
Nếu cẩn thận suy nghĩ và phân tích, chủ nghĩa biệt lập “Nước Mỹ trên hết” (America First) thật ra không hề giúp bảo vệ Hoa Kỳ tránh xa những căng thẳng và xung đột, mà chỉ càng làm tăng thêm những nguy cơ hạt nhân mà đất nước phải đối mặt. (Nguồn: istock.com. Hình Hoa Kỳ Capitol Building của Perry Spring)
Sức mạnh răn đe hạt nhân là thứ hữu dụng – ít nhất là cho đến nay. Muốn hiểu rõ hơn, chỉ cần nhìn vào cuộc chiến ở Ukraine. Hoa Kỳ và Châu Âu trang bị vũ khí cho các đồng minh nhưng không dám triển khai quân đội đối đầu trực tiếp với Nga. Tương tự, Nga cũng không có gan gây hấn trực tiếp với các quốc gia phương Tây. Nỗi sợ hãi và kiêng dè lẫn nhau khiến các cường quốc hạt nhân không công khai gây chiến trực tiếp; như đã từng ngăn Chiến Tranh Lạnh trở nên nảy lửa, dù đã có rất nhiều xung đột gián tiếp nổ ra. Răn đe hạt nhân cũng giúp hạn chế số lượng quốc gia phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân – hiện nay chỉ có 9 quốc gia trên thế giới có vũ khí hạt nhân, và số quốc gia có có khả năng phát triển các loại vũ khí hủy diệt này còn ít hơn thế.
Khi NATO đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày ký kết Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong tuần này, thầm cảm ớn sự “răn đe mở rộng” đầy hào phóng, Hoa Kỳ đã cam kết sẽ che chở cho các đồng minh ở Châu Âu và Châu Á dưới ‘ô dù hạt nhân’ của mình. Một phần của cam kết này là để kiềm chế cả các đối thủ lẫn những bằng hữu như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc không ấp ôm mộng tưởng tự phát triển vũ khí hạt nhân.
Và trong thời điểm cán cân hạt nhân của thế giới ngày càng bất ổn, việc Donald Trump ngồi lại vào chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ có thể sẽ khiến tình hình càng thêm hỗn loạn. Trump từng đe dọa rằng nếu các đồng minh NATO không chi tiêu đủ cho quốc phòng, ông sẽ cho phép Nga “làm bất cứ điều gì mà họ muốn.” Lời đe dọa này khiến cho niềm tin giữa các đồng minh bị lung lay. Và khi không còn tin tưởng vào sự che chở của Hoa Kỳ, họ có thể tự tìm các biện pháp riêng để tự bảo vệ mình, dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc “đại chiến hạt nhân.” Đây là cơn ác mộng mà Hoa Kỳ luôn đau đáu lo sợ và tìm mọi cách ngăn chặn.
Là cường quốc hạt nhân đầu tiên trên thế giới, Hoa Kỳ vẫn luôn cố gắng ngăn chặn các quốc gia khác phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân. Dân trong ngành gọi đó là “vấn đề quốc gia thứ n” (nth-country problem), nghĩa là càng có nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thì lại càng thêm nhiều quốc gia khác muốn có “cho bằng chị bằng em.” Điều này tạo ra một chuỗi phản ứng khiến nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng ngoài tầm kiểm soát tăng cao, đồng thời hạn chế sức mạnh của Hoa Kỳ và cũng làm tăng nguy cơ Hoa Kỳ bị tấn công hạt nhân. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, sự răn đe hạt nhân giữa hai siêu cường quốc đã đủ đáng sợ; và khi ngày càng có nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, vấn đề có thể trở nên phức tạp khôn lường.
Do đó, Hoa Kỳ đã cố gắng ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua một chiến lược thường không được công khai rõ ràng, nhưng có tác động sâu rộng, được gọi là “chiến lược kiềm chế” (strategy of inhibition). Chiến lược này dựa trên ba trụ cột chính: thúc đẩy các quy tắc và hiệp ước (như Hiệp Ước Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân, Nuclear Non-Proliferation Treaty, năm 1968); kiềm chế thông qua các biện pháp ngoại giao, trừng phạt kinh tế, và đe dọa hành động quân sự; trấn an thông qua các liên minh quân sự và cam kết an ninh.
Răn đe mở rộng là phản trực giác, ở chỗ Hoa Kỳ dám mạo hiểm an ninh của chính mình để bảo vệ lợi ích của đồng minh. Cam kết của Hoa Kỳ, về việc sử dụng sức mạnh hạt nhân để ngăn chặn các mối đe dọa từ Điện Kremlin, luôn vấp phải một số ngờ vực. Để củng cố lòng tin, Hoa Kỳ đã thực hiện các biện pháp như triển khai quân đội và vũ khí hạt nhân ở Châu Âu, đồng thời cho một số đồng minh tham gia vào các sứ mệnh hạt nhân.
Trong mắt Donald Trump, người đang ngang tài ngang sức với Joe Biden trong các cuộc thăm dò dư luận, các đồng minh là gánh nặng chứ không phải tài sản chiến lược của Hoa Kỳ. Quan điểm xem thường đồng minh này của Trump chưa gây ra tác động gì đáng kể trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, khi mà thế giới còn tương đối bình yên (Trump thậm chí còn tự hào rằng thời kỳ hòa bình đó là nhờ vào công lao lãnh đạo của mình). Giờ đây, Hoa Kỳ đang dấn thân sâu vào các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza, cũng như những căng thẳng đang bủa vây lấy Đài Loan. Một cuộc đua hạt nhân đang dần hiện hữu khi Nga và Trung Quốc đều đang tăng cường xây dựng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Không ai biết được Trump sẽ làm gì; thậm chí chính bản thân ông có khi cũng chẳng biết sẽ làm gì, dù đã lớn tiếng huênh hoang về việc sẽ kết thúc cuộc chiến Ukraine trong một ngày. Nhưng những tuyên bố của Trump, những thông tin từ các cựu cố vấn của Trump về mong muốn rời khỏi NATO, và cả những đề nghị ‘hoang đường’ của những kẻ đứng sau Trump, đều nhen nhóm cho người ta suy nghĩ rằng ‘Hoa Kỳ sẽ lật lọng’ với các đồng minh của mình. Và việc các DB Cộng Hòa trong Quốc Hội ‘dây dưa mặc cả’ các gói viện trợ cho Ukraine, Israel và Đài Loan hàng tháng trời là một điềm xấu.
Các đồng minh của Hoa Kỳ có thể sẽ cầu mong rằng, giống như trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, sẽ có những viên chức ‘sáng suốt’ trong chính quyền tìm cách giúp hạn chế thiệt hại. Nhưng một số nhân vật thuộc ‘thế giới Trump’ lại ủng hộ quan điểm rằng những quốc gia thuộc NATO mà không chi tiêu đủ 2% GDP cho quốc phòng thì không đáng được bảo vệ theo cam kết ‘một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.’ Những người khác đề nghị ý tưởng về một NATO “ngủ yên,” Hoa Kỳ sẽ rút quân khỏi Châu Âu nhưng vẫn bảo đảm ‘ô dù hạt nhân.’ Nhưng những ý tưởng kiểu này thật vô nghĩa! Hoa Kỳ sẽ không thể bảo vệ vùng quân sự phía đông Châu Âu nếu không nắm vững các tuyến tiếp tế qua phía tây. Và liệu Trump có sẵn lòng chấp nhận để các thành phố của Hoa Kỳ trở thành mục tiêu bị tấn công hạt nhân để giúp các đồng minh Châu Âu mà ông vẫn luôn xem nhẹ hay không?
Các chính phủ Châu Âu đang bắt đầu nghĩ về những điều từng được cho là không tưởng. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ không tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, các đồng minh có thể bắt đầu nghĩ đến việc tự phát triển “chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình.” Nhiều chính trị gia từ Đức đến Hàn Quốc cũng đưa ra những cảnh báo tương tự. Một số khác thì đưa ra ý tưởng “Châu Âu hóa” NATO và thay thế vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ bằng vũ khí của Anh và Pháp, mặc dù số lượng vũ khí hạt nhân của họ cộng hết lại còn chưa bằng 1/10 kho vũ khí của Nga, và chiến lược bảo vệ phần còn lại của Châu Âu vẫn còn đang nằm trên giấy. Các đồng minh Châu Âu cũng đang chuẩn bị ‘gánh’ Ukraine nhiều hơn, với hy vọng ‘không phải lụy Trump’ trong tương lai.
Nhưng không gì trong số những điều trên có thể thay thế được khả năng răn đe mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Và nếu không ai còn e dè trước sức mạnh của Washington, thì đó là lúc thế giới này trở nên nguy hiểm cho chính Hoa Kỳ. Vì sao? Các quốc gia đối địch như Nga và Trung Quốc sẽ hành động bạo hơn; còn các đồng minh lâu năm thì không còn tin tưởng và quay lưng tìm ‘bằng hữu’ khác. Chủ nghĩa biệt lập “Nước Mỹ trên hết” (America First) thật ra không hề giúp bảo vệ Hoa Kỳ tránh xa những căng thẳng và xung đột, mà chỉ càng làm tăng thêm những nguy cơ hạt nhân mà đất nước chúng ta phải đối mặt.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Beware a world without American power” được đăng trên trang Economist.com.
Gửi ý kiến của bạn