Thế rồi khoảng bảy năm sau, tôi gặp được cô bé này ở New Orleans. Lúc đó cô ta đã 20 tuổi, đang theo học trường đặc biệt về hội họa. Tôi được cô ta chỉ cho xem những bức tranh cô vẽ, thật đẹp, có hồn và chuyển nét vui tươi, khiến người Mỹ chú ý và đề cao. Vì cụt cả hai tay nên cô vẽ bằng chân, rất nhuyễn, và điệu nghệ. Tôi ngạc nhiên thấy cô còn biểu diễn bật điện bằng chân, giật dây mở quạt điện trên trần nhà bằng chân, ăn bằng chân, rót nước và mời khách bằng chân...
THỜI ĐIỂM NGƯỜI MỸ MÊ SẦU RIÊNG
Truyện cô gái vẽ được bằng chân chắc cũng chỉ là một trong trăm ngàn câu chuyện khác về người Việt mình trong những bi thảm mịt mù mà vẫn lầm lũi bước tới. Không ngờ mà cô ta lại có thể góp phần được vào việc làm đẹp một mảnh đất mới tại ngôi làng Việt ở thành phố New Orleans.
S.M. Hahn của tờ The Times-Picayune ở vùng New Orleans giữa tháng 9 năm 1999 viết một bài dài với tựa đề "Đi mua đồ nấu ăn tại chợ Việt" nói lên nếp sống khác biệt mà thu hút của dân Việt tại Ngọc Lân.
Chợ này sầm uất hẳn vào mỗi thứ bảy, bán đủ mọi thứ lặt vặt từ những bó rau đay, rau muống hái trong vườn, cho đến những xe chở đầy ngỗng trắng và thỏ sống; từ những rổ cà ghém đến những bó húng thơm. Lại có cả những trái cây hiếm lạ đối với người Mỹ như ổi, mít, nhãn tươi, hồng dòn, sầu riêng...
Bây giờ thì Mỹ trắng cũng như Mỹ đen đều ham tìm đến chợ Việt, dù phải thức dậy thật sớm. Quãng 9g sáng là đã tan chợ. May hết sức, anh chàng Hahn đã bám được một sinh viên y khoa người Việt đang học thuốc trong đại học Tulane. Thế là có người dẫn lối và chỉ cho cách mua bán để về tập nấu ăn theo kiểu Việt. Sau khi đã mua đủ mọi thứ "đồ nghề" cho món canh chua, chả cuốn, bò nhúng dấm, và các món nhậu, chàng Hahn nghĩ phải mua thứ trái cây gì độc đáo mùi vị Việt cho món tráng miệng. Và anh ta đã chịu món sầu riêng, dù đã được cảnh cáo trước là có mùi lạ lắm đến nỗi nhiều nơi bên Á Đông đã cấm không được ăn nơi công cộng như ở khách sạn và phi trường. Vậy mà anh chàng Hahn cũng quyết tậu được một trái. Anh tả là mùi nó thối lắm. "Nhưng nếu bạn chịu nổi thì bạn sẽ ăn được. Và nếu bạn đã chịu ăn thì thế nào bạn cũng phải nghiền mê mệt. Sầu riêng là một trong những trái cây khó chơi mà lại dễ bị mê nhất thế giới..." Sầu riêng mầu nhiệm lắm, ăn vào nghĩ ra mùi gì mình thích nhất cũng được. Nó giống cả mùi cà-phê nữa mới lạ chứ.
Bén mùi rồi, chàng Hahn của tờ The Times-Picayune liền giới thiệu và dặn kỹ ở cuối bài báo: "Chợ Việt họp mỗi sáng sớm thứ Bảy ở phía Đông New Orleans. Nhớ phải tới vào khoảng 6g30 sáng thì mới chọn được đồ vừa ý nhất. Cứ lái xe theo đường Chef Menteur tới Alcee Fortier là đúng đó."
TIN VUI GỬI NGƯỜI MẶC CẢM THUA KÉM
Châu Á là nơi phát sinh những tôn giáo lớn cho thế giới. Nhưng không hiểu vì lý do huyền bí nào mà một nước ở mút đầu phía tây Châu Á là Do Thái và một nước ở đuôi chót phía đông là Việt Nam lại mang cùng một lịch sử khổ nạn bầm dập giống nhau.
Ít nhất là ba thời kỳ dân Do Thái đã bị đầy đi khỏi nước: sang Ai Cập, sang Babylon và gần hai ngàn năm bị mất nước lang bạt đi khắp thế giới, thủ đô Giêrusalem bị đổi tên thành Aelia Capitolina vào năm 70 sau khi bị người Roma xâm chiếm phá tan bình địa. Được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, họ lại phải trải qua bốn mươi năm lang thang trong sa mạc, vô gia cư, vô tổ quốc. Nhưng chính trong những tước đoạt tột cùng này, giữa cõi sa mạc hoang vu khô cháy không còn gì để bám víu này mà niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất phát khởi. Họ thấy được Đấng Toàn Năng vẫn yêu thương dẫn dắt dưỡng nuôi trong "đồng cỏ xanh tươi bên dòng suối nước" dù đang qua bao thung lũng tối hay giữa bãi cát nấu nung! Không còn gì hết mà vẫn còn tất cả. Vì còn niềm tin. Như vậy là Do Thái thuộc Châu Á đã thi hành được một sứ mệnh và một sử mệnh làm nơi phát sinh ra Thiên Chúa giáo. Còn Việt Nam mình với bằng ấy khổ nạn có mang một sứ mệnh hay một sử mệnh nào không"
Câu chuyện cô bé cụt hai tay do chiến tranh đứng bên trong hàng rào kẽm gai ở trại tỵ nạn vẫn mãi tạo ra những đợt sóng dội dập trong tôi. Người mình đã khổ mà mà cô gái này còn khổ hơn gấp bội, tương lai rồi trôi dạt ra sao! Nghe đâu trước đó nhiều lần cô gái này đã tìm cách tự tử. Tội tình gì vậy" Nhưng rất may, cô đã được mang một tâm hồn mới sau những khóa linh thao, rất lạc quan yêu đời, và trở thành một họa sĩ vẽ bằng chân rất độc đáo.
Đó cũng là câu chuyện Tin Vui mở lối: "Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình." (Mt 20:1). Công việc nhiều quá, thấy cần thêm thợ nên ông lại đi tìm nhiều đợt: 9g sáng, 12g trưa, rồi 3g chiều. Mãi tới 5g chiều chỉ còn một giờ nữa thì hết giờ làm việc mà công việc vẫn chưa xong. Thế là ông gấp rút đi bốc thêm một đợt nữa cho chắc ăn.
Lúc bấm thẻ phát lương, ông chủ "nghệ sĩ" này lại hứng chí phát trước cho những người đợt cuối cùng chỉ làm có một giờ cũng được một quan tiền. Có thể vì những người này đã làm hết sức cho công việc của ông chạy xong kịp thời. Và những người ở những đợt khác cũng chỉ một quan tiền, kể cả những người làm từ 6g sáng, như đã thỏa thuận ngay từ đầu. Vậy là có lời ra tiếng vào lẩm bẩm rằng ông chủ không công bằng. Nhưng ông chủ đã trả lời rõ ràng: "Tôi đâu có xử bất công. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao"... Hay vì thấy tôi tốt bụng mà đâm ra ghen tức"" (Mt 20: 13-15)
PHÚT MỞ NHÃN QUAN
Sinh ra làm người Việt, có thể tôi cũng mang mặc cảm thấp cổ bé miệng thua thiệt trước đà tiến của thế giới. Có thể tôi cũng đã trách Chúa bất công vì sinh ra tôi ở đời thuộc đợt chợ chiều, đợi chờ chán chường mệt mỏi đến dài cổ, mãi đến phút chót mới được nhắc tới. Nhưng kìa, lạ quá, ông chủ vườn nho lại gọi tên tôi trước mà trả lương tối đa, mặc ai ghen tị. Tình thương này quả là một Tin Vui khiến tôi ngỡ ngàng sửng sốt.
Mỗi xui xẻo của người Do Thái là một mở lối mới. Mọi dấu bổng trầm đều hòa lại thành một bài hát dịu êm như lời Kinh Thánh: "Chúa đã làm cho mọi sự đi liền với nhau sinh ích cho những ai được Người yêu thương." (Roma 8:28).
Với quan niệm sống vì mồ mả cha ông, nhiều người Việt cứ bám chết vào mảnh đất đã trở nên quá chật hẹp nghèo nàn ở đất Bắc. Biến cố đau buồn 1954 đã hất cả triệu người ra khỏi làng mạc, không ngờ lại là cơ may phát triển miền Nam. Biến cố khốn cùng 1975 tan cửa nát nhà không ngờ lại là dịp bung ra khắp thế giới mở thêm bờ cõi mới, biết bao nhân tài được đào tạo đến nay. Dòng sức sống Việt Nam ở cuối thế kỷ 20 đã được chảy tới khắp các làng Việt trên các lục địa thế giới, mang sức ủi an vỗ về, hàn gắn những thương đau. Phải có một sử mệnh nào qua mọi chuyển vần này chứ"
Thế là một nhãn quan mới được mở ra khi được huyền nhiệm tình yêu chạm tới hóa giải mọi khúc mắc oan khiên. Những điệu đục khàn đời mình bỗng dưng biến thành hòa khúc dịu êm.
Ngước nhìn mặt Người, mắt tôi ứa lệ.
Lòng đê mê giang cánh bay xa.
Lm. Trần Cao Tường