Thuỷ Triều nhắn tin, mời gia đình tôi dự thánh lễ giỗ đầu của Cô Chúc. Vậy mà đã giáp một năm ngày Cô Chúc về với Chúa! Thời gian tựa thoi đưa. Vừa qua một cái Tết con mèo khá lạnh. Ngoảnh đi ngoảnh lại, ai còn, ai mất?
Trong lễ tang của Cô năm ngoái, tôi nghe ba cô con gái kể chuyện về Mẹ của mình mà thương! Bao nhiêu tâm tư ùa ra trong nỗi niềm thương nhớ: cách Cô sống, cách Cô dạy con, cách Cô cư xử ở đời. Thuỷ Trân nói, lần đầu đưa bạn trai về, Cô Chúc ngờ ngợ, rồi hỏi tên tiếng Việt, mới biết chàng rể tương lai là học trò Việt ngữ ngày nào. Mà không chỉ chàng rể học tiếng Việt với Cô, mà cả mấy anh em của chàng cũng là học trò của Cô hết! Lắng nghe những câu chuyện gia đình xen trong nước mắt nhớ thương của ba cô con gái làm tôi chạnh lòng. Cô Chúc là một người mẹ tuyệt vời! Cô sẽ luôn ở bên các con và cả nhà, cho dù thân xác Cô đã về với lòng đất.
Đám tang của Cô, mọi người đến dự thật đông. Thân bằng quyến thuộc của gia đình, bạn bè của các con. Ba cô con gái tham gia Văn Phòng Giới Trẻ, dạy Giáo lý, dạy Việt ngữ. Ngày thứ Tư lễ tro một tuần sau đám tang Cô, tôi đi lễ, nhớ Cô Chúc, cầu nguyện cho Cô và thăm hỏi các em. Tôi mừng thấy ba chị em đã trưởng thành và có đời sống tốt đẹp. Cô Chúc ra đi ắt cũng an lòng. Cả ba chị em đều chăm sóc cho con cái kỹ lưỡng và chu đáo. Nhìn thấy ba “học trò ruột" của Cô Chúc làm mẹ giỏi như vậy, ai cũng biết đó là di sản Cô đã để lại cho các con, nhất là trong thời gian Cô còn sống, Cô đã chính tay chăm sóc cho cả một đàn cháu ngoại từ lớn đến bé. Thuỷ Tiên thì đã lập gia đình nhiều năm trước, con cái nay đã lớn khôn. Thuỷ Trân thì có hai con nhỏ, còn tay bồng tay bế, một bé mới mấy tháng tuổi khi Cô mất. Thuỷ Trân nói, “Mỗi lần con chăm sóc mấy đứa con của con là con nhớ Mẹ rất nhiều, và con cám ơn Mẹ đã sinh ra con.” Thuỷ Triều thì mê bé Riley như điếu đổ. Con còn nhỏ thì cực nhưng là niềm vui vô bờ. Mê đến nỗi, hai vợ chồng Thuỷ Triều chọn trông con ở nhà để có thể chăm sóc cho con mình được chu đáo nhất. Hai vợ chồng vừa sửa nhà vừa sinh con, cực mà vui khi xây tổ ấm cho gia đình nhỏ của mình.
Thầy Tùng nhớ, Cô Chúc rất vững vàng trong lúc đau bệnh. Ngay cả khi chuẩn bị từ giã cõi đời, Cô rất bình an và vui vẻ, chấp nhận đau đớn, dọn mình sẵn sàng để về nhà Cha. Cô dặn gia đình đừng đau buồn vì việc Cô ra đi là ý Chúa. Cô cùng gia đình chọn áo dài để mặc cho Cô khi tẩm liệm. Cả nhà cùng chọn chiếc áo cô mặc trong lễ cưới của con gái ít năm trước đó. Trong suốt thời gian bị bệnh, Cô âm thầm chịu đựng, không báo cho ai biết, vì Cô không muốn người khác phải lo lắng vì mình, và không muốn họ cảm thấy đau lòng cho Cô. Tin Cô ra đi làm nhiều người bất ngờ là vì vậy. Hơn nữa, trong bao nhiêu năm gắn bó với Trường Việt Ngữ Cộng đoàn Westminster, Cô chưa nghỉ dạy ngày nào. Nếu có công việc gì vào chiều thứ bảy, Cô cũng tìm cách thu xếp để đi dạy Việt ngữ đều đặn. Thậm chí, khi đã phát bệnh, Cô vẫn tiếp tục đi dạy, cho đến một tháng trước khi lâm chung, khi không còn đi lại được và chịu đau đớn nhiều thì Cô mới thôi. Có lẽ vì vậy mà Thầy Tùng thích nhất tấm hình Cô mặc áo dài tím trong một sinh hoạt Việt Ngữ năm nào. Từ ngày Cô mất, Thầy vẫn giữ hình này trong xe để Cô vẫn luôn là người bạn đồng hành với Thầy trên mọi nẻo đường.
Trong suốt 26 năm trời, Cô Chúc là người làm vườn chung thuỷ trên cánh đồng văn hoá Việt Nam hải ngoại, kiên trì gieo đến hạt giống cuối cùng trước khi nằm xuống, tại “ngôi trường làng” Việt Ngữ Cộng đoàn Westminster. Những thế hệ ngoại biên hôm nay rất may mắn, vì có rất nhiều những Thầy Cô giáo Việt Ngữ tận tâm như Cô Chúc, nên cánh đồng Việt Ngữ tại Quận Cam và nhiều nơi khác tại hải ngoại vẫn ngày một bừng nở. Và các con của Cô cũng tiếp tục công việc giảng dạy tiếng Việt ngay tại nhà cho thế hệ tiếp nối.
Như bao gia đình tỵ nạn khác tại hải ngoại, gia đình Cô Chúc cũng mang theo dấu ấn lịch sử của dân tộc Việt Nam ở cuối thế kỷ 20, khi miền Nam bị cưỡng chiếm và bao nhiêu người phải bỏ nước ra đi tìm tự do. Thủy Tiên vừa chào đời đầu năm thì tới tháng Năm, Thầy Tùng đi tù cải tạo ở Thanh Hóa năm năm. Khi Thầy được trả tự do, Thầy Cô có thêm hai cô con gái nữa. Câu chuyện của Cô Chúc là câu chuyện của bao người vợ tù cải tạo, một mình chăm lo cho con dại và góp nhặt để đi thăm nuôi chồng trong những ngày điêu linh của một quê hương bị gông cùm.
Trong suốt 74 năm dài, Cô Chúc sống giữa đời với một trái tim người mẹ, một trái tim nhà giáo, một trái tim Việt Nam. Không ai không rơi nước mắt trong lúc tử biệt sinh ly. Mà có những dòng nước mắt vẫn rơi dài sau một năm đằng đẵng tử biệt. Trong thánh lễ giỗ đầu, Thuỷ Trân đọc bài thánh thư mà không khỏi xúc động đến rơi lệ. Thầy Tùng nghẹn ngào ngỏ lời cám ơn Cha chủ tế mà không cầm được nước mắt. Thầy chia sẻ, “Mới đó mà đã một năm. Chúng con cứ nghĩ là điều này không có thật, nhưng thật ra thì nhà con đã về với Chúa rồi. Chúng con chỉ biết vâng theo thánh ý Chúa và sống tốt đẹp hơn thôi.” Thầy nhớ lại, Cô Chúc cả đời không bệnh đau chi hết, nhưng khi vào bệnh viện một lần thì đã ra đi nên trong ngày giỗ đầu của Cô, chồng con vẫn còn ngỡ ngàng vì sự ra đi đột ngột và bất ngờ ấy.
Mỗi con người rồi sẽ ra đi, nhưng mỗi người cũng sẽ để lại thật nhiều khi đời sống của họ là một chuỗi dài tận hiến, cho đi, yêu thương, và dấn thân cho gia đình và cho xã hội. Cô Chúc đi rồi, nhưng tình mẫu tử ngọt ngào của Cô, tình thương yêu bao la dành cho thân nhân và tha nhân, đời sống yêu thương tận tụy của một nhà giáo của Cô vẫn còn lan chảy quanh đây. Như miền nắng Xuân hồng, mãi tuôn tràn trên những người Cô thương và thương Cô. Còn đọng lại mãi trên đàn con cháu thân yêu, qua những bài học làm người, làm con Chúa, làm người Việt tại Mỹ mà Cô đã dạy không chỉ qua những bài học trên bục giảng, mà qua chính đời sống Đức Tin rất mẫu mực và tuyệt vời của Cô.
Cô Chúc ơi, we love you! Xin tạ ơn Chúa đã ban cho đời một người Mẹ, một nhà giáo, một người Công Giáo như Cô. Xin tạ ơn Chúa cho một miền nắng Xuân hồng.
– Trangđài Glassey-Trầnguyễn