Hội thảo
Giáo sư Quyên Di (UCLA) là thành phần trọng yếu của buổi hội thảo, với tầm vóc lớn lao của sự tổ chức cho khoảng 400 đại biểu, đến từ nhiều quốc gia khắp thế giới, từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, Á Châu, Trung Đông, chưa kể đến những nơi xa xôi như Á Căn Đình (Argentina) và nhiều nơi khác, ông có những bài tham luận trình bày những học thuật, nghiên cứu về sư phạm, ngữ học, tâm lý học.
Thêm vào đó có nhiều giảng viên với hai giáo sư có tầm vóc quốc tế là Giáo sư Tahara Hiroki (Ritsumeikan Asia Pacific University), học Việt ngữ từ năm 1991, cựu tùy viên tòa đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội, hiện là giáo sư thực thụ toàn phần, được tài trợ của Bộ Giáo Dục Nhật Bản để nghiên cứu về văn học nghệ thuật tại Việt Nam trước năm 1975. Ông đưa những nét nhân quyền và sự tự do trong giảng huấn ngôn ngữ. Người thứ hai là Giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh (đại học CSU Long Beach, Center for Language Minority and Education Research (CLMER). Giáo sư Nguyễn sẽ thuyết trình về những sự kiện lịch sử cận đại vào giáo trình Việt ngữ: Cuộc di cư năm 1954, Tết Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, di tản vượt biên sau 1975, sự phát triển cộng đồng gốc Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ và hải ngoại.
Đặc biệt Giáo sư Trần Chấn Trí (UCI) hiện diện trực tuyến (Zoom) khi Giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh nói về dùng Truyện Cổ Dân Gian trong việc giảng huấn Việt ngữ. Giáo sư Trần tốt nghiệp Tiến sĩ Ngữ học (UCLA) hiện đang là giảng viên về Việt ngữ và tiếng Tây Ban Nha tại đại học University of California Irvine và một số đại học trong vùng Orange County, ông thông thạo nhiều ngoại ngữ như Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đức, Ý.
Bốn vị giáo sư nói trên đều có sách xuất bản:
– Giáo sư Quyên Di soạn sách giáo khoa từ sơ cấp, trung cấp đến cao cấp để giảng dạy Việt ngữ và có dùng tại các lớp trong UCLA. Sách có bán qua nhà xuất bản Tuổi Hoa.
– Giáo sư Tahara Hiroki soạn sách giáo khoa Nhật-Việt, Việt-Nhật, sách có bán qua đại học Ritsumeikan Asia Pacific University tại Nhật Bản.
– Giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh mới xuất bản: To Our Grandchildren with Love, Understanding Our Family Refugee History (Tìm Hiểu Lịch Sử Gia Đình Người Việt Tỵ Nạn) song ngữ để giảng huấn Việt Ngữ, sách có bán trên Amazon.
– Giáo sư Trần Chấn Trí có bộ sách học tiếng Tây Ban Nha, bộ sách về Truyện Cổ Dân Gian song ngữ, có phần diễn đọc, Trong Vườn Mắt Em, một hợp tuyển truyện & kịch chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Tây Ban Nha của tổng cộng 21 nước trên thế giới dùng tiếng này làm ngôn ngữ chính thức, sách có bán trên Amazon.
Cần lưu ý là nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra một chính sách mới để tạo ảnh hưởng về giáo dục Việt ngữ trong cộng đồng gốc Việt tỵ nạn hải ngoại với những phương tiện dồi dào, từ các đại học trong nước, các nghệ sĩ quốc nội ra hải ngoại để cổ động, với một ngân quỹ lớn lao, bắt đầu từ bây giờ trong chương trình 2023-2030. Đồng bào Gốc Việt tỵ nạn sẽ phải đối phó với sự cạnh tranh mãnh liệt của nhà nước Hà Nội trên phương diện văn hóa, tranh giành ảnh hưởng trong cộng đồng Gốc Việt tỵ nạn hải ngoại. Trong một vài sách văn học nghệ thuật xuất bản gần đây, danh từ người Việt tỵ nạn bị che khuất bởi các danh từ người Việt lưu vong, người Việt hải ngoại. Đó là một nhận định không chính xác nếu không muốn nói là sai lầm. Chúng ta là những người gốc Việt tỵ nạn, phải bỏ xứ sở ra đi tìm tự do và tạo cuộc sống mới tại hải ngoại, phát triển, gìn giữ ngôn ngữ, văn học nghệ thuật, văn hóa trong cộng đồng gốc Việt tỵ nạn hải ngoại.
– Nguyễn-Viết Kim