(Lời tâm tình: Bài viết về “Sử Việt” chỉ khái quát, không đi sâu từng chi tiết của mỗi nhân vật. Cuối mỗi bài viết, phần “Thiết nghĩ” nếu có chỉ là góp ý của tác giả, không ngoài mục đích làm sáng tỏ thêm về nội dung đã biên soạn. Trang Sử Việt luôn mong mỏi nhúm nhen tình tự dân tộc, niềm yêu thương quê hương và giữ gìn Việt ngữ cùng văn hóa Việt. Trang Sử Việt đăng trên Vietbao Online vào thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần).
________________
NGUYỄN AN NINH
(1900 - 1943)
Nguyễn An Ninh quê huyện Hóc Môn (nay thuộc Sài Gòn). Thân phụ là ông Nguyễn An Khương là một nhà văn có tinh thần yêu nước, thông thạo nho và chữ Quốc ngữ.
Nguyễn An Ninh học ở trường Taberd, rồi Trường Chasseloup Laubat. Năm 1915 (15 tuổi), ông được nhận làm biên tập cho tờ Courrier saigonnais. Năm sau, tốt nghiệp trung học với bằng ưu, ông ra Hà Nội học Cao đẳng Y Dược. Học được nửa năm, ông lại quyết định chuyển sang học luật và chính trị với hy vọng biết để đấu tranh sau này. Năm 1918, ông sang Paris, học đại học ngành luật tại Đại học Sorbonne. Hai năm sau, ông được cấp bằng Cử nhân Luật hạng ưu.
Tại Pháp, ông liên lạc với các nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường... tìm cách giúp quê hương. Ngày 5-10-1922, ông về nước, ngày 25-1-1923, ông diễn thuyết bằng tiếng Pháp với đề tài: "Une culture pour les Annamites" (Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam); kêu gọi mọi người dân Việt hãy mau mở mang dân trí, mau thoát ách nô lệ.
Ngày 22-2-1923, ông sang Pháp lần thứ hai, mục đích hoàn tất bằng Tiến sĩ Luật, rồi trở về nước, dịch 5 chương đầu cuốn “Khế ước xã hội” (Contrat social) của Jean-Jacques Rousseau nhằm truyền bá tư tưởng tự do: "Người ta sinh ra tự do, chính quyền là một tổ chức cai trị theo khế ước xã hội, vì thế chính quyền phải phục tùng ý chí của toàn dân".
Ngày 15-10-1923, ông diễn thuyết đề tài: "L’ideál de la Jeunesse Annamite" (Cao vọng của thanh niên), tại Hội Khuyến Học Nam Kỳ ở Sài Gòn. Ông nói: "Cứ suy tôn Khổng Tử chúng ta khó tiến bộ. Tự do không phải là một món vật mà ta có thể chuyền tay, có thể cho hay bán. Ai cũng có thể được tự do. Hỡi thanh niên hôm nay, không ai cấm chúng ta phác họa ước mơ và cao vọng!”. Và ông nhấn mạnh: "Vì sao để thực dân Pháp khai thác và bóc lột đến tận xương tủy cả Đông Dương!" Đã được nhiều người nhiệt liệt tán thưởng. Bài diễn thuyết như tiếng chuông cảnh tỉnh thân phận người dân mất nước.
Thống đốc Pháp là Cognacq mấy lần gọi ông đến hăm dọa và cấm ông không được diễn thuyết cho dân chúng nghe.
Ngày 10-12-1923, ông lập tờ báo Pháp văn La cloche fêlée (Tiếng chuông rè) ở Sài Gòn, chỉ trích thực dân pháp, đề cao các nhà yêu nước và truyền bá tư tưởng tự do, ông làm chủ bút, biên tập, xếp chữ, còn tự ôm báo đi rao bán dạo. Thực dân Pháp thấy vậy, cấm các nhà in không nhận in; người bán báo, đọc báo đều bị theo dõi. Vì vậy, đến ngày 14-7-1924, báo Tiếng chuông rè đình bản.
Ngày 10-1-1925, ông sang Pháp lần thứ ba, tại Pháp ông viết: “Nước Pháp ở Đông Dương”, nội dung chống thực dân quyết liệt, đòi hỏi các quyền tự do dân chủ căn bản. Ngoài ra, ông còn diễn thuyết tại Khách sạn Hội Bác học (Hôtel des Sociétés Savantes), Paris, đề tài “Tinh thần dân chủ của nước Việt Nam”.
Sau đấy, ông cùng Phan Chu Trinh về nước. Cuối năm 1925, ông cộng tác với Luật sư Phan Văn Trường (1875-1933), mở lại tờ báo Tiếng chuông rè. Ngày 21-3-1926, ông diễn thuyết trước 3000 người nghe, kêu gọi chống chủ nghĩa thực dân, ba hôm sau, ông bị nhà cầm quyền Pháp bắt kết án 18 tháng tù nhưng giam 10 tháng thì được thả.
Ông qua Pháp lần thứ tư, đến ngày 6-1-1928, ông về nước, vào cuối năm 1928, ông bị Pháp bắt lần thứ hai về vụ “Hội kín Nguyễn An Ninh” và bắt một số người ủng hộ ông. Ông bị kết án 3 năm tù, ra tù ngày 3-10-1931. ông tiếp tục viết báo chỉ trích thực dân, nên đến tháng 4-1936, lại bị bắt về tội “phá rối trị an”, đến tháng 11 năm 1936 thì được thả.
Đến tháng 7-1937, Pháp lại bắt giam ông lần thứ tư. Đến tháng 1-1939, ông ra tù và tiếp tục đấu tranh. Tháng 9-1939, Thế chiến thứ hai bùng nổ ở châu Âu; tại Đông Dương, thực dân Pháp thiết quân luật và truy lùng bắt các nhà yêu nước để ngăn ngừa dân bị trị vùng lên tự giải phóng mình. Ngày 5-10-1939, ông bị bắt lần thứ năm bị kết án 5 năm tù, lưu đày Côn Đảo. Trên đảo, ông bị hành hạ, bị đói khát nên kiệt sức qua đời vào ngày 14-8-1943, hưởng dương 43 tuổi.
Ông chẳng những là nhà chính trị kiên cường, còn là nhà văn thơ sâu sắc, ông để lại: Nước Pháp ở Đông Dương (La France en Indochine, 1925); Hai Bà Trưng (tuồng hát, 1928); Tôn giáo (1932); Dân ước (dịch những đoạn chính trong quyển Contrat social của Rousseau, 1923).
Bài thơ “Sống và Chết” của ông, nhiệt huyết yêu nước nồng nàn (trích 2 đoạn):
Sống mà vô dụng sống làm chi?!
Sống chẳng lương tâm sống ích gì?
Sống trái đạo người, người thêm tủi
Sống quên ơn nước, nước càng khi!
Chết sao cho tiếng vẫn còn hoài
Chết đáng là người đủ mắt tai
Chết được dựng hình tên chẳng mục
Chết đưa vào sử chữ không phai!
*- Thiết nghĩ: Nguyễn An Ninh là người học thức uyên bác, được Pháp mến mộ và ưu ái ngay buổi ban đầu, nhưng ông không thể hưởng “vinh hoa phú quí” chỉ riêng cho bản thân và gia đình nên không hợp tác với Pháp, dứt khoát từ chối để dấn thân vì quốc gia dân tộc. Ông là một chính khách hoạt động chính trị kiên cường, đã nhiều phen bị thực dân Pháp bắt và giam cầm, nhưng lòng son sắt của ông không thể quên quê hương và dân tộc. Ông là người am hiểu đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng. Riêng Khổng giáo, ông đã thẳng thắn: "Cứ suy tôn Khổng Tử, chúng ta khó tiến bộ?!”.
Nguyễn An Ninh là người luôn bôn ba lo nước nhà, trong những bài báo chống Tây của ông, nếu độc giả chỉ đọc hời hợt thì chỉ thấy lời lẽ nhẹ nhàng, nếu ngẫm nghĩ kỹ càng thì mới thấy ý tứ chặt chẽ, nội dung chống Tây sắc bén. Người đời còn lưu truyền: “Nhìn ông thể chất yếu ớt, nhưng khi nghe ông diễn thuyết qua các đề tài: ‘Cao vọng của thanh niên. Tinh thần dân chủ của nước Việt Nam...’ Giọng ông vang vang khắp hội trường. Lời lẽ hào hùng và tuyền cảm đã gây cho khán giả nhiệt liệt tán thưởng. Khi đấy mới hiểu tâm tư ông đã chứa chan tình non nước tự bao giờ?!”
Nguyễn An Ninh trong 2 thập niên (1923 đến 1943) là nhân vật của thời đại và ngày nay là nhân vật của lịch sử.
Cảm phục: Nguyễn An Ninh
Nguyễn An Ninh, chí khí hăng say!
Tranh đấu sắt son, dẫu đọa đày!
Du học Ba Lê, còn chống Pháp?!
Hồi hương đất Việt, vẫn trừ Tây!
Nguyễn Lộc Yên
Gửi ý kiến của bạn