Đã đến lúc – hoặc là vào năm 2035 – để từ bỏ giây nhuận (leap second), theo NYTimes đưa tin.
Thứ Sáu, 18 tháng 11, một cuộc biểu quyết quốc tế đã được tổ chức để loại bỏ giây nhuận (leap second), vấn đề từng gây đau đầu kể từ khi nó ra đời cách đây 50 năm.
Sau cuộc họp tại Phòng Cân Đo Quốc Tế (Bureau International des Poids et Mesures - BIPM) được ở Versailles, Pháp, các quốc gia thành viên của tổ chức đo lường thời gian trên toàn thế giới đã thống nhất quyết định loại bỏ giây nhuận. Kết quả của cuộc biểu quyết về cái được gọi là ‘Resolution D’ đã khiến nhiều người nhẹ nhõm và vui mừng, có rất nhiều người đã thúc giục tìm ra giải pháp cho vấn đề leap second trong nhiều thập niên.
“Thật khó tin. Sau hơn 20 năm thảo luận, cuối cùng chúng tôi cũng đạt được thỏa thuận chính thức”, Patrizia Tavella, Giám đốc ban quản lý thời gian tại BIPM cho biết.
Hoa Kỳ là một người ủng hộ mạnh mẽ của Resolution D. Elizabeth Donley, trưởng bộ phận thời gian và tần số của Viện National Institute of Standards and Technology (NIST), ở Boulder, Colo, cho biết: “Cảm giác như hôm nay là một ngày lịch sử. Và tôi ước mình có mặt ở đó. Có lẽ có rất nhiều nơi đang ăn mừng.”
‘Giây nhuận’ đã gây rắc rối kể từ khi nó ra đời cách đây 50 năm. Nó được nghĩ ra như một cách để căn chỉnh thang thời gian nguyên tử quốc tế, được sử dụng từ năm 1967 và bắt nguồn từ sự rung động của các nguyên tử cesium, vì thời gian Trái Đất quay chậm hơn một chút. Thực tế, bất cứ khi nào thời gian nguyên tử đi trước một giây, nó sẽ dừng lại một giây để Trái Đất theo kịp.
Từ năm 1972 đến nay, giây nhuận được thêm tổng cộng 27 lần. Khác với năm nhuận, giây nhuận được thêm vào cùng một thời điểm trên toàn thế giới. Tại thời điểm 23 giờ 59 phút 59 giây ngày 30 tháng 6 hoặc 31 tháng 12, đồng hồ UTC sẽ thêm một giây thành 23 giờ 59 phút 60 giây, thay vì 0 giờ 0 phút 0 giây ngày tiếp theo. Lần gần nhất giây nhuận được thêm là vào giây cuối cùng của ngày 31 tháng 12 năm 2016, theo giờ UTC.
Ngày nay, giây nhuận là một vấn đề khiến cho giới công nghệ ‘sởn gai ốc.’ Rất khó để con người dự đoán giây nhuận cần được thêm vào tiếp theo. Vì thế, mạng lưới máy móc không thể chuẩn bị trước thay đổi này. Thay vào đó, mỗi mạng lưới sẽ có cách riêng để thêm giây thứ 61 trên đồng hồ, không đồng bộ với nhau.
Ngoài ra, các hệ thống máy móc hiện đại cũng hoạt động dựa trên mạng lưới quản lý thời gian cực kỳ chuẩn, chính xác đến từng mili giây. Chúng đã phụ thuộc nhiều vào đồng hồ không có giây nhuận để lên lịch cho các hoạt động được hẹn giờ trước, chẳng hạn như cập nhật phần mềm hay bổ sung dữ liệu. Chèn thêm một giây nữa sẽ làm tăng nguy cơ các hệ thống chịu trách nhiệm về mạng viễn thông, truyền tải năng lượng, giao dịch tài chánh và các doanh nghiệp quan trọng khác gặp trục trặc vì không thể đồng bộ dữ liệu thời gian.
Do đó, các hệ thống thời gian không chính thức đã dần bắt đầu thay thế Giờ Phối Hợp Quốc Tế (UTC). Việc loại bỏ giây nhuận sẽ giúp UTC tiếp tục được sử dụng đồng bộ, rộng rãi ở khắp nơi.
“Vấn đề quan trọng nhất là duy trì khái niệm rằng thời gian là một đại lượng quốc tế,” Judah Levine, vật lý gia tại NIST cho biết. Ông gọi quyết định ở Versailles là “một bước tiến đáng kinh ngạc.”
Nga đã bỏ phiếu chống Resolution D; Belarus thì bỏ phiếu trắng. Nga từ lâu đã tìm cách trì hoãn việc từ bỏ giây nhuận vì hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu GLONASS của họ có kết hợp thêm giây nhuận, khác với các hệ thống khác như GPS của Hoa Kỳ. Với những lo ngại của Nga, giây nhuận dự kiến sẽ không bị loại bỏ cho đến năm 2035, mặc dù nó có thể xảy ra sớm hơn.
Resolution D giúp cho giờ UTC không bị gián đoạn bởi các giây nhuận từ năm 2035 cho đến ít nhất là năm 2135, và để các chuyên gia đo lường tìm ra cách dung hòa các thang thời gian nguyên tử và thiên văn sao cho ít phiền toái hơn.
Vẫn còn nhiều bước phải làm trong kế hoạch loại bỏ giây nhuận. Mặc dù BIPM chịu trách nhiệm về thời gian quốc tế, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chịu trách nhiệm truyền nó. Hội nghị của ITU tại Dubai, United Arab Emirates, cũng sẽ bỏ phiếu về vấn đề này trong năm tới. Felicitas Arias, cựu giám đốc bộ phận thời gian tại BIPM và hiện là một học giả thiên văn tại Đài thiên văn Paris, cho biết 2 tổ chức đã có các cuộc đàm phán, và bà tin rằng ITU sẽ ủng hộ quyết định Versailles.
Giây nhuận là sự điều chỉnh (chèn thêm) một giây thường áp dụng cho Thời gian Phối hợp Quốc tế để giữ cho thời gian của ngày theo chuẩn thời gian đó gần với thời gian Mặt trời trung bình.