Tôi gửi bài, góp mặt với tạp chí Văn Học khá muộn, vào năm 1986. Vẫn đón nhận những lá thư ngắn gửi qua bưu điện của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, khích lệ và thân tình chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác cho lớp đi sau (như tôi). Tôi nói khá muộn vì trước đó tôi thường gửi truyện ngắn tới Đất Mới, Văn, Làng Văn… Tôi yêu thích Văn Học hơn các tạp chí khác, cộng tác khá đều đặn, tới tháng 12 năm 1990 vẫn còn “chung tình”. Bấy giờ chủ bút đã là Trịnh Y Thư.
Anh là ai? Ở xa tôi vẫn giữ một “ảo ảnh”. Không những chậm trễ khi đến với tạp chí Văn Học, tôi còn mù mờ thông tin, chậm lụt một vài thứ khác, vẫn thường lỡ biết bao chuyến xe. Thời gian gần đây, trong “phế tích” của trí nhớ bỗng nổi cộm tên tuổi cũ: Trịnh Y Thư. Người cao thủ biết môn công phu phân thân: Anh là nhà thơ, nhà văn, dịch giả, vẫn thường chơi guitar nhạc cổ điển và cũng đang tự mình đứng ra coi sóc nhà Văn Học Press tại California, Hoa Kỳ. Như thế, dẫu cho chậm bước, tôi tự nhủ, nếu không tìm cách lân la đến bên anh quả là một thiếu sót lớn. Có thể bạn sẽ trách tôi dùng “ảo ảnh” với “phế tích” trong câu trên là không chỉnh. Xin thưa: Tôi đã vay mượn chữ, “Phế Tích Của Ảo Ảnh” là nhan tập thơ của người tài hoa Trịnh Y Thư. Bạn có nhín chút thời gian để nhàn du cùng chúng tôi không? Xin vui lòng.
Hồ Đình Nghiêm (HĐN): Thân chào anh Trịnh Y Thư. Thân thể người ta chia ra làm ba phần: Đầu, mình, và tứ chi. Câu nầy nghe không ổn đối với trường hợp anh, mấy cụ bảo “ba đầu sáu tay” e chuẩn xác hơn? Nhiều nhà quá làm khó tôi, anh hãy vui vẻ cho phép tôi gọi đơn sơ một chữ Anh thôi nhé? Vừa giản tiện vừa bỏ bớt cái khách sáo.
Trịnh Y Thư (TYT): Thân chào anh Hồ Đình Nghiêm. Vâng, tôi nghe nói trong văn nghệ tất cả là anh-em, chứ không có chú-bác hay bất cứ một đẳng cấp nào khác. Thuở Trung học, lớp 12, môn Triết, tôi học thầy Nguyễn Xuân Hoàng. Sau này gặp lại anh, cùng sinh hoạt văn chương ở hải ngoại, tôi vẫn quen gọi anh bằng “thầy”, nhưng anh bảo tôi, “anh” được rồi, và tôi thấy thoải mái hơn nhiều. Về cái cụm từ “ba đầu sáu tay” thì chắc tôi không dám nhận, bởi lúc nào cũng cảm thấy mình yếu kém, cần học hỏi thêm. Múa may nhiều chiêu chỉ vì cái tật “đa mang” cố hữu. Chính vì cái tật này mà rốt cuộc chẳng cái gì đến nơi đến chốn.
HĐN: Điều trước tiên, tôi xem là quan trọng, cần đón nghe anh thổ lộ: Vào thế kỷ trước anh là một sinh viên đi du học, biến cố 1975 xẩy ra, có thể ví von “qua cầu rút ván”. Tâm trạng của anh lúc đó ra sao? Một người con đi xa có mong được trở về quê mẹ đang biền biệt khuất vào bóng tối đau thương?
TYT: Tuổi thơ tôi không có nhiều ngày vui, lẽ đương nhiên, bởi thế hệ tôi lớn lên trong lửa đạn chiến tranh trên quê hương. Nhưng tôi may mắn nhờ sự hy sinh vô bờ bến của cha mẹ nên không đến nỗi bất hạnh. Khi biến cố 30/4/1975 xảy ra, tôi vẫn đang ngồi ghế lớp học tại một ngôi trường đại học xa tít mù. Tâm trạng tôi lúc đó dĩ nhiên là hoang mang cực độ, không biết phải làm gì và thấy tương lai vô cùng mờ mịt. Ý nghĩ nung nấu trong đầu khi đó là: Thôi, đành phải rũ bỏ quê hương và quá khứ thôi, chẳng còn chọn lựa nào khác. Nhưng chúng ta ai cũng có quá khứ. Đối với những kẻ lìa bỏ quê hương ra đi khi đã có chút ý thức về đời sống, về nơi chốn mình sinh ra, cái quá khứ ấy trở nên nhọc nhằn, nặng nề gấp bội. Một quá khứ nặng khôn kham. Chúng ta khổ sở suốt đời vác nó trên lưng như con ốc sên vác cái vỏ cứng của nó. Nhưng nhìn vấn đề từ góc độ tích cực hơn, cái vỏ ốc đó đôi khi giúp chúng ta chui vào làm chỗ ẩn nấp che chở mỗi khi tâm hồn chúng ta dao động, hoang mang vì tâm trạng lưu vong hay lúc lên cơn khủng hoảng căn cước. Phần nhiều chúng ta sống với hai quê hương: cái hiện hữu thường ngày và cái sống trong ký ức. Điều đáng nói ở đây là sau một thời gian dài sinh sống nơi nước ngoài, cái đau hoài hương trong lòng chúng ta dần dà phai nhạt để nhường chỗ cho cái đau của sự lạ hoá. Sự việc biến thiên theo chiều nghịch đảo: cái thân quen biến thành cái xa lạ, và ngược lại. Trở về thăm viếng nơi mình sinh trưởng sau một thời gian dài xa cách, gần như ai cũng cảm thấy nỗi đau này. Nó lạ lùng một cách tàn bạo. Dù cố gắng cách mấy người ta vẫn không thể tự đánh lừa được cảm giác xa lạ, lạc lõng, tách rời. Mảnh đất nơi mình sinh ra biến thành nơi chốn khác, không còn là của mình nữa. Lịch sử của mảnh đất đó không có chỗ đứng cho mình, nó tàn nhẫn gạt mình ra ngoài lề. Lằn ranh biên giới giữa nhớ và quên như bị xoá sạch, không còn cái gì đáng nhớ, sự lãng quên như bị sai khiến bởi vô thức. Ký ức vẫn còn đấy trong bộ nhớ nhưng nó như bị ảo hoá, trở nên không thực. Sự lạ hoá này cũng thật là tàn bạo bởi cùng lúc nó để hiển lộ khía cạnh hiện sinh của thế giới con người: con người là sinh vật không có bản nguyên, căn tính của hắn không là cái gì bất di dịch. Hắn bị ném ra ngoài thế gian này mà không hề biết tại sao. Hắn như nhà phi hành đi bộ ngoài không gian bị đứt dây buộc với phi thuyền mẹ và cứ thế dật dờ trôi giạt mãi về khoảng không gian huyền tẫn mịt mù.
HĐN: Tôi vẫn nghĩ một người cầm bút, đa số thường vin vào một lực đẩy ban đầu. Anh có xem thơ văn, những gì mình viết ra, giúp cân bằng tinh thần hoặc lấp đi phần nào những hao hụt, trống vắng ở hoàn cảnh sống mới?
TYT: Tôi bắt đầu nghiệp văn rất trễ, ngoài ba mươi mới cầm bút, và suốt đời vẫn là một người cầm bút nghiệp dư, một amatơ. Vâng, đúng như anh nói, lúc đó dường như có một lực đẩy ban đầu cho tôi vin vào. Có thể do tôi mất niềm tin vào cuộc sống, cần tìm lối thoát; có thể cánh cửa duy nhất cho tôi tìm về quê hương ở hoàn cảnh lúc đó là cánh cửa chữ nghĩa tiếng mẹ. Nhưng dù gì chăng nữa, cánh cửa đó mở sẵn cho tôi bước vào, bởi văn chương từ thuở thiếu thời đã bám trụ tâm hồn tôi. Nhưng tôi không “vin” vào thơ văn để đứng dậy như nhà thơ nào đó tỏ bày tâm sự. Thơ văn cũng chẳng là cứu cánh trong cuộc đời tôi. Tôi rất sợ khi nghe người ta nói đến “sứ mệnh” của thơ văn. Qua chữ nghĩa và cảm xúc, tôi chỉ giản dị thấy một hiện hữu tâm hồn khác nằm lấp ló đằng sau cái hiện hữu thường ngày, và chính cái gì lấp ló, không định hình rõ rệt đó quyến rũ, thu hút tôi.
HĐN: Bài thơ “Bóng Tối” anh làm, với đoạn mở đầu:
Đường em đêm lầy trơn. Bóng tối
chụp lên vai mù toả con lộ đen
tôi bắt gặp tôi lần mò giữa
hố sâu mê hoảng. Trước mặt
những con đường vun vút về đâu.
Thưa anh, sau thế hệ anh, tôi; gần như chúng ta đứng giữa “con lộ đen”. Nhìn lui con đường chúng ta bước qua, hiu hắt một vài ánh lửa. Anh có từng buồn về một dòng chảy bị đứt đoạn? Nói rõ ra, những người trẻ tuổi hơn chúng ta, họ “vun vút ở những con đường khác” chẳng thèm đọc thơ văn Việt ngữ mình trải lòng? Mình đâm ra ngơ ngác? Về đâu là một dấu hỏi lớn? Mong được nghe anh tỏ bày.
TYT: Vâng, thưa anh, “về đâu” luôn luôn là câu hỏi siêu hình, có tính triết học. Thơ tôi hình như bị ám ảnh bởi những câu hỏi tương tự. Thế nhưng, chúng ta chẳng thể nào biết được những con đường ấy về đâu, bởi cuộc hành trình chúng ta đang dấn bước là cuộc hành trình vô hạn định, vô mục đích, như kẻ thất lạc trong sa mạc, và chỉ nhận ra điểm cuối khi chúng ta thấy cái huyệt mộ đen ngòm mở ra chờ đón chúng ta nằm xuống với thiên thu.
HĐN: Tôi vừa xem, rất lôi cuốn “Chuyện Tình” mà anh dàn dựng nên. Chuyện của một người đàn ông lớn tuổi dành cảm tình cho cô bé “hậu sinh khả uý”. Trong đoạn dẫn dắt câu chuyện ban đầu, anh viết: “…Tôi nhớ hôm đó tôi có cuốn sách mới in và lũ bạn văn nghệ tổ chức ra mắt sách cho tôi. Tự thâm tâm tôi biết cuốn sách chẳng ra gì, một thứ văn chương thời thượng, nhưng cái nếp ra mắt sách đã thành thông lệ ở miền đất này và phần thưởng duy nhất dành cho người viết sách là những lời tâng bốc lên tận mây xanh (nhưng cũng đầy giả trá).” Cho dù đó chỉ là “sản phẩm của tưởng tượng”, nó vẫn gieo cho người đọc nghĩ tới một hoạt cảnh trần trụi từng xẩy ra. Anh không ngại làm tổn thương những kẻ mang tâm hồn nhậy cảm? Phát sinh ra một ngộ nhận chẳng đáng có? Nhân vật “tôi” nọ mang bao nhiêu phần trăm hư cấu?
TYT: Cảm ơn anh nhắc đến truyện ngắn này của tôi. Thật ra tôi viết cái truyện đó lâu lắm rồi, đâu hồi năm 89 hay 90 gì đó, và in trong tập truyện Người đàn bà khác xuất bản năm 2010. Nhân vật “tôi” nọ mang 90 phần trăm hư cấu, anh ạ. Truyện ngắn này chứa đựng ít “vấn đề” nhất so với các truyện khác trong tập truyện, nhưng lại được nhiều người ưa thích. “Vấn đề” anh nêu ra –làm tổn thương những kẻ mang tâm hồn nhậy cảm – thật ra không đáng lo lắm đâu, bởi ai cũng nhìn ra sự thật. Tự bản chất, chuyện “ra mắt sách” không có gì xấu, nó chỉ là hình thức PR để quảng cáo. Tôi chỉ không chịu được khi phải nghe nhưng lời tâng bốc giả trá của diễn giả. (Giả trá hay thành thật, nghe biết liền, chẳng thể đóng kịch được).
HĐN: Người ta vẫn ca ngợi tài năng, cách dùng chữ của Ngọc Thứ Lang khi chuyển dịch cuốn tiểu thuyết “The Godfather” của Mario Puzo ra “Bố Già”. Anh là một dịch giả, với kinh nghiệm, anh có thể chia sẻ ít nhiều những khó khăn cần vượt qua khi tiếp cận một tác phẩm tiếng nước ngoài, hòng chuyển đổi sang Việt ngữ sao cho thật chín mùi, gợi cảm?
TYT: Trên các diễn đàn văn học đã có khá nhiều những nhận định sâu sắc và giá trị về dịch thuật văn học. Tựu trung, có hai xu hướng: hoặc trung thành với văn bản của nguyên tác; hoặc đặt trọng tâm vào yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch. Theo tôi, ở thời đại của chúng ta, quan niệm đúng đắn phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa hai xu hướng. Mặc dù những tôn chỉ chung chung như tín-đạt-nhã kềm chế người dịch, không cho hắn sa đà, nhưng người dịch không còn là kẻ “tra từ điển chuyên nghiệp” nữa. Có khoảng đất trống để hắn phô diễn nét tài hoa trong sáng tạo của mình. Câu hỏi được đặt ra là khoảng đất trống đó rộng rãi thong dong lắm không và có giới hạn nào không? Nếu anh là Bùi Giáng thì không giới hạn nào có thể ngăn trở anh được. Anh có thể “tương” vào cả chục câu lục bát rất ư là Bùi Giáng ngay giữa mạch truyện của nguyên tác. Sự can thiệp tới hạn của người dịch như thế hiển nhiên có thể làm nhiều vị học giả nghiêm túc cau mày khó chịu. Riêng tôi, tôi thấy thú vị bởi tôi đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải một cuốn sách y học. Nói như thế, dịch phẩm sẽ mang diện mạo của người dịch và điều đó góp phần không ít vào việc tiếp nhận của người đọc. Tôi không phủ nhận giá trị những dịch phẩm nghiêm chỉnh tuân thủ từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phết trong nguyên bản, nhưng tính Dionysian trong nghệ thuật bao giờ cũng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn và tôi sẵn sàng hy sinh cái chân lý tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn.
HĐN: Sau Milan Kundera, sau Virginia Woolf, sau Charlotte Bronte, tác giả nổi tiếng nào được anh nhắm tới để bỏ công dịch, nhằm giới thiệu văn học ngoại quốc cho bạn bọc không thông thạo sinh ngữ thứ hai, ba?
TYT: Philip Roth, và có thể thêm một cuốn của Kundera, cuốn The Book of Laughter and Forgetting.
HĐN: Theo tôi biết, vào năm 2017 anh có chuyến đi thăm Hà Nội. Cảm nghĩ của anh về lần đi xa đó? Điều gì còn tồn đọng, chưa phai trong ký ức anh? Hoặc một nỗi ám ảnh, nếu có?
TYT: Thật ra tôi về Hà Nội nhiều lần vì tôi vẫn còn nhiều bà con dòng họ ở đó. Tôi có ghi nhận cảm nghĩ của mình về Hà Nội trong một bài ký in trong cuốn tạp bút Chỉ là đồ chơi xuất bản năm 2012. Với Hà Nội, tôi là kẻ lạ. Tôi sinh ra ở đấy nhưng chẳng biết gì về nó. Chưa kịp có chút ý thức nào thì tôi đã bị bứng gốc ném giạt về những miền đất xa lạ. Kẻ lạ cũng là kẻ bạc tình. Kẻ bạc tình vồn vã khi đến nhưng lạnh lùng lúc ra đi. Xin kể anh nghe một chuyện vui hoàn toàn có thật. Một hôm, ngay giữa Phố Cổ Hà Nội, từ trong một cửa tiệm tạp hoá bước ra, tôi chạm trán một bà cụ già. Bà liếc nhìn tôi rồi kêu lên: “Khiếp! Cái ông Tây này sao mà béo thế!” Tôi mỉm cười khẽ bảo cụ: “Thưa cụ, cháu là người Việt mình đấy ạ.” Bà cụ lại kêu lên: “Ơ, chúng mày ơi! Ông Tây này biết nói tiếng Việt!” Đấy, với Hà Nội, tôi là một ông Tây.
HĐN: Anh có từng khách quan nhận xét, so sánh sự khác biệt giữa trong, ngoài riêng ở mặt người viết, người đọc? Ở hải ngoại có kém sút, thua xa hay vượt trội?
TYT: Thật tình tôi không đủ khả năng và thẩm quyền để trả lời anh câu hỏi này. Tuy nhiên, tôi rất thích đọc Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Bình Phương. Tạ Duy Anh, và đôi ba người khác. Điều đáng lưu ý là ở trong nước người đọc vẫn nhiều, công nghệ và kinh doanh ấn loát sách văn học tuy có sút giảm nhưng không đến nỗi chết thê thảm như ở hải ngoại. Cuốn Đời nhẹ khôn kham tôi dịch xuất bản năm 2018, đến nay đã tái bản lần thứ ba.
HĐN: Tôi tin chắc, anh là một người bận rộn. Giữa ba thể loại: Làm thơ, viết truyện ngắn, chuyển dịch tác phẩm ngoại quốc. Anh “mặn nồng” món gì nhất? Thích “ăn nằm” với thứ gì? Tôi hỏi thế vì cá nhân tôi thì mê được dịch tiểu thuyết ngoại quốc nhưng bất tài, chẳng am tường tiếng tây tiếng u, không thể trao hồn vía cho chữ nghĩa.
TYT: Tôi thích “ăn nằm” với cả ba, anh ạ. Như tôi trả lời anh ở câu đầu tiên, tôi là kẻ “đa mang”, cái gì cũng thích mân mó nhúng tay vào. Gần đây tôi còn viết “điểm sách”, nhưng đây chỉ là nhu cầu do làm xuất bản thôi chứ tôi không có tham vọng trở thành nhà phê bình. Hơn nữa, làm nhà phê bình sẽ mất bạn, tôi nghe ông Hoài Thanh bảo thế.
HĐN: Xin anh vui lòng nói qua một chút về Văn Học Press. Những khó khăn hoặc những tiêu chí mà Văn Học Press tự đề ra. Anh có quan ngại tới sự bành trướng khó chống đỡ mà internet đang hoành hành, nhà nhà đều chí thú cắm đầu cắm cổ vào? Điều đó khiến sách (in giấy) bị ghẻ lạnh, thua lỗ?
TYT: Thời đoạn vừa qua chúng ta chứng kiến sự chuyển đổi hệ hình có tính tất yếu trong văn học Việt Nam hải ngoại: gần như toàn bộ nền văn chương được đưa lên mạng. Kỳ thực, ít ai có chọn lựa nào khác trong hoàn cảnh một cộng đồng lưu vong, rời rạc, thiếu thốn. Mặc dù chưa phải là cái gì tuyệt hảo, bởi vẫn có những nhược điểm không tránh nổi, văn chương mạng giải quyết được nhiều vấn nạn, thí dụ như giúp thơ ca có chốn “nương tựa” vì nếu không, thơ không biết bám víu vào đâu để tiếp tục cuộc hành trình vô hạn định của mình. Và quả tình nó cũng bật mở nhiều khía cạnh thú vị khác, như sự ra đời và lớn mạnh của thể loại truyện chớp. Văn chương mạng đáp ứng được yêu cầu năng động của một thế giới đang bay với tốc độ ánh sáng. Nó sẽ ở lại với chúng ta trong thời gian lâu dài sắp tới, nếu không muốn nói là vĩnh viễn, dù anh có chấp nhận nó trong ngôi nhà riêng của mình hay không. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ người viết, tôi không cảm thông trọn vẹn với một nền văn học hoàn toàn dựa vào Internet. Viết trên mạng giống như hành động ném viên sỏi xuống mặt hồ, viên sỏi biến mất tăm mà mặt hồ chỉ gợn lên dăm ba làn sóng nhỏ rồi lại lặng im như cũ. Có lẽ đó là bản chất của Internet. Với một liều lượng thông tin quá tải, cái gì cũng trở nên nhanh, ngắn, gọn. Như một món ăn nhanh, đọc xong quên ngay, thậm chí khi đọc cũng chỉ đọc lướt. Thêm nữa, văn chương mạng thiếu những công trình dài hơi, gần như không có tiểu thuyết, chất lượng bài vở không đều. Nói một cách ngắn gọn, Internet tốt cho mục đích thông tin hoặc diễn ngôn, tranh luận, nhưng quả tình không mấy tốt cho văn học. Sự thật là cầm cuốn sách trên tay đọc vẫn là cái thú của hầu hết chúng ta hiện nay khi đọc một tác phẩm tầm vóc. Tất cả những lý lẽ có tính biện chứng trên cộng thêm sự khuyến khích nhiệt tình của nhiều bằng hữu văn nghệ và các bậc đàn anh như nhà văn Ngô Thế Vinh trong thời gian qua đã khiến tôi uống thuốc liều quyết định gầy dựng lại nhà xuất bản Văn Học. Thêm một lý do nữa mà có thể xem là quyết định tối hậu cho đề án, đó chính là sự khả thi thành lập một NXB trong thời điểm này. Với phương tiện ấn loát và phát hành hiện đại theo sát nhịp đập kinh tế thị trường thế giới của các tập đoàn kinh doanh, việc thực hiện một NXB bỏ túi như thế không còn là cái gì bất khả như cách đây mươi năm. Nói như thế nhưng tôi không chủ trương quay về thời kỳ sách báo in giấy cách đây vài ba thập kỷ ở hải ngoại. Muốn cũng không được. Tôi chỉ mong ngành xuất bản được tái phục ở mức độ nào đó để hỗ trợ cho sinh hoạt mạng trong thực tế vẫn tiếp diễn. Vấn đề nhức nhối chính vẫn là người đọc. Ở thời đại thông tin điện tử, làm thế nào để người đọc chịu bỏ tiền ra mua sách văn chương về đọc là cả một vấn đề cam go. Người Việt là một dân tộc yêu thơ như người Nga, nhưng thi sĩ Nga sống được nhờ xuất bản thơ, còn thi sĩ Việt bỏ tiền túi in thơ chỉ để tặng bàn bè, thân hữu. Văn xuôi cũng chẳng khấm khá hơn bao nhiêu. Dù có tránh né, tế nhị bao nhiêu thì đó vẫn là sự thật, một sự thật khá đau lòng. Lý do vì sao thì đấy là cả một câu chuyện phức tạp, lôi thôi, chẳng dễ gì phân tích cho ngọn ngành trong một bài phỏng vấn ngắn.
HĐN: Anh thích chơi guitar. Anh đã từng mang đàn ra trình diễn trước đám đông? Và như thế, vì giai điệu trầm bổng, dồn dập sẽ dẫn dụ, khiến xuất hiện một “cô bé” khác. Và như vậy bạn đọc bốn phương được đọc thêm một chuyện tình ăn đứt Trương Chi Mỵ Nương, hình thành dưới giọng văn nửa hồn nhiên nửa vô ngại, chút thơ mộng chút lãng mạn được ký tên Trịnh Y Thư.
TYT: Thật ra tôi “mặn mà” với âm nhạc trước khi “ăn nằm” với văn chương, nhưng rất ít khi tôi xuất hiện chơi đàn trước công chúng vì “khớp” sân khấu. Trên sân khấu không bao giờ tôi đàn được một khúc nhạc đúng ý như khi đàn ở nhà một mình. Hơn nữa tôi cũng sớm nhận ra con đường âm nhạc nhiều chông gai quá, tôi không phải thiên tài, giỏi lắm chỉ là một anh “thầy đờn”, bởi thế mặc dù được thụ giáo với nhiều diệu thủ ghi-ta thập niên 70, 80, cuối cùng tôi bỏ nghề.
HĐN: Tôi tự hứa với lòng, rằng nhà quê (chữ của Mai Thảo) thì cũng chừng mực nào đấy thôi, thế nào cũng đeo ba-lô đi bụi qua California một lần cho thoả. Nơi mà tôi quen biết bao người nhưng chưa một lần gặp mặt. Sẽ thực thụ đứng gõ cửa nhà anh để vào xin chén rượu nồng. Giấc mơ vẫn còn đó, thực tế bày ra là giờ này đành tạm “cắt sóng”. Cảm ơn anh Trịnh Y Thư đã vui lòng chuyện trò với một đứa ở xa như tôi. Những tâm sự của anh, dù chỉ phác hoạ ra một thời điểm, tâm tình ấy sẽ là tư liệu quý giúp cho những ai muốn hồi tưởng về sinh hoạt của người cầm bút tha phương. Tôi tin vậy và mến chúc anh luôn sức khoẻ, sáng tác được những điều tâm đắc.
TYT: Cảm ơn nhà văn Hồ Đình Nghiêm đã cho tôi cơ hội phát biểu linh tinh. Những gì tôi nói ở đây chẳng qua chỉ là ý kiến ý cò của một trong bảy tỉ khối óc trên mặt hành tinh này, chẳng có chi đáng nhớ.
Trịnh Y Thư – Ảnh tự chụp,
Egyptian Museum, San José, CA, 2019
– Hồ Đình Nghiêm
(Thực hiện bằng điện thư, tháng Năm, 2019.)