Ngày 21 tháng 11 năm 2022, một trận động đất xảy ra gần thành phố Cianjur ở Tây Java, Indonesia, đã khiến ít nhất 268 người thiệt mạng và 22,000 tòa nhà bị hư hại.
Với cường độ 5.6 độ richter, trận động đất này nhỏ hơn nhiều so với những trận động đất gây chết chóc và tàn phá khác ở Indonesia trong vài thập niên qua. Tại sao lần này lại khác như vậy? Một trong những lý do chính khiến trận động đất ở Cianjur có sức hủy diệt khủng khiếp như vậy: độ nông sâu của nó là 10km.
Và trận động đất này là một hồi chuông cảnh tỉnh để cải thiện các hoạt động xây dựng ở Indonesia, bởi vì chúng ta vẫn biết từ trước rằng các trận động đất nông (shallow earthquake) lớn hơn nhiều có thể xảy ra ở Java; vấn đề không phải là có hay không, mà là khi nào.
Vai trò của độ sâu/ nông động đất
Hai trong số các yếu tố quan trọng nhất quyết định độ rung chuyển mặt đất mà một trận động đất gây ra là cường độ và khoảng cách của nó.
Những trận động đất lớn ở độ sâu hơn 50km có thể và thực sự gây ra thiệt hại trên diện rộng, nhưng cường độ rung chuyển giảm đi vì sóng địa chấn phải ‘vượt’ ít nhất 50km trước khi đến được với con người.
Những trận động đất như vậy hiếm khi gây ra thương vong lớn – trận động đất 6.5 độ Richter ở Tasikmalaya, Java năm 2017 xảy ra ở độ sâu 90 km, khiến 4 người thiệt mạng và làm hư hại 4,826 căn nhà.
Trận động đất Cianjur mới đây nhỏ hơn nhiều – ở cường độ 5.6 độ richter, năng lượng của nó nhỏ hơn khoảng 8 lần so với trận động đất Tasikmalaya, nhưng thiệt hại nó gây ra lại lớn hơn nhiều.
Trận động đất Cianjur có tác động lớn hơn vì nó xảy ra trong phạm vi vài km cách thành phố Cianjur, nơi rung lắc được xếp vào loại “nghiêm trọng” (Mức độ 8 theo Thang đo Mercalli).
Một so sánh tương tự là các trận động đất xảy ra ở khu vực hút chìm (subduction zone) khổng lồ ở ngoài khơi. Mặc dù những trận động đất này có thể lớn hơn nhiều so với trận động đất ở Java, nhưng chúng thường cách các trung tâm dân cư từ 100 km trở lên, vì vậy chúng gây thiệt hại về tính mạng con người ít hơn.
Mối nguy hiểm không thường xuyên
Có một lý do khác khiến các trận động đất nông trong đất liền có thể gây ra thiệt hại tàn khốc như vậy, đặc biệt là ở Java: chúng không thường xảy ra, cho nên hầu hết mọi người đều ‘lãng quên’ mối nguy này.
Dân số Java đã tăng gấp bốn lần trong suốt thế kỷ 20, và trong thời gian này chỉ có một trận động đất nông vào năm 1924 khiến gần 800 người chết và 4 trận khác khiến từ 10 đến 100 người chết.
Mãi cho đến năm 2006, một thảm họa thực sự lớn đã xảy ra: trận động đất Yogyakarta 2006, cường độ 6.3, giết chết 5,749 người.
Những nơi khác ở Java không có kinh nghiệm ứng phó trực tiếp với một trận động đất lớn, và sự thiếu kinh nghiệm này thường kéo dài qua nhiều thế hệ. Kết quả là người ta ít chú ý đến khả năng chịu đựng động đất của các công trình dân cư, vì vậy khi động đất xảy ra, nhiều tòa nhà yếu sẽ sụp đổ.
Một quá khứ thuộc địa hoàn toàn khác
Lịch sử động đất của Java trong thời kỳ thuộc địa đã vẽ nên một bức tranh hoàn toàn khác. Nghiên cứu mới của nhóm tác giả cho thấy có nhiều trận động đất thiệt hại nặng nề đã xảy ra ở Java kể từ thế kỷ 17. Kể từ năm 1865, có ít nhất chín trận động đất đã gây ra rung chuyển nghiêm trọng đến mức gần như chắc chắn chúng là những trận động đất nông. Trong đó bao gồm hai trận động đất gần Wonosobo ở miền trung Java vào năm 1924, gây ra trận lở đất thảm khốc giết chết gần 900 người.
Trong nghiên cứu, nhóm tác giả cũng đã ghi nhận sự rung chuyển cực kỳ dữ dội do trận động đất ngày 25 tháng 10 năm 1875 gần Kunningan ở Tây Java gây ra. Một nhân chứng kể lại bản thân đã bị ném khỏi ghế và nhìn thấy một đàn bò bị hất cẳng té nhào.
Cirebon cũng trải qua một trận động đất gây thiệt hại nặng nề vào ngày 16 tháng 11 năm 1847. Cường độ của trận động đất này có thể là từ 7 độ trở lên, bởi vì nó được cho là đã khiến một con sông bị lệch lòng khoảng 5m.
Cianjur, nơi xảy ra trận động đất hồi đầu tuần, cũng từng trải qua ít nhất một trận động đất nghiêm trọng vào ngày 28 tháng 3 năm 1879, khiến một số tòa nhà ở Cianjur bị sập và một số người thiệt mạng.
Một thực tế của cuộc sống
Các địa chất gia quá hiểu rằng động đất là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống ở Java. Trong quá trình làm việc hai thập niên ở Java, họ đã xác định được nhiều đứt gãy (faults *) – vết nứt hoặc khe nối trên lớp vỏ Trái Đất – có khả năng đang hoạt động, nhưng chỉ một số ít được nghiên cứu chi tiết.
* Faults: Đứt gãy (còn gọi là biến vị, đoạn tầng hoặc phay) là một hiện tượng địa chất liên quan tới các quá trình kiến tạo trong vỏ Trái Đất. Đứt gãy có nhiều loại: Đứt gãy thuận, đứt gãy nghịch, đứt gãy ngang... Thông thường đứt gãy thường xảy ra tại nơi có điều kiện địa chất không ổn định.
Đứt Gãy Lembang (Lembang Fault) ở ngoại ô Bandung, thành phố lớn thứ tư của Indonesia (dân số 8.8 triệu người, so với 170,000 người của Cianjur), là một trong số ít bằng chứng địa chất về hoạt động động đất đã được tạo ra từ thời tiền sử. Đứt gãy này được cho là có khả năng tạo ra một trận động đất mạnh 6.5 – 7.0 độ richter cứ sau 170 – 670 năm.
Các đứt gãy đang hoạt động khác được cho là mối đe dọa đối với các thành phố Jakarta, Surabaya và Semarang, ngoài Yogyakarta. Và đây chỉ là những đứt gãy mà chúng ta đã biết.
Chuẩn bị cho trận động đất tiếp theo
Các trận động đất nông trong tương lai có thể sẽ lớn hơn nhiều so với trận động đất Cianjur, bên cạnh các thành phố lớn hơn nhiều so với Cianjur. Indonesia có thể làm gì để tránh thương vong lớn trong một thảm họa như vậy?
Câu trả lời điển hình là cải thiện – và thực thi – các quy tắc xây dựng, bắt buộc mọi công trình xây dựng mới phải có khả năng chống chịu động đất tốt hơn.
Indonesia có quy chuẩn xây dựng dựa trên bản đồ nguy cơ địa chấn hiện đại, nhưng nó chỉ được áp dụng cho các tòa nhà từ tám tầng trở lên. Và với mức độ nghèo đói cao ở Indonesia, việc thực thi phổ biến quy tắc xây dựng được coi là không thiết thực.
Một giải pháp thay thế khả dĩ là áp dụng các tiêu chuẩn đơn giản, tối thiểu về cường độ bê tông, chất lượng của cốt thép và các khía cạnh khác của thực tiễn xây dựng. Dù có thể không phù hợp với quy chuẩn xây dựng, nhưng ít nhất chúng có mức độ bảo vệ cao hơn so với thực tiễn hiện nay.
Bất kỳ thay đổi nào trong thực tiễn xây dựng đều đòi hỏi phải thay đổi nét văn hóa: mọi người phải có yêu cầu cao hơn trong xây dựng và sẵn sàng trả tiền cho điều đó.
Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “Why are shallow earthquakes more destructive? The disaster in Java is a devastating example” của nhóm tác giả Phil R. Cummins, Mudrik Rahmawan Daryono, và Stacey Servito Martin, được đăng trên trang TheConversation.