Người ta thường nói rằng tất cả chúng ta rồi sẽ trở nên mất trí nhớ - trừ khi chết vì ung thư hoặc bệnh tim mạch. Tất nhiên, có những người chết vì các bệnh khác, tai nạn hoặc tự tử. Nhưng chính chứng mất trí nhớ, ung thư và bệnh tim mạch lại chiếm ưu thế trong danh sách về nguyên nhân tử vong.
Tuy nhiên, việc điều trị bệnh tim mạch đã tiến bộ và tỷ lệ sống sót hiện nay cao hơn nhiều. Ung thư đã từ một bản án tử hình trở thành một căn bệnh có thể điều trị được - mặc dù vẫn có những biến thể mà tỷ lệ tử vong gần một trăm phần trăm.
Tuổi thọ trung bình của chúng ta đã ngày mỗi tăng. Nhưng mặt trái của các con số này là một biểu đồ tương ứng về số người mất trí nhớ cũng có xu hướng tăng tương tự. Ngày nay, có khoảng 140.000 người mắc chứng mất trí nhớ chỉ ở Thụy Điển. Đến năm 2050, con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi.
Đa số những người mất trí nhớ vì bệnh Alzheimer. Nhóm còn lại mắc chứng sa sút trí tuệ do mạch máu, nghĩa là các mạch máu bị vôi hóa. Nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer cũng như sa sút trí tuệ vì mạch máu thường có liên quan chặt chẽ với tuổi tác.
Trong những tháng gần đây, chúng ta bất ngờ đọc được tin tức về một hy vọng mới cho bệnh Alzheimer. Các công ty dược phẩm Bioarctic và Lilly đã thử nghiệm một loại thuốc sinh học mới tác động trực tiếp đến protein gây bệnh.
Khám phá này được coi là đột phá. Về mặt nghiên cứu, tất nhiên đây là một thành công lớn khi lần đầu tiên một loại thuốc được tìm ra có thể đột nhập vào chính quá trình bệnh tật. Nhưng về mặt lâm sàng, như người ta gọi khi nói về thực tế: chúng ta nên thực sự vui mừng đến mức nào?
Sự điều trị mà chúng ta nghe nói đến không phải là chữa bệnh. Bệnh Alzheimer có một quá trình từ bốn đến mười năm. Các nghiên cứu kéo dài 18 tháng của Bioarctic cho thấy rằng với việc điều trị bằng phương pháp này, chúng ta chỉ có thể trì hoãn sự suy giảm mà sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra trong vòng 5 tháng rưỡi. Điều này có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của căn bệnh thì vẫn chưa ai biết được.
Theo Linus Jönsson, bác sĩ, nhà kinh tế và giáo sư về sức khỏe tại Thụy điển thì chiều dài thời gian hoàn toàn mất trí nhớ và thời gian người bịnh cần được chăm sóc có thể sẽ ngắn hơn, hay có thể cũng dài như nhau, hoặc thậm chí còn có thể lâu hơn. Cũng có thể người ta có thể sống thêm nhiều năm với bệnh Alzheimer nhưng chết vì các bệnh khác. Như vậy cũng chẳng có gì chắc chắn rằng việc điều trị sẽ kéo dài cuộc sống.
Chúng ta cũng nên xem xét sự khác biệt giữa kéo dài cuộc sống và kéo dài sự chịu đựng. Có thực sự là tốt không khi một cơn bệnh vốn đã lâu dài và đau đớn lại càng được kéo dài hơn?
Chúng ta mong rằng những thành công trong nghiên cứu mới là bước đầu tiên hướng tới một phương pháp điều trị chữa bệnh. Alzheimer là một căn bệnh khủng khiếp. Nhưng câu hỏi tiếp theo là, chúng ta có quyết định được sẽ chết thế nào không, cũng như khoản tiền cần thiết cho căn bịnh sẽ là bao nhiêu cho đủ.
Bởi vì trong lĩnh vực ung thư, các loại thuốc sinh học tương tự đang được nghiên cứu. Và những loại thuốc này, không giống như thuốc hóa học, rất tốn kém để sản xuất. Vì vậy, bất kể bản quyền bằng sáng chế, các chế phẩm mới sẽ không bao giờ có cùng mức giá với các loại thuốc truyền thống.
Giá niêm yết tại Hoa Kỳ cho thuốc của Bioartic là gần 30,000 USD cho mỗi bệnh nhân mỗi năm. Để làm được điều đó, phải cộng thêm chi phí chăm sóc sức khỏe cho việc điều trị bằng đường tĩnh mạch trong bệnh viện hai tuần một lần. Và theo dõi chụp MRI khoảng sáu tuần một lần khi bắt đầu điều trị vì nguy cơ sưng não: cứ bốn người thì có một người bị ảnh hưởng trong nghiên cứu của Lilly. Cũng như chăm sóc đặc biệt cho một số đối tượng bị tác dụng phụ nghiêm trọng.
Dĩ nhiên chúng ta đặt ưu tiên cho việc điều trị. Nhưng có lẽ cũng cần phải đánh giá đúng sự sống và sự chịu đựng. Trong cuộc tranh luận đang diễn ra về chứng bịnh Alzheimer, thì hình như chúng ta vẫn chưa bao giờ đặt mình vào những người mắc bệnh Alzheimer. Họ thật sự muốn gì?
Các hy vọng mà các nhà báo và các nhà khoa học đặt vào các loại thuốc mới là về sự lo lắng của chính chúng ta về bệnh tật và cái chết? Nhưng cũng không hiếm khi những người lớn tuổi vẫn còn hoàn toàn minh mẫn kiên quyết từ chối điều trị để duy trì sự sống, và tỷ lệ tự tử ở những người đã bước sang tuổi 85 cao hơn đáng kể so với tất cả các độ tuổi khác.
Vậy thì, giá trị của một tuổi thọ được nhìn nhận thế nào, khi nó kéo theo sự đau khổ lâu dài hơn?
Gửi ý kiến của bạn