(Nhân đọc Mót Chữ Trong Kinh 2 của Nguyễn Hàn Chung, MỞ NGUỒN xuất bản, 2022)
Cuối tháng 3 bắt đầu có chút nắng lên hơi ấm và những cơn gió lạ. Như những cơn nồm trên quê hương thổi dốc bay về từ quá khứ. Biển xanh xao và gầy xuống dưới luồng thốc đông nam. Cuối tháng 3 tôi đọc bản thảo “Mót Chữ Trong Kinh 2” của nhà thơ Nguyễn Hàn Chung. Có tiếng chim ríu rít lùm cây. Chim hót không kinh động chào xuân. Không giật thót như chim của Vương Duy trong một đêm trăng sáng, Nguyệt xuất kinh sơn điểu. Nhưng tôi bấn người vì tiêu đề tập thơ, Mót Chữ Trong Kinh. Mót là một cảm giác nhột nhạt, khó chịu không thể nén lại được khi thân thể muốn bài tiết. Mót cũng là sự tìm tòi nhặt nhạnh các thứ rơi vãi, bỏ sót đem về. Nguyễn Hàn Chung nhặt nhạnh chữ nghĩa hay ông có thừa chữ nghĩa đến lúc phải tuôn trào, tinh hoa phát tiết? Tôi nghĩ cả hai lý do đều đúng sau khi đọc hơn 350 bài thơ trong “Mót Chữ Trong Kinh”. Ông tâm sự rằng,
một phút trái tim đòi mót chữ
mót chữ mai nhặt nhạnh chữ chiều
(Chữ)
Và Nguyễn quân muốn nói gì khi vận đến chữ “kinh”? Thế nào là kinh?
Kinh là bắp thịt co giật dữ dội không tự chủ được? là sợ hãi kinh động? Là kinh sách tôn giáo, văn chương? Là đường kinh tuyến bắc nam? Là chịu đựng thử thách, từng trải kinh qua? Kinh chỉ tới đường mạch đi trong thân thể mà cũng là định kỳ hàng tháng của người nữ, kinh nguyệt. Kinh cũng còn là tên tộc Việt mình.
Thử đọc bất cứ đoạn thơ nào trong tập “Mót Chữ Trong Kinh 2” để xem ta học được những gì từ chữ “kinh”.
Này nhé, khi bắp thịt co giật không tự chủ được, ta gọi là động kinh. Mí mắt cũng có bắp thịt đấy chứ, giật giật khi có điềm báo hỉ sự, điện chấn não mạch cho mắt xoe tròn.
Bầu căng náo động bao người
nước da man dại bắp đùi man nhiên
lòng yêu huyễn huyễn huyền huyền
thỏa thuê đôi mắt quàng xiên nhiễm trùng
(Trước một bức tranh truyền thần)
Kinh là sợ? Có khi sợ và hãi đi cùng nhau thành sợ hãi. Nguyễn không thế, sợ chỉ là cách nói để mưu toan.
sợ hãi, mưu đồ hư nội tạng
nhà vắng tanh sướng nhứt: sập rèm
(Sướng nhứt)
Hai câu trên là sự rắp tâm và tinh nghịch để xua tan sợ hãi. Thật sự nhà thơ vốn vẫn có cái sợ không đâu. Thứ sợ hãi của nòi tình bắt gặp trong chớp nhoáng tàn phai dấy động đèn khuya, của lân la nỗi niềm lữ thứ, và chạm đến niềm cô độc của thi nhân, sầu bi tịch mịch không tên.
sợ tàn đông rớt lạnh ngày thu phân
(Trước một bức tranh truyền thần)
còn em sợ chết sợ đau
giống ta y hệt chịu sầu không tên
(Bi kịch tuổi tên)
Khi “kinh” là kinh sách dùng để nói đến những khuôn mẫu tiêu biểu cho học thuyết, tôn giáo, chủ nghĩa, Nguyễn Hàn Chung phát lộ một cách nhìn rốt ráo hơn, vượt thoát từ ngữ, kinh sách, những thứ đôi khi là sự trói buộc làm con người trở thành nô lệ của giáo điều.
Kinh không có nơi chùa tháp
Muốn rỗng rang phải đi tìm
(Con đường đạt đạo)
Cái rỗng rang của Nguyễn Hàn Chung có giống như niềm lưỡng lự phơi phới [hay phơi phới trong lưỡng lự] của nhà sư thi sĩ Ryokan khi đứng nhìn đám mẫu đơn dại bung nở trước mặt? Ông dang tay muốn hái và ông thụt rút tay về. Ryokan viết về khoảnh khắc ngưng đọng vắng lặng thiên thu một-vùng-cỏ-mọc-xanh-rì ấy như thế này,
Quý quá sao mà hái
Quý quá sao không hái
(Too precious to pick
Too precious not to pick)
Đó là sự huyền bí đạm nhiên bắt gặp sau những lần chết đi sống lại trong cuộc cơn tư lự, của giằng xéo nhị nguyên hàm hỗn. Hái hay không hái? Câu-hỏi-ngàn-đời bát ngát ban sơ của Hamlet trở về, To be, or not to be? Có một giải đáp chăng? Nguyễn ung dung phong thái lửng lơ nhưng khác nào đăng đường mở khơi nếp gấp, sống và chết, mất và còn, có chi trầm trọng? Bởi chưng mọi tồn tại đều dựa trên tính tương tác, tương quan và tương thuộc với nhau.
Chết không phải là mất
Sinh không phải là còn
(Con đường đạt đạo)
Thế nhưng ai trong chúng ta không một lần đối đầu với chướng ngại trên bước đường truy tầm sự thật, Nguyễn nói hộ ta những bất lực dãi dầu,
trang kinh bát nhã niệm hoài
ba la yết đế lạc loài vô minh
(Bái biệt)
Bình thường như mọi thứ bình thường, ông thuật lại ngõ lối khi khu, bốn bề thọ địch của lựa chọn. Lựa bên trái hay chọn bên phải đều chìm chao phẫn nộ, thi sĩ đu dây trong cuộc chơi bi thảm giữa hai triền vực. Ngứa từ đỉnh đầu tới khu, từ ban sơ đến nguyệt tận, từ khởi thủy mang mang đến vô chung, thi sĩ thõng tay bước vào đời dù biết rằng sẽ bị dập vùi thê thiết. Hắn nhất thiết phải yêu cõi trần gian này rất mực.
Thõng tay vào chợ
Gãi bên phải bên trái thù
Gãi bên trái bên phải từ
Thõng cả hai tay vào chợ.
Chịu ngứa đỉnh đầu tới khu...
Cuộc đời vốn phân biệt thật/hư, đúng/sai... những cái chỉ tồn tại trong suy tưởng của con người. Thật sự, thế gian vẫn diễn tiến như đang là, chỉ khác là ta không chấp nhận “cái đang là” theo cách chúng ta nghĩ. Đau khổ đâm chồi từ đó, sa mạc hoang liêu trổ nhánh vào hồn. Nguyễn dẫn ta đến một cách nhìn thong dong hơn, đầy trắc ẩn hơn.
Nhị nguyên
còn chút tri âm đừng rẻ rúng
đừng vò cho nát xé cho tan
tình có bao giờ sai với đúng
sai tan tành mà đúng cũng tan
Ông vạch ra chỗ thấy vậy mà không phải vậy,
khóc cười nào khác chi nhau
lắm khi lệ thảm chìm sau nụ cười
(Em và tôi 1 & 2)
Chỉ mới kể ra vài ba chữ “kinh” người đọc hẳn đã lắm kinh ngạc với chữ mót trong “kinh” của Nguyễn Hàn Chung. Thế rồi khi “kinh” nói đến định kỳ của người nữ, cái mốc phôi pha noãn rụng, kích tố bấn loạn sụt sùi thì thật là rắm rối với mùa kinh, “Quần sẽ đỏ từ khi trăng là nguyệt / Kinh là kỳ từ châu quận tân toan” (Bùi Giáng). Hãy nghe Nguyễn Hàn Chung dí dỏm không kém, đề huề giao hảo đối thoại chon von.
Anh suy thận em rong kinh
Rứa là hai đứa đường tình bằng cân
(Phản đối Single Day 11/11)
Hoặc là,
Vầng trăng tới lúc mãn kinh
còn gieo nguyệt tận chúng sinh sa đà
nguyệt không rụng ánh trăng tà
dẫu trăng lu nguyệt vẫn là trăng thôi
(Vẫn là trăng)
Trăng lu vẫn là trăng thôi, Nguyễn có ý gì khi nói như thế? Bản lai diện mục vốn không thay đổi, cho dù bị hoàn cảnh khách quan bên ngoài làm che dấu đôi khi? Nói kinh nguyệt là dùng phương tiện để nhắm đến hạng sơ căn vốn ưa thích chuyện trăng hoa nhưng chủ đích vẫn là hướng đến cái tận cùng nguyên lai bản thể vốn trong sáng tự ban đầu? Đọc thơ Nguyễn Hàn Chung lắm khi độc giả chớ nhìn ngón tay mà quên đi mất điểm chính là mặt trăng.
Thế giới này là một tập hợp của trật tự hay hỗn mang? Hay hỗn mang trong trật tự?
Nhân vật kiếm hiệp của Kim Dung chánh có, tà có. Chất tà hiện hữu trong chánh phái và đạo lý thể hiện trong giới quần ma. Từ đó có Nhất dương chỉ, có Cửu âm chân kinh, có Tịch tà kiếm phổ, v.v... Hàm mô công là thấy ngược đời hay cuộc đời vốn mang lăng kính của chú dơi? Mối bùi nhùi không đoạn kết, cái bắt đầu khởi từ lúc cái cuối chấm dứt? Ở trong nhân, quả đã mang hình? Ai sanh sự trong bài thơ “Sinh sự sự sinh”?
sinh sự sự sinh
sự sinh sinh sự
sinh ra
sự sinh sinh sự
sinh là
sự sinh
sự sinh
sinh sự sự tình
sự tình
sinh sự sự sinh
sinh là…
Hoặc lửng lơ qua lại giữa em và gió là cốt nói đến một khi trong/ngoài nhất điểm thì lý sự viên thông?
Gió, em & Trốn
Gió trần truồng trốn bên trong
Em trần truồng trốn trong lòng gió lên
Trần truồng gió trốn trong em
Em trong gió trốn que diêm trần truồng!
Chữ mót trong “kinh” cũng có thể là gần gụi tương lân với người Kinh. Kinh là Việt, giòng giống Lạc Hồng vốn sống quay quần theo đơn vị làng xã tự ngàn xưa. Cơ cấu xã hội đó truyền thừa từ tổ tiên qua bao đời đã khắn chặt vào tâm tư con Việt, dẫu lang bạt gần hay xa vẫn một lòng nhớ nước nhớ làng. Tâm tư Nguyễn Hàn Chung khi viết về quê hương mình không chỉ là tấm lòng của riêng ông mà còn ngân lên biết bao đồng vọng của những người Việt tha hương khắp nơi trên thế giới. Đọc ba bài thơ dưới đây, liền ngay tháng tư đen tràn về, ngậm ngùi như đọc khúc từ Ai Sính của Khuất Nguyên, “Theo sóng gió mà trôi nổi a / Biết lênh đênh về chốn nào...”
Tánh Việt
Mẹ sinh tôi dưới cổng làng
Tôi không cần biết đèo ngang, biển chiều
Phi trường cao tốc cầu treo
Tôi không thèm biết tôi yêu cổng làng
Ước mơ đơn giản
Tôi chỉ có ước mơ đơn giản
Nước Việt tôi thoát khỏi nước nghèo
Người dưới đáy bớt buồn bớt khổ
Người trên tầng bớt trá bớt điêu
Chiều cuối năm
Cuối năm phương viễn còn bao nữa
Mắt nhớ hàng cau da nhớ sông
tóc nhớ sương vờn trên đỉnh núi
nhớ chó cong đuôi đuổi gió đồng
Nhớ nhà đã mất, nhớ mẹ già tần tảo lam lũ chốn xưa, lòng dạ nào mà nuốt miếng ngon nơi quê người. Cái thất kinh giật thót để nhớ mãi cảnh hàn vi bên mẹ ngày đó. Ôi bịn rịn mà nhân ái làm sao,
Ăn quán sang nhớ mẹ
Tôi thất kinh dòm cái menu
mắt trìu trĩu xốn khói chiều thu
bào ngư vây cá thơm nghi ngút
hai mẹ con nửa chén cá đù
oOo
Đọc suốt tập Mót Chữ Trong Thơ 2 với hơn 350 bài thơ tứ tuyệt đủ thể loại từ ngũ ngôn, thất ngôn qua đến lục bát, tự do, tôi nghe từng triều sóng động, khi êm ái, khi nhọn vót chon von và vượt trội là sự phiêu dật hồn nhiên trong thơ Nguyễn Hàn Chung. Từ ngữ có lúc hàn lâm bình sinh thông suốt, khi thì thuần phác điền dã như nhiên. Người đọc bắt gặp tính trào phúng châm chọc giễu nhại trong thơ ông về những trơ trẽn, phù phiếm của cuộc phù du nhưng ta có thể thấy phía sau những bài thơ ấy hiển lộ một kinh nghiệm sống sâu sắc, thâm trầm đầy tố chất nhân hậu và bao dung. Lại có lúc mang tính cách “vui thôi mà” của Bùi Giáng, nhẹ tênh và đặc biệt của những nhà thơ từ xứ Ngũ Phụng Tề Phi thật đáng yêu thích.
Tôi bắt gặp hai câu thật ưng ý trong tập thơ. Chỉ hai câu mà trực nhập vào ngay trung tâm phơi phới phiêu nhiên. Bốn bể rừng thiêng dồn lại, dư âm huyền diệu kéo mãi dài trong hai chữ “Em về”,
Em về eo gió hay sương núi
Tôi vẫn đèo em trong chữ tôi
(Lại bắt chước TTKH)
Hai câu thơ như dẫn về nơi bất tận, bần bật tiếng gió để kết thúc ở một cái eo. Eo gió. Eo gió là chỗ bóp nghẹt bình sinh cho tinh thể ra hoa. Nơi ấy gió chuyển từ triền vực trèo leo hướng mới [thi ca nhờ vậy mà phấn chấn xông hương?]. Nơi ấy cũng là thắt lưng cho hơi thở phà sương khói lên núi đồi. Một cái gì đồ sộ phối ngẫu vô biên. Em là người nữ phập phồng. Em là Nàng Thơ phơi phới. Tôi chỉ xin chút đèo bồng, cho em phiếu diểu mối bồng thơ tôi. Em có về, hay em sẽ không đến, có hề chi, vì em sẽ bát ngát hơn trong những lần vắng mặt.
Một nhận định sau cùng: Độc giả phải trầm lắng vào thi lâm ấy vì có rất nhiều cánh rừng đòi hỏi sự thám hiểm. Và như thế, tôi xin tạm kết lại ở đây để cùng Nguyễn quân dựa vào mênh mông mà hỏi mênh mông một lời,
Hỏi minh mông
Thì cứ chơi đi cho mãn cuộc
cuối rồi dè dặt cũng hư không
khắc mấy chữ thơ vào khói thuốc
mất còn sau trước hỏi minh mông
Có phải chăng như lời hát TCS, “Ta nghe đời rất mênh mông / Trong chân người bước chậm chậm”?
– Vũ Hoàng Thư
(Tháng 3, 2022)