Hôm nay,  

Bộ sưu tập vô hình

11/05/202307:55:00(Xem: 2293)
Truyện ngắn quốc tế

wall-art-collection

 

Đến ga kế sau ga Dresden, một người đàn ông có tuổi vào bên trong toa của tôi. Ông ấy lịch sự chào tôi, ngồi xuống, nhìn tôi và gật đầu chào như thể vừa gặp một người bạn lâu năm không gặp. Ông giới thiệu tên mình và tôi chợt nhớ rằng đây là một người bán đồ cổ rất nổi tiếng ở Berlin, tôi đã từng đến mua thủ bút và sách ở tiệm của ông. Ông nói với tôi:
     Tôi phải kể cho ông nghe tôi vừa mới đến nhà của một người. Đây là câu chuyện thật hi hữu hiếm có mà tôi chưa từng gặp trong suốt hơn ba mươi năm trong nghề. Tranh Đức Mẹ, tranh vẽ tay, sách in cổ, trước 1500 ở Châu Âu. Ông có thể biết là các tác phẩm nghệ thuật ngày nay được bán như thế nào, vì tiền đã mất giá. Những người giàu đột nhiên rất yêu chuộng các tác phẩm về Madonna, tượng Đức Mẹ, sản xuất trước năm 1500 và các bản in cũ. Họ đòi hỏi rất nhiều, hơn cả những gì chúng tôi có thể cung cấp cho họ. Thậm chí chúng tôi phải cảnh giác sợ họ đến nhà và lục soát để tìm.
     Khi họ đến nhà và vơ vét tất cả những vật có giá trị của tôi, tôi chỉ còn nước kéo rèm cửa hàng của mình và đóng cửa. Tôi thật xấu hổ khi kiểm lại và thấy trên các kệ hàng, chỉ có một vài hàng cũ hoặc lỗi thời, mà không người bán hàng rong nào dám trưng bày trên xe của họ; cửa hàng đồ cổ này nổi tiếng từ thời ông nội tôi.
     Trong lúc bối rối này, tôi bỗng muốn xem qua danh sách các khách hàng cũ của chúng tôi, để cố gắng tìm ra một người mà tôi có thể mua một vài bản sao. Những danh sách này luôn là một nơi để tìm kiếm những vật thật xưa cũ, nhất là vào thời điểm hiện nay. Thật vậy, tôi không tìm thấy điều gì đáng quan tâm: hầu hết những khách hàng của chúng tôi trước đây đã qua thế giới bên kia hoặc đã bán bộ sưu tập của họ từ lâu. Một vài người sống sót có lẽ không thể cung cấp cho tôi điều gì quan trọng. Nhưng đột nhiên, tôi đọc được vài lá thư của vị khách hàng xưa nhất của chúng tôi.
     Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, năm 1914, ông ấy đã không đặt hàng với tôi; nếu ông còn sống thì chắc đã ngoài tám mươi. Thư từ của ông đã gởi từ khoảng sáu mươi năm trước. Ông đã liên lạc với cha tôi và ông tôi rồi. Ông là một người kỳ dị, hơi lố bịch; một trong những người kỳ quặc mà các họa sĩ Menzel và Spitzweg thường vẽ và thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp ở các thị trấn tỉnh lẻ này. Những bức thư của ông được viết tay với nét chữ ngay ngắn, số tiền được gạch dưới bằng thước kẻ và mực đỏ. Để tránh nhầm lẫn, ông đã viết mỗi con số hai lần, và để tiết kiệm, ông đã sử dụng những tờ giấy trắng xé ra từ những bức thư nhận được và làm phong bì cho riêng mình. Những tài liệu kỳ lạ này, ngoài chữ ký của ông, còn có cả một loạt chức danh: cựu cố vấn kiểm lâm, trung úy dự bị, được huân chương hạng nhất. Là một cựu chiến binh của những năm bảy mươi [1].  Nhưng người tiểu tư sản tiết kiệm quá mức này lại có những phẩm chất khác thường của một nhà sưu tập. Ông ấy rất am hiểu về các bản in và đã thể hiện một gu thẩm mỹ tinh tế. Tôi quan sát những đơn đặt hàng của ông. Tôi nhận thấy rằng vào thời điểm mà người ta có thể mua được những bức tranh khắc đẹp nhất chỉ bằng một thaler [2], thì người đàn ông sống ở tỉnh lẻ này đã gom lại từng chút một và không ai có thể tin được, ông đã sở hữu một bộ sưu tập tranh khắc rất có thể cạnh tranh với những bộ sưu tập lừng lẫy nhất của những người mới giàu lên.
     Thật vậy, những bức tranh mà ông đã mua từ cửa hàng của chúng tôi với số tiền khiêm tốn bằng marks và pfennigs giờ đây sẽ có giá trị đáng kể. Hơn nữa, mọi thứ đều cho thấy rằng chắc chắn ông đã rất thành công với các tiệm khác và đã thu được rất nhiều từ các cuộc đấu giá của họ. Thật ra chúng tôi đã không có được tin tức gì của ông kể từ năm 1914. Nhưng tôi biết rỡ về các giao dịch bán hàng với số lượng lớn quan trọng như vậy nên không thể nào không quan tâm đến việc này.
     Do đó, tôi kết luận rằng nhà sưu tập kỳ lạ này hẳn vẫn còn sống, hoặc kho báu của anh ta dang trong tay những người thừa kế.
     Thế là vào ngày hôm sau tôi quyết định đi tìm gặp ông, tức là vào tối hôm qua, đến một trong những thị trấn hẻo lánh nhất ở tỉnh Saxon. Rời nhà ga nhỏ, tôi lững thững dạo bước trên con đường chính của thành phố cổ. Đối với tôi, không thể tin rằng một trong những căn nhà lụp xụp này lại là nơi sinh sống của một người đàn ông sở hữu những bức tranh khắc lộng lẫy nhất của Rembrandt cũng như của Durer và Mantegna, tất cả đều hoàn chỉnh và trong tình trạng được bảo quản hoàn hảo. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi đến bưu điện, tôi được biết rằng người cố vấn kiểm lâm vẫn còn sống. Tôi thú nhận là tôi thật sự xúc động khi đến nhà ông vào buổi trưa. Ông sống trên tầng hai của một khu nhà tồi tàn mà có lẽ một nhà thầu đã xây một cách cẩu thả vào năm 1860.
     Tôi rụt rè bấm chuông. Ngay lập tức, một bà lão với mái tóc bạc phơ ra mở cửa. Tôi đưa danh thiếp của tôi và hỏi liệu Cố vấn có thể tiếp tôi không. Bà ấy nhìn tôi, ngạc nhiên và nghi ngờ. Ở thị trấn tỉnh lẻ nhỏ này và trong ngôi nhà khiêm tốn này, một chuyến viếng thăm là một sự kiện phi thường. Bà lịch sự bảo tôi chờ một lát. Bà lấy danh thiếp của tôi và đi vào phòng bên cạnh. Tôi nghe tiếng thì thầm. Đột nhiên, giọng một người đàn ông kêu lên:
     – A! ông R. từ Berlin, nhà buôn đồ cổ nổi tiếng! Xin mời ông vào. Tôi sẽ rất vui!
     Bà cụ mời tôi vào phòng khách. Ở giữa phòng, một người đàn ông to lớn mặc quân phục, đứng dậy và thân mật chìa tay ra cho tôi. Cử chỉ chào đón tự nhiên thật trái ngược với thái độ cứng ngắc và bất động của ông.
     Ông đã không bước đến gần tôi. Hơi bất ngờ, tôi tiến đến bắt tay ông. Khi tôi muốn nắm tay ông, tôi nhận thấy bàn tay đó không đưa ra để bắt tay tôi nhưng lại như chờ đợi. Tôi đã đoán ra được: người đàn ông này bị mù. Từ thời thơ ấu, tôi luôn cảm thấy ngượng ngùng khi đứng trước một người mù. Tôi chưa bao giờ có thể nghĩ rằng một người đàn ông còn sống mà không nhìn thấy mọi việc rõ như tôi. Ông bắt tay tôi một cách nồng nhiệt và chào đón tôi một cách thân tình.
     – Thật là một chuyến thăm bất ngờ, – ông cười nói. – Làm sao người ta có thể tin rằng một trong những quý ông từ Berlin lại đến cái tỉnh lẻ nhỏ bé này! Ôi! Chắc chắn đây là một chuyến thăm thú vị. Tôi đoán biết được lý do ông đến gặp tôi... Công việc kinh doanh đang rất tệ ở nước Đức nghèo nàn của chúng ta. Quý ông thương gia nhớ đến khách hàng cũ của mình và tìm họ như những con chiên lạc. Nhưng, ở đây, tôi sợ rằng ông không tìm được điều ông muốn đâu, thưa ông. Những người hưu trí nghèo như chúng tôi có được một mẩu bánh mì trên bàn là đã may mắn lắm rồi. Chúng tôi không thể mua bất cứ thứ gì nữa với mức giá điên rồ như hiện tại.
     Tôi trả lời rằng ông đã hiểu sai mục đích chuyến thăm của tôi. Tôi đã không đến để bán bất cứ gì. Khi đi ngang qua khu vực này, tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội bày tỏ lòng kính trọng của mình với một trong những khách hàng lâu năm nhất của chúng tôi và một trong những nhà sưu tập vĩ đại nhất ở Đức. Nghe những lời này, khuôn mặt của ông thay đổi, thể hiện sự vui mừng và tự hào. Ông quay sang vợ mình, như muốn nói: “Bà nghe thấy chưa?” Ông nói với tôi bằng một giọng vui vẻ và dịu dàng:
     – Thật đấy, ông thật tốt bụng… Ông sẽ chiêm ngưỡng những thứ mà người ta không thể nhìn thấy hằng ngày, ngay cả ở thành phố Berlin sang trọng của ông. Những bức tranh mà ta sẽ không có bản sao đẹp hơn trong tủ của hoàng gia ở Vienna hoặc Paris. Ông thấy không, khi sưu tập trong sáu mươi năm, giờ đây đã tích lũy được những vật quý không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu nữa. Louise, đưa hộ tôi chiếc chìa khóa tủ.
     Đúng lúc đó, một điều bất ngờ đã xảy ra. Bà cụ nhỏ bé, đang đứng phía sau ông và đã lắng nghe chúng tôi nói chuyện bỗng giơ hai tay về phía tôi có vẻ cầu xin, và bà đang lắc đầu.Tôi không hiểu gì cả. Bà đến gần chồng, đặt tay lên vai và nói: 
    – Nhưng, Herwarth ạ, bây giờ là giờ ăn trưa rồi. Sau đó lại phải nghỉ ngơi như lời bác sĩ bảo. Vậy thì xin mời khách đến vào buổi chiều được không ạ. Anne-Marie sẽ đến, cháu biết rõ hơn tôi, và sẽ giúp ông khách.
     Vừa nói, bà vừa ra dấu năn nỉ tôi. Bây giờ tôi mới hiểu. Tôi đành cáo từ, và hẹn sẽ trở lại. Ông có vẻ không vui, như thể người ta vừa lấy mất món đồ chơi ưa thích của đứa trẻ. Ông nói:
     – Vấn đề không phải là xem ba hay bốn bức tranh vẽ tay, mà là hai mươi bảy bức, mỗi bức của một nghệ sĩ khác nhau, và tất cả đều hoàn chỉnh...  Vậy ông hãy đúng hẹn nhe, nếu không thì chúng ta sẽ không đủ thời gian để xem hết đâu. Ông sẽ rất ganh tị đấy, ông càng ganh bấy nhiêu thì chúng tôi, những nhà sưu tập, lại càng thích thú bấy nhiêu! Chúng tôi chỉ muốn gom lại tất cả báu vật cho mình, và không để lại cho người khác bất cứ thứ gì!
     Bà lão đưa tôi ra cửa, và tôi nhận thấy bà có vẻ rất ngượng ngùng, một nỗi lo âu thật sâu kín. Bằng một giọng nghẹn ngào, bà lại nói:
     – Con gái Anne-Marie của tôi có thể đến đón ông tại khách sạn không? Như thế sẽ tốt hơn, thưa ông.
     – Dạ thưa tôi rất vui lòng ạ.
     Một giờ sau, một người phụ nữ hơi lớn tuổi ăn mặc rất giản dị đến gặp tôi. Tôi nhận thấy cô ấy có vẻ ngập ngừng để nói lên điều khó nghĩ của cô, cứ mỗi lần định nói điều gì thì gương mặt cô lại đỏ lên, và đôi tay cứ nắm lấy nếp áo. Rốt cuộc cô cũng bối rối thốt lên:
     – Mẹ tôi bảo tôi đến gặp ông... Chúng tôi muốn xin ông… tin cho ông biết... một cách thẳng thắn... trước khi ông đến xem… Bộ sưu tập của cha tôi bị mất đi vài tác phẩm… Rất tiếc là một số lớn trong bộ sưu tập ấy…
     Cô hít vào một hơi thở thật sâu đoạn nói tiếp:
     – Ông sẽ hiểu sự tàn ác của thời gian là như thế nào... Lúc cha tôi 76 tuổi, ông vẫn còn muốn tham gia chinh chiến, nhưng thị lực của ông trở nên rất kém, còn ngoài ra sức khỏe của ông rất tốt. Trước đây ông còn đi bộ, nhưng bây giờ chỉ còn niềm vui duy nhất là ngắm nhìn bộ sưu tập của mình, đúng hơn là mỗi chiều ông đến sờ nắn những bức tranh yêu quý ấy, từng bức một, theo thứ tự mà ngày xưa ông đã sắp, và thuộc lòng, và chẳng quan tâm đến điều gì khác nữa. Mỗi ngày tôi đều đọc kết quả bảng đấu giá cho ông, và khi biết rằng giá tranh xưa ngày càng cao, ông càng vui sướng. Và điều kinh khủng hơn hết, thưa ông, là cha tôi không hiểu gì về giá cả thị trường cũng như thời đại hiện nay. Ông không hiểu là chúng tôi đã mất hết tất cả, và với số tiền hưu hằng tháng của ông thì không thể sống đến hai ngày. Và nỗi khó khăn lại thêm chồng chất khi anh rể của tôi đã hy sinh ở trận chiến, để lại vợ và bốn con thơ. Cha tôi không hề biết đến những thiếu thốn vật chất. Ban đầu chúng tôi ăn tiêu rất dè sẻn, nhưng rồi cũng không kham nổi, nên đã bán vài món trang sức để dành bấy lâu. Nhưng hỡi ôi! Cũng không thấm vào đâu vì ông tiêu đến đồng pfennig cuối cùng để mua tranh. Rồi một hôm, trong nhà không còn gì để bán nữa. Không biết xoay sở thế nào, mẹ tôi và tôi phải đem bán món đầu tiên trong bộ sưu tập. Cha tôi sẽ không bao giờ cho phép làm điều ấy. Ông ấy không biết gì cả, không biết thời thế khó khăn thế nào, không biết là đất nước đã thua trong cuộc chiến, vì chúng tôi không đọc tin tức cho ông nghe. Bức tranh mà chúng tôi bán rất có giá trị. Đó là tranh khắc axit [3] của Rembrandt.
     Người mua trả cả triệu marks, chúng tôi tưởng rằng sẽ yên thân trong nhiều năm; nhưng rồi đem gởi ngân hàng, đến hai tháng sau thì chẳng còn gì cả, ông biết đó. Thế là chúng tôi buộc phải bán tấm tranh thứ nhí, rồi lại thêm bức nữa. Tiền gởi đến quá trễ, nên lại mất giá. Rồi chúng tôi tham dự những cuộc bán đấu giá, và đã bị khách hàng lừa. Cứ thế từng bức tranh lại ra đi, chỉ có một hai bức là được giữ lại. Bởi vì lý do đó nên mẹ tôi đã hoảng lên khi ông đến nhà. Nếu cha tôi mang bộ sưu tập ra cho ông ngay lúc đó, thì mọi việc sẽ đổ bể. Chúng tôi đã thay thế bằng những bản sao giả hoặc chỉ đơn giản là những tấm bìa trắng, khi sờ vào thì cũng y hệt như bức tranh, để cho ông không nghi ngờ gì khi chạm đến vật quý. Chỉ sờ nắn chúng và đếm từng bức một, nét mặt cha tôi hiện lên niềm hân hoan vui thích như lúc xưa còn nhìn thấy chúng. Ông cũng cho rằng ở thành phố này không ai có đủ tư cách để ngắm những vật báu của mình. Ông yêu một cách say mê mỗi bức vẽ và khắc ấy, đến nỗi ông có thể u buồn đến tận cùng nếu biết được tất cả chúng đều không còn nữa. Từ khi người quản đốc bảo tàng Dresden qua đời, giờ đây ông là người đầu tiên mà cha nghĩ sẽ rất hân hạnh khoe kho báu của ông.
     Vì lý do đó – cô vừa nói vừa nhìn tôi, đôi mắt đẫm lệ – Chúng tôi van nài ông đừng làm cho cha tôi đau khổ, đừng làm cho chúng tôi thêm khổ đau. Xin ông đừng phá vỡ niềm ảo tưởng cuối cùng ấy. Xin ông giúp chúng tôi làm cho cha tin rằng tất cả những bức tranh của cha vẫn thật sự hiện hữu, khi cha miêu tả cho ông nghe. Có thể mẹ và tôi đã hành động không đúng, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác, thưa ông: sự sống là quan trọng, nhất là của bốn đứa bé đáng kể hơn rất nhiều so với những mảnh giấy đã sẫm màu. Và mỗi ngày ông ấy mân mê những tờ giấy đó trong suốt ba giờ đồng hồ, như nói chuyện với một người bạn thân. Và hôm nay có lẽ là ngày hạnh phúc nhất của ông, ngày mà ông chờ đợi trong bao nhiêu năm để khoe kho tàng với một vị rất am hiểu về hội hoạ.
     Cô ấy đã diễn tả bằng một giọng xúc động đến nỗi tôi khó có thể ghi lại một cách chính xác.Than ôi, tôi đã gặp nhiều người nghèo bị bóc lột một cách đáng xấu hổ và bị lừa dối một cách đê tiện, chỉ vì một mẩu bánh mì, mà phải dứt bỏ của cải quý giá nhất, tài sản thừa kế của tổ tiên họ, nhưng tôi chưa bao giờ gặp trường hợp như thế này, khiến tôi vô cùng bối rối. Tôi đã hứa sẽ giữ bí mật và giúp đỡ những người phụ nữ tội nghiệp này.
     Chúng tôi cùng nhau về nhà. Trên đường đi, tôi thấy kinh ngạc và buồn bã biết bao khi biết sự thiếu hiểu biết của họ đã bị lợi dụng một cách đau thương như thế nào.
     Vừa đến ngưỡng cửa, tôi đã nghe lời mời rất to và vui của ông cụ:
     – Mời vào! Mời vào!
     Đôi tai của người khiếm thị chắc hẳn đã nghe bước chân của chúng tôi trên cầu thang
     – Hôm nay ông ấy không hề chớp mắt, ông ấy vô cùng nôn nóng khoe báu vật của mình.
     Bà cụ vừa nói vừa mỉm cười. Còn cô gái thì đã nói bằng mắt rằng tôi đã hiểu chuyện. Trên bàn là một chồng các bức tranh. Ông bắt tay tôi và mời tôi ngồi:
     – Đây này! Thật là nhiều quá, và các quý ông từ Berlin thì không bao giờ có thời gian cả. Đây là hầu như trọn bộ tác phẩm của danh họa Durer. Đây là bức Đại Mã!
     Một cách thận trọng như thể chạm vào một vật dễ vỡ, ông rút ra khỏi tấm bìa các-tông một miếng bìa cứng đóng khung một tờ giấy trống không ố vàng. Ông cẩn thận dùng đầu ngón tay nhấc tấm bìa lên ngay đôi mắt đờ đẫn của mình và say mê nhìn mà không hề thấy. Trên khuôn mặt của ông là sự ngây ngất kỳ diệu của sự ngưỡng mộ. Đột nhiên, không biết do sự phản chiếu của tờ giấy hay ánh sáng bên trong, đôi đồng tử cứng ngắc bất động của ông bật sáng lên:
     – Xem đây, ông đã bao giờ nhìn thấy một bản sao nào tuyệt hơn chưa? Thật là tinh túy, đến từng chi tiết nhỏ nhất. Tôi đã so sánh tờ này với bản sao của Dresden –  Ông lật tờ giấy lại và chỉ vào mặt sau, để cho tôi phải xem con dấu ở đó – Đây là con tem của bộ sưu tập Nadler, kia là của Rémy và Esdaile. Những nhà sưu tập nổi tiếng này không nghĩ rằng có ngày tuyệt phẩm của họ sẽ nằm trong căn phòng bé này.
     Tôi rùng mình khi thấy ông thốt lên bao nhiêu là lời ca tụng trước một tờ giấy trắng! Rồi với độ chính xác đáng kinh ngạc ông lấy đầu ngón tay chỉ vào những con dấu của nhà sưu tập chỉ còn tồn tại trong trí tưởng tượng của ông. Tôi đột nhiên có cảm giác như mình đang chứng kiến một trò ảo thuật. Cổ họng nghẹn lại, tôi không biết phải trả lời thế nào. Nhìn sang hai người phụ nữ, tôi lại thấy những cử chỉ van xin của họ. Vì vậy, tôi trấn tĩnh lại và bắt đầu diễn vai trò của mình.
     – A! Thật là một bản sao tuyệt vời!
     Ngay lập tức mặt ông rạng rỡ lên:
     – Tấm này chưa là gì đâu ông bạn ơi, tôi phải cho ông xem bức Nỗi Sầu và Niềm Đam Mê. Thật độc nhất vô nhị. Đây, ông có thấy vẻ tươi mát này, tông màu ấm áp và bạt lót hoàn hảo này không?
     Rồi những ngón tay của ông lần theo những đường viền tưởng tượng:
     – Tất cả những người buôn bán tranh ảnh và giám đốc các viện bảo tàng ở Berlin sẽ phải ganh tị!
     Ông cứ tiếp tục như thế trong suốt hai tiếng đồng hồ để thuyết mình dài dòng một cách long trọng. Quý vị ạ, tôi không thể miêu tả ấn tượng huyền hoặc của cuộc phô trương mớ giấy lộn này, mà trong trí tưởng tượng của con người tội nghiệp, chúng vẫn hiện hữu thật đến nỗi ông lần lượt mô tả chúng mà không có chút sai sót nào, với những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Bộ sưu tập vô hình từ rất lâu đã được phân tán khắp bốn phương trời, vẫn tồn tại, và không hao mòn mẻ sứt tí nào đối với người khiếm thị, người bị lừa dối vì lòng từ bi này.  
     Sự quá nhiệt tình, sự cởi mở của ông khiến chính tôi cũng bắt đầu tin vào điều đó. Chỉ một lần duy nhất sự tự tin trong cơn miên hành của ông xuýt phải thua: Ông vừa khoe về độ chính xác của đường cắt trong bức tranh Antiope của Rembrandt, một tác phẩm chắc hẳn là vô giá. Những ngón tay rất nhạy cảm của ông lần theo những đường nét của bức vẽ một cách âu yếm bỗng dưng đã không nhận ra dấu vết trên tấm bìa. Vẻ mặt ông sa sầm lại, và ông nói thầm một cách ngập ngừng: “Bức này rõ ràng là Antiope mà!” Ngay lập tức, tiếp tục diễn vai trò của mình, tôi cầm lấy tờ bìa đóng khung và bắt đầu miêu tả một cách nhiệt tình và đến từng chi tiết nhỏ nhất bản khắc axit mà trí óc tôi đã ghi nhớ rất chính xác. Bấy giờ khuôn mặt của ông mới hết căng thẳng. Tôi càng tán dương kiệt tác này bao nhiêu thì gương mặt héo úa của ông càng lộ rõ sự thân tình vui vẻ tột bực. “Thế là ít ra cũng có người thông thạo.” Ông quay sang hai người phụ nữ và nói: “Cuối cùng, một chuyên gia đã xác nhận sự vô giá của những bức tranh này. Mẹ con bà luôn cằn nhằn tôi đã đem hết tiền vào bộ sưu tập này. Tất nhiên là mọi việc không dễ dàng chút nào. Trong sáu mươi năm, không bia, không rượu, không thuốc lá, không du lịch, không đi xem hát, chỉ dành dụm cho bộ sưu tập này! Nhưng các người sẽ thấy: khi tôi không còn đây nữa, bà và con sẽ trở nên giàu, giàu hơn tất cả dân trong thành phố, giàu như những người giàu có nhất ở Dresden. Sau đó, các người sẽ thấy vui mừng vì sự điên rồ của tôi. Nhưng chừng nào tôi còn sống, không một tờ giấy nào ra khỏi nhà. Hãy mang tôi đi trước rồi sau đó mới đến bộ sưu tập của tôi.”
     Vừa nói, ông vừa vuốt ve những tấm bìa trắng nhách  như thể đó là một người thân yêu. Một cảnh tượng thật kinh ngạc và cảm động! Trong suốt những năm chiến tranh đau buồn vừa qua, tôi chưa bao giờ thấy một khuôn mặt nào bừng lên niềm hạnh phúc trong sáng và hoàn hảo như thế. Hai người phụ nữ đứng bên cạnh ông sững sờ như hình những vị thánh mà ta vẫn thấy trên các bức tranh xưa trước ngôi mộ của Đấng vừa sống lại. Niềm hạnh phúc bừng sáng trên khuôn mặt nhăn nheo của họ, với đôi mắt vui cười ướt đẫm nước mắt. Còn ông ấy vẫn còn ngụp lặn trong vui sướng với lời khen của tôi.  Tôi thở phào nhẹ nhõm khi những bức tranh phỉnh gạt ấy cũng được mang đi và họ đem cà phê đến.
     Niềm cảm hứng tuôn trào khiến ông có vẻ trẻ lại rất nhiều. Rồi ông vừa kể cho tôi nghe những lần ông mua được tranh như thế nào vừa mò mẫm sờ vào bức tranh. Cho đến khi tôi nói đã đến lúc tôi phải cáo từ, thì ông tỏ ra bực tức và giậm chân như đứa trẻ. Ông nói:
     – Ồ, không thể được, ông bạn mới nhìn thấy có một nửa kho tàng của tôi thôi!
     Khi thấy ông ngoan cố như vậy, hai người đàn bà giải thích một cách khó khăn rằng phải để cho tôi đi nếu không sẽ bị nhỡ chuyến tàu. Sau khi không thể làm gì được, một cách tuyệt vọng, ông cầm lấy tay tôi, vuốt ve theo cách trìu mến của một người khiếm thị như thể muốn chứng tỏ tình cảm mà lời nói không thể diễn tả được hết.
     – Cuộc viếng thăm của ông đã mang cho tôi một niềm vui vô tận, – Giọng nói ông đầy xúc cảm mà tôi không bao giờ quên được – Thật là một sự an ủi lớn lao cho tôi khi được tiếp một người sành về hội họa như ông. Nhưng ông đã không hoài công khi đến nhà một người khiếm thị tội nghiệp. Tôi hứa sẽ thêm một điều khoản vào di chúc của tôi rằng ông sẽ chịu trách nhiệm về cái vinh dự bán đấu giá bộ sưu tập của tôi. Ông hãy hứa với tôi rằng ông sẽ thực hiện một danh mục thật đẹp mắt nhe. Đây sẽ là bia mộ của tôi đó.
     Tôi nhìn vợ và con gái ông. Họ nép vào nhau, bỗng rùng mình và cả hai hợp thành một cơ thể đang run lẩy bẩy. Phần tôi, một cảm xúc kỳ quặc dâng lên khi tôi nghĩ ông cụ đáng thương này, vẫn không một chút nghi ngờ, đã giao cho tôi việc bán bộ sưu tập của ông, một bộ tranh quý đã bay đi tứ phương từ rất lâu rồi. Quá cảm động, tôi đã phải hứa những điều mà tôi sẽ không bao giờ có thể giữ lời được. Và rồi, đôi mắt đờ đẫn của ông lại sáng lên. Qua cái nắm tay của ông, tôi cảm nhận được cả tâm huyết của ông phó thác cho tôi. Hai người phụ nữ tiễn tôi đến cửa. Họ không dám nói chuyện với tôi. Đôi tai rất nhạy của ông sẽ nghe được những lời thì thầm nhỏ nhất. Nhưng đôi mắt đẫm lệ của họ biểu lộ lòng biết ơn đối với tôi. Tôi lảo đảo bước xuống cầu thang như trong mơ. Trong thâm tâm, tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi đã đến như một thiên thần của một câu chuyện cổ tích trong ngôi nhà của những người nghèo khó. Tôi đã phục hồi thị lực cho một người mù trong hai giờ, cố ý nói dối và tiếp tay cho một sự lừa dối có lương tâm. Thật ra, tôi muốn đến để có được một vài món quý hiếm bằng mưu mẹo. Nhưng điều mà tôi mang về chính là thứ vô giá này: ký ức về một nhiệt huyết sống động và thuần khiết, về một sự phấn khích tinh thần hoàn toàn tận tâm cho nghệ thuật mà con người dường như đã đánh mất từ lâu. Lòng tôn kính sâu sắc tràn ngập trong tôi, nhưng tôi cũng cảm thấy có một nỗi nhục nào đó len vào mà không hiểu tại sao. Khi ra tới đường, tôi nghe thấy tiếng cửa sổ mở mạnh ra và có ai gọi tên tôi. Ông cụ đã kiên quyết nhìn theo tôi với ánh mắt không hồn. Ông nhoài người thật xa ra bên ngoài cửa sổ đến nỗi hai người phụ nữ phải giữ chặt người ông. Ông vẫy chiếc khăn tay và hét to: "Chúc ông đi đường bằng an!" thật trong trẻo và hân hoan như giọng trẻ thơ. Tôi sẽ không bao giờ quên niềm vui của người đàn ông ấy. Trên cao ông đang thanh thản hạnh phúc, còn bên dưới là những người qua đường tất bật và đầy âu lo. Một ảo ảnh an lành như một đám mây mờ ảo che khuất thế giới thực tại cùng vô vàn hỗn loạn mà ông không bao giờ biết được. Và tôi nhớ đến câu nói rất thiết thực này, hình như của Goethe: “Các nhà sưu tập là những kẻ hạnh phúc.”

 

– Stefan Zweig

(ThaiLan dịch)

 

Chú thích của người dịch:

 

[1] 1870: Chiến tranh Pháp-Phổ (Đức ngày nay).

[2] Thaler: Đồng tiền bằng bạc của Đức.

[3] Tranh khắc axit (tiếng Anh: etching) là kỹ thuật dùng axit hay thuốc cẩn màu (mordant) để cắt các chi tiết của một tấm kim loại, từ đó tạo ra những nét khắc chìm (intaglio). Kỹ thuật này được áp dụng trong tranh in từ khoảng đầu thế kỷ thứ 16.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tại Matter Studio Gallery, bắt đầu ngày 8 tháng 12, 2024 và kéo dài đến hết ngày 5 tháng 1, 2025, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng sẽ trình làng bộ sưu tập tranh mới nhất mang tên Chances Matter. Đây là dịp hiếm hoi để giới mộ điệu nghệ thuật thâm nhập vào một thế giới sáng tạo riêng biệt, nơi nghệ thuật không chỉ là cái đẹp mà còn là câu chuyện của sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên.
Dịch thơ, nói theo Bùi Giáng, là “điều khảm kha nhất” và đó phải là thơ hay bởi, trừ những ngoại lệ đặc biệt, chẳng dịch giả nào phí thì giờ với thơ dở. [1] Sự “khảm kha”, như thế, phải thuộc về cái nghệ thuật chuyển đạt, sao cho giữ được hồn cốt làm nên cái hay của bài thơ trong một ngôn ngữ khác.
Phòng triển lãm "For Me and You" ở Gallery One trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đa ngành của Ann Phong và Gloria Gem Sánchez trình bày sự giống nhau về ý tưởng của hai họa sĩ Ann Phong và Sanchez khi cả hai đều sử dụng vật liệu hỗn hợp tạo dựng tác phẩm để phản ánh sự suy nghĩ về cách sống, cách quản lý môi trường của chúng ta đồng thời thu hút sự chú ý đến tác động chung của chúng ta đối với hệ sinh thái mà chúng ta đang sinh sống và truyền lại cho các thế hệ tương lai. Triển lãm "For Me And You" tại: Irvine Fine Art Center: 14321 Yale Ave, Irvine, CA 92604. Khai mạc vào thứ Bảy 16 tháng 11, 2024. Từ 2-4 giờ chiều. Cuộc triển lãm kéo dài từ 16 tháng 11, 2024 đến 25 tháng 1, 2025. Ngày giờ mở cửa: Thứ Hai-Thứ Năm 10am-9pm. Thứ Sáu-Thứ Bảy: 10am-5pm. Đóng cửa Chủ Nhật.
Trong thế hệ ca nhạc sĩ trẻ của nền âm nhạc Sài Gòn trước 1975, cặp uyên ương Lê Uyên - Phương có một chỗ đứng đặc biệt, độc nhất. Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phương kéo dài từ đầu thập niên 1970s ở Miền Nam sang đến tận Hoa Kỳ sau 1975, cho đến khi ông mất vào năm 1999. Nhiều ca khúc Lê Uyên Phương cho đến nay vẫn chưa được chính thức phổ biến, phát hành. Để tưởng nhớ 25 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa, ca sĩ Lê Uyên sẽ tổ chức đêm nhạc chủ đề “Lê Uyên Phương 25 Năm Cuộc Đời– Tình Yêu – Âm Nhạc” tại Saigon Grand Center thành phố Fountain Valley vào ngày 7 tháng 12 2024.
Cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ và trên toàn thế giới đang tiến tới một cột mốc quan trọng: 50 năm ly hương kể từ sau biến cố Tháng Tư Đen 1975. Nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật được thực hiện có liên quan đến sự kiện này. Tại đại hội điện ảnh Viet Film Fest 2024 vừa được tổ chức vào đầu tháng 10, bộ phim đoạt giải Trống Đồng dành cho phim dài xuất sắc nhất là New Wave của nữ đạo diễn Elizabeth Ai. Bộ phim tài liệu này ghi nhận lại một hiện tượng âm nhạc quan trọng của thế hệ người Việt trong thập niên 1980s: dòng nhạc new wave. Thế nhưng bộ phim không chỉ dừng lại ở khía cạnh âm nhạc, mà đào sâu hơn vào mâu thuẫn trong những gia đình Việt Nam trong những ngày đầu định cư ở Mỹ.
Thời gian là thứ được người ta ví như vó câu, vụt một cái là biến mất, chẳng bao giờ trở lại, có muốn níu cũng vô ích. Họa sĩ Phan Nguyên không dại chi mà níu, anh ghi lại rồi mặc cho nó sổng ra chạy đi. Tôi muốn nói tới anh, một người đã âm thầm lưu giữ những mảnh vụn thời gian của giới văn học nghệ thuật bằng cách ghi lại trong “Mượn Dấu Thời Gian”, tên tiếng Pháp là “Emprunt Empreinte”. Anh tâm tình: “Là một “sân chơi” rất riêng của Phan Nguyên từ khá lâu với giới văn nghệ sĩ, thân hữu gần xa, trong và ngoài nước, không phân biệt tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến gì cả, miễn là họ đã có những tác phẩm hay, đẹp để lại cho đời và cho thế hệ mai sau, miễn là họ đã đóng góp cái phần tinh túy nhất của con người, của chính mình cho văn học nghệ thuật Việt Nam hay thế giới nói chung”.
Để ta cùng vượt thời gian, không gian. Một trăm năm nữa, nếu có cơ duyên hội ngộ, vẫn chuyện trò tự nhiên, vui vẻ, như từng gặp gỡ tự bao giờ. Vui vẻ, vì cả đời chỉ thích viết văn, làm thơ. Viết văn, trừ trường hợp bất khả kháng, tôi vẫn cố gắng viết vui, cho bạn đọc đỡ nản. Nay tự nhiên lâm cảnh ngặt nghèo, phải đem chuyện vật lý, khoa học, Vũ trụ càn khôn, vừa nhàm chán vừa khó hiểu, ra trình làng… nên càng phải cố viết vui, viết giễu. Để may ra vớt vát được phần nào.
Trong lãnh vực sáng tác từ ngôn ngữ cho đến tác phẩm trực quan, các chuyên gia và các tác giả đang quan tâm đến khả năng sáng tạo của AI, sự hiện diện và tác dụng của trí thông minh nhân tạo sẽ làm thay đổi quan niệm và phương pháp, kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống. Các chuyên gia về máy học dự đoán rằng AI sẽ "viết" một cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times vào năm 2049 (Grace và cộng sự, 2018; Hall, 2018). Lãnh vực sáng tạo tính toán đã được xác định là biên giới tiếp theo trong nghiên cứu AI (Colton & Wiggins, 2012) và có ý nghĩa hấp dẫn đối với ngành công nghiệp văn học. Các thuật toán có khả năng tạo ra ngôn ngữ tự nhiên (Gatt & Krahmer, 2018) Các nghiên cứu về sáng tạo tính toán tập trung vào việc xác định các yếu tố cốt lõi của các hình thức sáng tạo (như văn học, nghệ thuật thị giác và âm nhạc) theo góc nhìn thuật toán, với mục đích sao chép hoặc kích thích sự sáng tạo của con người (Turner, 2014; Besold và cộng sự, 2015; Veale và cộng sự, 2019).
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.