Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Người trong mộng

15/10/202213:55:00(Xem: 2688)
Truyện ngắn

Trong giấc mơ tôi

Trong giấc mơ tôi Tranh Đặng Mậu Tựu.


Chàng đi làm về, thấy nàng ngồi thừ ở salon, tờ báo chương trình truyền hình trước mặt. Đứa con bên cạnh chăm chú chơi cái xylophone. Ti-vi đang sặc sỡ những đoạn phim quảng cáo. Chàng ngạc nhiên lắm. Thường ngày, nghe tiếng chàng lách cách mở khóa cửa, nàng hớn hở bế con ra đón. Thể nào nàng cũng chuyền con cho chàng bế và bắt chàng phải hôn con một cái thật kêu. Thế mà hôm nay, nàng dường như không biết chàng vào nhà. Nàng giật bắn người khi chàng hỏi:

 

– Sao, hai mẹ con bữa nay ở nhà vui không?

 

Nàng lí nhí câu gì trong miệng, chàng nghe không rõ. Đến tối, chàng thực sự kinh ngạc. Thấy nàng đang bận rộn lo cơm nước, chàng bảo:

 

– Giờ này ti-vi chưa có gì. Anh tắt nha.

 

Nàng bỗng cao giọng, vẻ bất bình:

 

– Sao anh biết không có! Anh không xem, thì em xem.

 

Khuôn mặt nàng đỏ bừng, giận dữ. Chàng đấu dịu:

 

– Ừ, thì để.

 

Từ trước đến nay, nàng thường xuyên mắng nhiếc cái ti-vi, vì tội rù quến chàng. Nàng từng nói: “Nếu túng tiền phải bán vật dụng trong nhà, thì ti-vi sẽ là món hàng đầu tiên phải ra đi”. Nàng rất lạnh nhạt với ti-vi. Chỉ khi có phim xưa, các chương trình ca nhạc, tạp kỹ đặc sắc, nàng mới ngồi trước màn hình nhỏ. Nàng khăng khăng: “Phim hay, ra hẳn ngoài rạp chiếu bóng xem mới thích”.

 

Ngược lại, chàng mắc bệnh ghiền máy truyền hình. Chàng thường “ôm” ti-vi xem phim trinh thám của Mỹ, hoặc phim kiếm hiệp từ máy video. Nhiều lúc nàng mát mẻ: “Em phải ghen với ti-vi. Coi bộ anh yêu nó hơn em.”

 

Thời gian sau đó, nàng như một người khác. Nàng lơ là, ít chuyện trò với chàng. Nàng hay nổi nóng bất ngờ. Đôi lần chàng muốn hỏi, nhưng ngại cơn thịnh nộ khó lường, nên thôi. Nàng vẫn quấn quít con. Nhưng giữa những chăm sóc, chơi đùa với con, nàng bỗng đăm chiêu, ngưng cười giỡn. Rồi sau đó, như cảm thấy có lỗi, nàng ôm con nựng nịu, bù lại những lúc xao nhãng vai trò làm mẹ của mình. Lạ hơn nữa, hàng tuần, nàng tự đi siêu thị mua báo truyền hình. Nàng đọc xuôi, đọc ngược tờ báo, nghiên cứu kỹ càng từng mục. Nàng mở ti-vi cả ngày. Buổi tối, khi chàng xem truyền hình, nàng bế con ngồi bên cạnh. Nhưng nàng chẳng theo dõi cuốn phim hay chương trình giải trí trên màn hình. Khi thấy chàng không xem nữa, nàng bấm đổi đài lia lịa. Chàng nghĩ, có lẽ nàng đang sáng chế trò chơi gì mới. Tính nàng nhiều khi nghịch ngợm, ngộ lắm. Tối nọ, nàng vờ giọng rất tự nhiên:

 

– À, anh. Anh chàng JJ xuất hiện trong chương trình gì anh biết không?

 

Chàng nhíu mày một hồi:

 

– Tên nghe quen quá.

 

Lúc lâu sau, chàng mới nhớ ra:

 

– À! Anh này làm phụ tá cho ông bầu nổi tiếng của đài ZDF trong các chương trình thể thao đặc biệt đó.

 

Nàng hỏi dồn:

 

– Chương trình đó chiếu ngày nào vậy anh, mấy giờ?

 

Chàng nhún vai:

 

– Bất thường, khi nào có dịp đặc biệt kia.

 

Từ đó, nàng không mở ti-vi, mà chỉ dò kỹ chương trình từng ngày. Chàng lờ mờ hiểu, như vậy là nàng muốn xem chương trình Sport Extra. Mà để làm gì! Có trời mới hiểu. Nàng thích thơ văn nhạc, phim ảnh, chớ nàng có màng đến thể dục, thể thao bao giờ đâu.

 

Chàng định, lúc thuận tiện sẽ hỏi nàng. Nhưng bận rộn quá. Trong tuần, đi sớm, về trễ. Cuối tuần, hấp tấp chạy từ siêu thị này qua siêu thị kia mua đầy đủ đồ ăn, đồ dùng cho vợ chồng con. Chủ Nhật như con thoi, đưa vợ con thăm hai bên nội ngoại. Rồi một tuần lại qua. Thấy những thay đổi nơi nàng, chàng lo lắng:

 

– Em có sao không?

 

Nàng lơ đễnh:

 

– Em vẫn thường.

 

Chàng gặng hỏi, dỗ dành:

 

– Có gì không? Nói anh nghe đi.

 

Nàng rơm rớm nước mắt:

 

– Em kể, mà anh hứa là không giận em nghe.

 

Nàng ngần ngừ, như tìm lời mở đầu thích hợp:

 

– Cách đây không lâu, em nằm mơ. Một giấc mơ đẹp hết sức. Em nằm mơ thấy anh chàng JJ. Không biết em và anh ta yêu nhau từ lúc nào. Khi đó, đông đủ mọi người trong nhà bếp, em đang đứng rửa chén. Anh ta choàng vai em, nhìn sâu vào mắt em. Ánh mắt làm em chới với. Hai đứa ngồi bên nhau rất lâu, chẳng nói năng gì, mà em vui không thể tưởng. Lúc anh ta cười với em, khoe hai cái răng khểnh, dễ thương ghê lắm.

 

Chàng phì cười, cắt ngang:

 

– Thì anh cũng có hai cái răng lòi xỉ nè.

 

Giọng nàng nhỏ, nhưng rõ ràng, nàng rất xúc động:

 

– Anh ta cao cao, gầy gầy, có giọng nói ngọt ngào. Em chẳng nhớ, trong mơ, anh ta nói tiếng Việt hay tiếng Đức. Ngày hôm sau, em đến trường, còn ngẩn ngẩn, ngơ ngơ. Lạ thiệt. Hồi giờ em ngủ hay nằm mơ. Nhưng là những chuyện không đầu đuôi và thường sau khi ngủ dậy, chừng mươi phút sau, em quên sạch trơn. Giấc mơ này lại tròn trịa câu chuyện. Em chỉ tình cờ thoáng thấy anh ta trong ti-vi. Mà em có hề quan tâm, có bao giờ nghĩ ngợi gì đến anh ta đâu. Lạ hơn nữa, về sau, em vẫn thỉnh thoảng gặp anh ta  trong mơ. Có lúc em đi xi– nê với anh ta, đi ngang qua phố phường, anh ta mua những món quà nho nhỏ cho em. Khi gặp anh ta trong giấc mơ, em thấy mình vui sướng vô ngần. Sáng ra, thức giấc, em lại cảm thấy bất an, bứt rứt. Càng ngày, ước muốn được thấy rõ mặt anh ta càng mãnh liệt.

 

Nàng khóc tấm tức:

 

– Anh có giận em không?

 

Chàng lắc đầu:

 

– Đâu có, ai lại đi giận giấc mơ bao giờ?

 

Chàng thở phào nhẹ nhõm. Nàng kể lể nỗi lòng được rồi, mọi việc sẽ ổn thỏa. Nhưng không! Nàng vẫn miệt mài với những tờ báo ti-vi. Chàng hốt hoảng thực sự, khi nghe nàng gọi tên JJ trong mơ. Hay là chàng ghen? Nhất định không phải! Nàng rất dạn dĩ và hội nhập nhanh chóng vào cuộc sống ở đây. Tuy nhiên, trong tình cảm, nàng luôn chủ trương, ta về ta tắm ao ta. Nếu nàng gọi Hùng, Cường gì đó, chắc chắn chàng sẽ đỏ mặt tía tai, phừng phừng nổi giận. Nhưng người “ngoại quốc” chẳng là đối thủ của chàng. Mười anh JJ chàng cũng chẳng ngán. Nàng bệnh mất rồi. Chàng lo lắng không biết đưa nàng đến bác sĩ chuyên khoa nào, không lẽ đi bác sĩ tâm thần. Chàng sốt sắng cùng nàng nghiên cứu báo ti-vi. Không may, mùa này các đội đá banh nghỉ dưỡng giò. Chương trình tường thuật thể thao cũng không xuất hiện. Chiều thứ Năm đi làm về, ngang qua sạp báo, chàng mừng rỡ đến độ suýt la lớn. Hình anh chàng JJ ngay trang bìa báo. Dưới có đề tựa: “JJ, một khuôn mặt rất nhiều triển vọng trong làng tường thuật thể thao”. Chàng mua vội tờ báo, phóng như bay về nhà. Nàng sẽ “gặp” hắn, để xem, nàng phản ứng ra sao.

 

Nàng đang ngồi bó gối ủ rũ trên thảm. Trên bàn có tờ báo giống tờ báo chàng cầm trong tay. Đứa con bên cạnh đang tẳn mẳn xếp mấy con thú  gỗ. Ti vi không mở. Nghe tiếng chàng, nàng ngước lên, cặp mắt đỏ hoe. Chàng lúng túng, thảy tờ báo lên bàn, nói vụng về:

 

Alles ok không em?

 

Không trả lời câu hỏi của chàng, nàng nói nhỏ:

 

– Anh đưa con đi chơi một chút nha.

 

Còn một mình ở nhà, không cần kềm chế, nàng òa khóc. Không, đó không phải là anh chàng trong mơ của nàng. Nàng hiểu ra. Anh chàng phóng viên thể thao JJ chẳng phải là người trong giấc mơ của nàng. Nói đúng hơn, “anh chàng” trong mơ của nàng chẳng là ai ngoài đời cả. “Người trong mộng” chỉ là bức tranh nàng vẽ vời trong trí tưởng tượng của tuổi đôi mươi. Của lòng nàng bay bổng với ước mơ đời êm như tiếng hát của lứa đôi. Nàng đứng dậy, lau nước mắt, dứt khoát cầm hai tờ báo bỏ vào thùng giấy.

 

Năm thì mười họa, nàng xem chương trình với những chủ đề đặc biệt của anh phóng viên JJ. Anh ta nói chuyện có duyên, đối đáp thông minh. Tiếng Đức của anh ta dễ nghe cho đôi tai Việt của nàng. Nàng thấy anh ta là một người dễ mến. Nhưng tuyệt nhiên, nàng chẳng chút xao xuyến, vấn vương.

 

Như mọi người, cuộc sống của nàng buồn vui lẫn lộn. Lần giở những cuốn sổ ghi chép chi chít, nàng giật mình khi đọc mấy câu thơ trong nét viết tay ngả nghiêng của mình.

 

Có khi ta ngủ mà ta biết/  Cũng có khi lòng ta dửng dưng

...

Bao nhiêu ngày tháng trôi qua đó/ Chẳng lúc nào vui cứ mãi buồn

 

Nàng chắc chắn không phải là thơ của nàng, bởi nàng không biết làm thơ. Có lẽ, nàng đã buồn ghê gớm, nên mới mượn mấy câu thơ ướt sũng chép vào nhật ký. Có lẽ, nàng mải bận rộn sụt sùi, nên quên ghi tên tác giả bài thơ. Bên cạnh những ngày tháng sầu khổ, nàng vẫn có muôn vàn thời khắc hạnh phúc. Có lúc nàng mượn câu nói nàng đã đọc đâu đó, một ngày đẹp trời, cây cỏ đẹp, tình nhân đẹp..., để chụp lại những giờ giấc nàng phơi phới tin yêu.

 

*

 

Thời gian vùn vụt trôi. Mới hồi nào nàng nằm mộng thấy người của đài truyền hình. Nay đã ba chục năm qua. Nàng vẫn hay mơ trong những giấc ngủ. Đâu ai ngủ mà không mơ. Nhưng chẳng giấc mơ nào có bóng dáng người trong mộng. Thời nay, nếu nàng nằm mơ tương tự như thuở xưa, nàng khỏi cần mua báo ti-vi. Mà muốn mua, e không dễ, vì báo ti-vi đang trên đường tuyệt chủng. Mở mắt ra, nàng chỉ cần vài phút vào internet là tìm được đầy đủ thông tin, hình ảnh cần thiết. Ai đó đùa rằng, trăm năm trong cõi người ta/  điều gì không biết thì tra “gú-gồ”.

 

Ngày nọ, nàng mở đường link người bạn giới thiệu một bài hát phổ thơ của người quen. Bài hát, trong tai nàng, không để lại ấn tượng nào rõ nét. Bởi vậy, nàng vừa nghe hát, vừa dọn dẹp “thùng” thư điện tử. Mải miết mở thư, xếp thư, xóa thư, nàng không để ý link đã chuyển qua bài hát khác.

 

Bỗng nhiên, giọng hát trầm ấm của ca sĩ nàng rất ái mộ làm nàng vứt phăng mớ thư từ ngổn ngang. Nàng ngồi yên, lắng nghe từng chữ của lời bài hát, lắng nghe từng nốt của tiếng đàn dương cầm dìu dặt. 

 

Tôi như nắng cháy ngoài đồng khô khan / Cỏ buồn hoang mang mong giọt mưa về thăm hỏi...

 

Chữ “hỏi iii”...  luyến nhè nhẹ, như lời ru êm dịu. Phút giây đó, nàng ngỡ như thấy người trong mộng bước ra cõi thực, thì thầm vào tai nàng lời đường mật.

 

Từ một giấc mơ tôi gặp em niềm vui vỡ bờ/  Từ một giấc mơ tôi về trên ngõ cũ ngày nào/  Trông vời em dáng áo nhạt màu/  Cho lòng thấy đời tôi còn em như giấc mơ.

 

Nàng ngộ ra, bao nhiêu năm nay, khi nàng lao đao, vấp ngã, không chỉ vòng tay thân yêu của gia đình nâng đỡ nàng, mà còn có “người trong mộng” với chiếc áo được dệt bằng những vần thơ óng ả, những đoạn văn mượt mà, những điệu nhạc du dương, bước ra đời thường, thân ái dìu nàng, nhẹ nhàng an ủi, vỗ về nàng, đằm thắm thắp sáng niềm vui trong tim nàng. Để rồi, nhiều sớm mai thức dậy, nàng có thể xuýt xoa đón ngày mới: “Ôi, đời còn dễ thương”.

 

Hoàng Quân

(Trích lời ca trong các nhạc phẩm Hương Xưa của nhạc sĩ Cung Tiến và Từ Một Giấc Mơ của nhạc sĩ Mai Anh Việt).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
Vì hình ảnh ảm đạm, buồn sầu, như tiếng kêu đòi tắt nghẹn. Tôi, tác giả, đi giữa lòng thủ đô Hà Nội mà không thấy gì cả, không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Cờ đỏ là quốc kỳ. Mưa sa làm cho những lá quốc kỳ sũng nước, bèo nhèo, nhếch nhác, úng rữa. Một hình ảnh thảm hại. Hình ảnh thảm hại là dự phóng cho tương lai thảm hại. Và thất bại. Lạ một điều, người ta chỉ trích dẫn năm dòng thơ này, tổng cộng 14 chữ, mà không ai trích dẫn cả bài thơ, và hẳn là hơn 90% những người biết năm dòng này thì không từng biết, chưa bao giờ đọc, cả bài thơ, và tin rằng đó là những lời tâm huyết của nhà thơ Trần Dần nói về thời cuộc mà ông nhận thức được vào thời điểm 1955.
Viet Book Fest cho thấy thế hệ trẻ gốc Việt nay đã vượt qua được những ràng buộc cơm áo gạo tiền của thế hệ đi trước, để cộng đồng Việt nay có thể vươn lên với giấc mơ văn học nghệ thuật trên đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.