Công chúng liệu có được được ‘tha hồ’ xem các phiên xét xử Donald J. Trump hay không?
Nhiều phần là không, vì khó có khả năng các phiên xử trong 4 vụ kiện mà cựu tổng thống phải đối mặt sẽ được phát sóng trực tiếp, ngoại trừ trường hợp ở Georgia, ủng hộ sự công khai minh bạch theo chính sách dành cho các tòa án của tiểu bang này, được gọi là Rule 22.
Với tình hình các thiết bị quay phim, chụp hình bị ‘cấm cửa’ trong các phòng xử án, 330 triệu người dân sẽ phải dựa vào các báo cáo tin tức, hình minh họa và bài đăng trên mạng xã hội để nắm bắt thông tin, dù rằng có rất nhiều người muốn xem trực tiếp quá trình xử án.
Cuộc thăm dò của Quinnipiac University công bố ngày 16 tháng 8 năm 2023, chỉ ra rằng 71% người dân Hoa Kỳ ủng hộ việc đưa tin trên truyền hình về “phiên tòa liên quan đến nỗ lực của Trump nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.” Một cuộc thăm dò khác trong tháng 6 cho thấy 64% muốn phát sóng truyền hình các phiên xử liên quan đến việc Trump ‘ém’ tài liệu mật. Ngay cả các thành viên Quốc Hội từ cả hai đảng cũng đề nghị đưa ra luật cho phép lắp đặt camera tại Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.
Xét cho cùng, đa phần máy quay phim được phép sử dụng trong phòng xử án ở hầu hết các tòa án tiểu bang, cùng với các Tòa thượng thẩm Vùng 9 và Vùng 2 của Hoa Kỳ, giải quyết kiện tụng từ West Coast và các bang Đông Bắc như New York, Connecticut và Vermont. Trong thời đại của Court TV và Thẩm phán Judy, tại sao các phiên tòa không được phát sóng truyền hình?
Đây là câu hỏi mà Brechner Freedom of Information Project (BFIP) tại University of Florida đã nhận được rất nhiều. Trong gần 50 năm, BFIP đã nghiên cứu về khả năng của công chúng trong việc truy cập những dữ liệu dân sự quan trọng này.
Tại sao tất cả các phiên tòa không được phát sóng truyền hình? Có rất nhiều lý do, trải dài từ các án lệ lịch sử, luật quốc hội, nghiên cứu thực nghiệm, cho tới các phiên tòa ‘diễn xiếc’ cấp cao, và trong một số trường hợp, đơn giản chỉ là vì sợ.
Từ công khai đến trầm lặng
Quyền đối với một phiên tòa công khai được quy định trong thông luật của Anh và Tu Chính Án Số 6 của Hiến pháp Hoa Kỳ. Hầu hết mọi người đều có quyền truy cập công khai, và giám sát, vụ kiện liên quan tới họ. Nhưng các tòa án thì khá chật vật trong việc xác định một phiên tòa công khai có thể ‘công khai’ tới cỡ nào.
Năm 1807, cựu Phó Tổng thống Aaron Burr bị xét xử với tội danh phản quốc ở Richmond, Virginia. “Phiên tòa thế kỷ” đã thu hút cánh nhà báo từ khắp mọi miền đất nước. Dù hàng loạt tờ báo đăng tải các bài có nội dung chống lại Burr, Chánh án Tối Cao Pháp Viện John Marshall nhận định rằng dư luận tiêu cực trước khi xét xử không làm phương hại đến bồi thẩm đoàn hoặc làm mất tính tôn nghiêm của tòa án.
Theo thời gian, công nghệ sẽ làm thay đổi suy nghĩ đó
Trong Scopes “Monkey Trial” (Phiên tòa Khỉ, hay vụ kiện Scopes) năm 1925, một giáo viên bị buộc tội vi phạm luật tiểu bang Tennessee vì đã giảng dạy về thuyết tiến hóa. Đây cũng là vụ đầu tiên được đưa tin trực tiếp trên đài phát thanh và tích hợp công nghệ điện tử. Camera đã ghi lại phiên tòa xét xử Bruno Hauptmann năm 1935 về vụ bắt cóc và giết chết con trai của Charles Lindbergh. Kết quả là, một số người mô tả nó là “rạp xiếc truyền thông.”
Đáp lại, American Bar Association đã thông qua Canon 35, cấm mang các thiết bị quay, ghi hình và thu âm vào phòng xử án để bảo vệ “tính tôn nghiêm” của quá trình tố tụng. Năm 1946, Quốc hội ban hành luật liên bang Federal Rule of Criminal Procedure 53, cấm chụp hình, quay phim và phát sóng trong các phiên tòa hình sự cấp liên bang. Còn các tòa án cấp tiểu bang thì không.
Oklahoma, Colorado, Texas và các tiểu bang khác bắt đầu cho phép sử dụng máy quay TV tại tòa án. Nó được TCPV coi là hiến pháp vào năm 1981 trong vụ Chandler v. Florida. Nói chung, ở hầu hết các tòa án cấp tiểu bang, thẩm phán nắm quyền quyết định có cho phép lắp đặt máy quay trong phòng xử án của họ hay không.
Court TV ra mắt vào năm 1991, và phiên tòa xét xử O.J. Simpson năm 1995 đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích về việc phát sóng các thủ tục tố tụng trên truyền hình. Năm 2018, Chánh án TCPV John Roberts nói về việc máy quay được phép sử dụng trong phòng xử án: “Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng một số đồng nghiệp của tôi sẽ hành động khác, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình quyết định của chúng tôi.”
Phô diễn hay minh bạch?
Một số người cho rằng nếu phát sóng trực tiếp các phiên tòa xét xử Trump, nhóm của ông có thể sẽ lợi dụng phòng xử án làm sân khấu để thu hút sự ủng hộ của công chúng, có lợi cho việc tái tranh cử. Hồi tháng 7, một luật sư đại diện cho Trump trong vụ kiện liên quan đến vụ bầu cử liên bang năm 2020 cho biết ông muốn có camera trong phòng xử án hơn.
Các thẩm phán nói rằng các máy quay sẽ làm lộ diện luật sư, đe dọa bồi thẩm đoàn và nhân chứng, hoặc có kẻ xấu lợi dụng chọn lọc và cắt ghép các đoạn clip để bôi nhọ tòa án. Thật vậy, một thí nghiệm gần đây cho thấy những người xem các đoạn phim thẩm phán tranh luận với luật sư thường nghiêng về phía luật sư nhiều hơn so với khi họ tận mắt chứng kiến những trao đổi giữa hai bên.
Ngay cả góc quay của máy cũng có thể ảnh hưởng đến nhận thức. Một thí nghiệm cho thấy rằng khi xem clip can phạm thú nhận, bồi thẩm đoàn có nhiều khả năng quy tội hơn nếu trong clip chỉ chiếu cảnh can phạm mà không thấy người thẩm vấn.
Với khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo các đoạn phim giả “deepfake” về thủ tục tố tụng trong phòng xử án, các thẩm phán có thể còn có quyết định ‘thất thường’ hơn nữa.
Mặt khác, các thủ tục tố tụng của tòa án được lưu lại sẽ có thể làm bằng chứng để chống lại thông tin sai lệch. Các phiên tòa minh bạch đã làm sáng tỏ sự thật và có “khả năng xoa dịu cộng đồng đáng kể,” như Chánh án TCPV Warren Burger đã chắp bút vào năm 1980 về vụ Richmond Newspapers v. Virginia. Đây là một vụ kiện có sự tham dự đầy đủ của giới truyền thông vào các phiên xử.
Phát sóng các phiên xử trên truyền hình có thể giúp công chúng hiểu rõ hơn về hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ. Hiện nay, chỉ 47% người dân Hoa Kỳ có thể kể tên rành rọt cả ba nhánh của chính phủ. Niềm tin vào các tòa án liên bang đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, đặc biệt là niềm tin vào tối cao pháp viện liên tục lao dốc.
Cung cấp đầy đủ thông tin cho công chúng sẽ làm tăng niềm tin vào các cơ quan. Một nghiên cứu chỉ ra rằng việc ghi hình lại các phiên xử có thể giúp đào tạo luật sư tốt hơn. Họ sẽ được xem trực tiếp chứ không chỉ đọc tài liệu về các vụ xử trước.
Theo một nghiên cứu của trung tâm Federal Judicial Center năm 1994, các thẩm phán và luật sư thấy tác động bất lợi của máy quay phim đối với các thủ tục tố tụng liên bang là ít hoặc không có. Các nhân chứng cho biết họ không bị máy quay phim làm phân tâm, còn các bồi thẩm viên cho biết việc đưa tin trên TV cũng không ảnh hưởng đến phán đoán của họ.
Một số người còn khẳng định rằng máy quay có thể cải thiện hiệu suất và hành vi của những người tham gia phiên xử, do họ được giám sát chặt chẽ hơn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng việc viết phát sóng trực tiếp từ các phiên tòa sẽ giúp cải thiện tính chuyên nghiệp của luật sư và thẩm phán. Ngoài ra, phát sóng truyền hình các phiên tòa cấp liên bang cũng không phải chuyện bất thường – Canada, Anh và Brazil cũng thường chiếu truyền hình các phiên tòa của họ.
Do tầm quan trọng của các phiên tòa xét xử Trump, một số người cho rằng các quy tắc nên được thay đổi để đảm bảo công chúng có thể tận mắt chứng kiến những gì diễn ra, hoặc chỉ vì lịch sử về sau. Quốc hội sẽ cần phải đưa ra một đạo luật, và sẽ cần có một sự thay đổi về quy tắc.
Có lẽ một phiên xử phát sóng trên truyền hình ở Georgia sẽ mang vấn đề ra thử nghiệm, dùng để so sánh hoặc thí nghiệm. Trong tương lai, Hoa Kỳ có thể từng bước hướng tới cho phép sử dụng máy quay phim ở tất cả các tòa án, bao gồm cả tối cao pháp viện, thông qua ghi âm audio, đăng bản đánh máy lại toàn bộ lời lẽ xảy ra ở tòa, tung ra video sau quá trình tố tụng và bố trí kiểm soát chặt chẽ phòng xử án – rồi sau đó là bắt đầu truyền phát trực tiếp các phiên xử, thường xuyên và cho tất cả mọi người được xem.
Nguồn: “Cameras in the court: Why most Trump trials won’t be televised” của David Cuillier, được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn