Chuyện tuổi già

18/02/202312:43:00(Xem: 1679)
Tùy bút

sunset


Những ngày cuối năm âm lịch, bận rộn nhiều việc: dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng bàn thờ, mua sắm, lo cúng lễ, chuẩn bị phong bì lì xì... nhưng tâm trí tôi vẫn nhớ về người anh thứ hai của mình. Tất cả tái hiện và trôi đi trong dòng nhớ miên man về những cái Tết đã qua trong đời từ khi mình có nhận thức lúc ở quê cũng như khi ra phố bên gia đình và mãi sau này khi làm ăn xa, đón Tết với vợ con.

 

Anh Hai qua đời ở tuổi 83 sau một cơn bạo bệnh vài năm. Dù là người luôn bi quan nhưng từ khi bệnh, anh sống lạc quan hơn và nhờ đó, kéo dài những ngày tại thế của mình với tâm thế nhẹ nhàng, vui vẻ. Những ngày Tết, anh thường nói đùa: “Với người già, khi nói mừng họ thêm một tuổi cũng là chia buồn họ vì giảm đi một năm sống, tức là tiến dần về cõi chết!” Tôi không biết anh đọc được ý này từ đâu hay tự nghĩ ra. Nói đùa nhưng là một sự thật thâm thúy!

 

Tôi quan sát mình khi bước qua tuổi 73 cũng là 74 theo “tuổi mụ” (tuổi âm lịch). Quan sát, thấy được gì? Bước đi chậm rãi hơn (một cách chủ động) vì không dám đi nhanh, sợ té ngã, xương sẽ khó lành. Làm việc gì cũng cẩn thận, chậm chạp hơn như cầm đồ thủy tinh sợ dễ rớt bể, (một việc làm hoàn toàn có ý thức). Cái phổ biến nhất là làm việc gì cũng muốn mau xong, việc này chưa xong muốn làm qua việc khác như chạy đua với thời gian cho kịp Tết, điều mà dân gian gọi là việc nọ xọ việc kia và trí nhớ không còn chiều mình như thời trai trẻ. Tôi luôn chống lại cái bất trị này của đầu óc, chống lại cái suy nghĩ mình đã già nhưng không thể.

 

Tả về người già, người ta thường dùng hình ảnh “đầu bạc răng long” hay “da mồi tóc bạc”. Việc này ở tôi là có thật, tóc ít dần đi, sợi tóc mềm so với thời trai trẻ và răng thì tùy người, có lúc “vô tổ chức kỷ luật” như bài hát “Răng đi tìm tự do” hồi xưa đã nghe. Da không còn láng (vì chất nhờn tiết ra ít dần), cũng không còn mùi thơm mà chuyển sang mùi khét như khét nắng và có người tuổi càng cao thì xuất hiện tàn nhang, đồi mồi khá nhiều.

 

Thị lực và thính lực cũng giảm đi. Người lạc quan thường cho rằng đây là sự an bài tuyệt vời của tạo hóa, mắt nhìn yếu và tai nghễnh ngãng để khỏi nghe/ thấy những chuyện “trái tai gai mắt” ở đời. “Đi vào hoàng hôn của cuộc đời, như đi vào vùng ánh sáng điều hòa, ít chói chang hơn, mắt khỏi bị lóa bởi những rực rỡ của bao ham muốn. Người ta nhìn mọi vật đúng với thực chất của nó”. Đây là nhận định về người sau 60 tuổi của một tác gia tôi sẽ nhắc đến ngay dưới đây. Đó là: Nhà văn Pháp, André Maurois (1885-1967), trong các tác phẩm của mình, viết về tuổi già, rất thích: “Kỳ lạ thay cái tuổi già! Không ai nghĩ mình sẽ già! Họa chăng là kẻ khác có thể già còn mình thì không. Cho đến một hôm gặp lại người bạn cũ của 30 năm về trước, thấy trên nét mặt bạn mình nét già nua tuổi tác, mới chợt giật mình nhưng cũng nghĩ đó là chuyện của bạn. Già đến với ta một cách từ từ, khó mà nhận biết”. (Trích dẫn bởi BS Đỗ Hồng Ngọc trong “Già ơi, chào bạn”). Tôi liên tưởng đến việc này khi, rất nhiều lần, gặp lại bạn cũ, học trò xưa, thấy nhiều người già đi, chợt nghĩ lại mình. Thì ra, mình cũng không khác gì họ!

 

Cách đây khá lâu, hồi cuối tháng 5/2008, tôi có dịp cùng vài anh bạn từ Nha Trang lên Phương Bối Am (Bảo Lộc) thăm nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi, Sao Trên Rừng). Câu chuyện giữa chúng tôi và anh kéo dài cả buổi, liên quan đến nhiều vấn đề nhưng anh vẫn lặp lại nhiều lần ý này: “Sống trên 60 tuổi là lời lắm rồi, tuổi càng cao thì lời càng nhiều!” Hồi đó, tôi mới 58 tuổi và anh đã 71. Bây giờ thì... tôi lời hơn anh lúc đó rồi!

 

Những ngày Tết vừa qua, đến chúc Tết bạn bè tuổi hàng 7, hàng 8. Câu chuyện xoay quanh vấn đề sức khỏe và tuổi tác, chúng tôi có nhiều mẫu số chung về biểu hiện của tuổi già, kể cả một anh bạn nhà văn ở xa gọi về thăm và chúc Tết. Tất cả đều có những bước chuẩn bị về thân, tâm, có một “kế hoạch già”, một “nghệ thuật già”nên họ biết hưởng thứ hạnh phúc trời cho kiểu “hưởng lạc dư niên” của người xưa. Mừng cho họ và mừng cho nhau dù rằng cũng có người không bằng lòng khi than van về những bệnh tật mang trong người và cứ coi đó là... độc quyền của họ!

 

Chuyện “trí nhớ không chiều mình” như nói ở trên thì không ai tránh khỏi, chỉ là kẻ ít người nhiều – trừ những người mất hẳn trí nhớ mà y học gọi là bệnh Alzheimer do sự mất dần các neurons (tế bào thần kinh) và synapsis (kỳ tiếp hợp trong phân chia tế bào) trong vỏ não và một số vùng dưới não. Chuyện cũ, kỷ niệm xưa được nhớ lại, tái hiện lại rất nhiều, rất rõ nhưng chuyện mới vừa thì lại quên. Quên món ăn trong bữa ăn hai ngày trước, quên tên phim truyện đang coi hay nội dung tập trước, quên con số, tên người mới vừa đọc... Nói chung “kính thưa các kiểu” quên! Có những việc mình quên, đem hỏi vợ, cô ấy kể vanh vách nhưng cũng có việc không nhớ gì và cô ấy nói rằng, chỉ nhớ sự kiện chứ không thể nhớ ngày tháng!

 

Già kéo theo bệnh, đủ kiểu bệnh, có những bệnh từ thời trẻ tiếp diễn và những bệnh do tuổi già đem tới. Việc chữa trị đáp ứng nhanh hay chậm còn tùy gặp thầy thuốc giỏi hay thể lực của bệnh nhân. Dù máy giặt cửa trước Electrolux “70 năm vẫn chạy tốt” nhưng vẫn không thể nào tinh vi và bền bỉ như bộ máy “người”, chỉ là do con người không biết giữ gìn, chăm sóc hay tu bổ thân thể mình nên tỉ lệ những người già mà khỏe không quá 10% trong độ tuổi của họ. Và, “khổ” trong tứ diệu đế của nhà Phật tập trung vào Sinh, Lão, Bệnh, Tử có hai yếu tố là lão và bệnh.

 

So với định nghĩa tuổi già của Liên Hiệp Quốc, người già là người có tuổi từ 60 trở đi thì tôi đã quá tuổi “vào già” hơn một giáp. Ơn Trời, tôi luôn được khen từ nhiều người khác nhau trong nhiều thời điểm khác nhau là tôi ít già hay “quá trẻ so với độ tuổi”. Gặp nhau ngoài đường, nhiều người đoán tôi nhỏ hơn từ 3-5 so với tuổi thật. Tôi tin là lời khen này không sai. Khi có em học trò cũ hỏi bí quyết, tôi trả lời thiệt lòng là tôi lo cho mình cả thân, tâm, trí. Thân là lo tập thể dục đều đặn, biết ăn uống kiêng khem theo lời khuyên của nhà dưỡng sinh và thầy thuốc. Tâm là biết sống lạc quan, suy nghĩ tích cực theo lời khuyên của những nhà nghiên cứu luật hấp dẫn (Law of Attraction), giao tiếp với người trẻ để hấp thụ tinh thần trẻ trung của họ kể cả chơi với cháu nhỏ. Trí là chống lão hóa của đầu óc qua việc đọc và viết, tìm tòi, tham khảo. Nếu liên tục, kiên trì thực hiện những việc trên, hiệu quả sẽ thấy rõ.

 

Người phương Đông hướng nội, người phương Tây hướng ngoại. Đó là điều ai cũng biết. Tiếng chuông chùa ngân nga, kéo dài trong thinh không của sáng sớm hay chiều tà khiến tâm hồn con người lắng lại trong lúc tiếng chuông giáo đường luôn giục giã, thúc bách khiến người nghe sôi nổi, năng động hơn. Đó cũng là lý do khiến người Âu Mỹ sợ già trong lúc người Á Đông mong già, nếu không, cũng làm ra vẻ ta đây già!

 

Hiện nay, thực tế là từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, trái đất thu nhỏ lại để trở thành một “làng hành tinh”, thế giới dần trở nên “phẳng”, người phương Đông học hỏi những tiến bộ về khoa học kỹ thuật của người phương Tây trong lúc người phương Tây đổ xô tìm về những thành tựu của nền Triết học và Tôn giáo phương Đông cổ đại. Đó là sự giao lưu văn hóa tuyệt vời, một thứ ân sủng tạo hóa dành cho chúng ta mà ít người nhận ra và khai thác. Do vậy, theo thiển ý của người viết, bước vào tuổi già, chúng ta phải biết làm việc, tập các môn thể thao, các động tác thể dục phù hợp độ tuổi để chống già, sống “an bần lạc đạo”. Chuyện ăn uống nên biết tiết chế so với thời trai trẻ vì các bộ máy trong cơ thể không còn đủ mạnh như ngày xưa. Tuy vậy, cũng không nên theo lời khuyên của người xưa trong sách Luận ngữ: “Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du cũ” (七十而從心欲,不踰矩) vì ngày nay, nhờ tiến bộ của y học, tuổi thọ con người tăng lên rất nhiều, biết giữ gìn vẫn tốt hơn. Ngoài ra, phải biết nuôi dưỡng tinh thần và ý thức trẻ trung, năng động của người phương Tây, bỏ đi thói ù lì, an phận khi nghĩ mình đã già. Đó cũng là thuận theo Thiên mệnh. Làm được như vậy thì không lo ốm đau, chẳng lo chết chóc. Mà nếu phải chết cũng chỉ là hoàn thành quá trình làm người để sang một kiếp khác.

 

Chúc các bạn an hưởng tuổi già một cách vui tươi và tích cực nhất.

 

Nguyễn Hoàng Quý

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
Ngày 12 tháng 3 vừa qua, tác giả Trần Viết Ngạc vừa ra mắt cuốn sách "Bùi Huy Tín với Thực nghiệp Dân báo và Tràng An báo” tại Vườn Ý Thảo (số 3 Thạch Hãn, TP. Huế).
Thơ của các nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Thị Khánh Minh, Lưu Diệu Vân, Trần Hạ Vi, Trần Hoàng Vy.
Thuở xưa, theo lệ thường, những cô gái được tuyển vào cung bao giờ cũng phải được các vị nữ quan hoặc các viên thái giám dạy dỗ qua một hai khóa về lễ nghi để biết phép tắc cư xử trong cung, để ôn lại bổn phận người đàn bà, v.v... Một phụ nữ từ dân giả được tuyển vào cung, dần leo lên tới địa vị quốc mẫu lẽ nào lại không trải qua những khóa giáo dục đó? Khi đã được giáo dục mà không chịu theo phép tắc, hành động vượt lễ nghi đến nỗi gây tai tiếng trong dân gian thì khó ai chấp nhận được. Những động lực thúc đẩy mấy người “đàn bà yếu đuối” ấy dám đạp đổ cả lễ nghi của triều đình thường là tình yêu, tình dục, lòng tham... Liệt kê những phụ nữ này vào hạng “lộng hành phép nước” chắc hẳn không oan!
Luật sư biện hộ cho đây là do bệnh tâm thần gây nên. Có cách nào khác để giải thích cuộc mưu sát kỳ lạ này không?
Ông Bà Ly là tên mà gia đình chúng tôi nhắc đến người bảo trợ ở thành phố Perth khi nói chuyện với nhau, gọi bằng tiếng Việt cho dễ và thân mật. Tên thật của ông bà là Colin Russell và Meg Leith. Gia đình chúng tôi được chấp nhận cho đi định cư ở Úc và đến Perth, thủ phủ của tiểu bang Tây Úc vào mùa đông năm 1980...
Thơ của Quảng Tánh Trần Cầm & Nguyễn Hàn Chung
Buổi sáng cuối tuần, tôi vừa mở facebook thấy liền mấy cái friend requests trong đó có một tên khiến tôi phải dừng lại: BS Hoàng Hùng. Cái tên rất đặc biệt khó quên cho dù bao nhiêu năm đã trôi qua. Tôi liền vào xem profile, và đúng như trí nhớ của tôi, đó chính là người đã từng “thoáng qua đời tôi”...
Thuở xưa, theo lệ thường, những cô gái được tuyển vào cung bao giờ cũng phải được các vị nữ quan hoặc các viên thái giám dạy dỗ qua một hai khóa về lễ nghi để biết phép tắc cư xử trong cung, để ôn lại bổn phận người đàn bà, v.v... Một phụ nữ từ dân giả được tuyển vào cung, dần leo lên tới địa vị quốc mẫu lẽ nào lại không trải qua những khóa giáo dục đó? Khi đã được giáo dục mà không chịu theo phép tắc, hành động vượt lễ nghi đến nỗi gây tai tiếng trong dân gian thì khó ai chấp nhận được. Những động lực thúc đẩy mấy người “đàn bà yếu đuối” ấy dám đạp đổ cả lễ nghi của triều đình thường là tình yêu, tình dục, lòng tham... Liệt kê những phụ nữ này vào hạng “lộng hành phép nước” chắc hẳn không oan!
Anh - một tình yêu khái niệm | Chiều nhuốm chiều | Em nhuốm anh...
Mẹ tôi kể rằng ngày mẹ tôi còn thơ ấu, ở tận miền quê xa xôi, huyện Đông Anh hay Đông An gì đó thuộc tỉnh Thái Bình của bà, có một cây nhãn cổ thụ, cành lá sum suê râm mát, cây nhãn ngự trị nguyên một góc vườn lớn, độc lập, thoải mái, không chung đụng với một cây nào khác...
Thầy THÍCH PHÁP HÒA sẽ có buổi thuyết pháp tại chùa Bảo Quang vào thứ bẩy ngày 22 tháng 4 năm 2023, lúc 2 giờ chiều
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.