Nếu quý vị thắc mắc vì sao giá trứng gà tăng đột ngột đến chóng mặt? Một số người lại cho rằng vì đến thời điểm Tết Việt Nam nên các chợ lên giá do nhu cầu “Thịt Kho Trứng”. Lý do chính không cần phải có thuyết âm mưu để giải thích, mà là do dịch cúm gia cầm lây lan khắp nơi trên toàn cầu, lần đầu tiên trở thành bệnh dịch đặc hữu ở một số loài chim hoang dã truyền vi rút sang các loại gia cầm.
Theo hơn 20 chuyên gia và nông dân ở 4 châu lục, sự lây lan của virus trong các loài chim hoang dã đã tạo nên các đợt bùng phát cúm gia cầm không có khả quan sút giảm ở các trang trại gia cầm, làm gia tăng các mối đe dọa đối với nguồn cung cấp thực phẩm của thế giới. Họ cảnh báo các nhà nông phải coi căn bệnh này là một nguy cơ nghiêm trọng quanh năm, thay vì tập trung nỗ lực phòng ngừa chỉ trong đợt di cư mùa xuân cho các loài chim hoang dã.
Các đợt bùng phát vi rút đã lan rộng ở Bắc và Nam Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Châu Phi, bất kể cái nóng mùa hè hay cái lạnh mùa đông.
Thứ Tư, 15 tháng 2, Argentina và Uruguay đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vệ sinh quốc gia sau khi các viên chức xác nhận các ca nhiễm đầu tiên. Argentina đã tìm thấy vi rút ở chim hoang dã, trong khi những con thiên nga chết ở Uruguay cũng có kết quả dương tính với vi rút.
Giá trứng tăng cao kỷ lục sau khi dịch bệnh năm ngoái giết chết hàng chục triệu con gà đẻ trứng. Một số nước nghèo nhất thế giới đã không thể tiếp cận nguồn protein giá rẻ, chủ yếu vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang lao đao vì lạm phát cao.
Theo các chuyên gia, các loài chim hoang dã chịu trách nhiệm chính trong việc lây lan vi rút. Các loài thủy cầm như vịt có thể mang mầm bệnh mà không bị chết, rồi chúng truyền bệnh cho các loại gia cầm khác qua phân, nước bọt và các nguồn khác bị ô nhiễm.
Tại Hoa Kỳ, Rose Acre Farms, nhà sản xuất trứng lớn thứ hai của đất nước, đã mất khoảng 1.5 triệu con gà mái tại một trang trại ở Guthrie County, Iowa, vào năm ngoái, mặc dù bất kỳ ai muốn vào chuồng đều phải tắm rửa trước để loại bỏ vi rút.
Giám đốc điều hành Marcus Rust cho biết một trang trại của công ty ở Weld County, Colorado, đã bị dịch bệnh tấn công hai lần trong vòng sáu tháng, mất đi hơn 3 triệu con gà. Ông cho rằng gió đã thổi vi rút từ những cánh đồng gần nơi có đàn ngỗng sinh sống.
Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Nhật Bản nằm trong số các quốc gia bị thiệt hại kỷ lục về gia cầm trong năm qua, nhiều nông dân cảm thấy bất lực. Cúm gia cầm ở bắc bán cầu trước đây được coi là có nguy cơ cao nhất khi các loài chim hoang dã kéo nhau di cư mùa xuân.
Vi rút thường gây tử vong cho gia thú và toàn bộ đàn thú gia cầm sẽ bị tiêu hủy nếu chỉ một con bị nhiễm.
Gregorio Torres, người đứng đầu bộ phận khoa học của Tổ Chức Thú Y Thế Giới (World Organisation for Animal Health), một nhóm liên chính phủ và toàn cầu có trụ sở tại Paris, cho biết các loài chim hoang dã đã lây lan dịch bệnh ra khắp thế giới. Sự lây lan ngày càng rộng hơn bao giờ hết, có khả năng mang theo lượng vi rút kỷ lục. Ông cho biết loại vi rút này đã ‘tiến hóa’ từ những đợt bùng phát trước đó, trở thành một dạng có khả năng lây truyền cao hơn.
Torres không thể xác nhận vi rút này là đặc hữu ở các loài chim hoang dã trên toàn thế giới, mặc dù các chuyên gia khác cho biết vi rút này là đặc hữu ở một số loài chim ở những nơi như Hoa Kỳ.
David Suarez, giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu gia cầm Đông Nam (Southeast Poultry Research Laboratory) của chính phủ Hoa Kỳ ở Georgia, cho biết dạng vi rút lưu hành đang lây nhiễm cho nhiều loài chim hoang dã hơn so với các phiên bản trước, bao gồm cả những loài không di cư xa.
David Stallknecht, giám đốc Southeastern Cooperative Wildlife Disease Study tại Trường University of Georgia, cho biết kền kền đen, sống ở miền nam Hoa Kỳ, từng tránh được các dịch bệnh nhưng hiện cũng đang bị ảnh hưởng.
Vi rút cũng đã lây nhiễm sang các loài động vật như cáo, gấu và hải cẩu. Stallknecht nói: “Chỉ còn có thể tin vào phép màu, chứ tôi thực sự không nghĩ rằng vi rút sẽ biến mất.”
Stallknecht cho biết mức độ vi rút cao ở các loài chim như mòng biển cánh xanh, vịt di cư, đã giúp vi rút lây lan sang các vùng mới của Nam Mỹ. Trong những tháng gần đây, các quốc gia bao gồm Peru, Ecuador và Bolivia, đã báo cáo các ca nhiễm đầu tiên.
Các ca nhiễm ở Uruguay và Bolivia đã đẩy căn dịch bệnh đến gần nước xuất cảng thịt gà hàng đầu thế giới là Brazil, nước này chưa công bố có ca nhiễm nào. Bộ trưởng Nông Nghiệp Brazil Carlos Favaro cho biết họ đã điều tra ba trường hợp nghi ngờ, nhưng đều có kết quả xét nghiệm là âm tính.
Một số chuyên gia nghi ngờ biến đổi khí hậu có thể góp phần vào sự lây lan toàn cầu bằng cách thay đổi môi trường sống và đường di cư của các loài chim hoang dã.
Carol Cardona, một chuyên gia về cúm gia cầm và là giáo sư tại Trường Minnesota cho biết: “Động lực học của các loài chim hoang dã đã thay đổi và nó khiến cho các loại vi rút sống trong chúng cũng thay đổi theo.”
Các chuyên gia cho biết nông dân đang thử các chiến thuật khác thường để bảo vệ gia cầm; một số người sử dụng máy móc phát ra tiếng động lớn để xua đuổi chim hoang dã.
Ở Rhode Island, Eli Berkowitz, một nhà sản xuất trứng và giám đốc điều hành của Little Rhody Foods, đã phun chất khử trùng Lysol lên phân ngỗng trên lối đi trong trang trại của mình đề phòng vi rút. Ông cũng hạn chế không cho khách đến thăm trang trại. Berkowitz cho biết ông đang chuẩn bị cho tháng 3 và tháng 4, bước vào mùa di cư của các loài chim hoang dã, thời gian này rủi ro cho gia cầm sẽ lớn hơn.
Mặc dù vi rút có thể lây nhiễm sang người, thường là những người tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh, nhưng Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết nguy cơ đối với con người là khá thấp.