Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Nhân sự trỗi dậy của Tinh thần Dân tộc, tìm hiểu về “Cộng Đồng Tưởng Tượng” của Benedict Anderson

25/11/202200:00:00(Xem: 2173)

imagine communities
Cuốn sách “Các cộng đồng tưởng tượng (Imagined Communities) của Benedict Anderson.

 

Sự trỗi dậy của tinh thần dân tộc
 
Năm 1991, Liên Bang Xô Viết sụp đổ, chấm dứt chiến tranh lạnh giữa chủ nghĩa tư bản và cộng sản, Hoa Kỳ trở thành thế lực mạnh nhất thế giới, bá chủ toàn cầu.

Năm 1992, nhà kinh tế chính trị Fukuyama đưa ra ý niệm “giật gân” rằng chúng ta đã đạt đến nơi tận cùng của lịch sử: "Không chỉ là sự trôi qua của một giai đoạn cụ thể của lịch sử sau chiến tranh, mà còn là sự kết thúc của lịch sử: Đó là điểm cuối của sự tiến hóa tư tưởng của nhân loại và sự phổ cập của nền dân chủ tự do phương Tây như hình thức cuối cùng của chính quyền loài người." Năm 1995, Tổ chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) được thành lập. Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 và trở thành nhà máy sản xuất hàng hóa cho toàn thế giới.
 
Đợt toàn cầu hóa mới nhất của thế giới bắt đầu.
 
Năm 1999, xuất hiện một cuốn sách bán rất chạy của Thomas L. Friedman: "The Lexus and the Olive Tree". Tuy do một công ty Nhật Toyota sản xuất, chiếc Lexus là hiện thân cho hiện tượng toàn cầu hóa, là nếp sống Mỹ hoá được toàn thế giới mơ ước, mà cũng bị nhiều nơi kết án. Đối nghịch với chiếc Lexus là cây olive đơn sơ, như cây tre đầu làng, như lũy tre xanh, như mái đình rêu phong của chúng ta. Tuy cây olive và miếng đất cằn cỗi chẳng có giá trị kinh tế gì mấy so với chiếc xe Lexus, hàng triệu người trên thế giới vẫn muốn đổ máu để giành nhau, để bảo vệ từng tấc đất dưới gốc cây đó. Cây olive là biểu tượng của những dây vô hình trói buộc hoặc kêu gọi con người về những gì mà ta thường cho là thiêng liêng để mình có thể hy sinh mạng sống, tiếc thay gây bao cuộc đổ máu nhưng cũng đem cho bao người một lý do để tự hào, để phấn đấu và để sống.
 
Có thể nói cây olive tượng trưng cho những gì mà chúng ta gọi là “quốc hồn, quốc túy”, là quê cha đất tổ, là quê mẹ, là chủ nghĩa dân tộc và như Friedman trình bày sẽ còn đứng vững dù phong trào toàn cầu hóa đang dâng lên mạnh mẽ.
 
Tuy nhiên, ngay cả trước khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, năm 1986, một nhà kinh tế chính trị có nhiều kinh nghiệm sống và nghiên cứu ở Đông Nam Á đã đưa ra nhận xét là chủ nghĩa dân tộc sẽ vẫn còn mặc dù bị thách thức bởi các chủ nghĩa có tính cách siêu quốc gia hay toàn cầu, sau khi quan sát cuộc chiến tranh giữa Việt Nam, Cambodia và Trung quốc, ba nước đều là cùng ở trong khối cộng sản, cùng một ý thức hệ có tính cách siêu quốc gia, siêu dân tộc.
 
Anderson viết: ”Các cuộc chiến tranh này có tầm quan trọng lịch sử ở tầm mức thế giới vì chúng là những cuộc chiến đầu tiên giữa những chế độ mà thành tích về độc lập và cách mạng không chối cãi được, và bởi vì không có phe tham chiến nào đã cố gắng trên mức lấy lệ sơ sài nhất để hợp thức hoá cuộc đổ máu trên cơ sở của một cái nhìn Mác-xít lý thuyết…
 
Nếu cuộc xâm chiếm và chiếm đóng Cambodia tháng 12 năm 1978 và tháng giêng năm 1979 biểu hiện chiến tranh quy ước trên tầm mức rộng lớn đầu tiên do một chế độ cách mạng Mác-xít chống một chế độ khác giống như vậy, sự tấn công của Trung quốc vào Việt Nam vào tháng hai lại xác nhận trường hợp tiền lệ này.”
 
Thực tế thật rõ ràng sự "chấm dứt của tinh thần dân tộc”, lâu nay từng được tiên đoán, thật ra không nhìn thấy đâu cả dù là ở đằng xa. Thật vậy, “nation-ness”, tính dân tộc là giá trị hợp pháp hơn cả cho mọi nơi trong cuộc sống chính trị của thời đại chúng ta”.
 
Anderson tập trung vào cách các phương tiện truyền thông tạo ra cái gọi là “các cộng đồng tưởng tượng”, đặc biệt là sức mạnh của phương tiện in ấn trong việc định hình tâm lý xã hội của một cá nhân. Anderson phân tích chữ viết, một công cụ được sử dụng bởi các giáo hội, tác giả và các công ty truyền thông (đặc biệt là sách, báo và tạp chí), cũng như các công cụ của chính phủ như bản đồ, kiểm tra dân số (census) và viện bảo tàng. Tất cả các công cụ này đều được xây dựng để nhắm vào đại chúng thông qua những hình ảnh, hệ tư tưởng và ngôn ngữ đang chiếm giữ ưu thế. Ví dụ, Anderson phân tích một cách sâu sắc về nguồn gốc văn hóa và tôn giáo của một biểu tượng rất điển hình của chủ nghĩa dân tộc hiện đại: các đài chiến sĩ trận vong với người lính vô danh.
 
”Công chúng sùng bái với lễ nghi các đài kỷ niệm này chính là vì người ta cố ý để mộ trống rỗng hoặc không ai biết danh tánh của thi hài nằm trong đó, và chuyện này chưa từng xảy ra trong các thời đại trước đây. Để hiểu sức mạnh của hiện tượng tân thời này, chúng ta chỉ cần tưởng tượng quần chúng sẽ phản ứng thế nào nếu một kẻ ăn không ngồi rồi nào đó ”phát hiện” ra tên của người chiến sĩ vô danh, hoặc yêu sách rằng phải đem một bộ xương thật chôn dưới hầm trống của đài chiến sĩ. Làm như vậy sẽ là một sự xúc phạm thần thánh lạ đời theo kiểu thời nay! Vậy mà, những ngôi mộ không chôn giữ một thi thể nào được xác định danh tánh hoặc không chứa một linh hồn bất tử nào cả, những chốn đó lại chứa đầy ăm ắp những sự “tưởng tượng” về hồn ma quốc gia dân tộc. (Cũng vì vậy mà những nước khác nhau có những mồ như vậy mà thấy không cần phải ghi chính xác quốc tịch của kẻ trú ngụ trong đó nhưng vắng mặt. Đâu cần nói rõ thêm nữa, bắt buộc họ phải là người Đức, người Mỹ, người Argentine…?)
 
Anderson cũng nhận xét là người Mác-xít hay người theo chủ nghĩa tự do sẽ không bao giờ xây “Mồ người Mác-xít vô danh” hay “Mồ người tự do chủ nghĩa đã hy sinh” là vì người Mác-xít cũng như người chủ nghĩa tự do đều không để tâm đến cái chết và sự bất tử; thêm một dấu hiệu cho thấy là những đài chiến sĩ vô danh của chủ nghĩa dân tộc có gốc rễ từ văn hóa và tôn giáo.
 
Tuy trước đó đã có những “cộng đồng tưởng tượng” về văn hóa như cộng đồng dùng chữ Latinh như ngôn ngữ chính thức duy nhất (ví dụ ở Pháp cho đến thế kỷ thứ 16), Chữ Hán (Trung hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật), cộng đồng Thiên Chúa giáo, theo Anderson, dân tộc như là một “cộng đồng tưởng tượng” mới, sở dĩ nó có thể tưởng tượng được là “nhờ tác dụng hỗ tương bán phần may rủi, nhưng có tính cách bùng nổ, giữa một hệ thống sản xuất và quan hệ sản xuất (tư bản chủ nghĩa), một công nghệ về truyền thông (ngành in ấn), và tính cách định mệnh của sự đa dạng trong ngôn ngữ loài người”.
 
Nói cách khác, những nhà tư bản khai thác kỹ thuật in ấn mới với các con chữ rời cơ học xuất hiện từ thế kỷ 15 (Johannes Gutenberg. khoảng 1440) ở Châu Âu, đã cố tìm cách tăng lợi nhuận bằng cách in những số lượng rất lớn báo chí và tiểu thuyết, trong những ngôn ngữ địa phương, bình dân mà nhiều người không thuộc tầng lớp ưu tú nhỏ bé như thương gia và phụ nữ có thể đọc và hiểu được, đồng thời góp phần tạo nên một ý thức về tình đồng chí, huynh đệ chung trong những tầng lớp độc giả mới này, giúp tạo nên những cộng đồng dân tộc tưởng tượng. Đặc biệt các tiểu thuyết quan trọng vì cho phép người đọc sống trong thời gian “trống” (empty time hay progressive time) thuận tiện cho việc “tưởng tượng” ra một cộng đồng chung của người đọc. (Điều này có thể làm chúng ta nhớ đến vai trò của các tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn (1934) sau khi chữ quốc ngữ được phổ biến cộng với kỹ thuật in ấn do người Pháp đem vào Việt Nam. Một tác phẩm viết trước thời thuộc địa như Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, bản chữ Nôm rất ít ai đọc được, phần đông được dân chúng thuộc lòng, sau khi chuyển qua quốc ngữ và in theo kỹ thuật in ấn tây phương đã trở thành như món “quốc hồn, quốc túy”, đến mức Phạm Quỳnh phải nhận xét năm 1924, lúc Việt Nam vẫn còn thuộc Pháp nhưng tinh thần dân tộc (kiểu hiện đại) đang thành hình: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!”)
 
Lúc sách của Anderson ra đời, năm 1983, chưa có internet, điện thoại di động, zoom cho phép sống chung trong “real time” về âm thanh cũng như hình ảnh, càng thay đổi ý niệm về “empty time” hay thời gian trống; YouTube, và các mạng xã hội như FaceBook, Twitter nối kết các quốc gia dân tộc với nhau nhưng cũng nối kết những thành phần bị gạt bên lề, cực đoan nhất. Hiện nay, đầu thiên niên kỷ 2000, ngoài giấc mơ Mỹ, còn có giấc mơ Trung Quốc, giấc mơ Nga, và người ta bắt đầu nói đến “deglobalization” (giải thể toàn cầu hóa).
 
Ngoài ra, Anderson làm cho ý niệm “cộng đồng tưởng tượng” trở nên thời thượng, nhưng các “quốc gia-dân tộc” không phải là những cộng đồng được mô tả như “imagined” duy nhất.
 
Nhà khoa học chính trị với trải nghiệm đa quốc gia và đa văn hóa
 
Benedict Anderson sinh ngày 26 tháng 8 năm 1936, Côn Minh, Trung Quốc nơi cha ông trú đóng với tư cách là ủy viên hải quan của Hải quan Hàng hải Hoàng gia. Ông mất ngày 13 tháng 12 năm 2015, tại Batu, Indonesia. Benedict thừa hưởng tên của mình từ bà mẹ người Anh và quốc tịch Ireland từ người cha, gia đình bên nội đã từng hoạt động trong các phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Ireland.
 
Sau vài năm từ Trung quốc trở về sống ở Ireland, gia đình Anderson di dân vào Hoa Kỳ vào năm 1941, và cậu bé Benedict được đi học ở California. Anderson tốt nghiệp xuất sắc tại Đại học Cambridge (B.A., cử nhân văn chương cổ điển, 1957) và được cấp bằng Tiến sĩ về chính quyền tại Đại học Cornell vào năm 1967. Khảo cứu ban đầu của ông, kể cả luận án tiến sĩ, tập trung vào chính trị Indonesia. Việc ông chỉ trích chế độ Suharto khiến ông bị cấm nhập cảnh cho đến khi chính quyền của nhà độc tài sụp đổ vào năm 1998. Từ năm 1965 cho đến khi nghỉ hưu năm 2002, Anderson giảng dạy tại khoa chính quyền của Đại học Cornell. Năm 1988, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư danh dự Aaron L. Binenkorb về Nghiên cứu Quốc tế, Chính phủ và Nghiên cứu Châu Á.
 
Encyclopedia Britannica về “cộng đồng tưởng tượng” của Anderson
 
Năm 1983, cuốn sách “Các cộng đồng tưởng tượng: Những suy nghĩ về nguồn gốc và sự lan rộng của chủ nghĩa dân tộc” (Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism) đưa tên tuổi cùa Anderson trở thành một trong những nhà tư tưởng hàng đầu về chủ nghĩa dân tộc. Anderson đã đưa ra giả thuyết về điều kiện dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc trong thế kỷ 18 và 19, đặc biệt là ở châu Mỹ, và gây tiếng tăm khi ông định nghĩa dân tộc như là một “cộng đồng tưởng tượng”.
 
Theo Anderson, quốc gia được tưởng tượng bởi vì hàm chứa theo cảm giác hiệp thông, “tình đồng chí” hay “tình huynh đệ” theo chiều ngang giữa những người thường không biết nhau hoặc thậm chí chưa bao giờ gặp mặt. Bất chấp sự khác biệt của họ, họ tưởng tượng họ thuộc về cùng một tập thể, và họ quy cho tập thể này một lịch sử, những đặc điểm, những niềm tin và những thái độ chung. Anderson xác định rõ hơn cộng đồng tưởng tượng này có giới hạn và có chủ quyền. Có giới hạn, bởi vì ngay cả các dân tộc lớn nhất cũng công nhận một số ranh giới và sự tồn tại của các quốc gia khác bên ngoài họ; có chủ quyền, vì dân tộc đã thay thế mối quan hệ huyết tộc truyền thống làm nền tảng của quốc gia. Nói cách khác, quốc gia-dân tộc có chủ quyền vì nó thay thế các hình thức nhà nước trước đó căn cứ trên thiên mệnh hay do dòng dõi vương quyền, những ý niệm đã bị giải cấu trúc trong thời Khai sáng.
 
Tuy nhiên, sự việc dân tộc là một công trình tưởng tượng không có nghĩa là ảnh hưởng chính trị của nó kém thực hơn chút nào. Ngược lại, Anderson lập luận, cộng đồng tưởng tượng này tạo ra một sự liên đới mạnh mẽ, “tình đồng chí sâu sắc theo chiều ngang”, mà vô số người đã sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho nó.
 
Sách “Các Cộng đồng Tưởng tượng” đã đi ngược lại chiều hướng chung của ngành nghiên cứu biên soạn lịch sử vào thời đó khi nó đặt châu Mỹ, chứ không phải châu Âu, làm trung tâm của sự phân tích. Anderson nhận xét rằng chủ nghĩa dân tộc đã phát triển trong thế kỷ 18 và 19 ở Hoa Kỳ, Brazil và các thuộc địa cũ của Tây Ban Nha, sớm hơn nhiều so với hầu hết châu Âu. Ông cho rằng sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc là do sự hội tụ của chủ nghĩa tư bản và phương tiện in ấn. Theo Anderson, sự phát triển của các tờ báo bản ngữ đại chúng đã đặt nền tảng cho ý thức dân tộc bởi vì độc giả của họ có thể tưởng tượng rằng họ chia sẻ trải nghiệm tập thể về tin tức, bất kể khoảng cách địa lý của họ với nhau và về thứ bậc xã hội. Công trình của Anderson cũng làm bật tầm quan trọng của “những người tiên phong Creole” (Creole là người hay ngôn ngữ lai giống giữa gốc châu Âu và bản địa châu Mỹ) như Benjamin Franklin và Simón Bolívar trong việc lãnh đạo các phong trào giải phóng dân tộc. Mặc dù có nguồn gốc châu Âu và chia sẻ cùng một ngôn ngữ với tổ tiên của họ, những người Creole đã phát triển những truyền thống và trải nghiệm riêng biệt và tạo nên được cảm giác về bản sắc tập thể. Mẫu quốc không chỉ ngày càng có vẻ xa cách đối với những người Creole mà còn loại trừ họ khỏi các cấp trên của bộ máy thư lại và nói chung kỳ thị họ, ngay cả khi điểm khác biệt duy nhất giữa họ với cha mẹ họ là nơi họ sinh ra. Anderson giả thuyết chính cảm giác bị xa lánh và áp bức này đã khiến một tầng lớp tương đối khá giả nổi loạn và có thể hy sinh tính mạng.
 
Anderson coi cảm giác thuộc về một dân tộc là nhân tố trung tâm nhưng không được đánh giá cao trong sự phát triển của quốc gia. Ông chỉ trích cả chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa Mác vì đã không giải thích được sự gắn bó sâu sắc của người dân với dân tộc của họ và về tác động lịch sử sâu sắc của chủ nghĩa dân tộc kể từ cuối thế kỷ 18. Không giống như nhiều nhà lý thuyết về chủ nghĩa dân tộc, Anderson phân biệt rõ ràng nó với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và viết về khả năng của chủ nghĩa dân tộc trong việc đoàn kết mọi người giữa các tầng lớp và khiến họ hy sinh con người của mình cho tập thể.
 
Lý thuyết của Anderson về chủ nghĩa dân tộc đã bị các nhà lý luận hậu thuộc địa chỉ trích. Họ cho rằng việc sử dụng lăng kính của chủ nghĩa dân tộc để nghiên cứu lịch sử các nước bị đô hộ là lẫn lộn trải nghiệm của tầng lớp ưu tú hoặc giai cấp tư sản với trải nghiệm của nhân dân như là một tổng thể. Người phê bình Anderson mạnh mẽ nhất, nhà lý thuyết hậu thuộc địa gốc Ấn Độ Partha Chatterjee, đã bác cách lý giải của Anderson về chủ nghĩa dân tộc như là sự sáng tạo của những người tiên phong Creole và cho rằng chủ nghĩa dân tộc là một hệ tư tưởng do thế lực thực dân áp đặt đến mức “ngay cả những tưởng tượng của chúng ta cũng còn mãi mãi bị thuộc địa hóa”.
 
Phê bình từ các nhà lý luận hậu thuộc địa Ấn Độ
 
Theo Anderson, sau khi phát triển ở Hoa Kỳ và châu Âu, chủ nghĩa dân tộc trở thành những “module” sẵn sàng áp dụng cho các nước thuộc địa từng thuộc về các đế quốc thực dân:
 
“Các quốc gia thế kỷ 20, như tôi đã biện luận, có một tính cách “module” sâu sắc. Họ có thể dựa trên, và đang dựa trên hơn một thế kỷ rưỡi kinh nghiệm của nhân loại và ba mô hình trước đó của chủ nghĩa dân tộc. Do đó, các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc ở một vị trí có ý thức để triển khai các hệ thống giáo dục dân sự và quân sự theo mô hình của chủ nghĩa dân tộc chính thức; các cuộc bầu cử, tổ chức đảng và lễ kỷ niệm văn hóa được mô phỏng theo các quốc gia dân tộc nổi tiếng của châu Âu thế kỷ 19; và ý tưởng “công dân-cộng hòa” được châu Mỹ đưa vào thế giới.
 
Các nhà phê bình hậu thuộc địa thì cho rằng, ngoài phần nổi là “module” do thực dân Tây phương áp đặt, còn phần chìm nằm ngoài ảnh hưởng của chế độ thuộc địa của người Tây phương, và được phát triển qua các tiểu thuyết cũng như giáo dục tại các trường trung học công lập, tạo nên “cộng đồng tưởng tượng” riêng của các nước hậu thuộc địa.
 
Theo một bài báo trong “The Hindu”:
 
“Một phê bình đầy thách thức đối với công trình của Anderson đến từ Partha Chatterjee. Chatterjee đã thách thức ý tưởng của Anderson về các hình thức chủ nghĩa dân tộc theo module được phát triển ở phương Tây như là khuôn mẫu cho các lực lượng dân tộc chống thực dân khác nhau. Có thể nào tất cả chủ nghĩa dân tộc chống thực dân chỉ là sự vay mượn? Nếu vậy, chính xác thì những quốc gia [cựu thuộc địa] này “đang tưởng tượng” điều gì? Chatterjee lập luận rằng ở nhiều quốc gia bị đô hộ, chủ nghĩa dân tộc chống thực dân đã phát triển và vẫn nằm trong phạm vi không bị thuộc địa hóa, truyền thống, lãnh vực bên trong, nơi mà thực dân chỉ có thể khẳng định ít quyền lực. Sau một thời điểm, nó được đưa ra bên ngoài hoặc trở thành công khai thông qua tiểu thuyết và các trường học công lập và sự thể hiện rõ chủ nghĩa dân tộc này, được gắn trong tính riêng biệt của truyền thống hoặc tinh thần, đã trở thành nền tảng của nhiều quốc gia chống thực dân.
 
Những người theo chủ nghĩa nguyên thủy (primordialist) chỉ ra rằng trong khi các lý thuyết chủ nghĩa hiện đại như của Anderson giải thích cách các quốc gia hiện đại ra đời, chúng không giải thích được tính tất yếu của chủ nghĩa dân tộc, hoặc hiệu lực của nó (Bairner, 2009).
 
Alan Bairner cho rằng không phải tất cả các quốc gia đều là những cộng đồng tưởng tượng; một số là cộng đồng nguyên thủy.
 
Mặc dù có một số nhất định nhà phê bình chỉ trích Anderson, hầu hết đều công nhận giá trị của đóng góp đột phá của ông cho một cuộc nghiên cứu lịch sử thế giới và chủ nghĩa dân tộc không (hoặc có nhưng ít hơn) lấy châu Âu làm trung tâm điểm.
 
Cảm nghĩ của một người Việt “ngoại đạo”
 
Riêng đối với người Việt không chuyên môn, “ngoại đạo” đối với ngành khoa học chính trị như tác giả bài này, chỉ cần nhìn lại quá khứ của đời mình, từ ngữ “cộng đồng tưởng tượng” cũng mang nhiều âm hưởng thú vị mặc dù sẽ gây nhiều tranh cãi.
 
Hay chúng ta sẽ trả lời như thiền sư Nhật Bản Hakuin (Bạch Ẩn Huệ Hạc): “Thật thế ư?”
 
Một người 70-80 tuổi sanh ra ở cố đô Huế, Việt Nam sau thế chiến thứ hai nhìn lại lý lịch của mình sẽ thấy mình từng là con dân của Liên Bang Đông Dương (1945-1954) trong Liên Hiệp Pháp, khi vua Bảo Đại đã thoái vị từ tháng 8 năm 1945 nhưng chưa trở về làm quốc trưởng (1949, Quốc gia Việt Nam); nhìn lên bản đồ hình dạng no tròn của Đông Dương với hai nước Cambodia và Lào nằm cùng bên phía tây, dùng đồng bạc Đông Dương mang biểu tượng của 3 xứ Việt-Miên-Lào (hình 4; đồng bạc năm 1954); rồi Việt Nam Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1955-1963) rồi “cách mạng”, đảo chánh (1963) và chỉnh lý liên miên đưa đến Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1975), hình dạng bản đồ chữ S vì không còn Lào và Cambodia nhưng màu đỏ ở phần Bắc và màu xanh ở phần Nam vĩ tuyến thứ 17; rồi làm quân nhân trong cuộc chiến tranh hy sinh hàng triệu người cho lý tưởng mỗi bên; rồi Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (1975-1976) một thời gian và sau đó là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
 
Trong thời gian sau này (sau 1975) có thể con người này không phải là công dân quốc gia nào cả vì là tù binh chiến tranh ở các trại cải tạo tập trung, bị mất quyền công dân, hay nếu người đó đi vượt biên, đánh cược mạng sống của mình và gia đình mình để trở thành “vô tổ quốc”, “illegal alien” (người ngoại quốc cư trú bất hợp pháp) đang ở Mã Lai, Indonesia, Philippines hay Thái Lan. Sau đó là người mang thẻ “alien” được tạm dung ở Mỹ, rồi thẻ xanh “green card”, rồi chứng chỉ quyền công dân Mỹ đồng thời từ bỏ mọi quyền công dân khác…
 
Hiện nay người đó lại về Sài gòn, Hà Nội, Huế làm du khách ngay chính trên quê hương của cha mẹ ông bà tổ tiên mình, mang passport Mỹ, Pháp, Úc và hối hả chụp hình kỷ niệm để post trên Facebook trước khi trở “về nhà” ở Mỹ, Pháp, Canada, Úc…
 
Nhìn lại đời mình, con người đã sống qua bao nhiêu cuộc bể dâu đó và đã thấy sự phù du của mọi sự trên đời, có mỉm cười buồn khi đọc thấy Anderson, một nhà khoa học xã hội người da trắng từ ngoài nhìn vào vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, gọi những “quốc gia, dân tộc” là IMAGINED COMMUNITIES (trong nguyên văn của từ ngữ tiếng Anh) hay không? Hay đúng ra là những “cộng đồng nguyên thủy”?
 
“Is it so? Thật thế ư?”
 
Trong lúc chờ đợi ý kiến và tranh cãi thêm của các học giả nghiên cứu về vấn đề này.
 
– Hồ Văn Hiền
(10/11/2022)
 
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hiếm ai có thể hình dung cơn bão tin giả (fake news) hoành hành khắp nước Mỹ trong tám năm qua, từ cuộc bầu cử 2016, lại thổi đến từ Veles – một thị trấn xa xôi nằm phía tây nam châu Âu, ở North Macedonia, trên dòng sông Vardar êm ả. Không nói cũng không ai biết. Những câu chuyện trong bóng tối này mãi mãi không bước ra ánh sáng, hoặc cũng chỉ rất ít người biết đến, thấu rõ đường đi nước bước của thánh địa tin giả này, cho đến khi cuốn sách “The Book Of Veles” của nhiếp ảnh gia Jonas Bendiksen được xuất bản. Ông là người Na-Uy, thành viên của hội nhiếp ảnh danh giá Magnumphoto.
Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng sắc đẹp sẽ mang lại lợi thế trong các mối quan hệ, học tập và công việc. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu việc “không được đẹp đẽ” không chỉ là một điều bất lợi mà còn bị coi là phạm pháp? Từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, ở Hoa Kỳ từng có các luật gọi là “luật xấu xí” (ugly laws), cấm những người có vẻ ngoài “khó coi” xuất hiện ở các nơi công cộng.
Dự án 2025 đề ra những thay đổi sâu rộng trong toàn bộ chính phủ liên bang, đặc biệt trong chính sách kinh tế và xã hội, và vai trò của chính phủ và các cơ quan liên bang. Trong những thay đổi đó có cả việc cắt giảm tài trợ cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ), tháo dỡ cơ quan điều tra FBI và Bộ An ninh Nội địa, hủy bỏ các quy định về môi trường và biến đổi khí hậu để giúp gia tăng sản xuất nhiên liệu như dầu hỏa, cùng loại bỏ các Bộ Giáo dục và Thương mại ra khỏi nội các chính phủ. Hãng thông tấn Associated Press có một bài tóm tắt song rành mạch những chương trình của Dự án 2025 đối nội cũng như đối ngoại, tại đường dẫn này. Bao gồm trong Dự án 2025 cũng gồm cả việc lập tức dùng Đạo luật nổi dậy năm 1807 để tổng thống có thể ra lệnh cho quân đội vào dẹp các vụ biểu tình chống đối chính phủ, cùng chỉ đạo Bộ Tư pháp truy lùng các đối thủ của ông Trump. Chính ông Trump cũng đã từng tuyên bố với những người ủng hộ ông là ông là người sẽ giúp họ phục hận. Theo luật hiện hành, quân đội không đượ
Nghèo đói là yếu tố quyết định mạnh mẽ của bệnh Lao. Môi trường sống và làm việc đông đúc và kém thông gió thường liên quan đến nghèo đói, tạo thành các yếu tố gây nguy cơ trực tiếp cho việc lây truyền bệnh lao. Suy dinh dưỡng cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng để bệnh phát triển. Nghèo đói lại cũng liên quan đến tình trạng kém kiến thức về sức khỏe và từ đó thiếu những sự bảo vệ sức khỏe trong đời sống hàng ngày dẫn đến nguy cơ tiếp xúc và truyền bệnh.
Trong hai ngày Thứ Bảy & Chủ Nhật 17 & 18/08/2024, tại Bowers Museum, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt phối hợp cùng Trung Tâm Việt Nam Texas Tech University, Trung Tâm Nghiên Cứu Việt - Mỹ University of Oregon đã tổ chức hai buổi triển lãm và thảo luận về hai chủ đề: Cải Cách Ruộng Đất Miền Bắc Việt Nam và Cuộc Di Cư Năm 1954. Khoảng 1,000 lượt người đã đến tham dự hai sự kiện về lịch sử từ bảy thập niên trước. Có thể nói rằng lâu lắm rồi tại Thủ Đô Người Việt Tị Nạn mới có một sự kiện lịch sử được tổ chức với qui mô lớn và công phu như thế. Động lực nào đã khiến ba tổ chức chuyên nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam cùng nhau tổ chức sự kiện này? Ông Châu Thụy, Giám Đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt nói lời khai mạc, chào mừng mọi người đến với cuộc triển lãm và hội thảo, để cùng nhau ôn lại, nhìn theo những góc nhìn mới về hai sự kiện lịch sử vẫn còn ảnh hưởng đến người Việt cả trong nước lẫn hải ngoại đến tận ngày hôm nay.
Hiểu cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam đòi hỏi phải đặt nó trong một bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn, thay vì xem xét nó một cách tách biệt. Được khởi xướng bởi Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1953, cải cách ruộng đất bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các sự kiện biến động sau Thế chiến II. Sự kết thúc của cuộc chiến, nạn đói năm 1945, và cuộc đấu tranh sau đó để giành độc lập khỏi ách thực dân Pháp đã tạo ra một không khí cách mạng ở Việt Nam. Cuộc chiến tranh Pháp-Việt (1946-1954) đã làm tăng sự cấp bách cho những thay đổi xã hội và kinh tế triệt để khi Việt Minh tìm cách củng cố quyền lực và giải quyết các bất bình giữa người giàu và người nghèo do khai thác thực dân gây ra.
Cuối tuần vừa qua tôi đi dự hội thảo về Việt Nam tại Bảo tàng Bowers ở thành phố Santa Ana, thủ phủ của Quận Cam. Hai ngày hội thảo với hai chủ đề có liên quan với nhau là Cải cách Ruộng đất 1953-56 và Di cư 1954. Xong ngày đầu của hội thảo, đi ăn tối với một bạn sống ở Quận Cam từ năm 1978, khi biết chủ đề là về cải cách ruộng đất, bạn hỏi ngay: “Có hình Hồ Chí Minh cầm khăn khóc không?”. Bạn tôi ít quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng nhưng cũng biết sử Việt vì là con trong gia đình bắc di cư 54, lớn lên tại miền Nam và sống ở đó cho đến khi vượt biển. Hình Hồ Chí Minh khóc và sự kiện bà Nguyễn Thị Năm đóng góp nhiều vàng cho Việt Minh rồi cũng bị đấu tố trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam từ 1953 đến 1956 có lẽ là những hiểu biết cơ bản của nhiều người Việt, dù không chứng kiến hay trực tiếp là nạn nhân trong sự việc. Những hình ảnh đó hôm nay cũng đã được trưng bày tại Bảo tàng Bowers và có trong bài nói chuyện của diễn giả tại hội thảo.
Chương trình Triển Lãm Và Thảo Luận Cải Cách Ruộng Đất ở Bắc Việt & Cuộc Di Cư 1954 vừa chấm dứt. Việt Báo đăng lại toàn bài của giáo sự Trần Huy Bích chiều Chủ Nhật ngày 18 tháng 8 tại Bowers Museum kể lại câu chuyện di cư của Ông và bối cảnh Bắc Việt những ngày tháng 8, 1954.
John Andrew Jackson vừa chào đời đã mang phận nô lệ, và được định sẵn là sẽ dành trọn kiếp sống tủi nhục trên những cánh đồng bông vải ở Nam Carolina. Nhưng, không cúi đầu trước số phận, Jackson đã thoát khỏi cảnh nô dịch, trở thành một diễn giả và văn nhân có ảnh hưởng lớn đến phong trào bãi nô. Ông cũng là nguồn cảm hứng cho tác phẩm kinh điển Uncle Tom's Cabin (Túp Lều của Chú Tom) của Harriet Beecher Stowe, xuất bản năm 1852. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về chế độ nô lệ này được nhiều sử gia đánh giá là đã góp phần thúc đẩy cuộc Nội chiến của Hoa Kỳ.
(Little Saigon-VB) - Để đánh dấu 70 năm cuộc di cư Bắc Nam hậu Hội nghị Geneva; và cùng nhìn lại sự kiện Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam dưới thời VNDCCH với tác động, hệ lụy trên cả nước đối với quốc gia, dân tộc Việt, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, Trung Tâm Việt Nam ĐH Texas Tech, Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ ĐH Oregon phối hợp tổ chức Triển Lãm Thảo Luận Cải Cách Ruộng Đất ở Bắc Việt và Cuộc Di Cư 1954: Hai Biến Cố Thay Đổi Lịch Sử Việt Nam Hiện Đại vào hai ngày: Thứ Bảy, ngày 17 tháng 8: Cải cách ruộng đất và đấu tranh giai cấp ở miền Bắc Việt Nam, 1953-1957; Chủ nhật, ngày 18 tháng 8: Cuộc di cư của gần 1 triệu người từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954 tại Bowers Museum 2002 N. Main St, Santa Ana, CA 92706.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.