Mặt trời như chiếc nong đỏ ối sắp chạm mái ngói phủ rêu của dãy phố cổ. Bức tường bên trái loang lổ, tróc lở, chồng chéo những dòng chữ thô tục cạnh các bộ phận sinh dục nam nữ đủ cỡ đủ kiểu vẽ bằng than hoặc mảnh gạch vỡ. Bức tường thấp, có chiếc cổng gỗ đã mất hẳn màu sơn, xiêu vẹo, quanh năm nằm trong vị thế mở ngõ. Chiếc cổng dẫn vào ngôi miếu nhỏ. Bên trong miếu, trên bệ thờ bằng xi măng hai ba bài vị chẳng hiểu viết gì, chẳng biết thờ ai. Trước bài vị, lư hương chỉ toàn chân nhang. Từ lâu không còn ai đến đây hương khói, ngôi miếu đã biến thành giang sơn riêng của dơi, chuột cùng các loại côn trùng. Cạnh ngôi miếu, một tàn cổ thụ rậm lá với những rễ phụ chảy thõng thượt, bò ngoằn ngoèo trên mặt đất. Con lộ hẹp nằm giữa dãy phố cổ và bức tường thấp dẫn xuống bến đò, nơi có cây cầu gỗ ẩm mục mấp mé dòng nước lấp lánh ánh bạc. Đâu đó trong vòm tối của tàn cổ thụ, tiếng cu rúc dài. Phố vắng. Một con chó ốm từ ngôi nhà cổ mái hiên thấp tè chậm chạp băng qua đường. Con chó dừng lại trước chiếc cổng xiêu vẹo dẫn vào ngôi miếu, ngước mõm nhìn về hướng bến sông, đôi mắt đục nhờ, ngơ ngác. Góc phố thoi thóp trong màu chiều nhá nhem. Khung cảnh dù nhìn thấy đã mấy mươi năm, nhưng ấn tượng luôn đậm nét trong ký ức tôi, và mỗi lần cầm cây cọ, đứng trước khung bố, vẫn hiện về mồn một những dòng chữ thô tục, những bộ phận sinh dục ngây ngô, những viên gạch nâu xỉn lộ ra sau lớp vữa tróc, những bài vị, các chân nhang, mái ngói rêu cũ, mặt trời nhuộm đỏ chân mây...
Mấy mươi năm, đã vài trăm bức tranh được vẽ, đã gấp đôi gấp ba số tranh ấy là những phác thảo, về đủ mọi đề tài. Thế nhưng, cái góc phố già nua hấp hối kia chưa một lần tôi thử tái hiện, thậm chí chỉ bằng vài nét chì tìm kiếm bố cục. Tại sao? Tôi vẫn tự hỏi. Vẽ một góc phố hoang tịch trong màu chiều với các chi tiết đặc thù như thế nào khó khăn gì, nhất là đề tài từng bám rễ trong đầu suốt thời gian dài, đến thuộc lòng, đến có thể đưa lên khung bố từng nhát màu, ở từng vị trí mà không cần nhiều đắn đo, cân nhắc.
Những cái chưa vẽ, hoặc sẽ không bao giờ vẽ, vẫn mãi mãi là nỗi ám ảnh tríền miên trong đầu của mỗi họa sĩ. Nó là phần sâu kín nằm dưới đáy tiềm thức, dù đã được biểu hiện cụ thể qua vài hình ảnh nào đó. Sự thật, điều tôi muốn vẽ không phải góc phố kia. Mà là qua biểu hiện đó, làm sao tôi có thể chuyên chở được hàng bao thế kỷ đã đi qua, đã để lại những vết tích mơ hồ trong từng viên gạch, từng mảng rêu, từng ánh bạc lấp lánh trên dòng sông nhá nhem chiều tà. Làm sao chỉ qua hình ảnh thoi thóp ấy tôi lột tả được sự trì trệ của cả một dân tộc luôn triền miên trong chiến tranh, đói nghèo và thù hận, nhưng đồng thời vẫn bật lên vẻ đẹp của cam chịu, kiên trì và vượt thắng để tồn tại? Cái phần không thể diễn đạt được bằng màu sắc đó là lãnh vực rất hội họa, của hội họa.
Chẳng phải cứ ghi lại được một cách trung thực sự cũ kỹ, già nua ấy là xong, là hoàn tất nhiệm vụ của người cầm cọ. Nghệ thuật đâu giản dị đến vậy. Kỹ thuật nhiếp ảnh hiện đại thừa khả năng ghi chép bất cứ bối cảnh nào nó muốn. Nhưng những cái nó ghi lại chỉ là “bề mặt” của sự vật. Ngược lại, cái “chiều sâu”, cái phần bất khả tư nghị trong một bức tranh thì cần vô cùng đến yếu tố nội tâm, công phu hàm dưỡng, bề dày kiến thức, độ rung nhạy bén của trái tim, cùng óc sáng tạo mãnh liệt.
Mỗi sáng tôi vẫn pha và uống cà phê trong chiếc tách sứ men ngà có một miếng mẻ trên vành tách. Vẽ chiếc tách, dễ quá, nhưng làm sao tôi vẽ được những điều đang xảy ra trong đầu mỗi lần nâng chiếc tách lên môi? Làm sao tôi vẽ được nỗi chán chường của một ngày nữa sẽ đến, với bao nhiêu công việc đa đoan: bài vở cho số báo kế tiếp chưa lo xong. Kết cấu cái truyện ngắn đang viết dang dở chưa biết phải giải quyết thế nào. Chồng thư độc giả dày cộm phải trả lời. Cái hẹn với người bạn trưa nay để giải quyết một số công việc. Cô ca sĩ A cần một cái poster thật “Mỹ” cho cuốn băng sắp phát hành. Nhà xuất bản B muốn một cái bìa “nghiêm chỉnh" cho cuốn khảo luận chuẩn bị in. Không kể bảo hiểm xe vừa hết hạn, bill điện thoại chưa thanh toán, thư đứa em trai “giúp em vài... nghìn đô làm vốn buôn bán” nhận ngót nửa tháng rồi vẫn không biết phải giải thích cách nào để cậu ta tin chưa bao giờ “thằng anh” có được một số tiền... lớn như thế trong trương mục kể từ ngày đặt chân đến đất Mỹ?
Làm sao tôi vẽ được cái “động” của một tĩnh vật? Làm sao tôi thể hiện được nỗi buồn bã đang cấu xé trong lòng khi đứng trước khung bố, đối diện với cái vật thể vô tri chứa đựng bên trong chất nước màu nâu nhạt có vị đắng, quen thuộc hằng ngày? Làm sao tôi thu gọn được giữa lòng tách cả đại dương cuộn sóng là tâm hồn tôi vào những tháng năm sắp đi vào bóng xế một đời người? Làm sao. Làm sao. Những cái “làm sao” luôn luôn là nan đề cho bất cứ nghệ sĩ nào. Để giải quyết nan đề này, tôi vẽ. Tôi vẽ, một cách chứng minh sự tồn tại của tôi trong cuộc đời. Tôi vẽ, cũng có nghĩa tôi cố vẽ cái tôi đang sống. Hay tôi sống để vẽ những điều muốn vẽ. Hay nói một cách... văn vẻ hơn: tôi chuyên chở trong những tảng màu, những đường nét thuần túy kỹ thuật kia hơi thở của đời sống. Hơi thở của đời sống. Đưa được nó vào trong tranh là phần nào làm tròn chức năng nghệ thuật. Đến tuổi nào đó, vào giai đoạn nào đó trong cuộc đời một nghệ sĩ, hình như tiếng tăm, tiền bạc không còn làm hắn bận tâm thái quá. Thêm hay bớt vài người biết đến tên tuổi chắc chắn chẳng làm hắn gầy đi hoặc béo ra. Và nếu hắn đã khai sinh trần truồng, thì dẫu có xuôi tay không mảnh vải che thân, âu cũng chuyện bình thường. Nào sá gì ngôi nhà lớn, chiếc xe đẹp, xấp tiền dày hơn trong trương mục! Vậy điều gì là nỗi băn khoăn lớn nhất của hắn? Có chủ quan lắm không nếu tôi nói: hắn đã khổ sở, và còn khổ sở ngày đêm vì khát vọng thành tựu một bức tranh “để đời” vẫn nằm hoài trong dự tính! Lại trở về với câu hỏi: Làm sao vẽ được điều muốn vẽ?
Rốt cuộc, bức tranh chưa vẽ hoặc sẽ không bao giờ vẽ mãi mãi là niềm khát vọng khôn nguôi. Và bởi trót mang lấy nghiệp vào thân, hắn không ngừng tìm cách lấp đầy khát vọng đó bằng hành động đày ải chính mình giữa một vòng tròn khép: vẽ, tìm kiếm, tìm kiếm, vẽ, vẽ, tìm kiếm... cứ thế, từ buổi đầu chập chững “vọc sơn” cho đến lúc tay run mắt mờ, hắn khổng thể không nhận ra sự thật buồn bã này: những cái hắn vẽ chỉ là những bản nháp, những phác thảo cho một tác phẩm nào đó của tương lai.
Ai cũng hiểu con đường sáng tạo là sạn đạo gian nan, dẫn đến miền xứ nào đó không bao giờ người nghệ sĩ đủ tự tin để ngạo nghễ tuyên bố mình đã giẫm chân tới. Góc phố tầm thường kia, chiếc tách sứ mẻ miệng nọ cũng giống như tình yêu, thù hận, khổ đau, sung sướng... được nhìn thấy, được ghi chép, được thể hiện hàng triệu lần, qua bao thời đại, trong văn chương, thi ca, âm nhạc... bằng đủ mọi kiểu cách. Thế nhưng cho đến hôm nay, và mãi mãi trong tương tai, người ta sẽ, vẫn còn nhắc đến. Trên căn bản, tất cả những tình cảm vừa nêu đều giống nhau, nhưng có ai dám bảo niềm vui, nỗi khổ của “tôi” giống ông A bà B anh C nào đó? Sự khác biệt là đầu mối của mọi sáng tạo, là tiền đề cơ bản của nghệ thuật, là chiều sâu, bề rộng của tư duy nhân loại.
Từ vị trị độc lập của mỗi cá nhân, xét trên bình diện con người, tôi vẽ một bức tranh, là tôi ghi
lại chân dung mình, qua một cái cớ nào đó nằm bên ngoài tôi. Hay nói cách khác: ngoại vật chỉ
là cơ duyên để mỗi nghệ sĩ tái hiện cái tôi của mình dưới góc cạnh nào đó. Những đóa hoa hướng dương, chiếc ghế cũ, đôi giày rách, căn phòng ngủ nghèo nàn bừa bộn, cây bạch dương vút cao ven đường làng, những ngôi sao cuộn xoáy trên bầu trời vần vũ mây... chắc chắn chúng ta đã nhìn thấy nhiều lần trong đời, nhưng phải đợi đến lúc Van Gogh đưa chúng lên khung bố, phả vào chúng hơi thở của đời sống ông, những tĩnh vật vô tri kia mới bừng sống dậy, và thét lên tiếng kêu quằn quại đau thương. Nhân loại đã nói quá nhiều đến dòng chảy dửng dưng của thời gian, đến thế giới tiềm thức đầy biến ảo dị kỳ, nhưng để vẽ được bước chân vô hình dửng dưng đó, để mở rộng cánh cửa dẫn vào cái thăm thẳm nằm dưới tầng sâu của vô thức kia, có lẽ không tìm ra hình ánh nào sinh động hơn chiếc đồng hồ chảy nhão trên mặt bàn giữa một bối cảnh âm u lạnh lẽo, hoặc những khối hình như đá tảng, như san hô chồng chéo lên nhau và mọc ra, vươn dài, chới với, những cánh tay, những bàn chân, những khuôn mặt méo mó dị dạng, những hàm răng trắng nhởn, những đôi vú nổi gai, những khoang bụng có cầu thang xoắn ốc... trong tranh Salvador Dali.
Tiếp cận với chúng ta hơn: bao người từng dè bỉu sự “nông cạn” của hội họa hiện đại, chỉ
thuần có tính kỹ thuật, hoặc cố tình lập dị, quá đà, thiếu công phu tập luyện, thiếu tài hoa trí tuệ. Nhưng mới tuần trước, khi đứng trước công trình hội họa của một họa sĩ Mỹ tại một viện đại học, được cấu tạo từ những miếng kẽm, những thanh gỗ, những bánh xe răng cưa, những sợi xích sắt chuyển động do một “mô-tơ” giấu đâu đó, phát ra tiếng kêu kèn kẹt, đều và khô, như tiếng nghiến răng, như âm thanh miểng chai cọ xát, cùng đủ loại dây nhợ ốc vít kềm búa chồng chéo, chằng chịt, tôi đã sững người khi liên tưởng đến cái lạnh lẽo vô tâm của đời sống máy móc đang vây bọc quanh ta.
Từ các ví dụ vừa nêu tôi có thể khẳng định: trong nghệ thuật, cái tôi của mỗi nghệ sĩ là một
mảng sống sinh động. Từ mảng sống rất riêng, rất chủ quan đó, phóng chiếu ra, chúng ta sẽ thấy được cái toàn cảnh. Rõ hơn và cụ thể hơn: xuyên qua những nghệ sĩ, cuộc đời đã được ghi lại một cách trung thực nhất bằng thứ ngôn ngữ vượt ngôn ngữ: ngôn ngữ sáng tạo. Và ngôn ngữ sáng tạo hẳn nhiên không là sự chụp bắt sự vật qua võng mô. Nó phải được gạn lọc, tinh luyện, hóa thân xuyên qua sự tinh nhạy của bộ óc và nhịp đập của trái tim.Từ đó, có chủ quan quá chăng nếu tôi bảo: bức tranh dự định sẽ vẽ về góc phố già nua kia có thể tôi từng vẽ, rất nhiều lần, trong suốt cuộc đời cầm cọ của tôi, duy có điều nó đã được vẽ ra dưới nhiều dạng thái khác. Sẽ không tìm thấy bức tường loang lổ lở tróc, sẽ không xuất hiện đâu đó mái ngói rêu cũ, dòng sông lấp lánh ánh bạc, bục thờ nhện giăng chỏng chơ những chân nhang lạnh... Tất cả mọi hình ảnh cụ thể kia đã biến thể, đã lẫn vào máu huyết và tư duy tôi, để hóa sinh thành những ký hiệu khác. Những ký hiệu tạo nên bản sắc cùa tôi, dấu ấn của tôi. Cái bản sắc và dấu ấn khởi nguồn từ góc phố đìu hiu chập chờn trong trí nhớ.
Đến đây, chúng ta đi vào một khía cạnh khác của hội họa. Nhìn vấn đề qua lăng kính nhân chủng học, chúng ta có thể kết luận: dấu ấn, bản sắc tổng quát kia (xin phân biệt với style của từng họa sĩ) là một loại căn cước, một thứ giấy khai sinh chứng minh nguồn cội di truyền trong mỗi con người sáng tạo, mà chúng ta thường gọi một cách giản dị là “dân tộc tính”.
Một kẻ nào đó đang sống bên ngoài biên giới quốc gia và được đào tạo ở các trường ốc không phải bản địa quê hương, hẳn nhiên xét mặt tổng quát, kinh nghiệm của anh (bà) ta về kiến thức và kỹ thuật hầu như đã được định đặt bởi những điều anh (bà) ta từng thu tập được trong quá trình học hỏi. Nhưng tôi có thể khẳng quyết: nếu dòng máu đang chảy trong cơ thế anh (bà) ta đã khởi nguồn từ chốn chôn nhau, thì rồi sớm muộn gì trong tác phẩm của người nghệ sĩ này cái phần “nguồn cội” sẽ có lúc tỏ hiện. Tôi đã xem tranh của nhiều, rất nhiều họa sĩ Đông Tây kim cổ, trừ các dân tộc có chung một nền móng văn hóa, sự khác biệt tuy có nhưng không nhiều lắm. Riêng các quốc gia thuộc dòng văn hóa phương Đông như Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Đại Hàn... thì bản sắc, dấu ấn kia rất rõ trong từng tác phẩm của họ. Điều này không loại trừ những công trình nghệ thuật hiện đại, hoàn toàn dùng chất liệu, kinh nghiệm và tư duy tạo hình phương Tây.
Gần gũi hơn, qua vài họa sĩ Việt Nam mà tên tuổi đã thuộc về gia tài chung của mọi chủng tộc. Điển hình như họa sĩ Lê Bá Đảng. Tranh ông, nếu nói đến “tính hiện đại” thì rõ ràng đã vượt ra ngoài mọi khuôn khổ từng có từ trước đến nay, kể cả Đông lẫn Tây phương, nhưng mỗi lần đối diện với những tác phẩm cùa người nghệ sĩ tài hoa này, dù cố gắng loại trừ tình cảm chủ quan, tôi vẫn thấy cái phần Việt Nam bàng bạc trong màu sắc, đường nét, phong cách tạo hình. Màu xanh rêu u trầm, màu đỏ son và trắng điệp phảng phất mộc bản dân gian. Những đường cong, uốn lượn, gấp khúc hết sức tân kỳ nhưng vẫn tiềm tàng cấu trúc của hoa văn trên trống đồng, trên đầu hồi các mái chùa, mái đình hay lăng tẩm Việt Nam. Một người nữa, họa sĩ Võ
Đình. Chúng ta đều biết Võ Đình rời quê hương vào những năm còn rất trẻ – ngày nay ông đã xấp xỉ tuổi cổ lai hy – và hoàn toàn được đào tạo tại các quốc gia phương Tây, thế nhưng, nếu không phải là người Việt Nam, nếu không mang trong người một vốn liếng kiến thức đặc thù của phương Đông, thì tranh ông chắc chắn không có được cái vẻ đẹp tâm linh trầm tịch, bát ngát và hài hòa với tạo vật – bắt ngồn từ các nền triết học lớn Đông phương: Phật Giáo, Lão giáo... – như ngày nay chúng ta được chiêm ngưỡng thông qua mọi sáng tạo của ông, mà gần nhất là bốn mươi họa phẩm vừa được trưng bày tại Montréal năm 1992. Những dấu ấn Việt Nam rõ rệt đó có thể do các họa sĩ dụng tâm, nhưng cũng rất có thể, như tôi vừa trình bày, đã có sẵn trong máu huyết họ.
Đã có một thời vì choáng ngợp trước những cái mới, tôi từng cho rằng một nghệ sĩ lớn là kẻ vượt thoát được sợi dây ràng buộc chủng tộc. Đối với họ biên giới quốc gia trở nên vô nghĩa. Nhưng ngày nay, sau khi đã chán chê với hàng nghìn tác phẩm trong các viện bảo tàng, các phòng trưng bày, từ cổ điển đến hiện đại, từ Âu Châu đến Mỹ Châu, Á Châu, tôi dần nhận ra dấu ấn chủng tộc và môi trường sinh thành bao giờ cũng là yếu tố quan trọng, cực quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc đặc thù của mỗi họa sĩ.
Ở đây rất cần lưu ý: không nên hiểu bản sắc dân tộc qua một vài biểu thị đã trở thành công thức thô thiển. Lại lấy Việt Nam làm ví dụ: chúng ta không thể cho rằng một họa sỉ Việt Nam, nếu muốn bảo tồn bản sắc dân tộc, thì trong tranh ông (bà) ta phải luôn thấp thoáng bóng dáng những mái tóc thề, những tà áo dài, hoặc cái cày, con trâu, lũy tre, mái tranh với khói lam chiều, hoặc “cổ điển” hơn: khăn mỏ quạ, áo tứ thân, nón quai thao, quần lãnh tía, tóc trái đào... (dù có thể ông (bà) ta đã tạo hình bằng các phương tiện hiện đại từ kỹ thuật đến cấu trúc). Những “ký hiệu” đó, tuy rất “đại biểu”, nhưng giả. Nó chỉ có tác dụng với cái đám đông quần chúng dễ dãi, xem tranh như xem những tấm hình trong các cuốn album gia đình, chỉ thể hiện một thứ tình cảm nhỏ, có tích cách cục bộ, chứ không thể nào và không bao giờ có được cái bát ngát, bao la của một chân trời nghệ thuật hoành tráng. Cách sáng tác và thưởng ngoạn ấy níu nghệ thuật xuống thấp, nó tạo cho người thưởng ngoạn thói quen lười suy nghĩ, lười tham dự, và do đó, lười khai phá. Cần dứt khoát khai trừ mọi vẻ đẹp đã được đóng khung.
Tóm lại, nghệ thuật trước tiên và mãi mãi là chuyến tàu tốc hành vun vút tiến về tương lai, chạy xuyên qua nhiều cảnh thổ, nhưng luôn luôn được định hướng bởi hai đường “ray” là mạch ngầm chảy trong cơ thể. Mạch ngầm đó, dòng chảy đó, cũng giống như mọi dòng chảy khác, tất nhiên phải phát khởi từ một nguồn cội. Đối với chúng ta, nguồn cội kia chẳng phải nơi chốn nào xa lạ: Việt Nam.
Và Việt Nam, dưới mắt nhìn tôi, là hình ảnh bức tường loang lổ chằng chịt những dòng chữ nguệch ngoạc thô tục, những bộ phận sinh dục nam nữ ngô nghê, những chân nhang lạnh, những mái ngói phủ rêu. Và vầng mặt trời đỏ ối trên lấp lánh dòng sông mù mịt bến bờ. Và con chó ốm ngơ ngác băng qua đường với đôi mắt đục nhờ ngơ ngác trong hoang vắng chiều tà. Và tiếng cu rúc vang âm trong vòm tối của tàn cổ thụ rì rào tiếng gió... Chẳng có gì đáng tự hào, càng không có gì để hãnh diện, nhưng từ vị trí đó, tôi vẽ, tôi sáng tạo, tôi lặp lại trong tranh tôi cái thô tục, cái ngô nghê, cái hoang lạnh buồn bã đó một cách không mỏi mệt chừng nào tôi còn cầm nổi cây cọ.
Nhưng có mâu thuẫn chăng nếu tôi nói: mãi mãi cái góc phố nọ sẽ chẳng bao giờ có mặt trên khung bố? Không, chẳng mâu thuẫn đâu. Vì mọi hình ảnh kia đã nằm trong đầu tôi, trong tim tôi từ lúc mở mắt chào đời. Nó là dòng máu đang luân chuyển trong huyết quản tôi. Nó là Việt Nam trong một thân xác Việt Nam. Nó có thể hóa sinh, thoát kiếp, thăng hoa hay trầm luân đâu đó giữa các vũng màu, trên từng đường cọ, bằng đủ mọi phương tiện: gỗ, đá, sắt, thép, tôn, kẽm, nhựa dẻo, giây bồi, thạch cao. Bằng đủ mọi tên gọi: biểu hiện, ấn tượng, siêu thực, lập thể, trừu tượng, dã thú... hay gì gì đó. Chẳng qua tất cả chỉ là một cách để định danh, để gọi tên, để sắp xếp. Những cái “để” rồi sẽ đổi thay, sẽ được vượt qua hay sẽ bị vượt qua, duy một điều độc nhất không thể vượt qua: tôi là một họa sĩ Việt Nam, vẽ với sự rung động của một trái tim Việt Nam, bằng trùng trùng những kỷ niệm phát sinh từ một đất nước mang tên Việt Nam. Trừ phi, giả dụ một sáng nào đó thức dậy, tôi không còn là tôi của hiện tại. Không còn màu da vàng, không còn tiếng nói Việt Nam, không còn lưu giữ bất cứ kỷ niệm nào về vùng đất từng sinh ra tôi, nuôi tôi lớn lên. Và như thế, chắc chắn dưới những bức tranh, cũng sẽ không bao giờ xuất hiện chữ ký có các mẫu tự ghép thành hai chữ: KHÁNH TRƯỜNG
– Khánh Trường
(Ghi chú của tòa soạn: Đây là một bài viết cũ của nhà văn kiêm họa sĩ Khánh Trường, VB trích đăng lại.)
Gửi ý kiến của bạn