Hôm nay,  

NHỮNG GIỜ PHÚT ĐÁNG SỐNG

22/07/201911:35:00(Xem: 3925)

Năm Kỷ Mão (1279), sau khi tiêu diệt xong triều đại Nam Tống, nhà Nguyên chuẩn bị mở rộng cuộc xâm lăng sang các nước Đại Việt, Chiêm Thành... Lúc bấy giờ một số tàn quân và dân chúng nước Nam Tống không chịu sống dưới sự cai trị của người Mông Cổ đã theo đường biển chạy ra các nước ngoài xin tị nạn. Trong số người chạy sang Đại Việt có một số cựu tướng lãnh quân đội... Họ tự nguyện cởi giáp, nộp vũ khí, hòa nhập với thường dân Đại Việt, cần mẫn làm thuê làm mướn để sinh nhai.

Năm Giáp Thân (1284), nhà Nguyên sai thái tử Thoát Hoan cùng bọn Ô Mã Nhi, Lý Hằng, A Lý Hải Nha v.v... đem 50 vạn quân rầm rộ tiến đánh Đại Việt. Với khí thế mãnh liệt ban đầu, quân Nguyên đã lần lượt phá tan các tuyến phòng thủ của quân Đại Việt ở phía bắc rồi tiến thẳng xuống kinh đô Thăng Long. Tiết chế Quốc công Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - tổng chỉ huy quân đội Đại Việt - phải tạm thời cho lui quân để né tránh các mũi nhọn của giặc hầu bảo toàn lực lượng. Thượng Hoàng Thánh Tông cùng vua Trần Nhân Tông phải rời Thăng Long tạm lánh về Hải Dương. 

Trong khi đó thì cánh quân thủy Mông Cổ do Hữu Thừa Toa Đô chỉ huy đã phát xuất từ Quảng Châu năm trước (1283), vượt biển đánh thẳng vào Chiêm Thành, sau đó quay ngược đánh chiếm nhiều phần đất ở Quảng Bình, Nghệ An và Thanh Hóa. Trước tình thế nguy ngập ấy, một số vương hầu của nhà Trần như Trần Ích Tắc, Trần Văn Lộng, Trần Kiện đã lần lượt ra đầu hàng quân Nguyên. 

Lúc bấy giờ Chiêu Minh Vương Thượng Tướng Trần Quang Khải và Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là những vị được giao trách nhiệm trấn giữ phía nam Đại Việt. Hai Vương đã cố giữ chặt những phần đất còn lại đồng thời cho kêu gọi mọi thành phần dân chúng tình nguyện ra lính để cứu nước.

Hưởng ứng việc đầu quân này có hai viên cựu tướng của nhà Nam Tống đang tị nạn ở Đại Việt là Triệu Trung và Tiêu Đình Long. Hai viên tướng này đến yết kiến Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, xin phép được kêu gọi chiêu tập những người Tống đang thất tán ở Đại Việt để sung vào quân đội. Nghe họ đề nghị như thế, Chiêu Văn Vương nghĩ ngay đến một kỳ mưu có thể thực hiện, Vương liền vui vẻ chấp thuận. Thế rồi không bao lâu Triệu Trung đã tập hợp được ngót một nghìn người. Thấy kết quả khả quan, Triệu Trung mừng lắm, bèn báo lại với Chiêu Văn Vương. Vương khen:

-Tốt lắm! Ta sẽ không quên công lao của ông.

Triệu Trung lấy cuốn danh sách số người đã tuyển mộ được dâng lên:

-Khải Đại Vương, hầu hết số người này đều là quân lính cũ. Xin giao nạp để Đại Vương tùy liệu sử dụng. 

-Được, việc này nhờ ông giúp luôn. Hãy tập trung số người đó lại để lập thành đội ngũ hẳn hoi. Đặt ra các cấp chỉ huy lớn nhỏ đàng hoàng. Về mặt tinh thần chống Nguyên của họ ắt hẳn rất cao rồi. Ta biết họ rất ghét người Nguyên nên mới chạy sang đây. Nhưng cũng cần phải huấn luyện lại họ phần nào để tăng thêm khả năng chiến đấu. Phải làm gấp vì chúng ta không còn thì giờ. Ông và Tiêu Đình Quí sẽ là người chỉ huy đội quân đó. Các ông tự làm việc ấy được chứ?

Triệu Trung lộ vẻ ngạc nhiên:

-Khải, bất cứ công việc gì nhằm tiêu diệt giặc Nguyên thì dẫu khó khăn mấy thần cũng nguyện sẽ hết lòng. Việc Đại Vương giao chúng thần tự làm được! Nhưng Đại Vương muốn chúng thần lập một đội quân toàn là người Tống sao? Thần thật chưa hiểu ý Đại Vương.

Chiêu Văn Vương cười:

-Ta đã nghĩ ra một diệu kế. Muốn thực hiện diệu kế này cần phải có một đội quân người Tống mới được. Vậy, ông cứ làm theo ý ta đi! Song song với việc tổ chức và huấn luyện đội quân ấy, ông cũng cần sưu tầm tập trung tất cả những cờ xí, y giáp mà quân sĩ Nam Tống còn giữ được. Phải trang bị đầy đủ cho đội quân Nam Tống này. Nếu còn thiếu thứ gì ta sẽ cung cấp. Ông giúp ta việc đó được chứ?

-Bẩm Đại Vương, chúng thần sẽ cố gắng!

-Vậy, ông hãy thực hiện gấp rút đi!

*

Chỉ mấy ngày sau Triệu Trung và Tiêu Đình Long đã hoàn tất nhiệm vụ. Tướng Tiêu Đình Long hướng dẫn Chiêu Văn Vương rảo khắp trại quân của người Tống vừa mới dựng. Vương đã đến với từng toán lính nhỏ để thăm hỏi, an ủi họ. Khi gặp một người Tống tuổi tác hơi già, Vương hỏi:

- Anh bao nhiêu tuổi rồi?

- Khải Đại Vương, tôi 45 tuổi.

- Liệu anh có còn sức để xông xáo trước lằn tên mũi dáo không? Anh là người nước ngoài mới tới không ai ép buộc anh. Vì sao anh lại tình nguyện ra lính?

- Khải Đại Vương, vợ tôi, con cái tôi đều bị giặc Mông tàn sát. Tôi còn lưu cái thân là để chờ ngày hôm nay. Tôi muốn trả thù chúng bằng mọi giá. Tôi sẽ cố gắng hết mình.

- Ta sẽ giúp anh hoàn thành nguyện vọng. Chúc anh may mắn!

Đi đến một toán khác thấy một thiếu niên mặt còn non choẹt, Vương hỏi:

- Em bao nhiêu tuổi? Nhà nước tuy cần người nhưng đâu kiệt quệ đến nỗi phải đưa những người như em ra mặt trận! Duyên cớ nào đã khiến em ra lính?

- Khải Đại Vương, con tuy mới 14 nhưng con không còn chờ đợi được nữa. Cha con bị giặc Mông giết, mẹ con bị chúng hiếp rồi bắt làm nô lệ. Những anh trai của con đều đã hi sinh. Con phải trả thù! Cúi xin Đại Vương thấu hiểu giúp đỡ cho con!

- Em còn trẻ mà có chí khí như vậy thật đáng khen. Tương lai em sẽ khá. Ta sẽ lưu tâm giúp đỡ em.

Vương tiếp tục đến thăm hỏi nhiều người khác nữa. Rất nhiều người đã lâm hoàn cảnh tương tự như thế. 

Qua cuộc tiếp xúc đó, Chiêu Văn Vương càng rõ đám người Tống này thù hận người Mông rất sâu sắc. Họ đều thề quyết không đội trời chung với giặc Nguyên. Như vậy là quá đủ, chẳng cần nung nấu tinh thần quyết chiến của họ thêm nữa! Thế là Vương quyết định hạ một đòn sấm sét vào tâm lý quân Mông Cổ như đã dự tính. 

Hôm sau, Vương cho đem các loại vũ khí mà người Tống quen dùng và tất cả số cờ xí, y giáp mà Triệu Trung thu thập được trang bị cho đội quân của ông ta. Số còn thừa Vương sai đem trang bị cho một số dũng sĩ Đại Việt rồi bổ sung đám dũng sĩ này vào đội quân đó luôn. Thế là một đội quân Nam Tống tạm thời thành hình. 

Kế đó, Chiêu Văn Vương lại cho người phao rầm lên là quân Nam Tống đã đuổi được quân Mông Cổ ra khỏi đất Tống và đang kéo sang giúp sức quân Đại Việt. Vương lại cố tình cho đưa một số tù binh Mông Cổ cho các tướng Nam Tống phủ dụ, mục đích là để chúng thấy sự hiện diện của của quân Nam Tống trên đất nước Đại Việt. Sau đó Vương lại cho thả những tên tù này rồi hướng dẫn cho chúng tìm về các doanh trại quân Nguyên. Thế là cái tin sốt dẻo người Tống đã diệt được quân Mông Cổ trên đất Trung Hoa không mấy chốc lan truyền trong hàng ngũ quân Nguyên. Cái tin này đã làm quân Nguyên đâm ra bồn chồn nghi hoặc mất ăn mất ngủ lo lắng không yên. 

Tháng tư năm Ất Dậu (1285) thời tiết nước ta chuyển đổi dị thường. Nhiều ngày ánh mặt trời chiếu gay gắt như muốn thiêu đốt cả mặt đất. Đội quân xâm lăng nhà Nguyên quen sống ở xứ lạnh chịu đựng cái nóng này không nổi, cứ sinh ra nhiều thứ bệnh tật. Đúng vào thời điểm đó, Tiết chế Quốc công Hưng Đạo Vương hạ lệnh cho quân Đại Việt bắt đầu phản công. 

Chiêu Văn Vương cho đội quân Nam Tống của Triệu Trung cùng xuất trận bên cạnh các đội quân Đại Việt. Đã có tin đồn quân Nam Tống sang giúp Đại Việt đi trước nên khi quân của danh tướng Toa Đô thấy trên trận tuyến Đại Việt có cả đội quân mang cờ Nam Tống xuất hiện, chúng vô cùng hoang mang hoảng sợ. Chiêu Văn Vương rất mừng khi chứng kiến những chiến sĩ người Tống này đã dồn tất cả hận thù lên mũi đao kiếm, lăn xả vào quân Nguyên. Họ reo hò vang động, chém giết hết sức tàn bạo. Quân Nguyên lớp đang bệnh hoạn, lớp đang mệt mỏi vì thiếu ăn, mất ngủ, thần kinh căng thẳng quá độ, không thể nào chống nổi, đã bị đánh tan tác dễ dàng. Chẳng bao lâu, quân Đại Việt đã dồn Toa Đô vào thế bị động để rồi kết thúc cuộc đời ngang dọc của danh tướng này ở trận Tây Kết.

Cái chết của Toa Đô đã làm cho quân dân Đại Việt vô cùng phấn khởi. Thế thắng bại của đôi bên đã phơi bày trước mắt. Để tưởng thưởng, khích lệ quân sĩ, Chiêu Văn Vương cho mở tiệc khao quân trước khi tiến ra Bắc hợp sức với đại quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. 

Vương cũng đặc biệt thưởng riêng cho đội quân Nam Tống một bữa tiệc liên hoan chiến thắng và chính Vương làm người khách danh dự. Để tranh thủ thời gian, Vương cho phép quân sĩ vừa ăn vừa nghe Vương hiểu dụ:

-Hỡi các Tướng lãnh, quân sĩ và con dân gốc Nam Tống có mặt ở đây! Thừa mệnh Hoàng Đế Đại Việt ta thành thật tán thán: Các ngươi là những con người trung thành với chính tổ quốc mình nhất! Các ngươi là những kẻ có tinh thần bất khuất, dũng cảm nhất! Vì không muốn đội trời chung với kẻ thù, các ngươi đã không chịu cúi đầu, đã hi sinh tất cả để lưu lạc đến Đại Việt. Nước Đại Việt vô cùng hân hoan để đón nhận những con người cao quí xứng đáng như các ngươi. Ta muốn cái gương trung, dũng, tiết, nghĩa của các ngươi được truyền đời, được duy trì mãi với con cháu các ngươi khi sống trên quê hương thứ hai này. Đáng khen nhất là khi vết thương lòng của các ngươi chưa kịp mím miệng, thân thể các ngươi còn nhừ nhuyễn, cuộc sống của các ngươi chưa được ổn định, thế mà thấy tổ quốc thứ hai của mình lâm nguy, các ngươi không cần suy tính hơn thiệt, đã hăng hái đầu quân. Các ngươi đã lao vào giặc như những hung thần để làm tan nát nhuệ khí của kẻ thù, để truyền tinh thần can đảm phấn chấn cho toàn quân toàn dân ta. Ta rất vui sướng! Ta rất hài lòng! Đợi dẹp xong giặc Mông Cổ ta sẽ tâu với Hoàng Thượng tưởng thưởng thật xứng đáng công lao của các ngươi. Ta tin tưởng các ngươi và con cháu sau này mãi mãi xứng đáng là những con dân gương mẫu của nước Đại Việt. Hoặc biết đâu, ta lại được hân hạnh giúp đỡ cho các ngươi hồi hương trong vinh quang khi bóng quân Mông Cổ không còn! Hôm nay tuy vui mừng chiến thắng, nhưng chúng ta đừng ngủ quên trên chiến thắng! Ngày mai chúng ta còn phải Bắc tiến để quét sạch quân tham tàn ra khỏi bờ cõi! Vậy, các ngươi hãy cùng ta hô khẩu hiệu để nhắc nhở công việc mà chúng ta chưa hoàn tất: 

- Sát Thát! 

- Sát Thát! 

- Sát Thát!

Tiếng hô Sát Thát vang động cả một phương trời. 

Sau lời hiểu dụ của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, tướng Triệu Trung xin thay mặt đám quân dân người Tống bày tỏ lòng tri ân:

"Thái Thượng Hoàng Đại Việt vạn tuế! Vạn vạn tuế!

"Hoàng Đế Đại Việt vạn tuế! Vạn vạn tuế!

"Chiêu Văn Đại Vương thiên tuế!

"Chúng tôi, những con dân nước Nam Tống bất hạnh lâm cảnh nước mất nhà tan, phải đem thân lưu lạc cầu sống xứ người. May mắn chúng tôi đến Đại Việt, quả thật chúng tôi đã chọn chỗ không lầm. Chúng tôi đã được quân dân Đại Việt đưa bàn tay từ ái để đón nhận. Chúng tôi vô cùng tri ân tấm lòng cao cả của dân tộc Đại Việt. Chúng tôi hi vọng sẽ được sống quãng đời còn lại trong yên lành dưới sự bao dung che chở của dân tộc Đại Việt. Chúng tôi nguyện sẽ đem những tinh hoa chúng tôi hấp thụ được từ phương bắc đóng góp hòa nhập với địa phương để cùng nhau xây dựng một xã hội tiến bộ, để đáp ơn tri ngộ của tổ quốc Đại Việt. Nhưng chúng tôi ngồi chưa ấm chiếu thì kẻ thù đã tìm theo đến nơi. Vốn quen chiến đấu trong một quân đội oai hùng một thuở, khi đã buông vũ khí, khi lột bỏ quân phục, lòng chúng tôi đau đớn tan nát như thế nào không thể dùng lời mà tả được. Nhiều người trong chúng tôi đã phải tự sát. Nhiều người trong chúng tôi đã phải phát điên. Nhiều người trong chúng tôi đã khóc chảy máu mắt. Chúng tôi nghĩ rằng từ đấy sẽ không còn cơ hội, không ai cho phép mình cầm vũ khí theo đúng nghĩa một quân nhân nữa. Nhưng ông trời có mắt, chính Chiêu Văn Đại Vương, như một bậc cha già cao cả, đã đặc biệt cho chúng tôi hưởng một cơ hội ngàn vàng. Đại Vương đã cho chúng tôi sống lại những giờ phút mà ngàn đời chúng tôi không bao giờ quên được! Đó là giờ phút mà chúng tôi được chiến đấu với khí thế oai hùng của quân đội dưới cờ Nam Tống như trước kia. Chính lá cờ, chính chiêng trống, chính quân phục, chính vũ khí, và chính kẻ thù Mông Cổ cũng đều là của Nam Tống đã khiến chúng tôi quên mình mà chiến đấu! Cám ơn Tổ quốc Đại Việt! Cám ơn Chiêu Văn Đại Vương đã cho chúng tôi sống lại những giờ phút này! Những giờ phút mà trước đây chúng tôi không dám mong ước, không dám nghĩ tới! Những giờ phút mà chúng tôi tưởng như chỉ còn có trong mộng! Chỉ một thời gian ngắn thôi mà như một kiếp tái sinh! Chính những giờ phút này chúng tôi đã rửa được rất nhiều hận thù! Sau những giờ phút này dù phải chết đi chúng tôi cũng thỏa mãn! Cám ơn Tổ quốc Đại Việt! Cám ơn dân tộc Đại Việt! Chúng tôi đã được sống những giờ phút rất đáng sống! Hôm nay! Hôm nay! ...

Tướng Triệu Trung còn muốn nói nhiều nữa nhưng nước mắt ông trào ra và giọng ông nghẹn ngào không cất lên được. Lúc đó giữa đám quân nhân cũng dậy lên nhiều tiếng thổn thức, nức nở xen lẫn nhiều tiếng hô:

- Cám ơn Tổ quốc Đại Việt đã cho chúng tôi sống lại những giờ phút thật ý nghĩa!

- Cám ơn Chiêu Văn Đại Vương đã cho chúng tôi sống lại những giờ phút thật ý nghĩa! 

-Cám ơn Đại Việt đã tạo điều kiện cho chúng tôi rửa nhục!

Số quân sĩ còn giữ được bình tĩnh thì cứ vươn tay hô vang rân từng nhịp những câu tri ân nước Đại Việt. Tiếp đó những người lính Nam Tống đã ôm nhau khóc nức nở... hoặc nhảy múa loạn cuồng. Người ta nghe những âm thanh uất nghẹn phát đi từ cuống họng những người quá xúc động vì sung sướng hay vì tiếc nuối:

- Thật là những giờ phút đáng sống!

- Ôi bao giờ ta gặp lại một ngày như hôm nay?

- Cám ơn Đại Việt đã cho chúng tôi những giờ phút đáng sống này!

- Biết bao giờ có lại những giờ phút như hôm nay? 

- Ngàn đời nhớ ơn dân tộc Đại Việt!

- Ngàn đời nhớ ơn dân tộc Đại Việt!

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật lặng lẽ nhìn đám quân nhân gốc Nam Tống đang khóc cười nhảy múa thác loạn với vẻ mặt bao dung, thông cảm. Vương nghĩ họ đang sống với cảm giác của những kẻ sắp chết chìm giữa biển cả bỗng thấy con tàu cứu tinh hiện ra trước mắt. Vương nhớ lại câu vương đã nói với họ "Biết đâu ta lại được hân hạnh giúp đỡ cho các ngươi hồi hương trong vinh quang!". Có thể những lời nói mang tính xã giao của Vương đã biến thành niềm tin tưởng của những người lính Nam Tống lưu vong. Vương cảm động tự nhủ "Các ngươi có những giờ phút đáng sống thì ta cũng có những giờ phút đáng sống!". Đôi mắt Vương có vẻ cười nhưng cũng long lanh ngấn lệ.


Ngô Viết Trọng 




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.