Hôm nay,  

Ngọc Lan

08/11/202209:45:00(Xem: 3526)
Tùy bút

hoa-ngoc-lan


Gia đình tôi thuở ấy có hai căn nhà, nên tôi là cư dân của cả hai xóm liền kề nhau: Xóm Chùa và Xóm Đạo. Ngôi chùa Vĩnh Quang nhỏ xíu, nằm đầu con hẻm rộng. Chùa nhỏ nên vườn chùa cũng xinh xinh, với các loại cây trồng làm bóng mát và nhiều loại hoa kiểng, tạo nên một màu xanh tươi êm đềm sau cánh cửa sắt vững chải làm cổng chùa. Tôi thích nhất cây Ngọc Lan cổ thụ ngay góc sân, những buổi trưa vắng có dịp đi ngang qua, mùi thơm của hoa toả lan phảng phất theo những ngọn gió lay thật dễ chịu, nhè nhẹ đi vào lòng người, làm quên hết những âu lo bận rộn đời thường, dù chỉ là trong phút giây.

 

Mỗi mùa rằm tháng bảy, tôi hay theo lũ bạn trong xóm đến chùa để “xí” thức ăn chùa cúng cho … cô hồn các đảng. Đi theo chúng cho vui, chớ tôi yếu ớt làm sao giành giựt được nhiều lộc chùa, cùng lắm chỉ được vài khoanh chuối, mấy miếng khoai lang, nhưng tôi không hề buồn, vì tôi còn mê thứ khác thú vị hơn, đó là Ngọc Lan. Thường thì chúng tôi chỉ được nhặt những cụm hoa rụng rơi dưới sân chùa, nhưng vào những dịp lễ lớn nhộn nhịp, sư cô cũng vui vẻ rộng lòng từ bi, thoải mái chiều chuộng đám trẻ. Sư cô sai người dùng cái cây dài để hái Ngọc Lan cho chúng tôi. Những cánh hoa thon dài, trắng muốt, thanh tao, được tôi nâng niu đem về nhà, thả vào ly nước, đặt trong phòng ngủ, tha hồ mà thả hồn lãng đãng với làn hương quyến rũ.

 

Rồi tôi lớn lên, không còn đến chùa chơi đùa với đám bạn bè vì đứa nào cũng bận chuyện học hành. Tuy nhiên, mỗi khi đi học về, hoặc đi chơi xa trở về, khi đến đầu ngõ vườn chùa, tôi cảm nhận được ngay mùi Ngọc Lan quen thuộc vẫn còn đấy, đợi chờ tôi trong lặng lẽ, và bao mệt mỏi bỗng như tan biến, hồn tôi mềm yếu như áng mây trời, xuyến xao nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ xung quanh ngôi chùa nhỏ bé.

 

Chỉ cách hơn một con đường là qua xóm đạo xứ Đức Tin. Nơi đây, cũng có “hoa” Ngọc Lan, đẹp xinh, nhưng đặc biệt là “hoa”… biết nói và… biết hát, sau này tiếng hát ấy đã đi vào trái tim biết bao nhiêu người hâm mộ.

 

Chị ấy tên thật là Thanh Lan. Thực ra, chị không phải là cư dân xóm tôi, mà là ở Xóm Mô, kế bên. Lũ trẻ con chúng tôi, thời mới bị “giải phóng”, chỉ có niềm vui chạy ra vườn chùa, hoặc đến sân nhà xứ chơi những trò chơi trên mảnh sân xi măng rợp đầy bóng mát: tạt lon, ô quan, nhảy dây, banh đũa, thiên đàng địa ngục hai bên.  Nhưng vì vườn chùa thường hay kín cổng cao tường, hầu như lúc nào cũng lặng im thanh tịnh cho việc khói nhang cùng tiếng mõ tụng kinh, nên chúng tôi tụ tập ở sân nhà thờ hoặc sân nhà Cha xứ thường xuyên hơn. Chúng tôi mãi mãi nhớ ơn Cha xứ luôn mở rộng cổng cho chúng tôi vào chơi đùa, quậy phá. Buổi tối, Cha còn mở cửa nhà, cả lũ ùa vào ngồi trên thềm đá hoa mát lạnh xem ti vi, chương trình “Những Bông Hoa Nhỏ”. Khi chương trình ti vi chuyển qua mục Thời Sự, chúng tôi lại bị lùa ra sân vì đến giờ ca đoàn tập hát! (Không hiểu sao lúc ấy lại tập hát ở nhà xứ mà không phải ở nhà thờ? Chắc là thỉnh thoảng cần Cha đệm đàn piano chăng?)

 

Tuy còn bé, nhưng tôi cũng nghe các anh chị lớn và chòm xóm xung quanh bàn tán về một giọng ca solo nữ của ca đoàn, nên cũng hớn hở chen lấn ngoài cửa sổ, dưới tàn cây mận cổ thụ của nhà xứ, chỉ để say sưa ngắm nhìn nhan sắc dịu dàng và nghe tiếng hát của chị Thanh Lan. Dáng người nhỏ bé, mái tóc dài, đôi mắt buồn và giọng nói miền Nha Trang êm ái, chúng tôi thấy chị đẹp nhất cả nhà thờ, cả giáo xứ, chị chính là hoa hậu trong lòng chúng tôi.

 

Người yêu của chị là anh Quang, một trong những ca trưởng của ca đoàn giáo xứ. Anh ít nói, khiêm nhường, là sinh viên Đại Học Y Khoa. Hai anh chị đúng là đôi trai tài gái sắc. Trời đêm long lanh đầy sao, gió mát rượi, tan buổi tập hát, chị khép nép đi bên anh ra về, tay ôm chồng sách Thánh Ca, còn anh mang cây đàn guitar, khuôn mặt thông minh với đôi kính cận, nụ cười hiền hoà. Chu choa ơi, lãng mạn còn hơn phim Hàn Quốc, làm cô bé tôi nhiều lần mộng mơ, ước gì sau này lớn lên cũng có một tình yêu nên thơ như thế. Nhà chị Lan khá giả trong khi nhà anh Quang nghèo hơn, nhưng chuyện tình của họ được hai bên gia đình và cả giáo xứ cổ vũ, nên khi gia đình chị Lan tổ chức vượt biên cũng mang anh Quang đi theo.

 

Mà cuộc đời luôn có những định mệnh bất ngờ, qua đến Mỹ thì không hiểu sao họ không đi chung đường nữa. Anh Quang có tiếp tục học Y Khoa hay không, cuộc sống ra sao, hạnh phúc hay khổ đau, tôi không biết được. Còn chị Lan, số phận đẩy đưa, trở thành một ca sỹ nổi tiếng với nghệ danh Ngọc Lan. Tiếng hát của chị từng “làm mưa làm gió” ở hải ngoại thập niên 80s, 90s lay động thổn thức hàng triệu khán thính giả với nhiều bài hát ghi dấu ấn của chị: Mưa Trên Biển Vắng, Như Đã Dấu Yêu, Buồn, Lệ Đá, Tiếc Thương, Nghe Những Tàn Phai, Mắt Lệ Cho Người…

 

Hồi tôi ở trại tỵ nạn Thailand, đi đến bất cứ lô nhà nào, cũng đều nghe người ta mở máy cassette băng nhạc của Ngọc Lan, cả ngày lẫn đêm. Nhiều lần, tôi còn khóc nức nở theo giọng ca đầy mê hoặc, buồn tái tê: “Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời! Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời…” Tiếng hát liêu trai, như sương khói mong manh, đã ủi an vỗ về những mảnh đời tha hương trên đất tạm dung, quên đi những ngày dài đợi chờ, buồn tênh.

 

Và buồn thay, một bông hoa đẹp, cả hương lẫn sắc, đã phải úa tàn khi đang ở đỉnh cao của tuổi xuân và sự nghiệp, như câu thơ “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Nàng ra đi, nhưng tiếng hát còn vang vọng, âm ỉ trong trái tim những người yêu nàng. Riêng cư dân xứ đạo Đức Tin, cuối thập niên 70s, vẫn nhớ mãi hình ảnh một thiếu nữ mảnh mai, giọng ca ngọt ngào, mang tên loài hoa tươi sáng, âm thầm toả hương ngây ngất như 4 câu Thơ tôi tặng chị Lan yêu mến:

 

Ngọc Lan xinh đẹp, dịu dàng

Buồn vương đôi mắt, nồng nàn lời ca

Mong manh như một kiếp hoa

Luyến lưu hương sắc thiết tha dâng đời

 

Có một bài hát mang tên Ngọc Lan của nhạc sỹ Dương Thiệu Tước, từng được nhiều ca sỹ thử sức nhưng chỉ có tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh trình bày là hoàn hảo hơn cả. Tôi biết, nhạc sỹ đã sáng tác bài này từ rất lâu, xa lắc xa lơ ngoài miền Bắc thuở đất nước chưa bị chia cách, nhưng tôi cứ ngỡ như bài hát được viết cho những đoá Ngọc Lan “nhành liễu nghiêng nghiêng, tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song” của Xóm Chùa, và đặc biệt là viết riêng cho đoá Ngọc Lan biết nói của Xóm Đạo chúng tôi: “Bông hoa đời ngàn xưa tới nay. Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây, cho tơ trùng đàn hờ phím loan...”, nghe sao mà trầm bổng, thiết tha và buồn rười rượi như đôi mắt của nàng.

 

Giờ đây nơi tha phương, những tháng cuối cùng của một năm, khi trời Canada bắt đầu đổ tuyết từ tháng mười một, những giai điệu Thánh Ca Giáng Sinh  vang lên, tôi lại tìm nghe tiếng hát Ngọc Lan vào những đêm khuya vắng, day dứt u hoài những tiếng vọng quá khứ, nơi Bóng Nhỏ Giáo Đường của một miền dĩ vãng yêu thương:

 

Có ai về miền quê lửa khói, cho tôi nhắn vài câu…

 

– Kim Loan

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.