
KYIV – Hoa Kỳ và Đức đã cam kết sẽ viện trợ cho Ukraine một số vũ khí tiên tiến để bắn hạ máy bay và pháo binh, mà Ukraine đã mong muốn từ lâu, khi các lực lượng Nga tiến hành đánh chiếm một thành phố quan trọng ở phía đông, theo APnews đưa tin ngày Thứ Tư, 1 tháng 6 năm 2022.
Đức cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống radar và tên lửa phòng không hiện đại, còn Hoa Kỳ tuyên bố sẽ cung cấp 4 hệ thống tên lửa và đạn dược tầm trung, tiên tiến.
Hoa Kỳ đang cố gắng giúp Ukraine chống lại Nga mà không làm cuộc chiến tranh lan rộng hơn ở Châu Âu. Ngũ Giác Đài cho biết họ đã được sự đảm bảo rằng Ukraine sẽ không bắn các tên lửa mới vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Điện Kremlin vẫn lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ “châm dầu vào lửa.”
Vũ khí của phương Tây đóng vai trò quan trọng đối với thành công của Ukraine trong việc ngăn chặn lực lượng quân đội hùng hậu hơn và được trang bị tốt hơn của Nga, khiến Moscow không thể chiếm được thủ đô và buộc phải chuyển trọng tâm sang khu vực công nghiệp Donbas ở phía đông.
Nhưng khi Nga bắn phá các thị trấn và dần tiến về phía đông, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã liên tục yêu cầu viện trợ nhiều hơn nữa các loại vũ khí tốt hơn và trách rằng phương Tây ra tay quá chậm.
Các chuyên gia phân tích quân sự nói rằng Nga đang “tranh thủ” đánh chiếm Donbas trước khi bất kỳ loại vũ khí nào có khả năng lật ngược tình thế được chuyển đến tay Ukraine. Ngũ Giác Đài cho biết sẽ mất ít nhất 3 tuần để đưa vũ khí vào chiến trường. Nhưng Thứ trưởng Quốc phòng Colin Kahl tin rằng vũ khí sẽ đến kịp thời để tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến.
Các hệ thống tên lửa là một phần của gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine trị giá 700 triệu MK, bao gồm máy bay trực thăng, hệ thống vũ khí chống tăng Javelin, radar, phương tiện chiến thuật, phụ tùng thay thế… Tên lửa có tầm bắn khoảng 50 dặm (80 km) và có tính cơ động cao. Ukraine đã mong sẽ nhận được tên lửa có tầm bắn lên tới 186 dặm (300 km).
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow không tin tưởng vào những lời đảm bảo rằng Ukraine sẽ không nổ súng vào lãnh thổ Nga.
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng Hoa Kỳ đang cố tình và tích cực châm thêm dầu vào lửa.”
Đại tướng Mikhail Mizintzev còn đi xa hơn khi trực tiếp cáo buộc Ukraine lên kế hoạch bắn tên lửa do Hoa Kỳ cung cấp từ khu vực phía đông bắc Sumy tới các khu vực biên giới ở Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết việc Ukraine xin viện trợ thêm vũ khí là một “hành động khiêu khích trực tiếp nhằm lôi kéo phương Tây vào cuộc chiến.” Ông cảnh báo rằng việc phóng nhiều tên lửa sẽ có nguy cơ làm cuộc xung đột lan rộng.
Đức cũng đã đánh dấu việc chuyển giao vũ khí phòng không tầm xa đầu tiên cho Ukraine khi công bố sẽ viện trợ hệ thống phòng không IRIS-T. Trước đó, Đức chỉ giao các tên lửa phòng không vác vai di động tầm ngắn cho Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các nhà lập pháp rằng IRIS-T là hệ thống phòng không hiện đại nhất mà nước họ có. Ông nói: “Với loại tên lửa này, chúng tôi sẽ giúp Ukraine bảo vệ toàn bộ thành phố khỏi các cuộc không kích của Nga. Hệ thống radar cũng sẽ giúp Ukraine xác định vị trí của pháo binh đối phương.”
Các thông báo về vũ khí được đưa ra khi một thống đốc khu vực cho biết các lực lượng Nga hiện đã nắm quyền kiểm soát 80% Sievierodonetsk, thành phố then chốt trong nỗ lực của Moscow để hoàn thành kế hoạch chiếm Donbas. Đây là nơi các lực lượng Ukraine và phe ly khai đã chiến đấu trong nhiều năm và là nơi quân ly khai nắm giữ nhiều lãnh thổ ngay cả trước khi nổ ra xung đột.