Làm mới ngòi bút luôn luôn là nỗi ám ảnh lớn cho người chọn nghiệp văn. Nhưng có lẽ nỗi ám ảnh ấy đè nặng lên vai người làm thơ nhiều hơn người viết văn xuôi. Lý do vì ngôi nhà thi ca của những người đi trước đã được xây dựng từ nhiều nghìn năm bởi không biết bao nhiêu tâm hồn thơ trác tuyệt, làm sao người làm thơ thời nay tìm ra kẽ hở, thấy được khiếm khuyết của tiền nhân, làm sao tìm ra khoảng đất chưa ai khai phá hòng len vào “làm mới” thơ của mình? Đến như thi tiên Lý Bạch mà còn bị Kim Thánh Thán phê là giẵm vào bước chân Thôi Hiệu!
Nhưng sự thật là thế hệ nào cũng có người đòi làm mới thi ca và chỉ riêng công trình của họ – chưa nói đến chuyện họ thành công hay thất bại – đã là điều đáng cho chúng ta khâm phục. Họ luôn luôn can đảm lên tiếng đòi thổi vào thi ca luồng gió mới. Họ cảm thấy vô cùng bức bối khi phải sống trong cùng một căn phòng chật hẹp, tù túng, với những món đồ cũ kỹ, mốc meo. Họ cất Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du và thơ của nhiều cụ ông cụ bà khác lên án thờ, lâu lâu đem ra khấn vái, nhưng họ nghẹt thở với cái cũ bên dưới xung quanh họ. Họ thường to miệng, quá trớn trong thái độ, ngôn ngữ, hành vi, và chúng ta hiểu tại sao. Họ là những tâm hồn nổi loạn. Họ thách đố các thế lực bảo thủ, cho dù các thế lực này là một nhà nước độc đảng, độc quyền hay một tập thể người đọc đầu óc trĩu nặng quán tính, khư khư bám giữ các giá trị hủ lậu, cũ mèm. Cuộc tranh luận gay gắt giữa họ và các thế lực bảo thủ hay xảy ra, và thường dẫn đến những diễn ngôn phi-thơ, chẳng dính dáng gì đến thơ mà chỉ là những luận điệu hết sức vớ vẩn, cãi lấy được, từ cả hai phía. Tuy vậy, con đường họ đi chông gai lắm, và cái giá họ phải trả thường là rất đắt. (Nguyễn Vỹ dưới trận mưa gậy tàn độc tới tấp của Hoài Thanh. Còn Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng và nhiều người khác thì bị giam hãm trong bóng tối oan khiên cả gần đời người.) Chúng ta chịu ơn họ, bởi nhờ họ chúng ta không bị chết ngạt giữa một vườn hoa toàn cúc vạn thọ. (Xin cám ơn cụ Phan Khôi)…
Đoạn văn trên trích từ cuốn tạp bút Chỉ là đồ chơi, tác giả là nhà thơ Trịnh Y Thư xuất bản năm 2019. Ở hải ngoại vào những năm cuối của thế kỷ XX, trong tinh thần và nỗ lực muốn tìm một “cái mới, cái khác” cho thi ca Việt, nhà thơ Khế Iêm và nhiều bằng hữu văn nghệ của ông đã có những cố gắng đáng kể trong việc gầy dựng một trường thơ mới gọi là Thơ Tân Hình thức. Cách đây không lâu, ông xuất bản một tập tiểu luận đồ sộ viết rất công phu nhan đề Vũ điệu không vần để trình bày quan điểm của nhóm về thể loại thơ tương đối mới mẻ này. Nhân dịp này, Việt Báo hân hạnh được ông tiếp trong một buổi nói chuyện thân tình để giúp chúng ta có cơ hội tìm hiểu thêm một hình thái nghệ thuật trong cuộc sống đương đại vốn nhiều rối rắm và phức tạp này.
Việt Báo (VB): Trước hết xin anh định nghĩa một cách ngắn gọn thế nào là thơ Tân Hình thức. Những thuộc tính của thơ Tân Hình thức là gì?
Khế Iêm (KI): Tân Hình thức (New Formalism), thật ra, “form” ở đây có nghĩa là thể thơ, tôi dịch nghe cho mới một chút. Cuối thập niên 1980s, một số nhà thơ trẻ Mỹ quay trở lại, hồi phục thơ thể luật, sau một thế kỷ phát triển thơ tự do. Và những người chống lại, mỉa mai cho là họ trở về với những thể thơ cũ. “Tân” ở đây có nghĩa là trở về (retro) truyền thống.
VB: Thơ Tân Hình thức có đi chệch ra ngoài lề những gì được công nhận trong cảm quan và mỹ học truyền thống không? Và so với thơ Hiện đại của thế kỷ thứ 20 thì con đường nó đi là con đường gì?
KI: Nếu thơ Tân Hình thức Mỹ quay trở về với thơ thể luật truyền thống, thì thơ Tân Hình thức Việt dùng để gọi một thể thơ mới, thơ không vần. Thơ thể luật Mỹ gồm 2 loại: có vần và không vần, trong khi thơ Việt, ngoài thơ tự do, thì chỉ có loại thơ vần điệu. Bây giờ, qua nghiên cứu, tôi thấy thơ Việt có thể tiếp nhận thêm một thể thơ không vần.
Thơ không vần (blank verse) tiếng Anh – gọi là thể thơ, thật ra chỉ là một dòng thơ, điển hình là dòng iambic pentameter, 10 âm tiết (không nhấn, nhấn lặp lại năm lần), đều đặn hết dòng này qua dòng khác.Thơ không vần được thơ Anh tiếp nhận từ thơ Ý vào giữa thế kỷ thứ 16, nổi bật với kịch của William Shakespeare, sau đó lan ra khắp châu Âu, trừ Pháp. Vì tiếng Pháp là ngôn ngữ đa âm nhưng không trọng âm như tiếng Anh, Đức và Ý.Và tiếng Việt, với bằng trắc, cũng gần như trọng âm, dù không mạnh bằng. Trong khi thơ Tân Hình thức Việt, không quay về với thơ vần điệu mà kết hợp giữa vần điệu và tự do, làm thành một thể thơ không vần, bổ túc cho thể thơ có vần.
VB: Theo anh, nhìn từ quan điểm của thơ Tân Hình thức thì tương quan giữa đời sống và thi ca là gì?
KI: Thơ vần điệu tiền chiến và thơ tự do thập niên 1960s, cũng như thơ Mỹ, tự do và thể luật nửa sau thế kỷ 19, chủ về ngôn ngữ, xa lìa đời sống. Nhưng thơ Tân Hình thức Mỹ sau thập niên 1990s, thay đổi thể luật với tính truyện và ngôn ngữ đời thường, quay lại với cuộc sống, thơ Tân Hình thức Việt cũng vậy. Thơ Tân Hình thức Việt tiếp nhận thơ Tân Hình thức Mỹ, với kỹ thuật “vắt dòng,” chuyển những thể thơ Việt thời Thơ Mới như 5 chữ, 7 chữ, lục bát… từ thơ có vần thành thơ không vần, thay đổi cả ngôn ngữ và cách làm thơ, với các yếu tố: vắt dòng, lặp lại, tính truyện và ngôn ngữ thông thường.
VB: Câu hỏi này, có lần chúng tôi đặt ra với nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, đó là: Thiếu thực phẩm, thiếu tự do, người ta có thể chết. Nhưng thiếu thơ, không ai chết cả. Sự thật là hiếm ai quan tâm đến thơ. Nhưng theo anh thì thơ đã giúp gì cho đời sống? Hay nói cách khác, đời sống có cần thơ không? Nhất là thơ Tân Hình thức?
KI: Thiếu thực phẩm, thiếu tự do, có thể chết, nhưng khi đời sống no đủ, người ra mới quan tâm tới nhu cầu về tinh thần, nhân rộng ra là đời sống văn hóa. Mà thơ là bộ môn đỉnh cao của văn hóa, bao trùm mọi bộ môn, so với âm nhạc, kịch nghệ, điện ảnh, v.v… Người ta có thể ít quan tâm tới thơ? Thật ra, thơ không hẳn chỉ có chữ viết, mà thơ bao trùm mọi ngóc ngách đời sống, chỗ nào không có thơ? Một người công nhân, sau một ngày làm việc mệt mỏi, thưởng thức một tách trà, những thú vui, chẳng phải họ đang ở trong trạng thái thơ đó sao? Nếu không có đời sống thì làm gì có thơ, và nếu không có thơ thì làm sao đời sống thăng hoa? Thơ Tân Hình thức, dĩ nhiên, đó là thơ về đời sống, chứ không là loại thơ chữ, như vần điệu và tự do.
VB: Nếu thơ là thơ của một cuộc sống đời thường, của thế giới tâm tưởng, của hoài niệm và ước mơ, thì tại sao chúng ta phải chọn thơ Tân Hình thức. Tại sao không làm thơ như người ta vẫn làm xưa nay? Có cái gì ở thơ Tân Hình thức mà các loại thơ khác không có hay thiếu kém khả năng phô diễn và biểu hiện?
KI: Thơ vần điệu, tự do, dòng thơ nào cũng có cái hay của nó, không ai có thể phủ nhận. Nhưng mỗi thời đại cần có cách thể hiện riêng. Sau Thơ Mới thập niên 1930-40s, bước qua thời đại kỹ nghệ, đến thập niên 1950s, thơ Việt bắt đầu tiếp nhận thơ Siêu thực Pháp, hình thành dòng thơ tự do. Nhưng sau thập niên 1990s, thế giới bước vào thời đại tin học, Internet, thơ lại chuyển một một thời kỳ khác.
Thơ từ phạm trù ngôn ngữ, bước qua nhu cầu chuyển tải thông tin, đời sống, và dĩ nhiên cách diễn đạt cần ý tưởng liền lạc và nhịp điệu, thì người đọc mới tiếp nhận, và đọc. Nhưng đó là những yếu tố đòi hỏi khả năng sáng tạo, và Tân Hình thức là một dòng thơ khó, so với thơ vần điệu và tự do vốn là những dòng thơ dễ làm. Lý do, vì trong thời đại Facebook, YouTube... thơ phải đạt tới nghệ thuật cao mới lôi cuốn được người đọc. Mà muốn có nghệ thuật cao, phải có một thể thơ để hướng dẫn người làm thơ.
VB: Trong cuốn tiểu luận Vũ điệu không vần, anh viết: “Thơ không còn tùy thuộc vào nỗ lực cá nhân mà là những vận động rộng lớn của cả một thế hệ, như một trào lưu, xác định tiếng nói và bản chất của một nền văn hóa ở một thời điểm đặc biệt của lịch sử thi ca…” Tham vọng này có to tát quá không? Vì cho đến nay thơ Tân Hình thức vẫn chỉ là một thể nghiệm, cho dù là một thể nghiệm cần thiết trong quá trình sáng tạo.
KI: Đó không phải là tham vọng. Đó là sự kiện tùy thuộc vào sự lớn mạnh của một nền văn hóa. Mà một nền văn hóa như ở Việt Nam hiện nay, chắc hẳn phải cần tới cả thế kỷ.
VB: Trong quá trình phát triển và lớn mạnh của thơ Tân Hình thức, theo anh thì những quán tính xã hội đã tác động như thế nào? Trở ngại lớn nhất là gì?
KI: Trước khi về Việt Nam, tôi có viết đâu đó rằng thơ Tân Hình thức Việt muốn phát triển cần tới khoảng một thế kỷ. Vì tôi căn cứ theo sự phát triển của thể thơ không vần tiếng Anh. Bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ 16 đến thế kỷ thứ 17. Đến thế kỷ thứ 18 mới bắt đầu phát triển, và đỉnh cao là phong trào Lãng mạn vào nửa sau thế kỷ thứ 19 cho tới bây giờ.
Nhưng vào thời đại Internet, tôi không ngờ thơ Tân Hình thức Việt được biết đến rộng rãi đến thế, với cuộc ra mắt sách Vũ điệu không vần ngày 15/12/2019 tại Cà phê Thứ Bảy, Quận 3, T/P HCM; cuộc tọa đàm tại Đại học Nhân văn T/P HCM, ngày 16/12/2019; sau đó là buổi giao lưu với giới khoa bảng tại hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, vào ngày 21/12/2019. Cũng cần nhắc lại, vào ngày 29/10/2014, tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Khoa Viết văn - Báo chí phối hợp với tạp chí Sông Hương đã tổ chức một buổi tọa đàm về thơ Tân Hình thức. Chứng tỏ, dòng thơ này đã được chấp nhận trong giới khoa bảng.
Nhưng tại sao thơ Tân Hình thức chưa phát triển được ra ngoài xã hội? Trở ngại lớn nhất là xã hội Việt Nam chưa có tự do ngôn luận. Báo chí và những cơ quan truyền thông đều do nhà nước quản lý. Thơ Tân Hình thức không thể gửi đăng nơi các tạp chí văn học, vậy thì làm sao dòng thơ này có thể phát triển? Mặt khác, nền giáo dục đã tạo nên con người có những cái nhìn một chiều – không giống như giáo dục phương Tây, mục đích hướng học sinh tìm kiếm, khám phá trong khoa học kỹ nghệ, và sáng tạo trong nghệ thuật – nên đa số đều dị ứng và xa lìa cái mới. Và mặc dù xã hội có đổi khác, thì cũng cần phải có thời gian cả thế kỷ, con người mới có thể làm quen với cuộc sống mới. Tôi nghĩ, khi nào có sự thay đổi thể chế, và trong thời đại Internet, nhà nước từ từ cũng phải nương theo ý dân, tự do ngôn luận sẽ từ từ mở rộng. Lúc đó, thơ Tân Hình thức mới có tương lai. Thật sự, tôi không hề quan tâm tới chuyện đó, vì thơ tự nó, không có mục đích gì cả.
VB: Theo anh, làm thi sĩ có phải hy sinh đời sống bình thường như người ta vẫn nghĩ không? Làm thế nào để cân bằng nội tâm với cuộc sống đời thường, không cần phải hy sinh bên nào, mà vẫn cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật sáng giá?
KI: Đó là quan điểm thời trước. Bây giờ thì khác, người làm thơ cũng giống như mọi người bình thường, phải làm việc kiếm sống, càng vất vả, càng làm giàu thêm cảm xúc và cảm thông với sự khó khăn của cuộc sống. Người làm thơ có trầm luân trong khổ đau, mới nhận biết lẽ vô thường và vô ngã trong kiếp nhân sinh. Vì nếu trải nghiệm và vượt qua mọi hoàn cảnh, từ đáy cùng của xã hội, sẽ nói lên được phong cách và đặc tính của một đất nước và con người. Sau đó là tiếp nhận vốn kiến thức từ mọi nguồn, sách vở và thực tại, để có thể trở thành nhà thơ đích thực. Thời nào cũng vậy, có thể có nhiều người làm thơ, nhưng nhà thơ thì hiếm.
VB: Xin cảm ơn nhà thơ Khế Iêm. Chúc anh thành công trên con đường mà anh chọn lựa.