Hôm nay,  

50 Năm Sau Huế Mậu Thân

03/03/201900:05:00(Xem: 5058)
Hue cover
2015, bản Anh ngữ của Giải Khăn Sô Cho Huế ra mắt tại UC Berkeley. 

1. Nhã Ca: trả lời BBC

Cuộc phỏng vấn do Bình Khuê BBC Tiếng Việt thực hiện trong tháng 2/2018, nhân 50 năm trận Tết Mậu Thân. 26 tháng 2 2018.

Sau trận Tết Mậu Thân, phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa chiếm lại được một thành Huế tan hoang. Bên cạnh việc dọn dẹp, tái thiết thành phố, những hố chôn người tập thể dần dần được phát hiện.

Trong số những tin tức, tường thuật, phóng sự, ghi chép được đăng tải ở miền Nam Việt Nam về 'thảm sát ở Huế' khi đó, bút ký Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca đã gây choáng váng dư luận. Một phần của sách sau này được dựng thành phim "Đất Khổ", với Trịnh Công Sơn vào vai chính, người con nhạc sĩ Huế.

Tác giả cuốn sách nói bà đã có mặt tại cố đô trong những ngày Tết Mậu Thân, tận mắt chứng kiến và trực tiếp nói chuyện với các nhân chứng về cuộc giao tranh, về các cuộc bắt bớ, về những nấm mồ tập thể...

Cuốn sách bị cấm lưu hành tại Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ. Tác giả cùng chồng bị bắt giam, nhà cửa tài sản bị tịch thu. Là cây bút nữ duy nhất trong số cả trăm nhà văn nhà báo Saigon bị cầm tù, 14 tháng sau bà được phóng thích cùng 21 đồng nghiệp.

Nhân 50 năm trận chiến 1968, BBC phỏng vấn nhà văn miền Nam, người đã trực tiếp sống và viết với Huế Tết Mậu Thân.

Tác giả Nhã Ca: Là kẻ sống sót sau tàn sát thời chiến và tù đày hậu chiến, tôi luôn tin vào tương lai của Huế, tương lai Việt Nam.

Tôi tin vào tình yêu, tình người, tình gia đình, và tin là người Việt mình từng biết thế nào là ăn ở tử tế. Như Quốc Văn Giáo Khoa Thư đã dạy, tôi tin dân tộc mình cũng là một gia tộc. Anh em, con cháu một nhà có thể bất hòa hoặc tranh chấp, nhưng rồi sau cùng, tất cả cũng vẫn phải về đứng bên nhau trước bàn thờ chung trong ngày giỗ gia tiên.

Tại Huế cũng như tại Việt Nam, từ bao năm qua, mọi hình thức tập họp của dân chúng, dù chỉ tại đền chùa để tưởng niệm cầu siêu cho những hồn oan trong cuộc chiến, vẫn tiếp tục bị ngăn chặn và trấn áp thô bạo.

Với chính quyền trong nước, trận chiến Tết Mậu Thân đến nay vẫn chỉ là thứ đại lễ mừng chiến thắng. Năm mươi năm rồi vẫn vậy. Nhưng dù bao lâu đi nữa, vết thương vẫn sẽ đến lúc buộc phải mở ra chữa trị.

Một thế hệ hiểu biết hơn, khôn ngoan hơn, sẽ biết cách thu xếp gánh nặng ông cha họ bỏ lại. Niềm tin ở một Việt Nam tương lai và một Huế tương lai cho tôi hy vọng ấy.

BBC: Là người có mặt tại Huế trong thời gian xảy ra cuộc tấn công Tết Mậu Thân, lúc nào là thời điểm bà nhận ra lực lượng Cộng sản đã vào chiếm thành phố?

Tác giả Nhã Ca: Cuộc tấn công bắt đầu lúc nửa đêm về sáng ngày mồng Một Tết. Với người dân tại miền Nam như tôi, đó là một đêm hưu chiến vốn vẫn được các phe tôn trọng nhiều năm trước.

Riêng Tết Mậu Thân, còn có tin phía Hà Nội và Mặt Trận Miền Nam xác nhận không chỉ hưu chiến ba ngày Tết như mọi năm, mà sẽ ngưng bắn luôn bảy ngày để đồng bào an tâm mừng Tết dân tộc.

Đêm Tết năm ấy pháo nổ ran khắp nơi. Tiếng súng thoạt đầu có thể lẫn vào tiếng pháo. Nhưng với gia đình tôi thì không thể lẫn được, vì súng nổ ngay trong vườn nhà, nghe buốt tai, buốt óc. Một người em bảo đó là tiếng súng AK, bọn họ đầy vườn.

Ngay sáng đầu năm, khi chạy ngoài đường, tôi thấy những người lính miền Bắc mặc quân phục mang súng AK hoặc ống thép gắn đạn gọi là B40. Thời đó, quân chính quy miền Bắc xâm nhập đã được trang bị hai loại vũ khí Liên Xô tối tân này, trong khi quân đội VNCH chưa có loại tương đương. Nghe AK tróc tróc, nghe B40 ình ình rồi nhìn xe tăng phía VNCH và Mỹ bị bắn ở An Cựu, tôi được biết lực lượng cộng sản đã vào chiếm thành phố.

BBC: Bà đã trực tiếp nhìn thấy hoặc gặp gỡ những cảnh, những người như thế nào, đã chứng kiến chuyện gì trong những ngày đó?

Tác giả Nhã Ca: Ngay khi phải ra khỏi nhà, tôi thấy bên đường đầy xác người. Trong số người gục chết, có những bà mẹ mang áo dài, những cô gái mang áo mầu ngày Tết, có cả từng khúc chân tay người vương vãi.

Cùng đoàn người chạy giữa lằn đạn, tôi từng thấy chính mình ngộp ngụa trong máu khi bị xô đè bởi xác người vừa bị bắn đổ xuống, có lần không phải người, mà là một con chó không biết từ đâu tới. Xin lỗi lỡ lời là bị xô, bị đè. Lẽ ra, phải nói là được che phủ, che chắn, vì sau cùng tôi thấy mình sống sót.
Trong cảnh bom đạn chớp lóa, tôi thấy Cung An Định của bà Hoàng Thái Hậu bốc cháy, thấy Bà Từ Cung mẹ Vua Bảo Đại mặc áo gấm đeo trên lưng một người không biết nam hay nữ. Từ cầu thang cung điện ngộp khói lửa lao xuống, đoàn người theo phò bà Thái Hậu luôn miệng hô "Ngài Ngự, Ngài Ngự", đạp cả lên đầu đám dân đang núp đạn để chạy.

Tuy là Phật tử nhưng từ chiều tối mùng Một Tết, nơi đầu tiên chúng tôi tới được lại là một nhà thờ Thiên Chúa. Đó là khu Dòng Chúa Cứu Thế nổi tiếng ở Huế.

Nhà thờ liên tiếp bị tràn ngập bởi cả người sống lẫn người chết. Không biết cơ man nào là người. Trong nhà giảng, ngay trên bệ thờ cao, bên chân tượng Chúa Cứu Thế, người lớn con nít nằm ngồi chen chúc. Khu nhà ngang đầy người bị thương và xác chết.

Từ mọi xó xỉnh trong nhà thờ tới hang đá ngoài sân, đủ thứ chuyện xẩy ra, lẫn lộn. Mọi lằn ranh hầu như bị xóa nhòa. Sự chết, sự sống không ngừng bị chấn động, biến hiện. Có bà mẹ ôm chặt bọc tã giấu xác con thơ đã bốc mùi. Có bà mẹ trở dạ và em bé sơ sinh chào đời.

Đó là cả một thế giới thu nhỏ bị dìm vào cuộc chiến. Không chỉ gia đình tôi, đồng bào tôi mà cả những người da trắng, tiêu biểu là hai người Pháp, một nam một nữ cầm cờ trắng ghi chữ "Báo Chí", cũng đã bị đưa đẩy tới đây.

Đó là sơ lược cảnh tượng ba ngày Tết Mậu Thân tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế mà tôi đã chứng kiến, đã viết trong sách và dựng lại trong phim.

BBC: Bà nhắc tới hai nhà báo Pháp. Tâm trạng của bà khi thấy họ và trong suốt thời gian có giao tranh tại Huế ra sao? Bà cũng nói đã trực tiếp nhìn thấy binh sĩ Cộng sản. Bà có suy nghĩ, tiếp xúc, và đã viết về họ?

Tác giả Nhã Ca: Khi hai nhà báo Pháp cầm cờ trắng vào nhà thờ, tôi nghe Cha quản nhiệm nhà thờ nói chuyện với họ bằng tiếng Pháp nhưng tự mình thì không tiếp xúc mà chỉ nhìn.

Nhà báo nữ nhỏ thó, dù mặt mũi thất thần, đã nhanh chóng cầm lại máy ảnh hành nghề. Cô chụp người bị thương, em bé nhay vú mẹ cạn sữa, chụp sản phụ, hài nhi. Ống kính có đưa về phía tôi cùng nụ cười làm thân nhưng đã bị cản lại.

Hình như chính hình ảnh cô lúc ấy nhắc tôi nhớ mình là người cầm bút. Không có ống kính máy ảnh như cô, nhưng vẫn có thể ghi những hình ảnh tức thì bằng tai, bằng mắt để sẽ viết. Dù sao, việc viết sách, làm phim là một tiến trình dài.

image001
Huế tan hoang sau Mậu Thân.(Hình từ trang BBC tiếng Việt)



Sau trận chiến 26 ngày tại Huế, sống sót trở về Sài Gòn, tôi biết tên cô phóng viên người Pháp là Catherine Leroy, từng bị cộng sản bắt giữ tại Huế trong Tết Mậu Thân nhưng thoát nạn. Tấm hình cô chụp hai chàng lính miền Bắc sau đó xuất hiện trên bìa báo Life với tựa đề "Một Ngày Đáng Nhớ. Kẻ thù để cho tôi chụp hình."

Kẻ thù ư? Không. Không phải vậy. Hai chàng lính trẻ trong hình và những bộ đội miền Bắc khác, với cô cũng như với những người dân miền Nam như tôi không hề là kẻ thù của nhau. Giữa binh sĩ hai miền cũng vậy. Nơi họ bị đẩy đến, thay vì để giết và bị giết, lẽ ra phải là để được quen biết, để yêu và được yêu.

Tôi còn quay lại Huế nhiều lần, đứng với những hình ảnh được khai quật từ các hầm chôn người, dự các đám tang tập thể, cúng giỗ và có thêm 8 truyện ngắn viết cho Huế đổ nát, đau thươngNhà văn Nhã Ca, Tác giả bút ký Giải Khăn Sô Cho Huế.

Chuyện Huế Tết Mậu Thân đầu tiên tôi đã viết và in là "Tình Ca Trong Lửa Đỏ". Đó là chuyện tình yêu giữa chàng lính trẻ miền Bắc dễ thương với một cô gái Huế.

Để biết nhân vật chàng lính Bắc ra sao trước khi bị đẩy vào "chiến trường B", ngay trong năm 1968, tôi đã có dịp trực tiếp thăm hỏi một số chiến binh miền Bắc trong cuộc tổng tấn công, những người đã rời bỏ cộng sản và đang sống tại hải ngoại mà tôi có gặp lại sau này.

Sau đó tôi còn quay lại Huế nhiều lần, đứng với những hình ảnh được khai quật từ các hầm chôn người, dự các đám tang tập thể, cúng giỗ và có thêm 8 truyện ngắn viết cho Huế đổ nát, đau thương.

Riêng "Giải Khăn Sô Cho Huế", một bút ký chạy loạn, kể những chuyện tai nghe mắt thấy, có sao viết vậy.

BBC: Cuốn "Giải Khăn Sô Cho Huế", như bà nói là viết chuyện tai nghe mắt thấy khi chạy loạn. Vậy các thông tin nêu trong đó, như các tên tuổi, địa danh, con số... có độ chính xác, xác thực đến đâu? Đã từng có ai được nhắc tới trong cuốn sách lên tiếng phản bác một phần hay toàn bộ nội dung hay không? Nếu có, thì những phản bác đó là gì, và bà đã tiếp nhận, phản hồi ra sao?

Tác giả Nhã Ca: Đây chỉ là bút ký, không phải sách nghiên cứu văn chương hay lịch sử, không có loại thông tin sử địa hay con số để đo độ chính xác. Chuyện tai nghe mắt thấy xác thực đến đâu là tùy phán đoán của người đọc hoặc sự đánh giá của các nhà phê bình, nghiên cứu.

Khi cùng các bạn văn nghệ sĩ Sài Gòn đi tù, có lần được công an cộng sản áp tải vào "Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy", đối diện với sách vở miền Nam bị đóng đinh trưng bầy, trong đó có cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế được treo cao, chúng tôi đã đứng yên, nhìn thẳng, lặng lẽ chào tác phẩm của mình và bạn hữu.

Sách đã có đó, nhìn nhận nó như thế nào không còn là phần của người viết. Xin lãnh nhận mọi phần số thử thách. Cám ơn và lặng lẽ là đủ.

BBC: Theo bà, người Việt Nam học được gì khi đối diện với các vấn đề lịch sử có ít nhất ba bên, trong đó mỗi bên nói một cách?

Tác giả Nhã Ca: Chắc sẽ học được điều hay, chọn được cái tốt nhất. Trước mọi vấn đề, nếu được tiếp cận và chọn lựa giữa những thông tin đa chiều -"ít nhất ba bên, mỗi bên nói một cách" - thì đó là cơ hội tốt để nhận thức, chọn lựa.

Nhìn lại Việt Nam và các nước cùng cảnh ngộ một thời, sẽ thấy "Ba mươi năm nội chiến từng ngày" chỉ là một cuộc chiến oan nghiệt. Không cần có.

Không đáng có. Càng không đáng kéo dài. Vậy mà ngay cả khi bom đạn đã im tiếng, đủ loại vết thương có thật từ cuộc chiến vẫn tiếp tục không được mở ra để chữa trị.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, hai năm trước khi Nội Chiến Nam Bắc Mỹ kết thúc, Tổng Thống Abraham Lincoln đã chỉ định "ngày tủi nhục quốc gia" cho nước Mỹ, ngày 30/3/1863. Trong ngày đó ông kêu gọi cả nước cùng nhận chung "tội lỗi dân tộc của chúng ta", cùng nhau xưng tội, cầu nguyện sự khoan dung, tha thứ.

Nội Chiến Hoa Kỳ chấm dứt vào tháng 4/1865. Tất cả tướng tá binh sĩ phe bại trận được giữ tài sản riêng, kể cả súng cá nhân, khi trở về quê quán làm ăn. Lá cờ, tượng đài và nghĩa trang miền Nam bại trận được tôn trọng. Không thấy có người tù đày hay vượt biển. Nước Mỹ mau chóng hàn gắn vết thương, và vững mạnh.

Tháng Tư 1865 của nước Mỹ cách tháng Tư 1975 của Việt Nam 110 năm.

Nước Mỹ đã bắt đầu hàn gắn vết thương ngay sau cuộc chiến. Còn ở Việt Nam, chúng ta đã chờ thêm 43 năm mà vẫn chưa thấy sự hòa giải thực sự. Đó là sự khác biệt dễ thấy.

Lịch sử nhân loại cho thấy mọi cuộc chiến đều yên nghỉ khi được nhìn nhận đúng vị trí của nó, và cuộc sống tiếp tục. Tôi tin sự khôn ngoan của nhân loại. Tôi tin dân tộc tôi từng biết thế nào là truyền thống, là văn hóa, lịch sử. Và tôi luôn vững tin rồi sẽ có một bó nhang chung, một bàn thờ chung, một ngày giỗ chung.

B85_4940_preview (1)
Nhã Ca và Đêm Thắp Nến Tưởng Niệm Tết Mậu Thân tại Chùa Pháp Vân, Toronto.


2. Đêm Thắp Nến Tưởng Niệm



Thưa quí thầy và quí vị,

Tôi vừa từ Cali bay tới đây chiều qua, được nhà chùa kêu tới cho dự lễ tưởng niệm "50 Năm Thảm Sát Huế Mậu Thân," xin nói đôi điều để cùng thương cùng nhớ.

Huế với tôi, gần gụi nhất là con dốc Nam Giao. Bắt đầu dưới dốc là ngôi chùa Báo Quốc, đường lên dốc đầy tiếng chuông tiếng mõ hiền hòa. Ngôi chùa xa hơn sẽ là chùa Tường Vân, nơi có vị Đại lão Hòa Thượng đức độ Thích Tịnh Khiết, Đức Tăng Thống đầu tiên của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà chúng tôi gọi là Ôn Tường Vân. Trong đám trẻ Phật tử một thời, tôi nhớ mình và Lê Hữu Bôi là hai đứa được Ôn thương nhất. Hai chị em thường hay níu áo Ôn vòi vĩnh.

Đường Nam Giao cũng như cả thành phố, mỗi mùa Phật Đản, mỗi mùa Lễ Vu Lan, mỗi dịp Lễ Tết giăng đầy cờ Phật Giáo. Riêng con dốc chật ních người đi chùa. Hai bên đường, dân chúng đặt sẵn những gánh Nước Giếng lấy từ cầu Lim cho người đi lễ chùa uống khi khát. Đó là những lu nước của một ngày, một đêm nấu sôi để nguội. Tôi nhớ thời nhỏ, dù không khát cũng vẫn chờ được uống, vì... ngọt ơi là ngọt. Khi lớn khôn vào đời, tôi vẫn nhớ nước giếng cầu Lim. Nhiều lúc tưởng như mình vẫn nghe hàng trăm, hàng ngàn tiếng chuông dộng đêm ngày, nhắc nhở tâm từ cho những người con Phật.
Tết Mậu Thân, tôi có mặt tại Huế.

Theo bà con từ nhiều phía cùng chạy loạn cho biết, ngay ngày đầu tiên đã có một số dân bị bắt theo danh sách được xử tử trong những phiên tòa án nhân dân. Thanh niên và thiếu nữ khỏe mạnh bị xung công đi khiêng xác chết lính Việt Cộng, người bị thương lên miệt vùng núi. Và rồi khắp thành phố Huế, từ mặt đường, đến ngõ nghách, trong nhà thờ, nhà chùa, nơi nào cũng có thịt rơi, máu đổ.

Và rồi, hàng ngàn dân Huế bị tàn sát.

Theo đoàn người chạy loạn, có những con chó đói, đang nhai, đang gặm những khúc tay, khúc chân, miếng thịt rứt được từ bên lề đường, trong bụi cây, đó là những người đã chết hoặc bị thương nặng, không thể mang theo được, có cả người già và trẻ thơ…

Người em thời nhỏ Lê Hữu Bôi, đêm giao thừa đang ở chùa Tường Vân bị bắt đi xử tử.

Bạn tôi là Hoàng Thị Tâm Túy, khi được tìm thấy từ một hầm chôn người ở trường Gia Hội, nghe nói tóc Túy mọc dài hơn, móng tay mọc dài hơn. Trong cuốn sách "Cuộc Thảm Sát của Việt Cộng tại Huế", tác giả là Alje Vennema một bác sĩ người Canada, có kể rõ công việc của Tâm Túy ở đường Tô Hiến Thành, công việc chỉ là bán hàng ngoài chợ.

Sống sót sau cái Tết oan nghiệt ấy, tôi vẫn thường trở lại với Huế mỗi mùa giỗ tết.

Đầu năm, tiếng khóc bi ai và khăn tang trắng xóa cả thành phố. Hai bên đường là vàng hương, nhang đèn, cây trái, bàn thờ lớn nhỏ chen chúc những lễ giỗ nạn nhân chết trong Tết Mậu Thân, với tiếng khóc não nề.

Không chỉ bên đường, mà trong sân chùa, sân nhà thờ, sân trường học, trên cầu, bên bờ sông, bên các lùm cây, bên cạnh những đống gạch đá chưa được thu dọn hết, khói nhang vẫn nghi ngút. Người đào đã tìm thấy xác thì cúng ở mộ, ở những ngôi mồ tập thể. Những người không tìm ra xác người thân, thì cứ đặt bàn thờ, nhang đèn bất cứ nơi nào nào họ nghi ngờ. Khắp thành phố, khi chiều tối, đâu đâu cũng thấy có người cầm đuốc chạy quanh nhà. Đó là phép "sai vía" mà dân Huế tin tưởng, để dẫn hồn những người chết oan biết đường về nhà.

Nhà chùa, nhà thờ cả tháng giêng dâng những lễ cầu nguyện cho những hồn oan, có đặt thêm bàn thờ dành cho cả những người lính Bắc Việt sinh bắc tử Nam. Chính tôi từng thắp nhang trước những bàn thờ này.

thap nen
Đêm Thắp Nến Tưởng Niệm Tết Mậu Thân tại Chùa Pháp Vân, Toronto.



Nhưng rồi, với chế độ cộng sản thì khác.

Sau năm 1975 không còn cảnh cúng giỗ.

Bia mộ ba tầng bị đập phá, chùa chiền, nhà thờ cấm làm lễ tưởng niệm. Trong trường y khoa Huế, bia tưởng niệm các vị Giáo sư người Đức bị thảm sát cũng bị đập phá, vứt xuống ao rau muống.

Từ sau năm 1975, tôi không trở lại Huế. Nhưng sau khi đi tù về, tôi có duyên may giống như được thấy lại tháp cổ, chuông xưa, nghe được tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Đó là lúc được ở bên Ôn Đôn Hậu. Ôn là Đức Tăng Thống thứ ba của Giáo Hội, nhưng cũng là vị trụ trì Chùa Thiên Mụ từ thời tôi còn là một đồng nữ.

Một ngày, cùng với vị bổn sư của tôi là Hòa Thượng Thích Trí Thủ, chúng tôi chờ Ôn tại ngôi chùa nhỏ. Ôn mới từ Huế vào Sàigòn lấy cớ chữa bệnh. Phải khó khăn lắm mới thu xếp để Ôn rời bệnh viện. Thầy thị giả chở Ôn về chùa bằng xe Honda hai bánh. Vị viện chủ Thiên Mụ, ngôi chùa lịch sử 500 năm được gọi là quốc tự, tuy già yếu, nhưng vẫn đẹp uy nghi.

Hơn nửa buổi ngồi nghe vị Đại Sư và bổn sư trò truyện, tôi biết Ôn đã bị lừa như thế nào. Họ nói mời đi họp rồi bị bỏ thúng khiêng đi, khiêng vô khu, khiêng luôn ra Bắc... Vị sư già có từ bi, có trí dũng, là một bức tường đá. Nhưng đủ thứ loa kèn của người cộng sản vẫn tha hồ ca hát.

Sau buổi gặp ấy, thư phản đối việc cộng sản đàn áp Giáo Hội, bách hại chư tăng, đã được chính thức công bố với ấn ký của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Nhưng dưới mái nhà của đất nước, của Giáo Hội, lá bùa sát nhân của cộng sản, cho tới nay vẫn tác yêu, tác quái.

Thưa quí thầy và quí vị,

Năm nay, 50 năm sau vụ tàn sát Huế, Nhà nước cộng sản bao năm qua vẫn ăn mừng chiến thắng, vẫn tiếp tục tô vẽ một chiến công giả để khuất lấp một tội ác thật. Huế vẫn không thể có được một ngày giỗ chung. Nhưng dù bị trấn áp mức nào đi nữa, tôi biết giải khăn tang Mậu Thân vẫn thắt trên đầu Huế.

Dân Huế, dù sống chết oan khiên, không hề không đòi trả thù. Trả thù để làm gì? Huế, Tết Mậu Thân, người bị giết và kẻ giết người đều chỉ là nạn nhân của nhiều tầng lừa gạt. Thủ phạm đích thực là chủ nghĩa Cộng Sản khủng bố và thủ lãnh thừa sai.

Chiều tối nay, ánh nến sân chùa này bảo tôi, những hồn oan từng bị chôn lấp năm xưa đang ở cùng chúng ta, họ luôn nhắc chúng ta không cho phép lịch sử tiếp tục bị đánh tráo, Không để con em chúng ta phải học, phải đọc những điều gian dối về cha anh của họ.

Xin quý vị cùng góp công cầu nguyện.

Nhã Ca

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hình ý quyền là gì? Là một trong ba hệ thống nội gia quyền có nguồn gốc Thiếu Lâm của võ học Trung Hoa: Thái Cực, Bái Quái và Hình Ý Quyền.
Từ lâu rồi, tôi vẫn ước mơ được đi du lịch Bhutan, hay “Thiên Đường Hạ Giới Cuối Cùng” (The Last Shangri-la), thăm viếng một nơi chốn được mệnh danh là “Xứ Sở Hạnh Phúc” vì sự phát triển của đất nước này được đo bằng hạnh phúc toàn diện của người dân chứ không dựa trên tổng sản phẩm trong nước.
Có thể nói rằng may mắn của tôi cũng như một số anh em văn nghệ cùng thế hệ tôi là được ngồi uống trà, trò chuyện với Trần Vàng Sao trong một bối cảnh hết sức đặc biệt.
Ở đây thăm thẳm hiên đời Mù sương quyện đất với trời dưới chân
chàng là ai, ai định nghĩa được chàng chàng là trăng là sao là mênh mang
Trong đầu hắn vẽ ra cảnh một người đàn ông trần truồng rơi vào giữa khoảng trống của hai bức tường, bị bức tường kẹp dính lại ở giữa, lưng ở bức tường phía sau, ngực ở bức tường phía trước, phía sau màu trắng, phía trước màu đen
Nhưng gần hai thế kỷ trước, Phật Giáo đã có ảnh hưởng lớn trong nền văn học Mỹ qua phong trào triết lý và văn học American Transcendentalism (Phong Trào Siêu Việt Mỹ), với các văn thi sĩ lừng danh như Ralph Waldo Emerson (1803-1882), Henry David Thoreau (1817-1862), Walt Whitman (1819-1892).
Xin chào nhau giữa con đường Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp, sống trong thân thiện, tình cảm cộng đồng, lễ nghĩa với tổ tiên ông bà, thụ hưởng cuộc hội hè, ăn chơi trong và sau tết, bà con gọi chung thời gian này là Ăn Tết; Tết Ta.
Những lễ hội đem thêm màu sắc cho ngày Xuân, và làm cho hương vị mùa Xuân thêm mặn mà. Có lẽ dân chúng kinh đô thời ấy cũng trông cho tới ngày được thấy cảnh rước thần đầy màu sắc của lễ Tấn Xuân hay cái nghi vệ huy hoàng của lễ Du Xuân, mong được nghe trăm phát súng lệnh tống cựu nghinh tân đầy náo nức lòng người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.