Putin và Tập gặp nhau khi khai mạc Thế vận hội ở Bắc Kinh. Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với lợi ích của Nga có ý nghĩa gì đối với tình hình ở biên giới Ukraine? Trong bối cảnh căng thẳng của họ với Mỹ, Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong bản tuyên bố của Nga và Trung Quốc, sau cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ, hầu hết mỗi đoạn lại có một câu nhấn mạnh sự hợp tác chung của hai nước. Điểm mới mẻ là sự phản đối rõ ràng việc mở rộng về phía đông của NATO và “sự đồng tình và ủng hộ” của phía Trung Quốc đối với các đề xuất của Liên bang Nga, nhằm tạo ra “các đảm bảo an ninh lâu dài và ràng buộc về mặt pháp lý ở Âu châu”. Phần sau của văn bản ghi rõ đôi bên muốn phối hợp chính sách đối ngoại chặt chẽ hơn.
Đoàn kết có giới hạn
Tuy rằng thứ Sáu vừa qua Vladimir Putin và Tập Cận Bình mô tả quan hệ song phương là không có giới hạn, việc sáp nhập Crimea năm 2014 đã cho thấy có những giới hạn rõ rệt: Mặc dù Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình trạng của Crimea, nhưng Trung Quốc vẫn chưa chính thức công nhận việc sáp nhập này.
Thị trường Hoa Kỳ quan trọng hơn đối với Trung Quốc
Thêm nữa, về mặt kinh tế, mối quan hệ Nga-Trung đã không đạt được kỳ vọng ban đầu của Nga. Việc Nga muốn thay thế các đối tác thương mại Tây phương với Trung Quốc đã thất bại vì các công ty Trung Quốc lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Feng Yujun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á tại Đại học Fudan-Shangai, nói với tờ The Economist rằng quan hệ với Mỹ vẫn quan trọng đối với Trung Quốc hơn là nền kinh tế đang xuống dốc của Nga. Nhìn vào mức xuất khẩu của Trung Quốc cũng cho thấy điều này: Trong khi 16,9% tổng số hàng xuất khẩu của Trung Quốc là qua Mỹ, chỉ 1,9% được dành cho Nga. Ngược lại, Nga bán 14,3% hàng xuất khẩu của mình sang Trung Quốc.
Quan hệ kinh tế không cân xứng giữa Trung Quốc và Nga
Do đó về mặt kinh tế, Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc thay vì ngược lại. Sự bất cân xứng này sẽ tiếp tục gia tăng, không chỉ về kinh tế mà còn về quân sự, và điều này sẽ khiến cho sự hợp tác bình đẳng trong tương lai trở nên khó khăn hơn. Putin có lẽ sẽ không thể cảm thấy thoải mái trong vai trò của một người đối tác cấp dưới. Điều này cho thấy rõ rằng mục tiêu chung – đưa hai quốc gia Nga và Trung Quốc trở lại tầm vóc quan trọng và giầu mạnh – cũng là một trở ngại chính trong quan hệ hợp tác.
Phủ nhận các giá trị tự do phương Tây
Hiện nay, Trung Quốc và Nga gần gũi nhau vì cùng phủ nhận tính phổ cập của các giá trị tự do phương Tây. Ngày nào sự hợp tác còn mang lợi lộc đến cho cả đôi bên thì họ vẫn là những đối tác hấp dẫn của nhau.
Lợi ích quốc gia và việc duy trì quyền lực
Tuy nhiên, nếu một quốc gia ngày càng bị coi là mối đe dọa cho địa vị của quốc gia kia, thì lợi ích quốc gia sẽ quan trọng hơn quan hệ song phương. Cả hai quốc gia đều đặt ưu tiên vào việc duy trì quyền lực chính trị hiện tại. Giữa hai bên cũng thiếu các kết nối xã hội dân sự để gắn kết không chỉ trong thời điểm tốt mà cả trong thời điểm không thuận lợi. Do đó, việc nhấn mạnh vào những điểm tương đồng giữa Putin và Tập không nên bị hiểu lầm là một mối quan hệ thân thiện.
Hậu quả của “hợp tác chiến lược” đối với Ukraine
Bất chấp tất cả các cam kết bằng lời nói, sự ủng hộ của Trung Quốc có thể sẽ yếu đi tương ứng với tình hình Ukraine thực sự leo thang. Hỗ trợ Nga sẽ là rủi ro hơn là cơ hội cho Trung Quốc, vì nước này có thể sẽ vướng vào các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nga thể hiện sự ủng hộ ý thức hệ đến đúng lúc với Trung Quốc và là vùng đệm giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên Trung Quốc không muốn bị lôi kéo vào các cuộc xung đột quân sự vì lợi ích quốc gia quá quan trọng. Trung Quốc sẽ khó được hưởng lợi từ một nước Nga thậm chí còn nằm trong một thế kẹt hơn hiện nay. Theo đó, sự ủng hộ bằng lời nói của Trung Quốc đối với Nga sẽ không có tác dụng quyết định trong trường hợp tình hình Ukraine có thể leo thang.
-- Marilen Martin
(Thục Quyên phỏng dịch)