Hôm nay,  

NASA Sẽ Lựa Chọn Các Phi Hành Gia Tham Gia Sứ Mệnh Artemis Sắp Tới Như Thế Nào?

2/3/202300:00:00(View: 8155)
 
tin 1
NASA vẫn chưa chính thức chọn ai sẽ là những phi hành gia đầu tiên tham gia trong các Sứ mệnh Artemis, đó có thể là người đã từng lên vũ trụ và đã bay đến Trạm Không Gian Quốc Tế (ISS). Tuy nhiên, cải thiện sự đa dạng các ứng cử viên hiện llà mục tiêu trọng tâm hiện nay của NASA. (Nguồn: pixabay.com)
 
Xuyên suốt Sứ Mệnh Apollo, Hoa Kỳ đã đưa 12 phi hành gia lên Mặt Trăng; tất cả đều là đàn ông, và tất cả đều là người gốc da trắng. Phần lớn đến từ các lực lượng Hải Quân và Không Quân, những phi hành gia này minh họa cho lý tưởng của Hoa Kỳ về lòng dũng cảm và sự chính trực, nhưng đồng thời cũng có tính thiên vị. Khi tàu Apollo 11 đáp xuống Mặt Trăng vào năm 1969, nhiều người Mỹ gốc da đen không mảy may quan tâm đến sự kiện này. Liên Xô, đối thủ của Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua vào không gian, đã đưa một phụ nữ bay vào vũ trụ vào năm 1963. Nhưng Hoa Kỳ đã không làm điều đó mãi cho đến năm 1983, Sally Ride trở thành người phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên bay vào vũ trụ bằng tàu con thoi Challenger, đồng thời còn có phi hành gia người Mỹ gốc Phi đầu tiên, Guion Bluford.
 
Giờ đây, khoảng năm thập niên sau Sứ mệnh Apollo cuối cùng, NASA sẽ quay trở lại Mặt Trăng với Sứ mệnh Artemis. Sứ mệnh này đã bắt đầu vào tháng 11 năm ngoái với Artemis I, chỉ đưa người nộm vào không gian. Artemis II ngược lại sẽ mang theo một nhóm phi hành gia bay vòng quanh Mặt Trăng và quay về Trái Đất. Sau đó, Artemis III sẽ đưa con người lên bề mặt Mặt Trăng vào năm 2025 – nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch. Ngoài ra, NASA hy vọng sẽ có thể thiết lập một căn cứ trên Mặt Trăng cùng với một trạm vũ trụ nhỏ trên quỹ đạo Mặt Trăng, được gọi là Gateway.
 
Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết: “55 năm trước, chúng ta đã lên Mặt Trăng. Giờ đây chúng ta sẽ quay lại đó với người phụ nữ đầu tiên và người gốc da màu đầu tiên.”
 
NASA vẫn chưa chính thức chọn ai sẽ là những phi hành gia đầu tiên cho Sứ mệnh Artemis, đó có thể là người đã từng lên vũ trụ và đã bay đến Trạm Không Gian Quốc Tế (ISS). Mặc dù NASA đã công bố một nhóm gồm 18 phi hành gia thuộc “Artemis Team” hồi năm 2020, nhưng kể từ đó tới nay, nhóm này đã được mở rộng thêm, lên tới 42 thành viên. NASA đang sử dụng ISS làm nơi huấn luyện các phi hành gia cho các nhiệm vụ thám hiểm không gian xa xôi trong tương lai, cũng như đang tiến hành một loạt các đợt huấn luyện tại Johnson Space Center ở Houston.
 
NASA cũng đang mở rộng suy xét tới các phi công lái máy bay chiến đấu. Bất kỳ công dân Hoa Kỳ nào có tối thiểu bằng cấp thạc sĩ trong lĩnh vực khoa học hoặc toán học đều đủ điều kiện ghi danh trở thành phi hành gia, động thái này nhằm cải thiện sự đa dạng ứng cử viên. Nhóm ứng cử viên hiện tại gần như được phân chia đồng đều giữa nam và nữ, đồng thời cũng có tính đa dạng về sắc tộc, phù hợp với cấu trúc sắc tộc của Hoa Kỳ.
 
Dù vậy, số lượng phi hành gia là phụ nữ hoặc không thuộc gốc da trắng đã bay vào không gian vẫn còn khá ít. NASA đã công bố Equity Action Plan vào năm ngoái, nhằm cải thiện sự đa dạng trong toàn cơ quan.
 
Và dù những sáng kiến cụ thể như vậy rất quan trọng để đa dạng hóa ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và mở rộng đội ngũ phi hành gia, điều quan trọng đối với các phi hành gia trẻ là họ được thấy những người thuộc nhóm thiểu số cũng có thể tham gia vào các sứ mệnh cao cấp như các chuyến bay tới ISS; điều này sẽ truyền cảm hứng cho họ tiếp bước.
 
Vào năm 2019, Christina Koch và Jessica Meir của NASA đã thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên mà toàn bộ các phi hành gia tham gia là phụ nữ. Họ dành hơn bảy tiếng đồng hồ đi bộ ở bên ngoài ISS. Sau đó, vào năm ngoái, Jessica Watkins đã trở thành người phụ nữ gốc da đen đầu tiên thực hiện nhiệm vụ dài hạn trên trạm ISS, cô đã trở về Trái Đất vào tháng 10. Cô hy vọng sứ mệnh của mình sẽ truyền cảm hứng cho những cô gái và phụ nữ gốc da đen khác, cũng giống như chính cô đã được truyền cảm hứng từ bé. Không lâu sau, Nicole Mann trở thành người phụ nữ bản địa đầu tiên bay vào vũ trụ và hiện đã ở trên ISS được khoảng 6 tháng. Giống như Watkins, cô hy vọng sứ mệnh của mình sẽ truyền cảm hứng cho những người khác muốn trở thành phi hành gia, kỹ sư hoặc khoa học gia.
 
Trong khi sự đa dạng là một điểm khác biệt quan trọng giữa các sứ mệnh Mặt Trăng mới và Sứ mệnh Apollo của những năm 1960 và 1970, thì các sứ mệnh Artemis cũng diễn ra trong một môi trường chính trị và công nghệ hoàn toàn khác. Chương trình Apollo, như hình dung của Tổng thống John F. Kennedy, là nhằm mục đích thể hiện sức mạnh và năng lực của Hoa Kỳ trong lĩnh vực không gian thời Chiến Tranh Lạnh. Teasel Muir-Harmony, người phụ trách Apollo collection tại Bảo Tàng Hàng Không và Vũ Trụ Quốc Gia Smithsonian cho biết: “Nó được ông Kennedy đề nghị không vì mục đích khoa học và được tài trợ cũng chẳng vì khoa học. Đó chủ yếu là một chương trình thời Chiến Tranh Lạnh.”
 
Khi Chiến Tranh Lạnh đã lùi vào quá khứ, Artemis giờ đây sẽ tập trung vào khoa học và đổi mới, với các nhiệm vụ hướng đến những nơi chưa từng được khám phá trước đây. Các phi hành gia sẽ du hành tới các vùng cực của Mặt Trăng, là những nơi “bị che khuất vĩnh viễn.” Bởi vì những khu vực này cực kỳ lạnh giá, các khoa học gia tin rằng chúng có thể chứa nước đóng băng. Họ hy vọng có thể khai thác những nguồn tài nguyên này để lấy nước, sau đó tạo ra oxy, sau đó là nhiên liệu hỏa tiễn, những thứ này sẽ giúp xây dựng một căn cứ không gian trên bề mặt Mặt Trăng.
 
Việc mở rộng nhóm ứng viên thuộc lĩnh vực toán và khoa học nhấn mạnh trọng tâm mới của NASA. Trong lịch sử, cơ quan thường chọn phi công và những người có nền tảng quân sự để đào tạo phi hành gia. Chuyên gia phân tích Laura Forczyk của Astralytical, một công ty tư vấn hàng không vũ trụ, cho biết: “Hiện nay, họ đang tuyển chọn các khoa học gia và bác sĩ, những người có nền tảng về STEM nhưng không nhất thiết phải là kỹ sư hoặc phi công.”
 
Trước khi đến NASA, phi hành gia Loral O'Hara là kỹ sư nghiên cứu tại Viện Hải Dương Học Woods Hole, nơi bà làm việc trên các tàu ngầm có chở người, bao gồm cả Alvin, chiếc tàu nổi tiếng đã đi trục vớt RMS Titanic. Cực nam của Mặt Trăng là nơi tối tăm, kinh nghiệm khi điều hướng trong vùng biển sâu và tối của Loral O'Hara có thể hữu ích khi điều hướng và làm việc trong các miệng núi lửa bị che khuất của Mặt Trăng. NASA gần đây cũng đã chọn Deniz Burnham để huấn luyện cho đoàn phi hành gia. Bà có kinh nghiệm làm kỹ sư hiện trường trên một giàn khoan dầu từ xa và kinh nghiệm của bà sẽ hữu ích khi NASA muốn khai thác các nguồn tài nguyên quan trọng – như nước – trên bề mặt Mặt Trăng.
 
Theo một phần của chương trình Artemis, các phi hành gia hiện đang chuẩn bị xây dựng một căn cứ khoa học trên bề mặt Mặt Trăng. David Armstrong, giám đốc đào tạo của NASA cho biết: “Trọng tâm là những kỹ năng quan trọng, chúng không chỉ cần thiết để cứu giữ tính mạng mà còn để mang những ngành khoa học cần thiết lên trên bề mặt Mặt Trăng.” Mục tiêu của các sứ mệnh ban đầu bao gồm đánh giá rủi ro và tài nguyên ở cực nam Mặt Trăng, nơi NASA dự định xây dựng Artemis Base Camp. Để làm được điều đó, các phi hành gia đi bộ trên Mặt Trăng sẽ cần được đào tạo về địa chất thực địa, thu thập mẫu vật và triển khai các thí nghiệm trên bề mặt (Mặt Trăng).
 
Nhóm phi hành gia của Sứ mệnh Artemis cũng đang thực hành các kỹ năng điều khiển tàu vũ trụ Orion trong các thiết bị mô phỏng và tập mặc các trang phục đặc biệt. Theo Armstrong, việc tập dợt đi bộ ngoài không gian gần như tối đen như mực, được mô phỏng ở Neutral Buoyancy Lab, là “vô cùng đáng sợ.” Nhưng các phi hành gia đã “dựa vào kinh nghiệm của bản thân và đồng đội, cũng như mọi người ở trung tâm điều khiển, để xây dựng lòng tin cho sứ mệnh sắp tới.”
 
Mặc dù các chương trình Artemis và Apollo cách nhau tới 5 thập niên, các phi hành gia của NASA cũng đang nghiền ngẫm lại các sứ mệnh Mặt Trăng trong quá khứ để lấy cảm hứng và tìm hiểu thêm cho việc đào tạo và lập kế hoạch.
 
Christina Koch, phi hành gia của NASA cho biết: “Chúng tôi đã đọc kỹ bản ghi lại những gì [các phi hành gia của Apollo 11] Buzz Aldrin và Neil Armstrong đã nói khi họ đáp xuống [Mặt Trăng], cả trong thời gian thực và trong các cuộc phỏng vấn của họ.”
 
Koch đã dành 328 ngày sống trên ISS, lập kỷ lục thời gian liên tục dài nhất mà một phụ nữ ở trong không gian. Bà rất có thể sẽ được chọn cho Artemis III. Bà nói: “Thật tuyệt vời khi có thể ở đây vào thời điểm chúng ta đang theo đuổi những câu hỏi to lớn và những hướng đi mới táo bạo. Việc tôi có thể trở thành một phần của nó là một niềm hân hoan khó tả.”
 
Theo Koch, cam kết của NASA đối với sự đa dạng thông qua các sứ mệnh Artemis là điều tối quan trọng đối với sự thành công của cả cơ quan và nhân loại. Bà chia sẻ thêm: “Chúng ta phải làm điều đó vì tất cả và bởi tất cả mọi người. Nếu không, việc chúng ta làm không thực sự đáp lại lời kêu gọi khám phá (vũ trụ) của toàn nhân loại, và đó là điều đáng để ăn mừng.”
 
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “How NASA Is Selecting the Next Astronauts to Walk on the Moon” của Brendan Byrne, được đăng trên trang Smithsonianmag.com.
 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Sau hàng trăm nghìn năm sống trên Trái đất, con người có thể nghĩ rằng họ đã nhìn thấy tất cả các màu sắc trong tự nhiên. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Berkeley lại cho rằng điều đó chưa chắc đã đúng. Trong một thí nghiệm mới, họ đã khám phá ra một màu sắc mà trước đây chưa ai từng nhìn thấy, theo The Guardian
(Ngày 2 tháng 4, Reuters) – Một bác sĩ nổi tiếng với các quan điểm trái chiều về vắc-xin thời kỳ đại dịch COVID-19 vừa được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng trong Cơ Quan Kiểm Soát Thực-Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA). Theo hai nguồn tin thân cận tiết lộ với Reuters, bác sĩ Tracy Beth Hoeg, chuyên gia y học thể thao và dịch tễ học, đã được chỉ định làm phụ tá đặc biệt cho tân Giám đốc FDA Martin Makary.
Giữa lúc tình hình ngày càng căng thẳng, Hoa Kỳ và TQ đã ký một thỏa ước song phương về khoa học và công nghệ vào ngày 13 tháng 12 năm 2024. Dù được coi là sự “gia hạn” của hiệp ước 45 năm trước nhằm khuyến khích hợp tác, thỏa ước mới có khá nhiều điều thay đổi, và thực ra, đây là một bước ngoặt lớn. Thỏa ước mới đã thu hẹp đáng kể phạm vi của hiệp ước ban đầu, giới hạn các chủ đề được phép nghiên cứu chung, hạn chế cơ hội hợp tác và bổ sung cơ chế giải quyết tranh chấp mới.
Chỉ mới cách đây chừng năm năm, sự phát triển của xe điện (EV) được nhiều chuyên gia trong ngành xe hơi đánh giá là tất yếu, không thể đảo ngược. Tuy nhiên, trong năm 2024 đánh dấu sự chậm lại đáng kể của thị trường xe điện. Nguyên nhân là tại thời điểm này, xe điện gặp một số vấn đề chưa thể giải quyết tức thời, khiến người mua ngần ngại trong quyết định chuyển sang xe điện. Một số nhược điểm có thể của EV là giá thành tương đối cao, trọng lượng xe nặng do hệ thống bình điện lớn, phạm vi di chuyển sau một lần sạc còn tương đối thấp, thời gian sạc bình lâu, số trạm sạc nhanh công cộng còn tương đối ít…
Đầu năm dương lịch nói về “giấc mơ bay” cũng là một đề tài thú vị. Con người ngày nay đã bay bổng không chỉ khắp địa cầu mà còn ra ngoài vũ trụ. Thế nhưng việc thiết kế những “cỗ máy biết bay” vẫn chưa dừng lại. Ở đây chỉ bàn đến một ứng dụng nhỏ, khá gần gũi với đời sống: những chiếc xe chạy trên đường phố có thêm khả năng bay thẳng lên không trung như trực thăng. Nghe đơn giản hơn nhiều so với máy bay, phi thuyền; nhưng việc phát triển “xe bay” dù đã được nhắc đến từ hơn một thập niên trước đến nay vẫn chưa thể thương mại hóa.
Vào đầu năm 2025, Việt Nam đã ban hành Nghị định 147, quy định các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok và Zalo phải xác minh danh tính người dùng thông qua số điện thoại hoặc giấy tờ tùy thân. Luật này yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền khi được yêu cầu, đồng thời thắt chặt kiểm soát nội dung trên mạng.
Các khoa học gia tại Bảo tàng Field ở Chicago đang tiến hành một nghiên cứu chuyên sâu về các xác ướp Ai Cập bằng cách sử dụng một loại máy chụp cắt lớp CT (chụp cắt lớp) di động. Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu đã dành bốn ngày để chụp CT kỹ lưỡng 26 xác ướp trong bộ sưu tập của bảo tàng. Kết quả vẫn đang được phân tích, nhưng những khám phá ban đầu đã làm sáng tỏ nhiều bí ẩn về các nghi thức chôn cất cổ xưa.
“Que Sera Sera,” ca khúc này luôn gắn bó với tâm tư của cậu bé bảy tuổi. Đi xem xi-nê với mẹ, sau này mới biết là phim The Man Who Knew Too Much, về nhà tôi nhớ mãi cái giai điệu vui tươi và đôi môi nhảy múa, khi nữ diễn viên hát đoạn que sera sera. “Chuyện gì đến sẽ đến,” một câu nói đầy thơ mộng đối với cậu bé, rồi dần dần lớn lên biến thành câu nói chấp nhận chuyện ngày mai ‘Life is a crazy ride, and nothing is guaranteed. (Đời là chuyến đi điên rồ, không có gì bảo đảm. ‘Eminem’.) Dường như, có một chút bất cần, không quan tâm chuyện gì sẽ xảy đến. Tưởng chỉ là như vậy, ai ngờ, câu nói bỗng đứng dựng lên, lớn tiếng hỏi: “Chuyện gì đến sẽ đến là sao?” Đúng, “sẽ đến” thuộc về tương lai, thuộc về bí mật, nhưng “chuyện gì đến,” một phần đã bị khám phá, tìm thấy, công bố. Chúng ta, con người hiện tại, thế kỷ 21, may mắn có một khoa học khá trung thực và năng nổ, mở ra cho sự hiểu biết còn kém cỏi, nhiều nơi quá khứ còn tối tăm và nhiều nơi chờ ánh sánh rọi tới.
Chiếc xe tự lái "cấp 3" đầu tiên đã được bán ở Mỹ - gần một năm sau khi Mercedes-Benz bật đèn xanh để bán những chiếc xe được trang bị phần mềm lái tự động, có tên là "Drive Pilot". Fortune đưa tin, ít nhất một chiếc xe tự lái cấp 3 hiện đã được bán ở Bắc Mỹ, dựa trên thông tin từ Bộ phương tiện cơ giới (DMV) của California. Đây là một trong số 65 xe được bán trong tiểu bang.
Cuối cùng thì các mẫu máy nghe tai cũng sắp ‘tạm biệt’ công nghệ cũ hàng thế kỷ nhờ một loại chip siêu nhỏ mới sử dụng sóng siêu âm. Chip âm thanh mới có thể mở đường cho một loại tai nghe chống ồn mới, có thể tái tạo ảo giác âm thanh đến từ nhiều hướng. Ngày 9 tháng 1, tại sự kiện CES 2024, công ty khởi nghiệp xMEMS lần đầu tiên giới thiệu chip âm thanh Cypress, có kích thước khoảng 0.25 x 0.25 inch (6.3 x 6.5 mm). Theo đại diện của công ty, con chip mới này sẽ được đưa vào các loại tai nghe nhét tai (earbuds) và tai nghe chụp đầu (headphones) từ cuối năm 2025.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.