Hôm nay,  

20 Năm Viết Về Nước Mỹ

21/02/201900:05:00(Xem: 7776)
front cover 2000
Bìa sách năm 2000


“Hàng ngàn người. Có thể cả chục ngàn, trăm ngàn, rồi cả triệu không chừng. Những người Việt tan tác khắp nơi, chưa gặp, chưa quen... Lạ thay, khi không bỗng thấy nhau thân thiết. Thân tới mức mang cả chuyện nhà của mình ra kể cho nhau nghe. Toàn những chuyện khổ đau, oan ức, tang thương đã bao năm nuốt xuống. Giải Thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ hàng ngày cho tôi cảm giác ấy. Khi viết, khi đọc, thấy thương người, thương mình. Thương tới muốn khóc.

Và bây giờ, bạn thân mến,
Đến phiên tôi kể chuyện nhà cho bạn nghe.

04 ng v khanh_gray
Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. 


Viết về nước Mỹ, được rồi, đang sống ở Mỹ mà. Viết về người Mỹ, tìm đâu cho xa. Tôi muốn nói về người đi bên cạnh tôi 32 năm qua: David, chồng tôi.”

Trên đây là đoạn mở đầu câu “chuyện nhà” của tôi góp phần cùng Viết Về Nước Mỹ, “32 Năm Người Mỹ và Tôi”. Chuyện kể bắt đầu:

“1968, Năm Mậu Thân. Ngày 28 tháng 5, cư xá Cảnh Sát Phú Lâm A đường Lục Tỉnh quận 6 Chợ Lớn. Cộng sản tấn công Sài Gòn lần thứ hai, đặt bộ tư lịnh tại khu cư xá Phú Lâm A. Gia đình tôi cư trú tại đây. Ba tôi là biên tập viên Cảnh sát, ,, tùng sự tại phòng Giảo Nghiệm, Tổng nha Cảnh Sát Quốc Gia ở đường Võ Tánh, Sài Gòn.

Ba tôi bị cộng quân chận bắt, bắn chết tại chỗ. Một viên đứt yết hầu, một viên xuyên bao tử.

Hai chị em tôi chứng kiến cảnh Ba bị bắn chết. Tôi nâng đầu, máu nóng vọt ra. Ngọc Anh đỡ chân, máu nhểu dài xuống đất. Hai chị em lệt bệt, khiêng, rớt... khiêng, rớt... vừa khóc vừa khiêng thây Ba tôi về nhà. Em tôi mới 15 tuổi, mặt đầy nước mắt, hai bím tóc, bộ đồ trắng loang máu.

Khoảng đường gần 100 thước đó dài, nặng, đau đớn, uất ức, hận thù, khắc sâu vô tim, vô óc, vô suốt cuộc đời chúng tôi.

Một ngày tháng giêng năm 1969, anh rể tôi đem về giới thiệu người bạn vừa ra lính Hải quân, David. Mới 20 tuổi, mắt sáng, tóc đen xanh, ốm gọn, nhanh nhẹn, rất lịch sự, đàng hoàng. Tôi thấy cảm tình.

Khi Ba chết, đám em tuổi từ 15, 13, 10, 7, 5 và đứa em út (Thúy Phương) chưa đầy 3 tuổi. Má tôi vợ công chức chỉ biết nội trợ. Người chồng tốt, người cha hiền đã bị bắn chết. Con không cha như nhà không nóc. Là chị lớn của lũ em, thân con gái, biết làm sao đây.

Tôi đã nguyện với lòng sẽ tìm đủ cách để đi khỏi nước Việt Nam, khỏi nơi đầy thù hận, đầy bất công, đầy tủi nhục. Và đó, David tới đúng lúc. Chính y sẽ đem tôi ra khỏi vùng u tối và nhờ đó tôi sẽ tìm cách đem gia đình đi luôn. Thôi, giã từ các bạn, tôi rẽ qua ngả khác từ đây.

Tôi nhận lời làm đám cưới với y.

Đang để tang ba. Đám tang với đám cưới gần quá. Tôi chọn đúng ngày Ba bị bắn làm ngày cưới. 28 tháng 5.

Cho trộn lẫn vô nhau, trong tim, trong óc.”

Và rồi, thêm 32 năm.

Đó là chuyện nhà tôi đã kể. Bài viết được trao giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2001.

Mới đó, đã là 20 năm.

Biết bao nhiêu buồn vui để nhớ.

*

05 tat ca_gray
Kiều Chinh, Thượng nghị sĩ California Joe Dunn và các vị dân cử, MC Leyna Nguyễn


Năm 2000, khi giải thưởng Viết Về Nước Mỹ (VVNM) ra đời, vợ chồng tôi đang sống trên một con tàu đậu ở Marina del Rey, còn gọi là Boat City vì có trên dưới năm ngàn chiếc tàu.

Thành phố tàu thuyền này khi xưa chỉ là bãi đất sình bùn cho vịt trời và nhiều giống chim sinh sản. Chính phủ chừa lại một khu dành riêng cho thú, phần còn lại được cào xới, vét đất, lót đá, dẫn nước vào tạo thành cái bến nhân tạo gồm nhiều cầu nổi, cho tàu thuyền mướn chỗ neo đậu. Xung quanh Boat City là những khách sạn, nhà hàng và chung cư sang trọng. Ông chồng Mỹ gốc hải quân của tôi, thời mở hãng làm ăn được mùa, thành chủ tàu, nhất định đòi về đây sống luôn.

Tại cái hãng làm ăn, từ thời computer mới thịnh hành, ông ta cũng quyết định làm chuyện thay đổi rất tốn kém: một công ty được giao lãnh thầu đặt lên bàn từ giám đốc tới thư ký, mỗi bàn một cái máy điện toán mới toanh, nhân viên được nghỉ nguyên một ngày để học cách sử dụng.

Từ mùa thu năm 1992, tôi đã làm việc cho Hội Đồng Thẩm Mỹ của tiểu bang California, nhưng chỉ là việc làm bán thời gian vì loại công việc việc này quá nhiều căng thẳng, không ai được làm toàn thời gian. Vì vậy, giờ giấc còn lại tôi vô hãng ông chồng làm thêm, nên cũng được theo học khóa dạy computer cấp tốc ấy.

Thời đó , làm chung hãng có em tôi là Ngọc Anh (NA). Một hôm NA đưa cho tôi xấp giấy biểu đọc đi hay lắm. Đó là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, tựa đề “Năm Nay Tôi 89 Tuổi” của tác giả Nguyễn Gia Mai. Kèm bài viết, còn có thể lệ cuộc thi giải Viết Về Nước Mỹ do Việt Báo phát động. Đọc bài xong, thấy tôi khen hay quá thì NA đốc xúi: viết đi viết đi, dễ mà.

Nhờ biết sử dụng computer nên trong giờ nghỉ tôi gõ lóc cóc bằng 2 ngón tay, xong liền bài “Một Ngày Làm Việc Ở State Board,” Ngọc Anh giúp đánh dấu tiếng Việt rồi gởi đi.

Sau khi bài được đăng trên báo giấy Việt Báo và việt báo online, tôi nhận được lời chúc mừng từ nhà thơ Thái Tú Hạp báo Saigon Times. Vài ngày sau, nhận thêm thư của nhà văn Giao Chỉ do tòa báo chuyển tới. Trong thư, nhà văn xin phép được chuyển bài này tới 300 thành viên của ông.

Được sự khuyến khích của các vị tiền bối, tôi hăng say gõ tiếp, không chỉ ở sở làm mà còn ngay trên con tàu chúng tôi đang sống tại Boat City. Chúng tôi bắt đường dây lên tàu, nối mạng. Thời đó internet còn rất yếu nên khi có khi không, gõ xong một bài cũng “trần ai khoai củ” nhưng tôi vẫn ráng gõ.

Cái máy điện toán đầu tiên tôi sắm không có dấu chữ Việt. Mạng inetrnet thì khi có khi không, liên lạc khó khăn. Bài gõ xong phải in ra giấy, đánh dấu chữ Việt rồi gởi đến tòa soạn.

Cái gì chớ kể chuyện xảy ra hàng ngày cùng những gì mình đã trải qua, đâu có gì khó? Cứ kể sự việc về chuyện thật, người thật như đang trò chuyện với bà con, bạn bè. Thế là, tôi có được loạt bài “Một Ngày Đi Học Nghề Thẩm Mỹ, Một Ngày Đi Dạy... Một Ngày Đi Thi...”

Họp mặt ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ lần đầu, tôi còn nhớ được tổ chức tại Thư viện Tổng Thống Nixon ở thành phố Yorba Linda. Hoa viên có hồ nước sang trọng, sảnh đường có thức ăn nhẹ, thính đường với sân khấu chính qui. Trong chương trình, thấy có nữ tài tử Kiều Chinh, MC là Cô Leyna Nguyễn, người dẫn chương trình nổi tiếng của đài TV số 9. Bên cạnh phần ra mắt sách, phát giải thưởng, tôi còn nhớ có cả cô Bích Liên góp tiếng hát rất hay.

07 man giac_gray
Tác giả Nguyễn Văn Luận nhận giải năm 2000 do Hòa thượng Mãn Giác trao tặng.


Giải Viết Về Nước Mỹ năm 2000 được phát động từ tháng 5. Ngày phát giải là 29/11. Chỉ mới 6 tháng. Giải nhất cho nửa năm này gọi là Giải Chính Thức” do Hòa Thượng Mãn Giác trao tặng. Người nhận giải chính là tác giả “Nguyễn Văn Luận, với bài viết “Người Tìm Tự Do và Tượng Thần Tự Do”.

Đây là một tự truyện. Năm 1953, Phó Tổng Thống Mỹ sang thăm Hà Nội, có đến thăm trường Văn Hóa. Tác giả còn là cậu bé học trò 14 tuổi. Ngồi bàn đầu và là học sinh giỏi, cậu bé được chọn đại diện lớp bắt tay ông Nixon, nói vài câu tiếng Anh chào đón và được ông tặng một tấm bưu ảnh có in hình Tượng Thần Tự Do.



Bài viết kể là sau này, vì tấm post card ấy, anh phải vào nhà tù Hỏa Lò. Sau 28 năm đọa đầy tại miền Bắc cộng sản, anh mới tìm lại được tự do khi vượt biển và đến được New York năm 1986, và một mình tìm đến với Nữ Thần Tự Do đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm của pho tượng.

Chính là vì nội dung bài viết xúc động này, Thư Viện Tổng Thống Nixon trở thành nơi ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ năm đầu tiên. Từ New York bay về nhận giải, tác giả Nguyễn Văn Luận được ông giám đốc thư viện và đại diện Việt Báo hướng dẫn tới thăm phần mộ của vị Tổng Thống trong khuôn viên thư viện.

Chu đáo khi tổ chức. Trân trọng với người viết. Đó là tinh thần chung. Và trang Việt Báo Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên, không ngày nào không có bài viết mới.

Truong Ngoc Bao Xuan nhan giai
Tác giả nhận giải Chung Kết 2001. Hình từ trái: Bảo Xuân, Nghị viên Tony Lam, Thị trưởng Margie Rice. Hàng sau, Trần Dạ Từ, Thảo Trường.


Sang năm thứ hai, họp mặt phát giải Viết Về Nước Mỹ được tổ chức ngày 23 tháng 9, 2001, đúng lúc cả nước Mỹ đang sôi sục với “biến cố 911 đau thương”. Bọn khủng bố cướp và biến máy bay dân sự chở khách thành bom bay, lao thẳng vào hai Tòa Mậu Dịch (Twin Towers), và Ngũ Giác Đài làm gần 4000 người thiệt mạng.

Buổi ra mắt sách phát giải thưởng VVNM lần này được tổ chức tại nhà hàng cũng là dịp kỷ niệm 10 năm Việt Báo. Chương trình được bắt đầu bằng nghi thức Tưởng Niệm. Ban tiếp tân bận áo dài trắng, rước nến nguyện cầu, hướng về gần bốn ngàn nạn nhân đã chết.

Đó là ngày tôi được lãnh hai giải thưởng: Giải Sơ Kết Đợt III cho loạt bài “Một Ngày Làm Việc...” và Giải Chung Kết cho bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi”.

Tại quầy sách trong buổi họp mặt này, sách Viết Về Nước Mỹ bắt đầu “có đôi.” Bên cuốn 1 vừa tái bản, đã có thêm cuốn 2. Cạnh sách còn có thêm băng nhựa đọc các truyện được giải, trong đó có tôi. Mấy cuốn băng nựa ấy nay đã là “đồ cổ” nhưng tôi vẫn giữ chúng, và luôn nhớ lời nhàø báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, vị chủ khảo đầu tiên của ban tuyển chọn, đã viết và nói trong một ngày phát giải: “Từng câu chuyện của từng người, từng gia đình khi được viết lại, sẽ trở thành những gì quí giá nhất lưu lại trên giấy tờ, một thứ di sản của những người Việt định cư ở Mỹ để lại cho những thế hệ kế tiếp.”

IMG_1577
Tác giả Trùng Quang sinh năm 2912, phát biểu khi nhận Vinh Danh VVNM 2002. Bên cạnh là Kiều Chinh, học trò cũ thời Hà Nộäi. Bà từ trần năm 2012, thọ 101 tuổi, di tặng lại cho Việt Báo Foundation 10,000 mỹ kim tiền tiết kiệm để góp phần duy trì giải thưởng. Từ 2013, Việt Báo có thêm Giải văn hóa Trùng Quang.


Quốc Hội Hoa Kỳ, trong khóa họp ngày 28 tháng Bảy 2010 tại thủ đô Washington, đã chính thức đọc văn bản tuyên dương 10 năm Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Đây không chỉ là gìn giữ một ngôn ngữ mà còn là bảo tồn một bản sắc văn hóa độc đáo, tạo dựng những trang sử sống động của cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ. Dân biểu Loretta Sanchez mang tin vui đến thăm Việt Báo.

Từ Washington DC, Thượng nghị sĩ Jim Webb cũng đặc phái một sứ giả mang thư từ văn phòng Thượng Viện về tuyên dương Việt Báo. Tờ báo được gọi là “cơ sở truyền thông bậc nhất.” Thành quả Viết Về Nước Mỹ là “phi thường” và các tác giả thắng giải là “quán quân cấp quốc gia”.

Ông Nghị sĩ là nhà văn có khác.

Cám ơn ông. Chị em tôi đọc mà phổng mũi.

Năm nay, sang năm thứ 20.

Ms Vinh-Cu Ba (10)
Năm 2010, Bà chị và Cụ Thân Mẫu tác giả Nguyễn Trung Tây nhận giải thay vị Linh Mục đang ở Úc Châu.


Hai mươi hai cuốn Viết Về Nước Mỹ đúng là đã thành bộ sách “lịch sử ngàn người viết” theo cách gọi của nhà thơ Nguyên Sa. Không chỉ một ngàn mà nhiều ngàn. Mở Việt Báo Online coi, hơn 5600 bài. Hàng ngày không ngừng được “tiếp tay” phổ biến khắp thế giới, kể cả ngay trong nước Việt Nam. Tôi nghe kể mấy nhà sách ở Saigon Đà Nẵng có cả ngăn riêng trưng loại sách gốc Mỹ này do họ tự in lấy. Khỏi tính sách báo in, kể cả Việt Báo 7/7 quanh năm không nghỉ, ngày nào cũng có bài. Cũng không tính các trang mạng khác, chỉ riêng Viết Về Nước Mỹ trên Việt Báo onlile thôi, con số lượt người đọc cho tới nay đã gần tròn 800 triệu...

Hai mươi năm sao như cái chớp mắt.

sau-brown-do-doan-que-nha-ca
Năm 2013, tác giả Sáu Steave Brown nhận giải Trùng Quang do Ông Đỗ Doãn Quế và Nhã Ca trao tặng.


Mới đó, Viết Về Nước Mỹ ra mắt tại Thư viện Nixon. Hòa thượng Mãn Giác trao giải nhất năêm 2000 cho tác giả Nguyễn Văn Luận. Cụ Nguyễn Gia Mai 89 tuổi mà đi đứng thẳng thớm khi nhận giải vinh danh bài viết về nước Mỹ đầu tiên. Sách Viết Về Nước Mỹ cuốn đầu bán hết cái vèo. Mà người viết đâu có ai tên tuổi. Cứ vậy mà tới. Ấy là nhờ “sách Viết Về Nước Mỹ đã phá vỡ bức tường ngăn cách giữa người viết và người đọc.” Phát biểu trong lễ ra mắt sách phát giải VVNM năm 2003, nhà thơ Du Tử Lê đã nói. Tiếp theo, nhà báo Đỗ Ngọc Yến nói ông đồng ý với nhà thơ, đúng là Trần Dạ Từ đã làm được việc này.

Tôi không phải người viết mà chỉ là người đọc. Đọc rồi thấy sao toàn người chưa gặp, chưa quen mà bỗng thành thân thiết. Không thân sao mang nhà ra kể cho nhau nghe. Toàn những chuyện bao năm phải cố ngậm mà nuốt. Cho nó ra đi.

Đúng như hai nhà thơ nhà báo giúp chỉ rõ: Dẹp bỏ được bức tường ngăn cách, người đọc và người viết về nước Mỹ là một. Vì đã đọc là thấy phải chia xẻ, phải viết. Nhờ vậy mà có bộ sách ngàn người viết.

phan-kc-resized
Phan, tác giả VVNM có nhiều bài đạt số lượng trên dưới triệu lượt người đọc, mới nhận giải chung kết 2018.


Hai mươi năm, 6000 bài viết. Và sẽ còn hơn nữa.

Nhưng bên cái còn, còn biết bao cái mất.

Hai mươi năm. Hơn một thế hệ đi và đến. Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, nhà văn Thảo Trường, và nhiều tác giả khác. Mới đó mà đã khuất. Ngậm ngùi. Tôi nhớ và lại tự nhắc mình, như đã kể trong bài viết trên con tàu ở Boat City: Nhìn coi, kìa biển sóng sau lùa sóng trước.

Mới đây, họp mặt năm thứ 19, nhà thơ Du Tử Lê nói thêm, “Viết Về Nước Mỹ đã thật sự trở thành một tượng đài bằng chữ nghĩa của người Việt hải ngoại.” Thật là một thành quả đáng ngưỡng mộ. Không uổng công bao người đã cùng làm, cùng viết. Cám ơn mợi người đã cho tôi cơ hội góp mặt.

LORETTA-SANCHEZ_400
Quốc Hội Hoa Kỳ chính thức tuyên dương thành tích 10 Năm Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Dân biểu Loretta Sanchez. đích thân mang tin đến tòa báo. Hình từ trái: Nhã Ca, Hòa Bình, Loretta Sanchez và Kiều Chinh.


Bộ sách chung đã vào Thư Viện Quốc Quốc Gia Hoa Kỳ. Sách có bán trên mạng Amazon. Từng ngày, vẫn thêm bài viết mới. Lượng người đọc thật sự, đâu chỉ 800 triệu trên Việt Báo online. Người Việt trong một nước Việt tự do của tương lai rồi sẽ đọc, sẽ biết.

Như thế đó, bạn ơi. Bạn còn chờ gì mà không đọc, không viết.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hình ý quyền là gì? Là một trong ba hệ thống nội gia quyền có nguồn gốc Thiếu Lâm của võ học Trung Hoa: Thái Cực, Bái Quái và Hình Ý Quyền.
Từ lâu rồi, tôi vẫn ước mơ được đi du lịch Bhutan, hay “Thiên Đường Hạ Giới Cuối Cùng” (The Last Shangri-la), thăm viếng một nơi chốn được mệnh danh là “Xứ Sở Hạnh Phúc” vì sự phát triển của đất nước này được đo bằng hạnh phúc toàn diện của người dân chứ không dựa trên tổng sản phẩm trong nước.
Có thể nói rằng may mắn của tôi cũng như một số anh em văn nghệ cùng thế hệ tôi là được ngồi uống trà, trò chuyện với Trần Vàng Sao trong một bối cảnh hết sức đặc biệt.
Ở đây thăm thẳm hiên đời Mù sương quyện đất với trời dưới chân
chàng là ai, ai định nghĩa được chàng chàng là trăng là sao là mênh mang
Trong đầu hắn vẽ ra cảnh một người đàn ông trần truồng rơi vào giữa khoảng trống của hai bức tường, bị bức tường kẹp dính lại ở giữa, lưng ở bức tường phía sau, ngực ở bức tường phía trước, phía sau màu trắng, phía trước màu đen
Nhưng gần hai thế kỷ trước, Phật Giáo đã có ảnh hưởng lớn trong nền văn học Mỹ qua phong trào triết lý và văn học American Transcendentalism (Phong Trào Siêu Việt Mỹ), với các văn thi sĩ lừng danh như Ralph Waldo Emerson (1803-1882), Henry David Thoreau (1817-1862), Walt Whitman (1819-1892).
Xin chào nhau giữa con đường Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp, sống trong thân thiện, tình cảm cộng đồng, lễ nghĩa với tổ tiên ông bà, thụ hưởng cuộc hội hè, ăn chơi trong và sau tết, bà con gọi chung thời gian này là Ăn Tết; Tết Ta.
Những lễ hội đem thêm màu sắc cho ngày Xuân, và làm cho hương vị mùa Xuân thêm mặn mà. Có lẽ dân chúng kinh đô thời ấy cũng trông cho tới ngày được thấy cảnh rước thần đầy màu sắc của lễ Tấn Xuân hay cái nghi vệ huy hoàng của lễ Du Xuân, mong được nghe trăm phát súng lệnh tống cựu nghinh tân đầy náo nức lòng người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.