để trình làng nhà xuất bản Tân Thư do tôi chủ trương. CÂY GẬY LÀM MƯA cũng là tác phẩm đầu tiên tác giả này đến với thế giới văn chương tiếng việt. Ngoài CGLM, Tân Thư còn in của ông một tập truyện nữa, KHÔNG KHÍ THỜI CHƯA CHIẾN. Với bút pháp rất riêng cộng kiến thức và trải nghiệm sâu rộng qua những chuyến đi khắp mọi nơi trên hành tinh này, Đỗ Kh. cho chúng ta những bài viết lý thú.