Giới thiệu sách mới
Chúng tôi chơi với nhau từ thuở "tuổi cài trâm". Nói cho có vẻ "thơ", nhưng thực sự thời đại đó, những chiếc kẹp cài lên tóc dường như không còn thích hợp với những cô gái mười bảy, mười tám nữa. Cả hai chúng tôi chỉ điệu đàng trong những tà áo lụa. Áo được may từ những câu thơ.
Chúng tôi chơi với nhau từ thuở "tuổi cài trâm". Nói cho có vẻ "thơ", nhưng thực sự thời đại đó, những chiếc kẹp cài lên tóc dường như không còn thích hợp với những cô gái mười bảy, mười tám nữa. Cả hai chúng tôi chỉ điệu đàng trong những tà áo lụa. Áo được may từ những câu thơ.
Ngoài màu vàng của hoa cúc, hay màu xanh lá sân trường trong bài thơ "Tuổi Mười Ba" của cố thi sĩ Nguyên Sa, còn thêm màu rêu đậm, rêu non trong tủ áo chỉ vì: Áo màu rêu đá tóc buông dài. (Đến Trễ Giờ, thơ Nhất Tuấn).
Nói chi đến thơ, chúng tôi có cả áo đen trong âm nhạc. Áo đen của những "góa phụ ngây thơ" vào mùa hè đỏ lửa. Áo dài đen, giày escarpin đen gót cao, được viền một dải bạc bóng ngời trước mũi, lóng lánh dưới gấu quần sa tanh mỗi khi bước đi… Bây giờ nhắc lại, cả hai đứa cùng cười.
Trước khi thơ được hiển hiện qua những màu áo, những câu thơ đã được nắn nót chép trong một cuốn sổ tay nhỏ xíu mà các cô nữ sinh trong lớp học ban C ngày đó hầu như cô nào cũng có trong cặp như một cuốn cẩm nang. Vài câu của tác giả này, vài câu của tác giả khác.
Có phải em mang trên áo bay
hai phần gió thổi, một phần mây
hay là em gói mây trong áo
rồi thở cho làn áo trắng bay.
(Tương Tư, thơ Nguyên Sa)
Đời sống ôi buồn như cỏ khô
này anh, em cũng tợ sương mù
khi về tay nhỏ che trời rét
nghe giá băng mòn hết tuổi thơ.
(Thanh Xuân, thơ Nhã Ca)
Ta ném bút dẫm sầu lên một buổi
xa vở bài, mở rộng sách ham mê
đã từng phen trèo cổng bỏ trường về
xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn.
(Khi mới Nhớn, thơ Đinh Hùng)
Đó là những câu thơ có thể gọi là "kinh điển" của những tâm hồn mơ mộng. Còn rất nhiều những lời thơ khác, đôi khi chẳng mang một chút tâm trạng nào của những cô học trò ngồi nắn nót ghi chép lại. Chép chỉ vì yêu!
Yêu thơ đến thế, nhưng cái nghịch lý của tôi là không làm được một bài thơ nào, chỉ mải miết với truyện ngắn, truyện dài. Trong khi bạn Ngô Ái Loan làm khá nhiều thơ. Những bài thơ không đăng báo, làm thơ chỉ gửi lên mạng xã hội cho bạn bè thân quen đọc, đọc cho vui như lời bạn nói. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ, sớm muộn gì Ngô Ái Loan cũng in một tập thơ. Nhưng cuốn sách đầu tay này lại là một tập văn xuôi. Những câu chuyện được kể ra và hôm nay được bạn in thành sách không phải vì "vui" hay một ước muốn lớn lao nào khác.
"Kể, hầu cất giữ cho con cháu về sau khi muốn tìm hiểu về người ông, người cố trong gia phả. Cho nên tôi phải ghi lại những câu chuyện về họ khi đầu óc mình vẫn còn minh mẫn".
Ngô Ái Loan đã bày tỏ như thế trong bài "Viết về hai đấng sinh thành".
Nhưng những câu chuyện được Ngô Ái Loan kể ra không hẳn chỉ nói về đời sống của những người ruột thịt thân yêu cho con cháu nghe. Còn có tôi và cả bạn nữa.
"… Khi viết lại những dòng hồi ức này, tôi muốn nói với những người mới quen: hạnh phúc của tôi bây giờ là được một người nào đó đồng điệu với tâm hồn, đọc lấy những dòng tâm sự của tôi". (Người Thím)
Hai mươi lăm truyện trong tập sách, ngoài những mảnh đời oái oăm của thế thái nhân tình trong đời sống xã hội hiện tại. Bạn và tôi còn đọc được những câu chuyện thú vị như: Vong Hồn Trên Sông, Đứa Con Phù Thủy, Đôi Mắt Tiền Kiếp, Hẹn Hò… Những câu chuyện có tính cách hoang đường, ma mị, xảy ra ở một quận lỵ heo hút nào đó của tỉnh Quảng Trị, nơi tác giả sinh ra và đã có một thời thơ ấu êm đềm.
Tập truyện Điệu kèn clarinet là những mảnh kỷ niệm, là hồi ức, tiếng lòng. Là những mẩu chuyện đời được góp nhặt suốt một đời dài, mà đơn thuần tác giả chỉ muốn gửi lại cho những người thân thuộc-thương yêu/tâm tình cùng tri âm đồng điệu.
– Đặng Mai Lan
(Paris, tháng 5/ 2023)
Sách bìa cứng, có bán trên Lulu, ấn phí 25.00 Euro (US$30.76). Xin bấm vào đường dẫn sau:
Gửi ý kiến của bạn