HOA KỲ – Nếu nhìn lại những dòng vi rút gây bệnh hô hấp khác từng gieo tai họa lên nhân loại một đoạn thời gian, ta có thể sẽ thấy được gợi ý những gì có thể xảy ra trong tương lai. Bài phỏng dịch theo bài viết của David R. Martinez, Nghiên Cứu Sinh sau Tiến Sĩ về Dịch Tễ Học, Trường University of North Carolina ở Chapel Hill, được đăng trên trang TheConversation, với link gốc ở cuối bài.
Được cập nhật các mũi vắc xin COVID-19 có nghĩa một người hiện đã tiêm ba hoặc bốn mũi vắc xin COVID-19. Các mũi tiêm tăng cường hiện nay (mũi tiêm thứ 3 và thứ 4) có công thức tương tự như các mũi tiêm đầu tiên, dựa trên dòng vi rút ban đầu xuất hiện từ cuối năm 2019. Chúng vẫn bảo vệ người bị nhiễm COVID-19 khỏi các triệu chứng nghiêm trọng, phải vào bệnh viện và tử vong. Nhưng khi khả năng miễn dịch suy giảm dần theo thời gian và các biến thể mới của vi rút xuất hiện và dễ lây lan hơn, thế giới cần một chiến lược lâu dài đối với các mũi vắc xin tăng cường.
David R. Martinez là nhà nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về Dịch tễ học, Trường University of North Carolina ở Chapel Hill. Ông nghiên cứu khả năng miễn dịch đối với vi rút và là thành viên trong nhóm đã giúp phát triển vắc xin SARS-CoV-2 của Moderna và Johnson & Johnson, cũng như các liệu pháp kháng thể đơn dòng của Eli Lilly và AstraZeneca.
Martinez thường được hỏi ý kiến rằng liệu mọi người có cần tiêm thêm các mũi vắc xin COVID-19 tăng cường trong tương lai hay không. Ông thừa nhận mình không phải nhà tiên tri để có thể đoán xem biến thể SARS-CoV-2 nào sẽ xuất hiện tiếp theo, hoặc các biến thể trong tương lai sẽ có khả năng né tránh vắc xin tốt cỡ nào. Nhưng nếu nhìn lại những dòng vi rút gây bệnh hô hấp khác từng gieo tai họa lên nhân loại một đoạn thời gian, ta có thể sẽ thấy được gợi ý những gì có thể xảy ra trong tương lai.
Vi rút bệnh cúm (Influenza virus) là một ví dụ. Nó là một loại ‘bệnh đặc hữu’ ở con người, có nghĩa là nó vẫn chưa biến mất và vẫn tiếp tục gây ra các đợt tái nhiễm bùng phát theo mùa trong cộng đồng. Hàng năm, các viên chức (y tế) cố gắng tiên đoán công thức tiêm phòng cúm tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng.
Khi SARS-CoV-2 tiếp tục phát triển và có khả năng trở thành bệnh đặc hữu, có thể mọi người cần tiêm phòng định kỳ trong tương lai gần. Có khả năng các nhà khoa học rồi sẽ cần phải cập nhật vắc xin COVID-19 để chống lại các biến thể mới hơn, tương tự như đối với bệnh cúm. Dự báo về dịch cúm dựa trên sự giám sát cẩn thận.
Giám sát vi rút bệnh cúm đưa ra một mô hình khả thể về cách có thể theo dõi SARS-CoV-2 theo thời gian dài. Các loại vi rút cúm đã gây ra nhiều trận đại dịch, bao gồm cả đợt đại dịch năm 1918 đã giết chết khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới. Mỗi năm đều có các đợt bùng phát bệnh cúm theo mùa, và cũng mỗi năm, các viên chức khuyến khích người dân đi tiêm phòng cúm.
Hàng năm, các cơ quan y tế bao gồm Hệ Thống Giám Sát và Ứng Phó Với Bệnh Cúm Toàn Cầu (Global Influenza Surveillance and Response System) của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đưa ra phỏng đoán đã qua nghiên cứu, dựa trên các chủng vi rút cúm lưu hành ở Nam Bán Cầu, rằng những chủng nào có nhiều khả năng lưu hành trong mùa cúm sắp tới ở Bắc Bán Cầu. Sau đó, người ta bắt đầu sản xuất vắc xin quy mô lớn, dựa trên các chủng vi rút cúm đã chọn.
Cũng có một số mùa cúm, vắc xin sản xuất ra không đúng với chủng vi rút lưu hành rộng rãi nhất. Những năm đó, tiêm chủng không có hiệu quả cao bằng việc phòng ngừa bệnh trở nặng. Dù quy trình dự đoán vẫn chưa hoàn hảo, nhưng lĩnh vực vắc xin phòng bệnh cúm đã được hưởng lợi từ hệ thống giám sát vi rút mạnh mẽ và nỗ lực phối hợp quốc tế của các cơ quan y tế công cộng cho quá trình chuẩn bị.
Và dù các đặc điểm chi tiết ở vi rút bệnh cúm khác với ở vi rút SARS-CoV-2, ông Martinez cho rằng lĩnh vực COVID-19 nên suy nghĩ về việc áp dụng các hệ thống giám sát tương tự trong dài hạn. Nắm bắt được những chủng vi rút nào đang lưu hành sẽ giúp các nhà nghiên cứu cập nhật vắc xin phù hợp với các biến thể mới nhất.
Cho đến nay, SARS-CoV-2 đã tiến hóa như thế nào?
SARS-CoV-2 phải đối mặt với một song đề (tình thế khó khăn, tiến thoái lưỡng nan) trong tiến hóa khi nó tái tạo và lây lan từ người này sang người khác. Vi rút cần duy trì khả năng xâm nhập vào tế bào của con người bằng cách sử dụng protein đột biến của nó, trong khi phải thay đổi theo cách cho phép nó tránh được khả năng miễn dịch của vắc xin. Về cơ bản, vắc xin được thiết kế để cơ thể chúng ta nhận ra một loại protein đột biến cụ thể, vì vậy, protein này càng thay đổi thì khả năng vắc xin mất tác dụng so với biến thể mới càng cao.
Bất chấp những thách thức đó, SARS-CoV-2 và các biến thể của nó đã tiến hóa thành công để vừa dễ lây truyền hơn và vừa tránh được các phản ứng miễn dịch tốt hơn. Trong quá trình diễn ra đại dịch COVID-19, một biến thể SARS-CoV-2 mới thuộc loại đáng lo ngại (variant of concern) đã xuất hiện và thống trị trong một loạt các đợt lây lan từ bốn đến bảy tháng một lần. Đến hẹn lại lên, biến thể D614G xuất hiện vào mùa xuân năm 2020 và vượt qua chủng SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát ban đầu. Vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, biến thể alpha đã xuất hiện và thống trị. Vào giữa năm 2021, biến thể delta đã vượt qua alpha và sau đó chiếm ưu thế về số ca nhiễm cho đến khi nó bị ‘soán ngôi’ bởi biến thể omicron vào cuối năm 2021.
Hoàn toàn có lý do để tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục. Trong những tháng tới, thế giới có thể sẽ chứng kiến một hậu duệ mới thống trị các biến thể con của omicron. Và chắc chắn có khả năng một biến thể mới sẽ xuất hiện từ một nhóm SARS-CoV-2 bình thường, cũng là cách Omicron tự hình thành.
Các mũi tiêm tăng cường hiện tại chỉ đơn giản là liều bổ sung của vắc xin dựa trên chủng vi rút SARS-CoV-2 đã bị dập từ lâu. Các biến thể của coronavirus đã thay đổi rất nhiều so với vi rút ban đầu, đây không phải là điềm báo tốt lành gì trong việc vắc xin tiếp tục có hiệu quả hay không. Ý tưởng về các mũi tiêm hàng năm được tạo ra theo kiểu “đo ni đóng giày” – như vắc xin bệnh cúm – nghe có vẻ hay ho. Nhưng vấn đề là các nhà khoa học vẫn chưa thể dự đoán biến thể SARS-CoV-2 tiếp theo sẽ như thế nào, với mức độ tin cậy cao cỡ nào.
Lên kế hoạch cho tương lai
Đúng, các biến thể SARS-CoV-2 chiếm ưu thế trong mùa thu và mùa đông sắp tới có thể sẽ trở nên khác với các biến thể con của Omicron hiện đang lưu hành. Tuy nhiên, tiêm thêm một liều vắc xin tăng cường, cùng với khả năng miễn dịch mà cộng đồng đã và đang có từ những mũi vắc xin đầu tiên, sẽ có khả năng bảo vệ tốt hơn trong tương lai. Có thể sẽ cần tiêm mũi tăng cường ít thường xuyên hơn – ít nhất là khi các dòng con của Omicron vẫn tiếp tục thống trị.
Cơ Quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) dự kiến sẽ họp trong những tuần tới để quyết định các mũi tăng cường cho mùa thu để các nhà sản xuất bắt tay vào sản xuất. Các nhà sản xuất vắc xin như Moderna hiện đang thử nghiệm các mũi tăng cường trên người và đánh giá phản ứng miễn dịch chống lại các biến thể mới xuất hiện. Kết quả thử nghiệm có thể sẽ quyết định những gì được dùng trong dự đoán cho các đợt bùng phát mùa thu hoặc mùa đông.
Một khả năng khác là thêm vào chiến lược liều vắc xin tăng cường các phương pháp tiếp cận vắc xin coronavirus phổ cập vốn đã có triển vọng trong các nghiên cứu trên động vật. Các nhà nghiên cứu đang làm việc để hướng tới thứ được gọi là vắc xin phổ cập có hiệu quả chống lại nhiều chủng. Một số tập trung vào các gai chimeric, kết hợp các phần gai của các coronavirus khác nhau lại với nhau trong một loại vắc xin, để mở rộng khả năng miễn dịch bảo vệ. Một số khác đang thử nghiệm vắc xin hạt nano giúp hệ thống miễn dịch tập trung vào những vùng dễ bị tổn thương nhất khi coronavirus bùng phát trong cơ thể.
Trong các thí nghiệm, các chiến lược trên đã được chứng minh là có hiệu quả đối với các biến thể SARS-CoV-2 khó ngăn chặn. Chúng cũng có hiệu quả trên động vật, có thể chống lại vi rút SARS đã gây ra đợt bùng phát vào đầu những năm 2000, cũng như các coronavirus gây bệnh trên loài dơi có thể lây sang người, gây ra đợt bùng phát SARS-CoV-3 trong tương lai.
Khoa học đã mang đến nhiều loại vắc xin an toàn và hiệu quả giúp giảm nguy cơ bệnh trở nặng khi bị nhiễm COVID-19. Cải cách các chiến lược tiêm vắc xin mũi tăng cường, hướng tới vắc xin dựa trên phổ cập hoặc được cập nhật mũi tăng cường, có thể giúp đưa chúng ta thoát ra khỏi đại dịch COVID-19.
Việt Báo phỏng dịch
Link bài gốc: Future COVID-19 booster shots will likely need fresh formulations as new coronavirus variants of concern continue to emerge
Gửi ý kiến của bạn