Hai hôm trước một cô em, cũng cầm bút, đến thăm, nhân tiện đề nghị, nếu sức khỏe không cho phép tôi gõ chữ thì cô ấy sẽ giúp, tôi chỉ cần nói qua băng ghi âm, cô em chép lại rồi giao cho tôi nhuận sắc.
Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, qua trao đổi riêng, vẫn nhiều lần khuyên tôi nên viết hồi ký.
Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, qua trao đổi riêng, vẫn nhiều lần khuyên tôi nên viết hồi ký.
Theo hai người, do một thời chủ trương tạp chí Hợp Lưu, tôi có điều kiện tiếp cận và rành rất nhiều chuyện của giới văn nghệ sĩ cũng như văn học hải ngoại lẫn trong nước, nếu tôi không làm thì rồi mọi sự cố sẽ trôi vào lãng quên, thiệt thòi cho văn học Việt Nam, uổng lắm.
Thực ra dù sức khỏe mỗi ngày thêm tệ nhưng nếu cố tôi cũng có thể tiếp tục bày tỏ mọi chuyện qua bàn phím, ngặt nỗi, vì nhiều lý do, tôi chả còn quan tâm đến bất cứ chuyện gì, nhất là những chuyện đã xảy ra trên dưới ba mươi năm trước. Ba mươi năm, thời gian đủ dài để phần lớn nhân sự đã vùi sâu trong đất, số ít còn lại thì gần đất xa trời hay đã rời bỏ cuộc chơi. Mọi chuyện, từ văn chương nghệ thuật đến thời thế, hướng nhìn… đổi thay từng ngày, từng tháng, huống gì khoảng cách thời gian rộng dài như đã! Ba mươi năm, nhiều thế hệ kế tục ra đời, càng lúc càng gần như không hệ lụy với quá khứ. Khơi lại đống tro tàn đã nguội lạnh, dù chỉ để làm chứng tích, phỏng ích gì?! Thời đại mới, với phương tiện truyền thông hiện đại, mọi sự kiện, sự việc, nhìn từ nhiều phía, chủ quan lẫn khách quan, đầy ngập trên mạng, chỉ vài thao tác giản dị, là ai cũng có thể tiếp cận. Tiếng nói của tôi chẳng những không làm giàu thêm kho tư liệu vốn đã mênh mông, ngược lại, do quan điểm riêng khó tránh khỏi, chỉ tổ làm mọi chuyện vốn đã rối mù càng thêm rối.
Lợi bất cập hại!
Hơn thế, tôi sống đủ lâu để thấy, như người bạn vong niên của tôi, nhà văn Mai Thảo, đã thấy, mọi chuyện đều “chả ra cái đếch gì”. Tất thảy, từ con người, xã hội, quan điểm, biến cố lịch sử… cuối cùng đều... chả ra cái đếch gì! Trời vẫn xanh, mây trắng vẫn bay, cây vẫn đúng mùa đâm chồi, nở hoa, kết trái, người vẫn hết thế hệ này sang thế hệ khác, thể chế kia tàn, chế độ nọ thay, quân chủ suy vong, tư bản lên ngôi, cộng sản ra đời… Chuyện có thể đúng vài mươi năm, thậm chí vài trăm năm, hay lâu hơn, vài ngàn năm, nhưng rồi sẽ sai vào thời kỳ nào đó. Chúng ta ngày nay ai cũng biết trái đất tròn, thế mà đã có lúc người ta xác quyết trái đất phẳng như cái bánh tráng, ai không đồng ý sẽ lập tức bị đưa lên giàn hỏa! Đâu là chân lý đích thực? Vào thời kỳ quân chủ thiên tử là chủ nhân của giang sơn, dân đen là con cái, ông “con trời” cho sống được sống, bảo chết phải chết. Cũng dưới chế độ quân chủ, đàn ông được quyền năm thê bảy thiếp, đàn bà xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, nếu chửa hoang sẽ bị gọt tóc bôi vôi, ngoại tình sẽ bị bỏ rọ thả trôi sông. Nay, tổng thống nếu lỗi, nhẹ: bị đàn hạch, về vườn trồng rau nuôi gà, hú hí với đấng hiền thê. Nặng: nằm nhà đá nhẩn nha gỡ lịch. Và nam nữ bình quyền, phái “yếu” ngang hàng với các đấng mày râu trong mọi lĩnh vực, đàn bà làm tổng thống, thủ tướng, tư lệnh quân đội, chuyện thường. Tôi đã đọc đâu đó ý này: Điều duy nhất thường hằng là lẽ vô thường, mọi chuyện đã, đang và sẽ đổi thay. Cũng có nghĩa không có gì đúng hoặc sai vĩnh viễn, đúng sai tùy thuộc vào quan niệm, phong tục, tập quán từng vùng miền, từng dân tộc, từng thời điểm, từng bối cảnh…
Ở Tây Tạng, đàn bà được quyền có nhiều chồng, em trai sẽ thay vị trí của anh nếu ông ta qua đời. Phong tục này bắt nguồn từ quan niệm không muốn tài sản của gia tộc rơi vào tay người khác, Ở Alasca, khách đến nhà nếu ngủ lại đêm, vợ sẽ chung giường với khách. Lý do: thời tiết nơi này rất khắc nghiệt, luôn dưới độ âm, vợ là cái “mền da” giúp khách “lên mây” để sau đó mệt nhoài say giấc trong vòng tay ấm áp của nữ gia chủ. Tại một vài bộ lạc ở Châu Phi, trẻ gái buộc phải cắt âm hạch, để sau này lớn lên khỏi tò te rí ré, hoặc không được xem là trưởng thành nếu chưa mất đi cái mà một thời mọi dân tộc, không loại trừ Đông Tây cực kỳ coi trọng, ví như bảo vật giá đáng nghìn vàng: tiết trinh! Đại Hàn, một trong hai con rồng của châu Á, chỉ đứng sau Nhật, được xem là quốc gia văn minh tiến bộ về mọi mặt, thế nhưng ở nhiều làng mạc nông thôn chuyện anh em chú bác thành phu thê là chuyện “thường ngày ở huyện”, dù qua truyền thông, báo chí, sách vở, kể cả giáo dục học đường người ta đã cảnh báo hôn nhân cận huyết có thể mang đến nhiều hậu quả tai hại, trẻ chậm phát triển, thậm chí xác suất dị tật, quái thai rất cao. Tại một quốc gia Trung Đông nhỏ bé tôi không nhớ tên, dân số chỉ trên một triệu hai trăm ngàn, rất giàu có và tiên tiến, nhờ tài nguyên dầu mỏ, GDP bình quân đầu người cao ngất ngưởng (nếu tôi nhớ không lầm hình như trên 50.000 đô một năm). Hầu hết công dân có mức sống no đủ trên trung bình, y tế và giáo dục miễn phí, di chuyển trên những chiếc xe hơi đắt giá cáo cạnh, ngụ cư trong những ngôi nhà trần cao cửa rộng, tiện nghi hiện đại, máy điều hòa không khí hoạt động quanh năm, mùa hè mát lạnh, mùa đông ấm áp, do chính phủ cấp miễn phí, hoặc chỉ trả tượng trưng một đô la. Đất nước này xem chuyện dựng vợ gã chồng trong quan hệ cận huyết là chuyện tất nhiên, không việc gì phải bàn cãi lôi thôi. Ngay tại Giao Chỉ ta, vào thời nhà Trần, để duy trì quyền lực của dòng họ hầu không lọt vào tay ngoại tộc, hôn nhân cận huyết cũng được chấp thuận. Đức Trần Hưng Đạo mà hậu thế tôn xưng là bậc Thánh vì đức độ và võ công tái thế, hai lần chiến thắng giặc Nguyên, lấy cô ruột của mình làm vợ. Ngày nay nhiều dân tộc thiểu số ở miền cao miền xa vẫn xem hôn nhân cận huyết là tập tục cần phải duy trì, anh em ruột được quyền lấy nhau thoải mái.
Còn nhiều nữa những quốc gia thuộc châu Phi, châu Á, Trung, Cận Đông… cho đến bây giờ vẫn nhất định bảo lưu những tập quán mà chúng ta xem là lạc hậu, phi đạo đức, phản khoa học.
Tóm lại, phong tục, tập quán thường phát sinh do điều kiện xã hội, thổ nhưỡng, khí hậu, thời điểm... Nếu dùng cái nhìn của vùng miền hay lãnh thổ này phê phán phong tục tập quán của đất nước nọ e sẽ khiên cưỡng.
Đâu là chân lý bất di?
Dân tộc ta và nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á như Trung Hoa, Đại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân, Indonesia… xem cơm là món chính trong bữa ăn. Chủ yếu của dân Mễ là các loại đậu và bắp. Phương Tây là bánh mì làm từ lúa mạch và thịt gia cầm, tôm cá. Món mắm tôm, mắm nêm, mắm cái đối với chúng ta sao mà thơm… bát ngát, ăn bún riêu nếu thiếu tí mắm ruốc nào khác chi đóng thùng sơ mi cà vạt quần tây bảnh chọe nhưng lại lết thết đôi dép râu cụ Hồ! Đặc sản mắm Bò Hóc của Campuchia người phương Tây nghe mùi đã bịt mũi nôn ọe, hét toáng, sao thối thế!
Tiêu chuẩn nào để đánh giá chuyện đúng, sai, phải, trái?
Những câu hỏi đã, đang và sẽ không bao giờ có giải đáp thỏa đáng.
– Khánh Trường
Gửi ý kiến của bạn