Hôm nay,  

Trễ giờ là sống, đúng giờ là chết.

15/09/202300:00:00(Xem: 1358)

Logo cho fb
Từ gợi ý của chủ bút, mục
BA ĐIỀU BỐN CHUYỆN ra đời do tôi, Khánh Trường, phụ trách.

Mỗi tuần một kỳ, với người đã hệ lụy với chữ nghĩa gần trọn cuộc đời, tôi nghĩ, sẽ không mấy khó khăn.

Tuy nhiên do tuổi tác và bệnh tật (bảy mươi sáu tuổi, kèm theo tai biến mạch máu não, hai mươi lăm năm trước dẫn đến hệ quả: chân bất khiển dụng phải ngồi xe lăn, tay vụng về chỉ hoạt động được ba mươi phần trăm, ăn cơm phải dùng muỗng vì không thể cầm đũa, chỉ còn một ngón duy nhất của bàn tay phải có thể gõ được chữ trên bàn phím computer, gõ xong phải chỉnh sữa rất mất thì giờ và bực mình vì sai  trật trầm trọng, mười chữ sai hết bảy! Chưa kể nhiều hệ quả khác: phát âm ngọng nghịu, khó khăn khiến người đối thoại thường không hiểu, đó là lý do trên hai mươi năm qua tôi đoạn tuyệt hẳn với chiếc điện thoại) là hai trong nhiều lý do khiến tôi quyết định mở rông cửa và kêu gọi văn hữu, độc giả hãy cùng tôi biến sân chơi này thành diễn đàn tự do và đa dạng. Ở đây chúng ta thoải mái đề cập đến mọi vấn đề, từ văn chương, hội họa, âm nhạc đến chính trị, kinh tế, xã hội, thậm chí những những chuyện tình cảm riêng tư. Nói tóm, mọi chuyện liên quan đến suy nghĩ cũng như đời sống của mỗi chúng ta, đều có thể xuất hiện trên diễn đàn này, chỉ với tôn chỉ: vui tươi, nhẹ nhàng, tránh hàn lâm, kinh điển, nhằm giúp độc giả thư giản sau một tuần tất bật với bao nhiêu lo toan đời thường.

Tuần này tôi trân trọng giới thiệu Đỗ Kh.

 Nhà văn Đỗ Kh., hẳn không xa lạ gì với người yêu văn chương tiếng Việt, ở hải ngoại nói riêng, trong nước nó chung. Ba mươi bốn năm trước, Đỗ Kh. (lúc bấy giờ ông còn ký bút hiệu Đỗ Khiêm) là tác giả đầu tiên tôi chọn để trình làng nhà xuất bản Tân Thư do tôi chủ trương. CÂY GẬY LÀM MƯA cũng là tác phẩm đầu tiên tác giả này đến với thế giới văn chương tiếng việt. Ngoài CGLM, Tân Thư còn in của ông một tập truyện nữa, KHÔNG KHÍ THỜI CHƯA CHIẾN.

Với bút pháp rất riêng cộng kiến thức và trải nghiệm sâu rộng qua những chuyến đi khắp mọi nơi trên hành tinh này, Đỗ Kh. cho chúng ta những bài viết lý thú.

***

Trễ giờ là sống, đúng giờ là chết.

Capture
Ảnh: 1. Pattaya by night đi bộ đèn đỏ; 2. Pattaya cao ốc sát bờ biển; 3.Thị trưởng trẻ tuổi đẹp trai Ittipol Khunploem.
 
 
Năm 2008 tại Pattaya, Thái lan, có xây sát bờ biển ở trung tâm thị trấn 1 chung cư 52 tầng tất nhiên là lộng lẫy.  Pattaya vào dạo đó rất nhiều khách người Nga và ngành bất động sản phát triển cực kỳ. Chung cư Bali Hai này trước tiên xây sát bờ biển là đất công đồng thời sai phạm nhiều lỗi nhưng giấy phép vẫn được vui vẻ cấp bởi thị trưởng trẻ tuổi đẹp trai Ittipol Khunploem (35t) thuộc hàng gia thế lâu đời ở địa phương. Kiểm tra tới lui, năm 2014 công trình này phải ngưng lại và sẽ bị phá. Ngoài ra còn có điều tra chống tham nhũng được bắt đầu.


Năm 2019 ông Ittipol, tức là người cấp giấy phép nhanh tay trở thành bộ trưởng bộ văn hóa.

Ngày 3 tháng 9. 2023, Ủy ban điều tra tham nhũng trao kết luận cho văn phòng công tố để truy tố ông Ittipol. Ông được lệnh trình diện tòa vào ngày 4 tháng 9. Tại sao lại vào ngày này? Đó là ngày chính phủ cũ từ nhiệm để hôm sau chính phủ mới được bổ nhiệm. Ittipol không còn là bộ trưởng nữa thì được lệnh trình tòa. Từ 2008 khi bắt đầu vụ việc giấy (trái) phép này đến 2023 là 15 năm và Ittipol đã thêm nét phong sương với vài sợi tóc điểm bạc. Thời hiệu truy tố các vụ nhũng lãm như vầy ở Thái lan lại đúng là 15 năm!  Trong trường hợp tòa nhà Bali Hai hiệu lực sẽ chấm dứt vào ngày 10 tháng 9! May quá, Ủy ban chống tham nhũng không ăn không ngủ kịp thời đúc kết nhe và công tố phải nói với vợ tối nay anh bận lắm không về nhà để xong trát đưa tòa!

Nhưng tòa án đóng cửa cuối tuần cho nên thứ 6 ngày 8 tháng 9 vào lúc 16g30 nếu cựu bộ trưởng Ittipol không bị bắt hay không ra trình diện thì chuyện sẽ ra sao? Chuyện sẽ đi theo bọt biển hay tên người yêu ghi trên cát mà thôi vì sáng thứ 2 hỡi ôi thời gian tàn nhẫn đã sang ngày 11!

Vậy đố mọi người, thật là thắt tim và nghẹt thở, Ittipol có kịp ra trình diện luật pháp không trong 4 ngày ngắn ngủi đó?

Ông ra gọi xe ôm vào lúc 16g10 và chiều thứ 6 ai cũng có khách rồi. Ittipol đứng ngơ ngẩn thì có người chỉ cho 1 anh xe đang nằm ngủ ở chỗ mát bên trong. Ittipol lay anh dậy, dúi luôn cho 200 baht và hô gấp giùm tôi chạy ra tòa án tỉnh! Chiếc xe lao nhanh và lạng lách xém bị 1 xe sỏng thẻo đụng. « Nhanh lên! Tôi cho 500 ! » Họ đến chỗ nhà hàng La Baguette trên Thrapphaya thì anh xe ôm chạy hút mất ! Ittipol hét  «Quay đầu lại!» Họ né kịp 1 xe hàng quà bán cá chiên 100 baht và quẹo trái. Lúc xe dừng trước tòa thì cổng đã đóng lúc đúng 16g30 ! Thái lan không có đùa với giờ hành chánh! Ittipol hổn hển rút ra đưa cho anh xe ôm 1000 baht  (30 Usd)!

Anh ngạc nhiên hỏi sao nhiều vậy ? Ông hứa là 500 mà? Thì 500 nếu anh đến kịp 16g29! Còn anh chở tôi trễ lúc 16g 31 thì tôi trả 1000 vì nếu không tôi đã bị câu lưu và ở tù! Tạ ơn anh! Tạ ơn Ủy ban điều tra tham nhũng, tạ ơn Viện Công tố, tạ ơn tòa và tạ ơn đời!

Đoạn chuyến xe ôm trễ này là do tôi hư cấu. Nghe đâu là Ittipol đi chơi Cam Bốt mấy ngày chứ chẳng xa xôi gì. Để chắc bụng thì thứ 2 lấy máy bay về !
Bali Hai giờ bị phá đi. 5 năm qua ở Pattaya không còn mấy khách Nga mà là giờ khách Trung quốc. Thị trấn vẫn tiếp tục phát triển xây dựng sầm uất và trên khu đất đó tôi không rõ nhưng hẳn đã có phương án xây dựng khác thay thế và lần này phải hợp pháp. Biết đâu, trong phương án mới này cựu thị trưởng và cựu bộ trưởng Ittipol lại cũng vẫn có phần?
 
Đỗ Kh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có thể khẳng quyết, trong dòng văn học Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, chắn chắn Song Thao là nhà văn viết Phiếm uyên bác và mạnh mẽ. Ông đi nhiều, đọc nhiều, viết chuyên cần. Chỉ trên mười năm ông đã trình làng 31 tập Phiếm, mỗi tập trên 300 trang. Đề tài của ông đa dạng, bao quát, từ cây kim sợi chỉ đến vũ trụ bao la với lỗ đen, mặt trăng, sao hỏa, phi thuyền…, đến chuyện đời thường, những địa danh ông từng đặt chân đến. Chúng ta sẽ còn được đọc nữa những tập Phiếm sẽ ra trong tương lai.
Những năm trên dưới hai mươi, tôi xem văn chương là một thứ đạo, những cuốn sách, những thi phẩm không khác kinh thánh, các nhà văn, nhà thơ ngang bằng các giáo chủ. Tôi mê văn chương, tôn sùng những người tạo ra nó. Bước vào tuổi trung niên, say mê vẫn còn, nhưng bình tĩnh hơn, chừng mực hơn. Cho đến khi phần lớn đời mình gắn liền với sách vở như nghiệp dĩ, văn chương, ban đầu tôi viết vì nhu cầu nội tâm, muốn tỏ lộ những buồn vui đau đớn hài mãn… qua chữ nghĩa, trước tiên cho mình, thứ đến cho người, với mong muốn xẻ chia.
Mặt trời như chiếc nong đỏ ối sắp chạm mái ngói phủ rêu của dãy phố cổ. Bức tường bên trái loang lổ, tróc lở, chồng chéo những dòng chữ thô tục cạnh các bộ phận sinh dục nam nữ đủ cỡ đủ kiểu vẽ bằng than hoặc mảnh gạch vỡ. Bức tường thấp, có chiếc cổng gỗ đã mất hẳn màu sơn, xiêu vẹo, quanh năm nằm trong vị thế mở ngõ. Chiếc cổng dẫn vào ngôi miếu nhỏ. Bên trong miếu, trên bệ thờ bằng xi măng hai ba bài vị chẳng hiểu viết gì, chẳng biết thờ ai. Trước bài vị, lư hương chỉ toàn chân nhang. Từ lâu không còn ai đến đây hương khói, ngôi miếu đã biến thành giang sơn riêng của dơi, chuột cùng các loại côn trùng. Cạnh ngôi miếu, một tàn cổ thụ rậm lá với những rễ phụ chảy thõng thượt, bò ngoằn ngoèo trên mặt đất.
Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam ngày 3 tháng 2 năm 1994, dưới thời Bill Clinton. Khởi từ dấu mốc đó Việt Nam dần dần thân thiện hơn với người anh em “sen đầm đế quốc” này, thời kỳ ngăn sông cách chợ đã được khai thông, nhiều người xuất ngoại thăm thân nhân, du lịch hoặc công tác. Giới văn nghệ sĩ không ngoại lệ. Thuở đó gần như tháng nào tôi cũng đón ít nhất một văn, thi, nhạc, họa… sĩ. Phải chăng tại fake news, một người nhà quê như tôi bỗng biến thành “tay chơi” có số má dưới mắt nhìn các vị cầm cọ, cầm bút trong nước?
Hầu hết mọi người già thường mắc phải chứng quên những chuyện gần, nhưng lại nhớ những chuyện xưa, có khi hàng sáu bảy chục năm trước. May mắn (hay xui xẻo?), tôi có một trí nhớ khá tốt, dù gần hay xa tôi đều không quên. Tuy nhiên tôi lại vướng phải nhược điểm là chỉ nhớ sự việc nhưng lại không nhớ thời điểm. Nhược điểm này theo tôi từ ngày thơ trẻ cho đến hôm nay. Khác hẳn một vài người quen, chả hạn nhà văn Hoàng Khởi Phong, anh có một trí nhớ xuất chúng về những con số. Số điện thoại, số nhà của ai đó, chỉ nhìn hoặc nghe qua một lần là ghim ngay vào não, nhiều năm sau, hỏi, anh trả lời vanh vách. Nhà văn Cung Tích Biền cũng không kém, xuất thân là giáo sư dạy sử, ngoài những chi tiết liên quan đến chuyên môn như tên, đế hiệu các vị vua, ngày lên ngôi, ngày chết, những hành trạng của họ suốt thời gian trị vì, và mọi biến cố lịch sử… trải dài từ thời lập quốc, bốn nghìn năm trước, đến bây giờ. Như Hoàng Khởi Phong, anh nhớ rõ mọi con số, kể cả những chi tiết liên quan.
Hai hôm trước một cô em, cũng cầm bút, đến thăm, nhân tiện đề nghị, nếu sức khỏe không cho phép tôi gõ chữ thì cô ấy sẽ giúp, tôi chỉ cần nói qua băng ghi âm, cô em chép lại rồi giao cho tôi nhuận sắc. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, qua trao đổi riêng, vẫn nhiều lần khuyên tôi nên viết hồi ký. Theo hai người, do một thời chủ trương tạp chí Hợp Lưu, tôi có điều kiện tiếp cận và rành rất nhiều chuyện của giới văn nghệ sĩ cũng như văn học hải ngoại lẫn trong nước, nếu tôi không làm thì rồi mọi sự cố sẽ trôi vào lãng quên, thiệt thòi cho văn học Việt Nam, uổng lắm.
Tuổi già thường sống với dĩ vãng. Nhiều chuyện tưởng đã vĩnh viễn ra khỏi trí nhớ, thế mà bất chợt bỗng hiện về, có khi mồn một từng chi tiết nhỏ, tựa mới xảy ra hôm qua, hôm kia, có khi nhập nhòa hư thực bất phân. Chuyện này không lâu, chỉ 23 mươi năm, trước một năm ngày tôi bị tai biến. Nhớ, vì có một chi tiết, lạc đề, nhưng vui.
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất nhân vật Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang (kế thừa là Kiều Phong), ông già tính khí trẻ con. Tôi thích vì rất hợp tạng. Nói cách khác, tôi rất sợ những chuyện nghiêm túc. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp mọi chuyện: chính trị, xã hội, kinh tế, văn chương, thi ca, nghệ thuật…, kể cả những chuyện tầm phào như gái trai, rượu chè hoang đàng nhăng nhít... Nói gọn, mảnh vườn này luôn rộng cửa, bạn đọc hãy cùng tôi rong chơi.
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất nhân vật Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang (kế thừa là Kiều Phong), ông già tính khí trẻ con. Tôi thích vì rất hợp tạng. Nói cách khác, tôi rất sợ những chuyện nghiêm túc. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp mọi chuyện: chính trị, xã hội, kinh tế, văn chương, thi ca, nghệ thuật…, kể cả những chuyện tầm phào như gái trai, rượu chè hoang đàng nhăng nhít... Nói gọn, mảnh vườn "Ba Điều Bốn Chuyện" này luôn rộng cửa, bạn đọc hãy cùng tôi rong chơi.
CTA BACK TO SCHOOL BANNER
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.