Hôm nay,  

Hãy Bầu Cho Nhân Quyền: Quan Điểm Của Một Cựu Thuyền Nhân Tị Nạn Việt Nam

12/10/202009:13:00(Xem: 2214)

 

Qua trải nghiệm trước hết của một người tị nạn, rồi sau đó của một luật sư, tôi đã chứng kiến và sống trong một nước Mỹ thật sự “vĩ đại.” Nước Mỹ là một quốc gia đã chào đón người tị nạn và trân quý nhân quyền. Tuy nhiên, các chính sách nhập cư của Donald Trump đã biến đổi cái hồn của xứ sở này đến độ tôi không còn nhận ra nữa.

Tôi chỉ mới là một đứa bé chập chững biết đi khi gia đình tôi trốn khỏi Việt Nam vào ngày 5 tháng 5, 1979 trên một chiếc thuyền ọp ẹp với khoảng 300 người từ cái làng ở Quảng Ngãi, không xa Mỹ Lai lắm, nơi đã xảy ra cuộc tàn sát.

Cha tôi, nay đã qua đời, là một người chống cộng hăng say và sẵn lòng hy sinh mạng sống của mình, kể cả mạng sống của hai đứa con nhỏ, mẹ già, và mẹ tôi để thoát khỏi áp bức, đói khát, tham nhũng và bạo lực. Sau năm đêm dài, khi chúng tôi sắp đến được Hồng Kông thì thuyền hỏng máy. Tàu Hải quân Anh thấy chúng tôi, nhưng bỏ mặc, có lẽ vì họ cho rằng mọi người trên thuyền đều đã chết. Trong ba tuần, chúng tôi co ro, đói khát và ốm đau trên một chiếc thuyền đã bị nước tràn vào. Cuối cùng khi thuyền được kéo vào bờ, chúng tôi chỉ nhẹ người được trong giây lát vì đứa em sơ sinh của tôi bị người ta giằng mang đi, mà không có một lời giải thích hay cảnh báo. Sữa của mẹ tôi đã cạn và em tôi đã gần kề với cái chết rồi. Cha mẹ tôi thật sự không biết em còn sống hay đã chết, nhưng chừng một tháng sau, người ta mang em trở lại với gia đình, tròn trịa và như đã sống lại lần thứ hai. Cha tôi xin được hưởng quy chế tị nạn và sau 11 tháng, chúng tôi có được nơi nương náu. Chúng tôi không được chuyển sang Châu Âu, mà là Hoa Kỳ.

Nước Mỹ đã chào đón gia đình tôi với sự hứa hẹn tự do và yên ổn. Từ năm 1975 cho đến khoảng giữa thập niên 1990, chính phủ Hoa Kỳ đã đón nhận hơn 1 triệu người tị nạn Việt Nam, kể cả những người đi theo diện Orderly Departure Program – ODP đoàn tụ gia đình. Đặt chân lên đất nước của cơ hội và tự do, người tị nạn đã phát triển các cộng đồng đầy sức sống khắp nơi trên nước Mỹ, với những thương gia, chủ nhà hàng, chuyên gia, nghệ sĩ, giới khoa bảng và lãnh đạo. Thức ăn Việt nay là phần không thể thiếu trên các thực đơn và trong khối từ ngữ ẩm thực của nước Mỹ.

Tôi còn quá nhỏ để giữ được ký ức về chuyến vượt biên rất nguy hiểm, nhưng là người tị nạn lớn lên trên xứ sở này, trải nghiệm đó trở thành nền tảng trong công việc của tôi trong ngành luật nhân quyền và di trú. Là luật sư cho Quỹ Hỗ Trợ Pháp Lý – Legal Aid Foundation của Los Angeles, được Liên Hiệp Quốc và Văn phòng Tái Định cư Tị nạn Hoa Kỳ tài trợ, tôi đại diện cho những người tị nạn và xin tị nạn đã từng bị chính phủ của họ đàn áp và tra tấn. Tôi làm việc trong những trung tâm tạm giam và chứng kiến tận mắt cách họ bị nhốt và đối xử như tù tội tuy họ không hề gây ra tội phạm gì. Họ phải ngủ trên những chiếc giường ba tầng, hoặc ghế bố trên sàn nhà ở chỗ trống giữa các giường. Cá nhân tôi đã chứng kiến họ phấn đấu để giữ nhân phẩm và duy trì sức sống sau nhiều tháng giam giữ - nhiều khi là hàng năm – với hy vọng được đoàn tụ với gia đình. Nhưng ít ra, những người này còn có cơ hội được xin tị nạn.

Với Donald Trump nắm quyền, Hoa Kỳ không còn là nơi trú ẩn coi trọng nhân quyền nữa. Chỉ bảy ngày sau khi nhậm chức, Trump ban hành sắc lệnh khởi đầu một thời đại khắt khe về di trú chưa từng thấy từ khi có luật Cấm Người Hoa – Chinese Exclusion Act vào năm 1882. Sắc lệnh này của Trump cấm người từ bảy quốc gia Hồi giáo được nhập cư, cũng như tất cả người tị nạn từ bất cứ nơi nào. Đây cũng là thời điểm số người tị nạn trên toàn thế giới tăng vọt lên đến mức chưa từng thấy. Các nhóm đấu tranh cho nhân quyền và quyền dân sự lập tức khởi kiện sắc lệnh này là vi hiến và vi phạm luật liên bang. Vào năm 2018, Tối cao Pháp viện đã đưa ra quyết định với 5 phiếu thuận, 4 chống, cho phép phiên bản thứ ba của luật “cấm Hồi giáo” này được thi hành, và tình trạng này vẫn kéo dài cho đến ngày nay. Thêm nữa, Tổng thống Trump cắt con số người tị nạn vào nước Mỹ từ 85 ngàn trong năm 2016 xuống còn 18 ngàn trong năm 2020, và bây giờ chỉ còn 15 ngàn trong năm 2021. Đây là mức thấp nhất từ khi chương trình tái định cư tị nạn chính thức của Mỹ bắt đầu 40 năm trước khi Luật Tị Nạn được thông qua vào năm 1980.



Có lẽ cao điểm của sự tàn ác của Trump là chính sách cách ly trẻ em từ bố mẹ chúng vào năm 2018, một phần của chế độ rộng lớn hơn không dung thứ việc vượt biên giới không hợp pháp từ Mexico vào Mỹ. Cần nhớ rằng người tị nạn Việt Nam cũng đã từng trốn khỏi Việt Nam và nhập cư bất hợp pháp vào các quốc gia khác. Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh trên màn ảnh của những người đàn ông, đàn bà, trẻ em và em bé sơ sinh bị nhốt trong các chuồng sắt. Trẻ em khóc gọi bố mẹ. Bố mẹ rống lên vì mất con. Các gian nhà bẩn thỉu và chật chội tựa như chỗ nuôi súc vật. Các hình ảnh này rung động lương tâm của cả một quốc gia, nhưng thật ra không tả hết được những việc rùng rợn xảy ra tại chỗ. Cảnh sát di trú ICE tách hàng ngàn trẻ em ra và buộc chúng phải hầu tòa trước những chánh án di trú để xin khỏi bị trục xuất. Hãy tưởng tượng một em bé 5 tuổi phải một mình trình diện trước một chánh án di trú, không có bố mẹ đi cùng chứ đừng nói gì đến luật sư. Cuộc khủng hoảng nhân đạo này vẫn tiếp tục cho đến bây giờ. 

Và hiện nay chính quyền Trump đang tìm cách thay đổi luật để làm tiêu chuẩn tị nạn ở xứ sở này còn khó khăn hơn, mà từ trước tới nay việc này đã không dễ dàng gì. Vào năm 2019, không đến một phần ba số người nộp đơn đã được chấp thuận. Các thay đổi Trump đề nghị sẽ tạo thêm trở ngại cho người xin tị nạn khi qua thủ tục được xét họ có lý do chính đáng để sợ hãi không và sau đó mới được tiến hành xin tị nạn. Điều này cũng làm con số người được hưởng quy chế tị nạn giảm sút đáng kể vì nó không còn đồng nhất với tiêu chuẩn của Thỏa thuận Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc nữa. Mục đích của chính quyền Trump là thu nhỏ định nghĩa những thành phần nào hội đủ tiêu chuẩn, để cuối cùng từ chối không bảo vệ những nạn nhân đã bị tra tấn. Những hạn chế này được áp dụng cho những cá nhân xin tị nạn ở Mỹ, kể cả người tị nạn Việt Nam còn tiếp tục trốn thoát khỏi chế độ đàn áp của Việt Nam. Trump đã áp dụng một điều lệ mới, buộc những người xin tị nạn phải chờ một năm trước khi có được giấy phép làm việc. Thời gian chờ đợi trước kia chỉ là 5 tháng. Một số người xin tị nạn sẽ không bao giờ được giấy phép làm việc, nếu họ đã nhập cư bất hợp pháp. Ngăn cản không cho người xin tị nạn được làm việc hợp pháp tước đi nguồn sinh sống của họ trong khi trường hợp của họ đang được hệ thống di trú Hoa Kỳ duyệt xét.

Luật sư và các nhà đấu tranh cho quyền lợi của họ ở tuyến đầu như tôi không hiểu nổi các luật mới này vì chúng chỉ nhắm vào việc ngăn cản người tị nạn ở biên giới, đi ngược với nguyên tắc nhân đạo của Hoa Kỳ như nơi trú ẩn cho những ai chạy trốn bạo lực, chiến tranh, đàn áp và tra tấn. Khi chúng ta mở biên giới và tấm lòng của mình, Hoa Kỳ trở thành một quốc gia hùng mạnh và giàu có hơn. Nhưng hiện nay, các chính sách của Trump đã biến nước Mỹ thành một quốc gia chủ động xua đuổi những người cần giúp đỡ và ở mức tệ hại nhất, kéo dài nỗi kinh hòang mà họ đang chạy trốn khỏi. Tôi thương xót và mong có lại được cái nước Mỹ đã đón nhận gia đình tôi và đã cho hơn một triệu người tị nạn Việt Nam nơi trú ẩn an toàn. Để gìn giữ cái quốc gia chúng ta trân quý – quốc gia đã cho chúng ta cơ hội để không những sống sót mà còn vươn lên, hãy đi bầu tháng 11 này.

Và hãy bầu cho NHÂN QUYỀN.


Kim Luu-Ng là một luật sư chuyên về di trú và bảo vệ nhân quyền tại Los Angeles, đại diện cho những cá nhân và gia đình trên mọi phương diện của luật di trú trước hệ thống luật di trú Hoa Kỳ. Bà là thành viên của PIVOT – Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến và gửi bài từ Los Angeles, California

Thắng Đỗ, thành viên Hội đồng Quản trị của PIVOT - Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến, chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
27/06/202500:00:00
Seita đứng đó, trong một góc của nhà ga xe lửa ở Kobe, Nhật Bản. Cậu thấy mình ngồi gục đầu. Đói. Mệt. Mồ côi và đơn độc. Cậu đã mất gia đình, nhà cửa trong trận bom của Mỹ thả xuống thành phố Kobe. Cuối cùng cậu đã phải khuất phục trước cái đói. Seita từ từ nhắm mắt. Tay Seita vẫn ôm chặt tài sản duy nhất của mình, hộp kẹo nhỏ mà Setsuko, cô em gái bốn tuổi, người thân duy nhất còn lại của Seita, rất yêu thích.
26/06/202509:16:00
Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: Lấy tu tâm làm chính, không bận tâm và không để mất thì giờ với chuyện thần thông. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch. Những lời dạy trong sách này mang phong cách Thiền Tông Việt Nam, vì ngài Ngô Thì Nhậm (1746-1803) khi rời quan trường đã xuất gia, trở thành vị sư có tên là Hải Lượng Thiền Sư
23/06/202509:51:00
Đức Phật có dạy pháp phóng sinh hay không? Trong rất nhiều kinh, Đức Phật đã dạy là hãy yêu thương và đừng hại bất kỳ sinh mạng chúng sinh nào. Lời dạy đó cũng có thể hiểu là dạy phóng sinh. Đức Phật cũng đã quy định nhập hạ ba tháng mỗi năm trong mùa mưa để tránh giẫm đạp, vô ý sát sinh các loài côn trùng và mầm non cây trồng. Sau đây, chúng ta dò lại một số lời Đức Phật dạy rằng hãy yêu thương và đừng hại bất kỳ sinh mạng chúng sinh nào.
21/06/202511:09:00
một số hành động cụ thể cần được thực hiện: • Liên lạc với các đại diện Quốc hội để yêu cầu họ lên án việc bố trí quân đội tại các cộng đồng dân sự. • Tham gia mạng lưới phản ứng nhanh trong cộng đồng để bảo vệ các gia đình phải đối mặt với các cuộc đột kích trục xuất. • Tham dự các cuộc họp cộng đồng để phối hợp các nỗ lực kháng cự tại địa phương và hỗ trợ lẫn nhau. • Tham gia các cuộc biểu tình và tập hợp quần chúng. • Tham gia các chi nhánh PIVOT địa phương hoặc bắt đầu một chi nhánh để tổ chức cộng đồng. • Nói chuyện với các phần tử trong gia đình về những sự kiện đang xảy ra và sự quan trọng của chúng. Chia sẻ tuyên bố này cùng người quen biết và cùng ba người bạn cam kết hành động.
20/06/202519:44:00
Phán quyết hôm nay của Tòa Phúc thẩm Khu vực 9 đã giúp Trump một vé đi tiếp trên con đường tận diệt nền dân chủ của quốc gia. Đây là một tiền lệ nguy hiểm để Trump có thể làm điều tương tự, áp đặt chính sách gây tranh cãi mà không cần qua quốc hội hay chính quyền tiểu bang. Sự chuyên quyền trong nước là những gì Trump đang theo đuổi, và những gì đang xảy ra trên đường phố Los Angeles chỉ là sự khởi đầu.
20/06/202500:00:00
Tôi không viết bài này với tư cách một người Dân chủ hay một người Độc lập. Tôi viết với tư cách một người phụ nữ đã từng tự hào đứng trong hàng ngũ của đảng Cộng hoà gần suốt đời mình. Tôi đã bỏ phiếu cho ông Ronald Reagan và ngưỡng mộ tín niệm của ông rằng “phẩm hạnh là điều thiết yếu”. Tôi từng tin vào trách nhiệm cá nhân, vào đức tin và tình yêu quê hương – và đảng Cộng hoà thuở ấy là hiện thân của những giá trị ấy. Tôi thậm chí đã ủng hộ ông George W. Bush trong cuộc kiểm phiếu hỗn loạn với những “lá phiếu đục lỗ” năm 2000 – không vì tôi cho rằng ông hoàn hảo, mà vì tôi tin ông sẽ lãnh đạo với sự tử tế và chính trực.
18/06/202509:53:00
Từ Tehran rực cháy đến Washington ồn ào, trong vòng chưa đầy một tuần, câu hỏi đơn giản cho Washington đã thay đổi: không còn là dính líu bao nhiêu, mà là: tham chiến hay không?
18/06/202508:42:00
Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Hai phẩm chất này không liên hệ chút gì tới màu da, sắc tộc. Con đường giải thoát là Bát Chánh Đạo, cũng hoàn toàn không phân biệt gì tới sắc tộc, màu da. Tu tập hàng ngày là phải viễn ly, buông bỏ, xa lìa tham sân si -- và như thế, cũng hoàn toàn không dính chút gì tới những bức tường biên giới hay các bãi mìn giữa các quốc gia tranh chấp.
16/06/202508:36:00
Hạnh phúc là những người cha biết tìm ra Phật pháp, tài sản quý nhất trong cõi này, để trao lại cho con mình. Cũng y hệt như ông trưởng giả trong Kinh Pháp Hoa, giấu viên ngọc trong góc áo của cậu con trai bụi đời. Và cũng hạnh phúc là những người con nhận ra rằng cha mình đã dạy cho con từ những ngày thơ ấu về niềm tin Tam Bảo, đã dạy cho con biết tin sâu vào nhân quả để không bao giờ dám làm ác, đã dạy cho con biết từ bi với người và yêu thương với đời, và đã dạy chữ cho con bằng cách đánh vần theo những dòng kinh để không bao giờ trôi lạc trong cõi này.
14/06/202511:57:00
Bài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: Đạo giấu kín ở chỗ có nói gì đâu, Đạo thánh nhân giấu kín trong chữ Vô vi, không thấy dấu vết nhưng người người đều chịu ơn. Trong sách này, ý chỉ đó được gọi là Tiếng Ấn Giấu – viết theo âm Hán-Việt là Tàng Thanh. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.