Cả Ấn Độ giáo và Phật giáo đều xác định rất rõ ràng về các loại “thần thông” hay còn gọi là "các siêu kiến thức" mà một vị thiền sư có thể đạt được. Một trong điều đó là khả năng biết được các kiếp trước của con người, khả năng đi rất xa chỉ trong thời gian ngắn và thấu hiểu được được ý nghĩ của người khác. Nhưng các thánh nhân Phật giáo đặc biệt rất cảnh giác đối với việc hiển lộ thần thông cho người khác thấy, vì sợ sẽ gia tăng bản ngã mà họ đang cố gắng vượt qua. Hòa thượng Tuyên Hóa, một nhà sư Phật giáo, người đã thành lập Thiền viện tại San Francisco vào năm 1970, tại Á Châu người ta thuật lại rằng ngài có thể chữa lành bệnh cho những ai có lòng tuân theo giáo pháp nhà Phật. Nhưng tại Hoa Kỳ, nơi Ngài viên tịch năm 1995, Hòa Thượng Tuyên Hóa cho rằng việc sử dụng thần thông như một công cụ giảng dạy sẽ phản tác dụng trong một xã hội thiên về lý trí và khoa học.
Tuy nhiên, bên ngoài các nền văn hóa tại Á châu, có rất ít trường hợp các tín đồ được hội ngộ cùng các bậc thánh nhân hoặc mục kích các phép lạ của họ. Thật vậy, hầu hết các phép mầu thông thường nhất của các tôn giáo trên thế giới đều liên quan đến các lời cầu nguyện ẩn danh tại các đền thờ. Các đền thờ "văn minh" theo truyền thống này đã bắt nguồn từ khoảng 2500 năm về trước khi xương cốt của Đức Phật được phân chia ra cho các tù trưởng của các bộ tộc như các di vật để thờ cúng sau khi Đức Phật qua đời. Sau này các di vật này được gom góp lại và đặt trong các tháp thờ khắp miền Bắc Ấn Độ. Ngày nay Ấn Độ là nơi tập trung vô số các đền thờ của các vị thần linh cũng như các nữ thần Ấn Độ giáo (Hindu) được người ta khẩn cầu phép lạ. Tại một số các quốc gia Hồi giáo cũng như các khu vực theo Thiên Chúa giáo ở Châu Âu, các cuộc hành hương đến các đền thờ vẫn còn là một hình thức mộ đạo. Tuy nhiên chỉ tương đối gần đây mới có những cố gắng được thực hiện để chứng thực những trường hợp phép lạ được báo cáo.
Đền thờ Đức Mẹ Maria tại thành phố Lourdes (Lộ Đức), nước Pháp, nơi phép mầu chữa lành bệnh đầu tiên được chấp nhận vào năm 1858, thì chỉ có 66 trường hợp được công nhận bởi ủy ban y tế của đền thờ trong 6,000 trường hợp cho là được lành bệnh nhờ phép lạ. Phép lạ lần cuối được công nhận là vào năm 1987. Tại Iran, đền thờ Hồi giáo Jamkaran tọa lạc ngay bên ngoài thánh địa Qom, đã trở thành nơi hành hương của tín đồ trong cả nghìn năm qua. Nhưng các giới chức của đền thờ chỉ mới bắt đầu mở các cuộc điều tra về các trường hợp phép lạ chữa lành bệnh vào năm 1998 qua Cơ Quan Ghi Nhận Ân Sủng Thiêng Liêng của họ. Cho tới nay, các viên chức thẩm quyền chỉ chứng thực 6 trường hợp trong 270 trường hợp được nêu ra.
Phép lạ luôn giữ kín ý nghĩa đối với những kẻ hòa nghi và những người nhẹ dạ, cả tin. Trong mọi trường hợp, phép lạ không phải là sự thay thế cho đức tin nơi một tôn giáo. Nhưng khi nước Mỹ trở thành nhà của tất cả các tôn giáo trên thế giới, thì các câu chuyện về phép lạ đã đạt đến chiều kích mới và hầu như có tính cách cộng đồng. Trong khi chúng cho thấy rằng các tôn giáo cung cấp những cái nhìn khác biệt về việc siêu nhiên vận hành như thế nào trong thế gian, thì những sự khác biệt đó không nhất thiết làm chia rẽ chúng ta. Những câu chuyện về phép lạ cũng mời gọi những cá nhân tìm kiếm đi du hành vào những thế giới khác với thế giới của chính họ. Theo sự hiểu biết của Gandhi, tôn giáo tự nó là một “sự thí nghiệm với chân lý”. Nhưng các câu chuyện về phép lạ có thể chỉ được diễn dịch bởi những cộng đồng có hiểu biết và ký ức, đó là các truyền thống. Như một câu nói của người Do Thái giáo Chính thống: “Dại khờ thay cho những kẻ nào tin tất cả những câu chuyện này, nhưng kẻ nào không thể tin những câu chuyện này thì là kẻ theo ngoại đạo”. Đối với cả người tin và người hoài nghi, đó chính là một nghịch lý luôn tồn tại trong bất cứ niềm tin tôn giáo nào.
– Kenneth L. Woodward
(Hồng Hà dịch)
(Trích dịch từ tuần san Newsweek số ngày 1/5/2000).
Gửi ý kiến của bạn