Hôm nay,  

Nỗi Buồn Của Thần Chết

17/06/202016:16:00(Xem: 2054)

(Truyện tâm linh giả tưởng)

Phiên đại triều của Thiên Đình cứ trăm năm một lần kỳ này diễn ra trong bầu không khí thật hoang mang, mệt mỏi. Thái Bạch Kim Tinh nay đã già yếu lắm rồi. Cụ tâu trình quên trước quên sau khiến Ngọc Hoàng Thượng Đế chau mày rồi cũng phải thông cảm, khoát tay ra hiệu cho qua. Nam Tào, Bắc Đầu tai đã nghễng ngãng, gầy ốm hom hem, vầng trán nhăn nheo vì quá căng thẳng với chuyện của trần gian. Bà Lê Sơn Thánh Mẫu có lẽ nhờ Vườn Đào và biết sửa sang sắc đẹp cho nên trông vẫn trẻ. Thiên Lôi tuy còn khoẻ nhưng kể từ khi loài người chế ra cột thu lôi thì ông chỉ còn “ vớ ” được một vài người ngu ngơ chẳng may lang thang ngoài đồng ruộng trong lúc trời mưa gió. Ngoài ra uy quyền của ông còn bị sứt mẻ vì Ngọc Hoàng Thượng Đế vừa bổ nhiệm thêm Ông Cuồng Phong Tornedo để lâu lâu ra oai cho trần thế biết tay. Còn Long Vương vì là mình rồng cho nên không biết ông ta có “lão hóa” đi không. Nhưng tính tình ông này hay “nổ sảng”, mưa nắng bất thường cho nên hạ giới đốt sớ tâu trình tai ương lụt lội về Thiên Đình không ngớt. Còn Thiên Binh, Thiên Tướng cũng chẳng có gì để báo cáo. Sau cuộc Đại Náo Thiên Cung của Tôn Ngộ Không, Thiên Đình êm ru, chẳng có cuộc phản loạn nào khiến Thiên Binh, Thiên Tướng, Thác Tháp Thiên Vương và Na Tra Thái Tử không có chuyện gì làm, tối ngày uống rượu, đánh cờ giải khuây, lính tráng để lè phè, đi phép liên miên.

Sau khi các quan đã lần lượt tâu trình đâu vào đó thì một người bước ra, qùy mọp dưới sân rồng. Thân hình  ông này khô đét, mắt sâu hoắm và được phủ kín bằng chiếc áo choàng đen rách bươm cho nên ông ta trông giống như một bộ xương biết đi. Tay ông ta cầm chiếc lưỡi hái, có lẽ vì xử dụng quá lâu ngày cho nên mòn trơ như chiếc lưỡi liềm. Nhìn thấy ông ta Ngọc Hoàng Thượng Đế ngạc nhiên hỏi:

- Ngươi là ai vậy ?

Nghe hỏi thế, có lẽ vì quá bi lụy, ông ta bật khóc hu hu, đáp:

- Muôn tâu Thượng Đế, kẻ hạ thần là Tử Thần đây!

- Thần Chết đấy hả, mới có trăm năm mà ta không nhận ra nhà ngươi ! Tại sao hình dung ngươi tiều tụy quá vậy? 

Nghe Ngọc Hoàng Thượng Đế hỏi thế Tử Thần  cảm thấy an ủi phần nào nhưng vẫn chưa trấn áp được niềm xúc động cho nên sụt sùi tâu:

- Hạ thần là kẻ khốn khổ nhất trong cái vũ trụ này. Kể từ lúc khai thiên lập địa tới giờ, Thiên Đình mới chỉ có vài ngàn năm nhưng hạ giới đã vài triệu năm. Chúng nó bây giờ đẻ đái nhiều quá, nhất là cái thằng Trung Hoa và thằng Ấn Độ. Cả thằng Việt Nam cũng thế. Năm 1954 mới có 45 triệu thế mà bây giờ đã 96 triệu ! Dân số thế giới giờ đây đã trên sáu tỉ. Chúng nó sinh đẻ nhiều dĩ nhiên phải chết nhiều. Mỗi khi chúng nó chết thì hạ thần phải cầm cái lưỡi hái này đi rước linh hồn chúng nó về Âm Phủ. Dù là sức thần thông nhưng hạ thần cũng không làm sao cho xuể. Suốt mấy triệu năm qua hạ thần một mình phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Thần không bao giờ được ăn uống nghỉ ngơi đàng hoàng vì cái chết không bao giờ báo trước, cho nên  hình hài cứ mỗi ngày mỗi tiều tụy đi ! 

Nói xong, có lẽ vì quá cảm khái cho nên Thần Chết lại bật khóc thút thít. Như thông cảm, Ngọc Hoàng Thượng Đế  gật gù, vuốt râu, nói:

- Vậy nhà ngươi muốn ta làm cái gì ?

- Hạ thần mạo muội xin Ngọc Hoàng cho nâng cơ quan của hạ thần lên cấp Phủ và cho tuyển thêm phụ tá cùng nhân viên thì hạ thần mới có thể chu toàn trách nhiệm mà Nhà Trời giao phó.

Sau vài giây suy nghĩ, Ngọc Hoàng Thượng Đế phán:

- Diêm Vương còn có Phán Quan, Quỷ Sứ và đầu trâu mặt ngựa phụ tá lẽ nào ngươi mang trọng trách như thế mà không có ai phụ giúp. Được rồi, ta chuẩn tấu nâng cơ quan của nhà người lên cấp Phủ, từ nay chỗ ngươi làm việc gọi là Diêm Phủ, vậy ngươi còn có gì để tâu nữa không?

- Khải tấu Ngọc Hoàng, còn chuyện này nói ra có thể phạm đến uy danh Nhà Trời. Nếu bệ hạ tha tội chết thì thần mới dám tâu trình.

- Chuyện gì ghê gớm vậy? Ngươi cứ nói cho trẫm rõ .

- Khải tấu Ngọc Hoàng. Trước đây chuyện sống chết là do bệ hạ quyết định. Nhưng kể từ ngày chúng nó chế ra bom nguyên tử và vũ khí giết người hàng loạt thì muốn giết cả triệu người cũng dễ như trở bàn tay. Khi tụi nó bấm nút rồi thì thực ra hạ thần chỉ làm cái công chuyện hợp thức hóa mà thôi. Lúc đó chuyện sống chết chẳng còn là chuyện của Trời Đất nữa mà là chuyện của con người với nhau. Bây giờ dưới trần gian chúng nó đang “cải số Trời” dữ lắm.

Nghe Thần Chết nói thế Ngọc Hoàng Thượng Đế đập bàn, giận dữ quát:

- Cha chả, đứa nào dám cãi lại ý Trời ? Ngươi nói lại cho rõ nếu không ta bỏ vào Lò Bát Quái giống như con khỉ già Tôn Ngộ Không năm xưa đó nghe !

        Thấy Ngọc Hoàng Thượng Đế nổi trận lôi đình, Thần Chết run run quỳ mọp xuống sân rồng rồi thu hết can đảm nói tiếp:

- Tâu Bệ Hạ, chuyện đó chưa ghê gớm bằng chuyện phá thai dưới trần thế bây giờ. Năm xưa chúng nó phá thai bằng thủ thuật nạo cho nên mỗi khi thấy chúng nó mang chậu, kẹp, muỗng ra thì hạ thần chờ đó để rước linh hồn  đứa hài nhi về Diêm Phủ. Thế nhưng bây giờ chúng nó chế ra thuốc phá thai. Người mẹ uống viên thuốc nhẹ nhàng giống như viên kẹo mà hạ thần cũng không biết đó là thuốc gì. Hài nhi trong bụng mẹ chết một cách êm thấm và bị trục ra ngoài lúc nào không hay. Nam Tào Bắc Đẩu chưa xóa sổ, thần chưa đến rước đi mà Con Người đã đưa một mạng người về Âm Phủ rồi. Bệ Hạ có thấy quyền uy của chúng nó mỗi ngày mỗi ghê gớm không ?

- Cha chả ! Tại sao Thái Bạch Kim Tinh không khải tấu ta vụ này sớm để trần gian làm loạn cả đất trời ?

- Tâu bệ hạ. Cụ Thái Bạch Kim Tinh có ém nhẹm vụ này thì chẳng qua cũng là để Nhà Trời được yên ổn. Theo thần nghĩ dù có tâu trình thì cũng chẳng giải quyết được gì cả !

Nghe nói thế, Ngọc Hoàng Thượng Đế nổi trận lôi đình:

- Cha chả ! Ngươi cũng cả gan về hùa với hạ giới để hạ uy linh của Nhà Trời phải không ? Thiên Binh, Thiên Tướng, Nhị Lang Thần đâu, đem Tử Thần  bỏ vào Lò Bát Quái cho ta!

Ngay lúc đó, Cụ Thái Thượng Lão Quân từ trong đại chúng, lật đật bước ra qùy tâu:

- Muôn tâu Bệ Hạ, Tử Thần đáng tội chết ! Tử Thần đáng tội chết! Nhưng xin Bệ Hạ bớt cơn thịnh nộ cho hạ thần sáng tỏ đôi lời. Tâu Bệ Hạ, Tử Thần làm cái công việc gớm ghiếc, chẳng học hành chữ nghĩa chi cả cho nên hắn  mới ăn nói lỗ mãng. Thực ra cái tội này mà khéo nói thì đó là tội của hạ giới chứ không phải tội của Thần Chết. Tâu Bệ Hạ, hạ thần nghe Táo Quân tâu trình nhiều chuyện khác còn động Trời hơn cả chuyện mà Thần Chết vừa nói, xuất phát từ  xứ Giao Chỉ  mà cũng không dám tâu trình.



- Lại chuyện động Trời nữa! Thái Thượng Lão Quân mà cũng có chuyện phỉ báng Nhà Trời sao?

- Khải tấu Ngọc Hoàng. Không hiểu phát xuất từ năm nào mà xứ Giao Chỉ chúng nó có câu hát “Con cóc là cậu Ông Trời”. Cứ thử tưởng tượng con cóc mà cậu của Bệ Hạ thì uy quyền Nhà Trời còn gì chứ ! Lại nữa, uy quyền của đàn bà xứ Giao Chỉ không hiểu sao lại quá lớn, đàn ông phần lớn đều râu quặp cho nên người dân xứ này mới có câu vè “Nhất vợ nhì Trời!”

- Trời ơi là Trời !

Ngọc Hoàng Thượng Đế chỉ thốt lên được như thế rồi mặt rồng đỏ gay, mắt long lên sòng sọc. Ngài đứng dậy, ôm đầu lảo đảo, té xỉu xuống ngai vàng khiến các Tiên Nga phải xúm lại để đỡ ngài lên. Rồi các tay tiên ra sức quạt liên tu bất tận, một hồi sau Ngọc Hoàng Thượng Đế mới lai tỉnh. Thấy Ngọc Hoàng Thượng Đế đã tỉnh lại, trăm quan mừng rỡ, đồng loạt quỳ xuống tung hô:

- Thánh Thượng vạn tuế ! Vạn, vạn tuế !

Thấy quần thần khó nhọc vì mình, Ngọc Hoàng Thượng Đế dù chưa tỉnh táo hẳn nhưng cũng gượng gạo nói:

- Cám ơn các khanh, các khanh hãy bình thân. Trẫm đây là Đấng Chí Tôn dĩ nhiên không thể suy nghĩ và hành động hồ đồ được. Nay dưới trần gian có nhiều chuyện xáo trộn như thế âu cũng là quy luật biến thiên của vạn vật mà trẫm và các khanh đây cũng không sao hiểu biết hết. Qua kỳ đại hội này trẫm mới biết uy quyền của Nhà Trời không hẳn tuyệt đối như người ta tưởng. “Ngoài Trời Lại Có Trời “ không hiểu dưới hạ giới tên nào nói câu đó thế mà linh thiêng!

Nói tới đây Ngọc Hoàng Thượng Đế ngừng lại,  nhìn Bà Lê Sơn Thánh Mẫu, ngao ngán hỏi:

- Thánh Mẫu là người hiểu hết lý lẽ cùng thông của Tạo Hóa, Thánh Mẫu có ý kiến gì không ?

Là người duy nhất ở Cõi Trời hiểu thấu nhân tình, thế thái ở trần gian, Bà Lê Sơn Thánh Mẫu nghe thế vội vàng bước ra giữa điện, quỳ tâu:

- Muôn tâu Bệ Hạ, thần trộm nghĩ có lẽ dưới hạ giới bây giờ âm thịnh dương suy, đàn bà, nhất là đàn bà ở Mỹ nhiều uy quyền quá. Có thể đó là nguyên do làm đảo lộn Đất Trời chăng?

Nghe Bà Lê Sơn Thán Mẫu nói thế cả triều đình đều lặng thinh không có ý kiến chi cả nhưng Ngọc Hoàng Thượng Đế còn bán tín bán nghi nên hỏi:

- Tại sao Âm thịnh Dương suy lại làm loạn Đất Trời ?

Bà Lê Sơn Thánh Mẫu đáp:

- Đêm là Âm và ngày là Dương. Nếu đêm dài quá tức Âm thịnh thì vạn vật cây cỏ thiếu ánh sáng, u sầu ảm đạm không sao tươi tốt được. Ở Xứ Giao Chỉ chúng nó có câu hát  rất thịnh hành “ Có khi đời hoa chóng già vì thiếu mặn mà “. Ngược lại nếu ánh sáng nhiều quá tức Dương thịnh thì tiết trời như sa mạc, cây cối khô cằn giống như một thằng cha thi sĩ nào đó nói “ Đời vắng em rồi say với ai !” Vắng đàn bà thì cuộc đời này giống như sa mạc vậy. Do đó mới có quy luật Âm Dương điều hòa. Nay đàn bà dưới hạ giới nhiều quyền quá cho nên đàn ông con trai sợ không dám lấy vợ. Rủi lấy vợ mà nó ly dị một cái thì chỉ có nước ra homeless. Mà đàn ông con trai sợ không dám lấy vợ thì các bà các cô chỉ có nước “chổng mông mà gào” hoặc du hí với những cô gái khác cho nên nạn Bê Đê và Lesbian ở hạ giới ngày càng gia tăng khủng khiếp, làm đảo lộn cả truyền thống gia đình đã mấy ngàn năm nay !

Nghe Thánh Mẫu nói thế mọi người ngơ ngác không hiểu gì cả vì Thiên Đình đã trừ tuyệt ái-dục cho nên không hiểu chuyện Bê Đê và Lesbian ra làm sao. Tuy nhiên lời tâu trình đó cũng làm giảm nhẹ tội cho Thần Chết và tự ái của Ngọc Hoàng được vuốt ve cho nên mặt rồng tươi tỉnh trở lại:

- Thôi, vì đức hiếu sinh trẫm tha tội cho Thần Chết và cho phép tâu trình lần cuối trước khi quay về hạ giới làm phận sự.

            Nghe Ngọc Hoàng Thượng Đế phán thế, Thần Chết mừng rỡ rập đầu thưa:

- Cảm ơn uy đức trời biển của Bệ Hạ. Nhưng hạ thần vẫn còn oan ức lắm. Thần làm cái công việc điều hòa sự sống sự chết trong Trời Đất đáng lẽ phải được mọi người thương mến quý trọng mới phải. Thế nhưng hạ thần toàn gặp chuyện bẽ bàng. Trần gian sợ hãi xa lánh thần đã đành nhưng Thiên Đình cũng chẳng ai muốn gặp thần. Cô Thần, Qủa Tú còn có vợ con. Còn hạ thần thì không những không vợ con mà cũng chẳng có ai thân thích họ hàng. Bất công hơn nữa, các Hung Thần, Ác Sát gieo tai họa cho loài người thì được loài người tạc tượng, lập đền thờ, cầu nguyện, khấn vái, cung phụng đủ thứ. Còn Táo Quân hằng năm chỉ về Trời báo cáo vu vơ cũng được lễ vật cúng kiếng, tiễn đưa long trọng. Xét ra hạ thần cũng đã phục vụ Nhà Trời lâu lắm rồi. Nay tuổi đã già, sức đã yếu, cúi xin bệ hạ rộng xét cho thần vài năm nữa được nghỉ ngơi, hưu trí.

            Nghe Tử Thần tâu thế, Ngọc Hoàng Thượng Đế  vội vã khóat tay, nói:

- Không được ! Không được! Uy quyền của Nhà Trời nằm trong Sự Chết. Nếu con người không chết nữa thì Nhà Trời cũng giống như cây củi mục. Ngoài ra nếu nhà ngươi về hưu bây giờ thì trần gian đại loạn ngay. Với cái nhịp đẻ đái như thế này mà loài người không chết thì lấy gạo đâu mà ăn ? Lấy nhà đâu mà trú? Lấy đất đâu mà ở ? Tuy nhiên ngươi khỏi lo. Khoảng một tỷ năm nữa - tức mười triệu năm trên Thiên Đình thì Thần Thái Dương tuyệt mệnh. Mặt Trời tắt rồi thì loài người sẽ tận thế, đương nhiên ngươi sẽ về hưu, về hữu vĩnh viễn, muốn có việc làm cũng chẳng được. Không có Sinh thì làm gì có Tử ? Loài người chết hết rồi thì lưu giữ Thần Chết để làm gì ? Thôi ngươi quay trở về trần gian ngay đi.

Nói xong, Ngọc Hoàng Thượng Đế ra lệnh bãi chầu và được các Tiên Nữ dìu vào hậu cung. Còn các quan thì cũng lục tục rút lui. Điện Diêu Trì phút chốc vắng tanh để lại một mình Thần Chết vẫn còn phủ phục trước sân rồng.

Giây phút sau, nặng nề chống chiếc lưỡi hái đứng dậy, vén mây nhìn xuống thế gian, Tử Thần sùi sụt:

- Thân phận mình cũng giống như thân phận thằng cha nhà đòn dưới hạ giới vậy !

Văng vẳng từ Cung Quảng Hàn, tiếng sáo của Hằng Nga vọng đến một điệu nhạc buồn xa vắng, kể lể nỗi buồn của người con gái ngàn năm lẻ bóng, như để chia xẻ với bao nỗi niềm cô đơn và bẽ bàng của Thần Chết - người làm chuyện hữu ích nhất cho thế gian nhưng cũng là chuyện mà thế gian kinh hoàng và thù ghét nhất.

Đào Văn Bình

(Trích trong tuyển tập Mê Cung do Ananda Viet Foundation xuất bản, Amazon phát hành 2019)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
Nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai Valley, Quận Ventura, Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1922 cho đến khi ông mất, dù ông không ở đó thường trực. Tính đến tháng 2 năm nay, 2024 đã tròn 38 năm kể từ ngày ông lìa bỏ trần gian. Krishnamurti là một trong những nhà hiền triết có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn “The First and Last Freedom” của ông được Giáo sư Phạm Công Thiện dịch sang tiếng Việt từ trước năm 1975 ở Sài Gòn với tựa đề “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách tôi rất yêu thích đọc từ thời còn niên thiếu. Nhân tìm đọc lại một số bài giảng và bài viết của Krishnamurti, tôi tình cờ gặp được bài thơ “Song of the Beloved” (Bài Ca Về Người Yêu), nhưng không thấy ghi ông đã làm từ bao giờ. Có lẽ bài ca này ông làm vào những lúc về nghỉ ngơi tịnh dưỡng ở Ojai, vì bài đó nói lên lòng yêu thích thâm thiết của ông đối với thiên nhiên,
Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch...
Người viết chơi với Phạm Thiên Thư từ những năm học trung học đệ nhất cấp khoảng 58-59. Thư đến nhà tôi ở ấp Cả Trắc, khu Ông Tạ và chúng tôi thường kéo nhau ra quán cà phê vợt ở đầu ngõ đi vào ấp. Trong những lần uống cà phê, Thư nói sôi nổi về việc lập học hội Hồ Quý Ly, để thực hiện việc nghiên cứu, viết văn, làm thơ. Mục đích là tiến tới làm một tập san văn nghệ...
Chúng tôi vẫn biết Hoàng Cầm là người cùng quê và là bạn với một ông anh họ từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng không ngờ nhà thơ lại theo xe ra đón chúng tôi ở phi trường Nội Bài. Hôm đó Hoàng Cầm mặc một cái màu đỏ xậm trông rất hào hoa dù Hà Nội năm đó vẫn còn rất nghèo...